Ba lễ hội cung đình đặc sắc tại Festival Huế 2006

Ba lễ hội cung đình đặc sắc tại Festival Huế 2006
TP - Festival Huế 2006 diễn ra liên tục trong suốt 9 ngày đêm (3-11/6). So với 3 lần Festilval trước đây, Festival 2006 mới phục dựng 3 lễ hội cung đình hoành tráng.

Lễ hội khai thác các yếu tố truyền thống tốt đẹp từ lễ tế Giao của Việt Nam từng diễn ra ở Huế, đề cao những giá trị nhân văn; biểu thị khát vọng mong cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà.

Lễ hội cũng nhằm tạo môi trường diễn xướng để quảng bá, tôn vinh Nhã nhạc cung đình VN, phô diễn vẻ đẹp  văn hoá nghi lễ và trang phục truyền thống của cung đình Huế xưa...

Vào ngày 10/6, trong chương trình Festival Huế 2006, lễ hội Nam Giao lại được tái hiện đủ cả 3 phần: Đoàn Ngự đạo làm lễ xuất cung, từ Đại Nội lên đàn Nam Giao; Hành lễ tế Giao; Đoàn Ngự đạo hồi cung, trở về Đại Nội.

Lễ xuất cung được diễn ra tại quảng trường Ngọ Môn với nghi lễ truyền thống. Theo kịch bản Vua lên ngự liễn; cử hành Nhã nhạc (10 bài liên hoàn).

Tiền đạo, Trung đạo, Hậu đạo nối tiếp nhau khởi hành lên Trai cung. Lễ tế tại Giao đàn được tổ chức theo trình tự: Lễ Thượng hương và nghinh thần; lễ dâng ngọc và lụa; lễ dâng đồ tế lễ, đọc chúc văn (lễ sơ hiến); tống thần, đốt chúc văn, lễ tất (lễ chung hiến). Quá trình hành lễ cử  Đại nhạc, Bát âm, múa Bát dật và ca các khúc ca cổ.

Lễ tất, vua trở về Trai Cung, các Hoàng thân, đại thần đến làm lễ khánh hạ. Đoàn Ngự đạo trở về Đại Nội - các bước được thực hiện như Đạo ngự hồi cung đã tổ chức trong Festival Huế 2004.

Lễ hội Nam Giao là bước chuẩn bị để tiếp tục trùng tu, hoàn chỉnh di tích Đàn Nam Giao, tiến tới xây dựng bộ hồ sơ trình UNESCO xét công nhận lễ hội Nam Giao là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Đêm Hoàng cung

Dự kiến tổ chức vào các đêm 3-6-9/6. Đêm Hoàng cung tập trung khai thác vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của Đại Nội Huế về đêm qua hoạt động của quan binh, thái giám, thị nữ, voi ngựa, võng lọng, ánh sáng đèn lồng gắn với các công trình kiến trúc cổ; Trình diễn các loại hình nghệ thuật và ẩm thực, trò chơi cung đình Việt Nam; Giao lưu Nhã nhạc Việt- Nhật và Việt - Hàn; Tổ chức trưng bày, triển lãm, chiếu phim tư liệu...

Đúng 19 giờ, 4 chảo đuốc bùng cháy ở 4 góc Hoàng thành, 700 chiếc đèn lồng trên mặt tường thành 2 bên Ngọ Môn đồng thời bừng sáng, từng hồi trống vang lên, Ngọ Môn mở cửa, du khách lần lượt vào Đại Nội, mỗi người được phát một chiếc đèn lồng.

Họ đi qua cầu Trung đạo, giữa hai hàng thị vệ, tiến về sân Đại triều. Bên trong điện Thái Hoà là không khí chuẩn bị cho lễ đại triều vào sáng hôm sau. Phía sau điện Thái Hoà, sân điện Cần Chánh diễn ra chương trình Dạ nhạc tiệc.

Dự kiến tại Tam cung lục viện: Cung nữ nô đùa trong xiêm y lộng lẫy. Thế Miếu: Các quý ông làm lễ dâng hương. Cung Diên Thọ: Chương trình Âm sắc Việt. Duyệt Thị Đường: Ca Huế, tuồng Huế và thưởng trà. Thái Bình Lâu: đề thơ, thả thơ.

Hai nhà bát giác trước điện Kiến Trung: Trò chơi Xăm hường và Đầu hồ (theo luật lệ xưa, du khách có thể tham gia). Quanh Hoàng thành: Cấm vệ quân đi tuần. Các đoàn kiệu rước với lọng và đèn của quý bà đi bên ngoài cửa Chương Đức; các quý ông đi lại ở khu vực cửa Hiển Nhơn…

Lễ hội truyền lô -Vinh quy bái tổ

Ba lễ hội cung đình đặc sắc tại Festival Huế 2006 ảnh 1
Đêm Hoàng cung

Truyền lô là một lễ hội cung đình để xướng danh các tân khoa Tiến sĩ sau kỳ thi Đình. Lễ hội nhằm đề cao đạo học, tuyên dương những người hiền tài, khuyến khích, cổ vũ nhân tài ra giúp nước. Lễ hội Truyền lô năm nay được phục dựng với quy mô hoành tráng.

Chương trình dự kiến tổ chức vào ngày 6/6, từ 8 giờ sáng ở khu vực Ngọ Môn. Các tân Tiến sĩ làm lễ phục mệnh. Quan Bộ Lễ tuyên đọc sắc tứ ban học vị cho các tân Tiến sĩ.

Các tân Tiến sĩ hành lễ tạ ân Vua. Sau lễ xướng danh đám rước bảng vàng từ Ngọ Môn ra Phu Văn Lâu.

Tại đây Bộ Lễ tổ chức niêm yết bảng vàng. Các tân Tiến sĩ bái tạ trước Hoàng án. Tiếp đó đám rước vào Đại Nội qua cửa Hiển Nhơn. Tại Duyệt Thị Đường tân Tiến sĩ làm lễ nhận Ân tứ vinh quy (những phẩm vật của vua ban cho các tân Tiến sĩ như lọng xanh, mũ áo, vải lụa, tiền bạc…) sau đó cưỡi ngựa thưởng hoa.

Buổi chiều diễn ra lễ Vinh quy bái tổ - rước tân Tiến sĩ về nguyên quán. Đám rước có đầy đủ cờ, biển, võng, lọng, binh lính, quan viên, dân làng…, được tổ chức từ cửa Hiển Nhơn về đình làng Dương Nỗ.

Tại đình làng Dương Nỗ phục dựng cảnh các vị hào mục và dân làng đón mừng tân Tiến sĩ; tân Tiến sĩ làm lễ bái tổ, tạ ơn làng xóm, các bậc trưởng thượng. Sau đó là hội mừng của dân làng.

MỚI - NÓNG