Ba tác phẩm nghệ thuật đáng xem tại Festival Huế 2006

Ba tác phẩm nghệ thuật đáng xem tại Festival Huế 2006
TP - Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật sẽ được “trình làng” tại Festival Huế 2006. Nhưng, có 3 tác phẩm rất đáng xem. Đáng xem không chỉ vì giá trị thẩm mỹ của chúng,  mà trên hết là bởi tấm lòng của các tác giả gửi gắm vào đó...

Một tác phẩm khác sẽ “trình làng” trong Festival Huế sắp tới và chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh là 135 bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ tịch được 2 nhà thư pháp Huế Nguyễn Nhuận Đức và Trần Duy Dũng thể hiện trên gỗ xà cừ.

Ông Nguyễn Nhuận Đức cho biết: “Tập thơ viết trên giấy khó bảo quản, thời gian cất giữ hạn hẹp, người xem có cảm giác lười biếng khi lật từng trang. Vì thế, ý tưởng viết trên giấy sau đó khắc lên bức gỗ nhằm kéo dài “tuổi thọ” tập thơ là ý tưởng mà tôi ấp ủ từ lâu”.

Vậy nhưng mãi đến khi ý tưởng ấy được trao đổi với ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Cty Công viên cây xanh Huế, và được ông Ngôn chia sẻ, nhất trí xuất gỗ xà cừ của đơn vị tài trợ cho ý tưởng, công trình mới bắt đầu được thực hiện.

Có gỗ, ông Đức miệt mài viết. Mỗi chữ trong các bài thơ được ông viết theo 4 thể của chữ Hán: hành, thảo, triện, lệ. Mục đích, giúp người xem thấy được nghệ thuật chữ Hán, đồng thời tránh sự đơn điệu cho tác phẩm.

Sau khi các tác phẩm được ông Đức hoàn thành trên giấy, anh Trần Duy Dũng- một thợ mộc mỹ nghệ, đồng thời là thành viên CLB Thư pháp Huế lãnh nhiệm vụ khắc các bộ chữ đó lên gỗ xà cừ. Công việc này cũng là cả quá trình đầy kỳ công.

“Chiết màu” lên từng bộ chữ là giai đoạn cuối cùng để hoàn tất tác phẩm. Một tác phẩm hoàn chỉnh mất từ 10 đến 15 ngày. Hiện tại ông Đức và anh Dũng đang tất bật chuẩn bị 10 tác phẩm đầu tiên như: Dạ bán, Vọng nguyệt, Triêu cảnh… để trưng bày tại Festival năm 2006.

Cả ông Đức và anh Dũng đều bảo, họ chưa hề lồng ý định thuơng mại hóa tác phẩm. “Công việc chúng tôi đang làm xuất phát từ cái tâm, nếu vì danh, lợi thì e rằng công trình sẽ khó  thành như mong muốn”.

“Lục Vân Tiên” viết trên sách gấm khổng lồ

Trong ngôi nhà số 30, nằm trên đường Nguyễn Hoàng, phường Kim Long (Huế) có một người đã thực hiện niềm say mê của mình bằng một công việc rất đặc biệt - viết truyện Lục Vân Tiên bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ theo thư pháp trên chất liệu vải gấm khổ rộng. Đó là ông Nguyễn Phúc Vĩnh Thọ nguyên là một giáo viên dạy văn và là võ sư Judo, từng là Trưởng đội tuyển Judo của TT Huế.

Ba tác phẩm nghệ thuật đáng xem tại Festival Huế 2006 ảnh 1

Cách đây 3 năm ông nghỉ hưu và về sống trong một không gian tĩnh lặng của nhà vườn ở Kim Long . Dường như chính không gian ấy đã gợi lên trong ông nhiều điều. Và ý tưởng thể hiện Lục Vân Tiên bằng thư pháp khởi phát.

Ông bảo, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã có người thể hiện lại bằng thư pháp, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu cũng là một tác phẩm lớn của văn học Việt Nam, tại sao không làm được điều này?  Ông cùng một nhóm người khác là chị Vân, anh Quý trong câu lạc bộ thư pháp đã quyết định viết lại tác phẩm Lục Vân Tiên.

Trên một tấm vải dài hơn 120m, tác phẩm Lục Vân Tiên được thể hiện liền mạch từ đầu đến cuối. Tấm vải được gấp lại thành từng trang, mỗi trang có chiều rộng 45 x 85 cm, được ông Thọ viết từ 4 đến 26 câu, tùy theo đoạn. Tổng cộng 260 trang.

Tác phẩm này dự định sẽ tham gia triển lãm trong dịp Festival Huế 2006 và sau đó, nếu được, tác giả sẽ cùng nhóm cộng tác triển lãm tại Ba Tri, Bến Tre, nơi quê hương của cụ Đồ Chiểu.

Và hỏa lò, ấm chén thưởng trà chốn cung đình xưa

Tại phường Đúc, ông Tống Viết Tuấn đang miệt mài với việc phục chế bộ đồ uống trà xưa của chốn cung đình để phục vụ cho Đêm Hoàng cung- một trong những chương trình đinh của Festival Huế 2006. Các bộ hỏa-lò, ấm-chén được phục chế từ nguyên liệu đồng, giống như ngự dụng uống trà ở triều đình nhà Nguyễn.

Ông Tuấn mong muốn những sản phẩm phục chế tạo ấn tượng mạnh với du khách và công chúng. Nước pha trà được đun sôi bằng than. Du khách sẽ được tiểu đồng phục vụ từ công đoạn pha trà đến chiết trà từ ấm sang chén; vừa thưởng trà vừa bình thơ, đánh cờ và nếm các loại bánh, mứt đặc trưng xứ Huế…

MỚI - NÓNG