Ầm ĩ chuyện quý bà giàu có bao nuôi nhà thơ nghèo

Ầm ĩ chuyện quý bà giàu có bao nuôi nhà thơ nghèo
TP - Tháng 11 năm 2006, Hoàng Huy quê ở Hồ Nam (Trung Quốc), một nhà thơ trẻ khá có tiếng tăm, do cuộc sống quá bức bách đã nhờ báo chí đăng tin anh ta muốn tìm một quý bà giàu có để bao nuôi nhằm thực hiện được giấc mơ sáng tác của bản thân…
Ầm ĩ chuyện quý bà giàu có bao nuôi nhà thơ nghèo ảnh 1
Hồng Diễm - phú bà nhận bao nuôi chàng thi sĩ nghèo Hoàng Huy

Sau khi báo chí đăng tải tin này đã dấy lên làn sóng chỉ trích, phê phán mạnh mẽ trên các diễn đàn mạng và trên báo chí. Người ta tới tấp phê Hoàng Huy là “thi sĩ rởm”, “tiện khách văn hóa”, “nhà văn lưu manh”…

Mọi chuyện rồi cũng dần qua đi, nhưng mới đây Hồng Diễm, một phụ nữ giàu có, tác giả của tiểu thuyết “Thương hải mê tình” công khai tuyên bố trên blog của mình muốn bao nuôi Hoàng Huy trong một năm, đã làm vụ việc sống lại và càng trở nên ầm ĩ.

Thậm chí có ý kiến cho rằng đây sẽ là sự kiện nổi bật nhất của làng văn nghệ Trung Quốc năm nay.

Trước phản ứng dữ dội của công chúng, Hồng Diễm nói cô không ngờ vụ việc lại gây nên tranh cãi như thế, “tôi không dám đọc các ý kiến trên mạng nữa”.

Nhưng cô cũng muốn thông qua báo chí để thanh minh cô nhận bao nuôi Hoàng Huy không phải là sự trao đổi về mặt thân xác mà bản chất là tài trợ cho chàng thi sỹ mà thôi.

Sau khi tin loang ra, trên mạng đã lan truyền bản thỏa thuận giữa hai người với ngôn từ rất “hấp dẫn”: “Bên B (Hoàng Huy) có nghĩa vụ sáng tác, làm việc và phục vụ khác cho bên A (Hồng Diễm), đảm bảo cần lúc nào có lúc ấy. Thời gian và phương thức phục vụ cụ thể bên B phải tích cực phối hợp…”.

Tuy nhiên, sau đó Hồng Diễm đã kiên quyết phủ nhận. Cô nói, lúc đầu Hoàng Huy cũng hiểu lầm ý định của cô và đưa ra cái giá 12 vạn tệ/năm.

“Tôi chỉ muốn dùng sự tài trợ của mình để nâng cánh cho anh ấy thôi”. Cô nói, khi báo chí đăng tin Hoàng Huy tìm người bao nuôi, cô đã đi sâu tìm hiểu thông tin về anh ta thì thấy đây là một thi sĩ có lý tưởng chứ không phải kẻ giang hồ lừa đảo.

Cô bao nuôi Hoàng Huy là đồng cảm với anh ta vì cô cũng từng lưu lạc ở Thâm Quyến, từng chịu đói khát. “Anh ấy có tài, nhưng thiếu cơ hội!”.

Ấn tượng của Hồng Diễm về chàng thi sĩ nghèo ấy là “người cao, tướng mạo đàng hoàng, tiên phong đạo cốt, khí độ phi phàm”.

Hồng Diễm cho biết, hiện nay Hoàng Huy sống nhờ vào tiền nhuận bút, chỉ khoảng 500 tệ/tháng. Hợp đồng bao nuôi của cô gồm hai phần: thứ nhất, thuê cho Hoàng Huy một căn hộ riêng biệt thích hợp cho việc sáng tác; hai là, đảm bảo toàn bộ việc ăn mặc cho anh ta.

“Mỗi tháng chi phí sẽ khống chế trong khoảng 10 ngàn tệ (20 triệu VND). Tôi không giàu có gì lắm, nhưng khoản tiền như thế thì cũng có”. Hồng Diễm nhấn mạnh:

“Tôi không hiểu hết về Hoàng Huy nên phải mượn đến giấy trắng mực đen để ký kết hợp đồng. Điều kiện là trong một năm anh ấy phải đạt được mục tiêu bản thân đã xác định và tôi chấp nhận được”.

Được biết, Hồng Diễm là trợ lý Tổng Giám đốc một tập đoàn công ty ở Trùng Khánh và có công ty văn hóa riêng, là hội viên Hội Nhà văn Trùng Khánh, sáng tác viên của Viện Văn học Trùng Khánh.

Cuối năm ngoái cô đã xuất bản cuốn tiểu thuyết “Thương hải mê tình” (Mối tình si của thương gia), trước đây cô cũng đã có một số tác phẩm. Cô đã từng kết hôn rất sớm, nhưng sau đó người chồng khi đi học nghiên cứu sinh ở Cáp Nhĩ Tân đã ngoại tình.

Chán chường cô đã bỏ xuống Thâm Quyến để kiếm sống và chịu bao vất vả khổ sở để vượt lên số phận và trở nên giàu có.

Tuy các nhà báo không thể tiếp xúc được với Hoàng Huy, nhưng Hồng Diễm đã cung cấp cho họ một bài viết của anh ta, trong đó có đoạn:

“Tôi đón nhận tin Hồng Diễm bao nuôi mình với cảm giác vừa mừng vừa lo… Tôi biết miệng lưỡi người đời sẽ quyết không buông tha cô ấy. Tôi phải xin lỗi Hồng Diễm vì đã hại đến cô ấy…

Nhìn thấy ảnh của Hồng Diễm, tôi thực sự thích người con gái này. Tôi nguyện sẽ dâng lên nàng những vần thơ đẹp nhất. Nếu được sống suốt đời với một phụ nữ như thế thì  tôi nguyện làm mọi điều theo yêu cầu của cô ấy” (!).

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.