Ba Tỉnh và cuộc chơi trăm năm

Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng
TP - Không chọn văn chương, hội họa làm nghiệp. Ông đến với nghệ thuật như một cuộc chơi không toan tính. Thế nên Nguyễn Duy mới có câu thơ dành tặng: “Trăm năm một cuộc chơi này/Phải là ba tỉnh, bảy say mới thành”. Riêng Trung Trung Đỉnh có phần tị với ông khi liên tục khen: “Sướng như Ba Tỉnh”.

Ba Tỉnh tên thật là Đinh Quang Tỉnh, sinh ra và lớn lên ở Nam Định, trong một gia đình nổi tiếng. Năm 1945, cha ông, Đinh Thúc Dự, chính là người lãnh đạo 40 vệ binh nổi dậy cướp phủ Xuân Trường (Nam Định), sau này ông trở thành chủ tịch kiêm bí thư đầu tiên của huyện Xuân Trường. Ở Nam Định duy nhất có hai anh em của gia đình nhà nho ở một vùng quê nghèo không ai biết đến, cùng được đặt tên đường. Đó là cha ông, Đinh Thúc Dự và em gái ruột, nữ đại tá Đinh Thị Vân, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của ngành tình báo.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, Ba Tỉnh cũng chọn cho mình con đường trở thành người lính. Nhưng cái máu nghệ sỹ trong ông chưa phút nào  ngủ quên. Ông cũng là người may mắn được học hội họa bài bản từ những người thầy giàu kinh nghiệm. Ngay từ những năm của thập kỷ 70, thế kỷ XX, Ba Tỉnh đã được họa sỹ Đỗ Tố và nhà điêu khắc Nguyễn Thiện trực tiếp giảng dạy về nguyên lí tạo hình. Ông từng tham gia vẽ tranh tuyên truyền cổ động, tranh châm biếm, minh họa báo trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước và sau giải phóng Miền Nam 1975.

Nhưng nhắc đên Ba Tỉnh là nhắc đến thể loại chân dung trong hội họa. Với những ai yêu thích những bức chân dung thật như người thật thì Ba Tỉnh chính là họa sỹ  nên tìm đến. Đến nay ông có một gia tài khổng lồ về tranh chân dung, khoảng vài trăm bức, độc đáo ở chỗ, đa phần nhân vật trong những bức vẽ đó là văn nghệ sỹ có tiếng hoặc  là những tay chơi nghệ thuật vào hàng hiếm. Người ta hay gọi ông là nhà văn, họa sỹ. Còn bản thân ông kiên quyết chối từ, bởi có lí do riêng: “Tôi chọn nghệ thuật như một cuộc chơi sang. Thời buổi này, ông nào cũng mon men viết, vẽ rồi xin vào hội nọ, hội kia. Tôi thì có được mời cũng không vào hội, không phải vì kiêu căng mà rất ngại sự gò bó”.

Văn Như Cương có… bao nhiêu sợi râu?

Men hội họa ngấm vào ông từ thơ bé. Chưa cắp sách đến trường, ông theo gia đình chuyển về Thanh Hóa. Một hôm Ba Tỉnh vẽ con chim hòa bình đậu trên quả địa cầu. Vẽ xong, đem khoe mọi người, bất ngờ có một ông anh thách thức: Mày thử vẽ lại xem sao? Bị thách, ông không thể vẽ lại được vì không có cảm hứng. Từ đó Ba Tỉnh nung nấu ý chí “rửa hận” bằng cách tập vẽ hăng say hơn. Sau này, nhờ những ông thầy  chuyên nghiệp, Ba Tỉnh đã có thể tung tẩy như một họa sỹ.

Ông có một thời gian dài sống ở miền Nam,  biệt danh Ba Tỉnh cũng bắt đầu từ đó. Dạo ấy Ba Tỉnh thường đi cùng nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, vừa chơi, vừa học nghệ thuật từ bậc nổi tiếng. Cứ rượu say, nhà chủ lại bảo ông ký họa bằng bút phớt, có khi đang uống cà phê thì ông dùng cà phê làm nguyên liệu vẽ, mỗi bức vẽ như thế cũng bán được chút tiền, đủ để ông có điều kiện vui với bạn. Nhưng cuộc chơi hội họa của Ba Tỉnh chỉ thật sự mở ra khi có lời gợi ý của Thành Chương. Họ chơi với nhau và thường xuyên đi vẽ cùng nhau. Thành Chương khuyên Ba Tỉnh: “Ông nên thiên về vẽ chân dung”. Và họa sỹ nổi tiếng cũng gợi ý luôn: “Ông nên vẽ văn nghệ sỹ” với lí do giản dị, “văn nghệ sỹ mặt hầm hố, râu ria vẽ rất dễ”. Từ đó Ba Tỉnh đã tìm ra con đường cho cuộc chơi trăm năm của mình. Xuân 2001, ông hoàn thành bức chân dung đầu tiên về văn nghệ sỹ, chính là chân dung Thành Chương. Sau đó liên tiếp sinh nở những bức chân dung ấn tượng khác về những tên tuổi lớn của làng văn nghệ: Họa sỹ Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, nhạc sỹ Văn Cao, nhà thơ Hoàng Cầm… Khi 21 bức chân dung đã hiển hiện qua hơn một năm miệt mài sáng tác, ông mở phòng tranh ở 51 Trần Hưng Đạo, “kinh đô” của văn nghệ sỹ: “Khi ấy, phải ăn gan cóc tía mới dám triển lãm ở đó”.

Ba Tỉnh hay mở triển lãm salon ở ngay quán rượu, là cái cớ để ông tặng tranh cho bạn bè văn nghệ sỹ. Người yêu họa biết đến ông chủ yếu qua hai triển lãm lớn. Năm 2006, ông tham gia triển lãm Nam Cao và những tác phẩm tạo hình. Năm 2009, trước thềm ngàn năm Thăng Long, ông mở triển lãm cá nhân Bản diện kim cương bất diệt (những gương mặt đẹp như kim cương mà thời gian không thể phai mờ). Nhà thơ Nguyễn Duy đã bay từ Sài Gòn ra dự khai mạc triển lãm và đã tặng Ba Tỉnh hai câu thơ: “Trăm năm một cuộc chơi này/Phải là ba tỉnh, bảy say mới thành”. Ở đây, khán giả gặp lại Văn Cao, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Gia Trí… Cái độc đáo của Ba Tỉnh ở chỗ, mỗi chân dung đều có bài viết đính kèm: “Không phải vì nổi tiếng mà tôi vẽ, vẽ phải có lí do. Thí dụ tôi không vẽ Lê Tiến Thọ, mặc dù chơi thân với anh, bởi khi tôi chơi với anh, anh đã không còn đứng trên sân khấu, tôi khó vẽ sự chỉn chu của một cán bộ quản lí”.

Kỷ niệm đẹp nhất của Ba Tỉnh trên con đường rong chơi với hội họa có lẽ là bức vẽ Nam Cao. Gia đình Nam Cao đã cử người cháu làm mẫu cho Ba Tỉnh vẽ. Sau đó ông được con trai Nam Cao, Tiến sỹ khoa học Trần Mai Thiên dẫn về nhà chơi. Trên bàn thờ trong nhà có bức hình Nam Cao, ông xin rước ảnh xuống để ngắm và vẽ. Sau này khi tham gia Nam Cao và những tác phẩm tạo hình, ông cho bày hai bức, đều được gia đình nhà văn mua lại. Khi Đài truyền hình Hà Nội làm phim về hội họa Ba Tỉnh, ông cùng ê-kip làm phim đến nhà Nam Cao, đúng lúc gia đình cố nhà văn đang đóng gói đi nước ngoài. Tiến sỹ Trần Mai Thiên,  có con trai học ngành ngân hàng, cư trú tại Canada, muốn đón bố mẹ sang cùng. Người cháu của cố nhà văn khi trở về nước không xin gì, anh từ chối cả biệt thự của gia đình cho, chỉ muốn được mang theo bức chân dung ông nội do Ba Tỉnh vẽ. Đoàn làm phim đến khi gia đình đang cuộn bức tranh bằng chiếc thảm để bảo vệ trong quá trình vận chuyển ra nước ngoài.

Không ít người nổi tiếng đã dành lời khen cho chân dung hội họa của Ba Tỉnh. Có thể là lời khen tự đáy lòng, cũng có thể là lời động viên cho cuộc chơi ba tỉnh, bảy say của ông. Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng khi được mời ra dự triển lãm, đã đội rượu lên trên đầu và hạ chữ: Tuyệt, khi ngắm chân dung Nguyễn Gia Trí, Văn Cao, Nam Cao… Đâu là điểm độc đáo trong chân dung do Ba Tỉnh vẽ? Tôi thắc mắc. Ông cười: “Tôi vẽ sơn dầu nhưng bạn có thể lấy kính lúp, có thể soi để đếm xem Văn Như Cương có bao nhiêu sợi râu”. Một người cầu kỳ hình thức như nhạc sỹ Hồng Đăng lại được Ba Tỉnh để ý cực kỳ đến chi tiết, kính nhất định phải mạ vàng, bút nhất định có thương hiệu... “Mỗi bức tranh tôi vẽ là cuốn tiểu thuyết rất chỉn chu, nó đi từng li từng tí. Chẳng hạn nhìn cụ Văn Như Cương, giống nhà văn lớn của Nga. Song nhìn kỹ lại không phải, ông mặc cái áo phông dài, tôi lột tả cái áo phông ông mặc sang như quí tộc Nga hoàng. Bức vẽ có cảm hứng khi tôi thăm trang ấp của Văn Như Cương, khi đó ông mặc cái áo phông dài lá tọa, tôi chợt hình dung ra hình ảnh nhà văn “Chiến tranh và hòa bình” đang ngồi trong vườn. Tôi đặc biệt để ý đến cái áo phông ông mặc, từ cái mác thương hiệu áo, đều được tôi tìm hiểu kỹ”.

Có một chuyện vui về Ba Tỉnh. Tuy là một người lính nhưng ông rất sợ… ma: “Khi tôi vẽ hay tôi làm việc phải có vợ tôi bên cạnh. Ngồi một mình trong đêm sợ lắm. Cho nên một hôm ở trên gác làm việc yên tĩnh, tôi vẽ Thái Bá Vân. Đến khi vẽ xong cặp kính tôi cảm thấy Thái Bá Vân nhảy ra khỏi tranh. Tôi hét lên. Ngay lập tức vợ đến cứu”. Thái Thị Mây, con gái Thái Bá Vân nhận xét: Ba Tỉnh vẽ cha cô giống hơn những họa sỹ khác. Hiện nay, trên bách khoa toàn thư mở, khi giới thiệu chân văn nghệ sỹ nổi tiếng trong nước, đều sử dụng tranh của Ba Tỉnh, đó cũng là món quà dành cho người chơi miệt mài với nghệ thuật.

Khi hội họa bế tắc

Ba Tỉnh và cuộc chơi trăm năm ảnh 1

Khi hội họa gặp thế bí, Ba Tỉnh lại dồn sức cho văn chương. Thời phổ thông ông học giỏi văn, sau này lại có thời gian theo nghề báo, cho nên cái sự viết đối với ông như một thói quen. Ông từng viết nhiều bài báo trên các tờ: Nhân dân, Lao Động, Văn nghệ, Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh…Riêng lĩnh vực văn chương, ông thử bút với nhiều thể loại: Truyện ngắn, truyện kí, bút kí, thơ…Nhà văn Trung Trung Đỉnh khi đọc bản thảo của tập sách sắp phát hành của ông, đặc biệt khen truyện ngắn “Tư tàng tàng”: “Một thiên truyện ngắn về một người lao động bình thường, thậm chí dưới đáy của một thời lầm than. Cái chết của anh Tư tàng tàng là tất yếu, nhưng đau quá, phũ quá và thật quá. Truyện ngắn như một cú đấm vào sự trớ trêu cay nghiệt của cuộc đời, không nương nhẹ được…”. Trong tập sách sắp phát hành mang tên “Cái cu vẹo của thằng cháu đích tôn” có khá nhiều chân dung văn nghệ sỹ, vốn là bạn của ông. Đây là mấy câu kết bài về nhà văn Nguyễn Quang Sáng: “Bây giờ, Dũng đã thành danh. Trong giới điện ảnh gọi là đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là “Dũng Khùng”- Nhưng tôi nghĩ, Dũng còn lâu mới khùng được như bố”. Ông ôm ấp dự định sẽ viết về người mẹ nuôi của mình, nữ đại tá tình báo, anh hùng Đinh Thị Vân, dài hơn và hấp dẫn hơn, bởi cuộc đời của nữ anh hùng còn rất nhiều điều đặc biệt mà chỉ những người trong nhà mới thấu. Để tạo thi hứng viết, ông thường ngồi ở một quán cà phê, để giữ chỗ, ông mua luôn “vé tháng” cho chiếc bàn mình vẫn ngồi.

“Ăn” Trịnh Công Sơn

Ba Tỉnh bỗ bã: “Tôi ăn trên da thịt đồng chí này không biết bao nhiêu mà kể” khi nói về huyền thoại âm nhạc Trịnh Công Sơn. Họ hay đi ăn nhậu với nhau khi Ba Tỉnh còn ở trong Nam. Ông cho biết có khoảng chục địa chỉ quán Trịnh Công Sơn bắt đầu nổi tiếng hay ghé qua. Khi ngà ngà có khi Ba Tỉnh  vẽ, rồi Trịnh ký vào bằng bút sơn lên chai rượu hoặc li rượu. Chủ quán sẽ giữ lại chai rượu mà Trịnh Công Sơn đã uống, đã lưu bút, để sau đó những ai ái mộ nhạc sỹ tài hoa này, muốn được uống chai rượu của Trịnh Công Sơn  sẽ phải trả một giá ngất ngưởng. Vì thế họ đi nhậu thường không mất tiền, cũng có khi nhờ công đụng bút mà Trịnh được chủ quán gửi lại chút “nhuận bút”.

MỚI - NÓNG