Áo dài cổ trong nghệ thuật đương đại

Long bào Vua Khải Định
Long bào Vua Khải Định
TP - Mười một chiếc áo cả hoàng gia và dân thường, di sản quý báu mà bà Thái Kim Lan, Việt kiều Đức cất giữ gần 40 năm qua đã được trình diễn độc đáo bằng nghệ thuật sắp đặt với 1.300 chiếc đòn gánh và 85 bộ khóa cửa cremones của nghệ sỹ Đức Veronika Witte. 

Nửa cuối tháng 1/2015, khán giả Hà Nội được dịp đến với triển lãm “Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh” giới thiệu hơn mười chiếc áo dài lưu giữ trăm năm nay. Những chiếc áo vẫn vẹn nguyên đường may tinh tế, họa tiết, hình hài dù sắc màu có phai phôi. Chủ nhân của chúng là Giáo sư - Tiến sĩ Thái Kim Lan đã bảo tồn, lưu giữ theo đúng nếp của một gia đình Việt Nam cùng hơn ba mươi năm ở Muchen, Đức.

“Góc nhìn nghệ thuật của Veronika đã bắt được nhịp rung cảm cho chính cuộc triển lãm. 

Bà Thái Kim Lan

Tình cờ bà Almuth Meyer-zollitsch, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội thấy những bộ áo dài xưa trong ngôi nhà ở Muchen của bà Thái Kim Lan. “Những tấm lụa dày lấp lánh màu sắc huy hoàng, điểm tô bằng những họa tiết rồng, phượng bay. Tôi thực sự may mắn khi thấy chúng. Tôi ngỏ lời, bà Lan đồng ý để những chiếc áo đẹp đẽ, nhưng dễ hư hại ấy trở thành một phần của dự án nghệ thuật” - bà Almuth kể lại.

Mười một chiếc áo cả hoàng gia và dân thường đã được cất giữ trong điều kiện bảo quản thuận lợi ở nước Đức, bà Thái Kim Lan đem theo bên mình khi trở lại Hà Nội. Đặc biệt, chiếc áo dài gấm the là di bảo của bà ngoại họ Mai, Chánh thất phu nhân quan lãnh binh Tôn Thất Bích, một phụ nữ hiền lành và đức độ khoan dung đối với mọi người trong gia tộc cũng như ngoài xã hội. 

Áo dài Hoàng Thái Hậu là Đức Từ Cung ban riêng cho mẹ bà, khen thưởng đức hi sinh thờ chồng nuôi con khôn lớn, trọn đạo làm dâu con trong gia đình. Mẹ bà Thái Kim Lan mất chồng từ năm 20 tuổi, bà ở vậy cho đến năm 80 tuổi thì được trao tặng chiếc áo dài này. 

Khoảng năm rưỡi, Veronika Witte, người thực hiện nhiều dự án nghệ thuật thị giác - sân khấu đã gặp gỡ 12 nhân vật, mỗi người phỏng vấn cả tiếng đồng hồ. Để cuối cùng chị chọn ra 7 nhân vật trong 7 video trình chiếu trong không gian của “Màu xanh lồng lộng chảy tràn lá xanh”. 11 bộ áo dài, hai bức ảnh khổ lớn Cung đình Huế xưa, 85 bộ khóa cửa cremones (biểu tượng cho thuộc địa) treo từ trần nhà thẳng dõng xuống, làm điểm tựa để treo những chiếc áo dài. Chỉ duy nhất chiếc áo Vua Khải Định nằm chếch trên sàn nhà. 

Khách ngắm áo, bước chân đặt xuống nền nhà có 1.300 chiếc đòn gánh. “Nó giống như dòng suối nhưng là đẳng cấp của thị dân, còn những chiếc áo bào, hoàng gia kia là biểu tượng cho tượng đài đầy quyền uy”. Bản thân Veronika Witte đến Việt Nam nhiều lần, nhưng đây là lần đầu chạm vào những chiếc áo dài xưa của cung đình Huế. Chị nói, đến Hà Nội gặp những phụ nữ gánh hàng rong và nảy ra ý tưởng xếp chúng lại. Mỗi chiếc đòn gánh không giống nhau, thô mộc cứng cáp như những người dân thủa đó. 50 phút trình chiếu video tại Hà Nội, kéo dài trong nửa tháng, Veronika Witte đã đặt không gian mới cho những chiếc áo dài xưa, mang chất kịch tính, toát ra ý nghĩa lớn lao của lịch sử. 

Bà Thái Kim Lan cho hay, những chiếc áo dài xưa này có lẽ nó vẫn thuộc về riêng bà nếu không có những cú sốc văn hóa. Lần đầu bà trở về Huế, chiếc áo dài hầu như biến mất. Lần này, những chiếc áo dài được biến tấu, hồi sinh nhưng ở trên… sân khấu. Bà Thái Kim Lan cũng ví von bà chỉ là người mở rương lấy ra những tàn y, còn bà Viện trưởng và nghệ sĩ Veronika Witte mới là những người mở áo, đem đến với công chúng.

MỚI - NÓNG