Nghệ sĩ nhạc jazz Mike Lê Duy Trường Linh:

Âm nhạc Việt Nam đang bị “hội chứng chai lỳ”

Nghệ sĩ Lê Duy giảng dạy nhạc jazz tại Nhạc viện TPHCM. Ảnh: T.L.
Nghệ sĩ Lê Duy giảng dạy nhạc jazz tại Nhạc viện TPHCM. Ảnh: T.L.
TP - Nghệ sĩ nhạc jazz Mike Lê Duy Trường Linh (tên thường gọi là Mike Lê Duy), Đại học Melbourne và Musician Institute of California - Hoa Kỳ, hiện là giảng viên ghi ta nhạc nhẹ của Nhạc viện TPHCM đã có cuộc trò chuyện về nhạc jazz tại TP HCM.

Cơn gió nào đã đưa nghệ sĩ Mike Lê Duy đến với nhạc jazz TPHCM vậy?

Tôi sinh ra tại TPHCM nhưng theo gia đình định cư tại Úc từ khi còn nhỏ. Cuộc đời của tôi may mắn được học rất nhiều về âm nhạc, học 3 trường đại học âm nhạc tại Úc và Mỹ. Tôi cũng dạy nhạc ở nhiều nước. Tại Việt Nam thì Khoa ghi ta nhạc nhẹ của nhạc viện TPHCM mời tôi làm giảng viên mấy năm nay.

Anh nhận xét như thế nào về việc đào tạo nhạc jazz tại TPHCM?

Nếu như nhạc jazz được giảng dạy ở các trường nhạc tại Hà Nội từ khá lâu thì Nhạc viện TPHCM mới giảng dạy nhạc jazz mấy năm nay, từ khi hình thành những chuyên ngành về nhạc nhẹ. Tôi nghĩ đây là hướng đi đúng vì hiện nay các nhạc viện của các nước đều lấy lý thuyết nhạc jazz làm nền tảng để đào tạo các nghệ sĩ.

Ban đầu, tôi về Việt Nam vì muốn thực hiện chương trình giáo dục của riêng mình với cái tên là VTG. Ở Việt Nam có nhiều lớp dạy ghi ta, nhiều chương trình, nhưng đa số chỉ dạy những bài, những điệu mà mình quen biết ở Việt Nam, chứ không phải theo một chương trình từ thấp lên cao mang chuẩn quốc tế. Tôi muốn dạy các em một cách bài bản, như những gì tôi được học ở Úc, ở Mỹ. Chương trình của tôi thu hút rất nhiều nghệ sĩ trẻ theo học, họ là những người đang chơi nhạc trong thành phố.

Phải chăng kiến thức và kỹ năng về nhạc jazz trong giới trẻ còn nhiều vấn đề?

Tôi đã đến hầu hết các tụ điểm âm nhạc và thấy đa số chơi nhạc pop, rock, chỉ vài điểm biểu diễn nhạc jazz thu hút vài người khách Việt Nam, còn lại là khách ngoại quốc. Các bạn trẻ cũng tâm sự với tôi là họ cũng quan tâm, cũng thích nhạc jazz, nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu. Một số người có tập nhưng đến một thời điểm nào đó cảm thấy mình chững lại, không tiến lên được. Tôi phát hiện ra đa số các bạn ấy thiếu những nền tảng cơ bản, đặc biệt là về kiến thức và khả năng sáng tác. Nếu so với các bạn ở nước ngoài, các bạn Việt Nam không có thua gì hết trơn, về kỹ thuật không thua, chỉ thua là thiếu cái căn bản để từ đó phát triển lên. Thật ra, ngay cả khi tôi dạy ở Nhật Bản thì cũng gặp tình trạng tương tự. Bởi người nghệ sĩ biểu diễn nhạc jazz phải có tố chất và thiên hướng của người sáng tạo, mà đáng tiếc đây lại là điểm yếu của các nghệ sĩ Việt Nam.

PV: Ý anh nói là các nghệ sĩ Việt Nam thiếu đi sự sáng tạo cần thiết để chơi nhạc jazz?

Nghệ sĩ Mike Lê Duy: Chính xác là như vậy. Phần lớn các phòng trà, các tụ điểm, bar đều chơi những bản nhạc rất cũ, với những phần phối âm quen thuộc. Thậm chí việc đưa vào một âm thanh mới lạ cũng khó được chấp nhận chứ chưa nói đến việc đưa vào những hòa âm mới, những cách biểu diễn mới.

Nếu nhìn ra nước ngoài, những ban nhạc lớn, nếu vài năm không đưa ra cái mới thì coi như sự nghiệp của họ dừng lại và tan rã. Ngược lại, các nghệ sĩ các ban nhạc Việt Nam hình như rất ngại thay đổi, một phần vì khán giả không yêu cầu họ phải thay đổi, một phần họ cũng sợ sự thay đổi có thể đánh mất đi khán giả của mình.

Âm nhạc Việt Nam đang bị “hội chứng chai lỳ” ảnh 1 Những đóng góp của nghệ sĩ Lê Duy được Nhạc viện TPHCM ghi nhận.

Trở lại vấn đề nền tảng? Phải chăng muốn sáng tạo cần phải dựa trên những nền tảng vững vàng?

Đôi khi chúng ta cũng có những ban nhạc, những tác phẩm mới được viết ra, song thường là dựa theo một trào lưu nào đó, dựa trên những cảm hứng từ các tác phẩm nổi tiếng của thế giới, đó là chưa kể nhiều người đạo nhạc rất trắng trợn.

Sự phát triển âm nhạc của chúng ta bị đứt quãng trong thời gian bị cấm vận và chỉ quay lại hòa nhập với thế giới từ năm 1992 nhưng điều kiện tài liệu rất khó khăn. Chỉ có mấy năm gần đây, với sự phát triển của internet thì việc tìm kiếm thông tin, kiến thức âm nhạc thế giới mới diễn ra dễ dàng hơn.

Hiện số học sinh của anh có nhiều không?

Hiện tại tôi có 30 sinh viên, học sinh học nhạc jazz và hầu hết là nhạc công, phục vụ hàng đêm trong các tụ điểm. Con số này là quá ít ỏi so với các nhạc viện của các nước, nhưng dù ít vẫn còn hơn không. Tôi nghĩ rằng nếu các bạn ấy đam mê và tài năng thực thụ thì cũng có thể giúp thay đổi cái nhìn về nhạc jazz của thành phố. Nếu các sinh viên của chúng tôi nỗ lực làm việc thì họ cũng có thể giới thiệu nhạc jazz Việt Nam ra với công chúng nước ngoài.

Theo anh, để phát triển nhạc jazz tại TPHCM cần những điều gì?

Nghệ sĩ Mike Lê Duy: Nhiều người nghĩ nhạc jazz là khó để nghe và khó để phát triển, thật ra không phải như vậy. Chẳng qua chúng ta quá thiếu những điều kiện để phát triển nó. Chẳng hạn thiếu một tạp chí, một tờ báo về ghi ta chẳng hạn. Ở đây, có các tạp chí về Golf, về ô tô, nhưng không có tạp chí về ghi ta. Những tạp chí sẽ giúp người đọc chia sẻ các ý tưởng với nhau, từ đó sẽ hiểu nhau và hiểu về âm nhạc của nhau.

Hay việc giao lưu, biểu diễn cùng các nghệ sĩ lớn chẳng hạn. Rất nhiều nghệ sĩ jazz đã và đang biểu diễn ở châu Á, ở Đông Nam Á, nhưng họ không ghé Việt Nam. Đây là điều rất thiệt thòi. Vì nếu được nghe, được chơi cùng, được học trực tiếp với các nghệ sĩ tên tuổi lớn thì mọi người sẽ thấy nhạc Jazz không phải là cái gì đó quá xa vời và họ có thể nhận được lửa đam mê từ chính những người thầy ấy mà không sách vở nào thay thế được.

PV: Anh có tin vào tương lai của các nghệ sĩ jazz trẻ của TPHCM không?

Nghệ sĩ Mike Lê Duy: Chính vì tin vào tương lai của âm nhạc Việt Nam nói chung và nhạc jazz nói riêng, tôi mới về làm việc tại quê hương. Tôi tin Việt Nam có thể xây dựng được một ngành guitar mạnh. Dân mình đã 90 triệu, đời sống dễ thở hơn, nhạc cụ rất nhiều. Tài liệu cũng rất nhiều. Có internet thì ở trong rừng cũng học nhạc được.

Cái khó chỉ là người nghe và cả người chơi nhạc đều đang bị chai lỳ, thậm chí nghe âm thanh mới, nghe bài mới, người ta thấy khó nghe. Phải mất một lúc mới làm quen được, mới cảm thấy dễ chịu hơn. Nếu sử dụng hợp âm mới vào, hay biểu diễn một cách khác đi,thì bản thân người nghệ sĩ cũng tự thấy mình khó nghe, huống hồ gì khán giả. Phải làm sao đó cho người nghe và bản thân người nghệ sĩ không bị chai lỳ vì cái cũ. Rồi sau đó làm ra cái mới, ước mơ đóng góp cho âm nhạc những sáng tạo mới, chứ các bạn trẻ không thể cứ mãi rập khuôn theo những gì đã cũ của âm nhạc nước ngoài và âm nhạc trong nước được.

PV: Anh có thể tiết lộ đôi chút về cuộc sống hiện nay tại Việt Nam?

Nghệ sĩ Mike Lê Duy: Tôi thích làm về âm nhạc nên bỏ qua khó khăn hiện tại về tài chính. Nhưng nếu có tài chính thì có thể tổ chức nhiều cuộc giao lưu với các nghệ sĩ lớn trên thế giới hơn.

Tôi cũng cám ơn học sinh của mình vì các em cho mình cơ hội chia sẻ với các bạn ấy những suy nghĩ, công việc của mình.

Hiện tại tôi vẫn đang viết nhạc. Là một nghệ sĩ jazz, tôi muốn đánh nhạc do chính mình sáng tác. Quan điểm sáng tác của tôi là viết làm sao đó, người Việt Nam nghe được mà người ngoại quốc cũng chấp nhận được. Còn nếu viết cho người Việt Nam khen thì chắc ở Việt Nam nhiều người làm giỏi hơn tôi!

Nghệ sĩ Guitar Mike Lê Duy Trường Linh

Theo gia đình định cư tại Úc khi mới 8 tuổi. Trong thời gian học ở bậc Trung học, anh đã say mê nhạc Jazz và tham gia “Big band jazz” của trường. Lê Duy học nhạc tại Box Hill College Graduated với nhiều Chứng chỉ về “Music performance Jazz & Popular Music”. Anh đã nhận Giải “The John William Guitar Award” và giành được học bổng “The Bert Newton Scholarship”.Nghệ sĩ Mike Lê Duy Trường Linh tốt nghiệp Đại học Melbourne(1992) khoa Music Education,  Bằng danh dự khóa chuyên ngành “Guitar Institute of Technology” tại trường Musician Institute of California - Hoa Kỳ dưới sự hướng dẫn của những nghệ sĩ bậc thầy của thế giới như Scott Henderson, Frank Gambale và Joe Pass.

MỚI - NÓNG