Bắt chước

Bắt chước
TP - Về khí chất của người Việt, cuốn Việt Nam văn hoá sử cương có đoạn “Người Việt đại khái là thông minh(...) bắt chước thích ứng, dung hoá thì tài lắm”.
Bắt chước ảnh 1

Xét ở khía cạnh tích cực, bắt chước là bản tính vốn có của mỗi người. Khi sinh ra đứa trẻ đã chịu ảnh hưởng của cha mẹ và môi trường xung quanh. Một môi trường tốt sẽ tạo ra những tâm hồn trong sáng, có ích cho cộng đồng. Ngược lại tính bắt chước cũng có những điểm hạn chế.

Bắt chước là rập khuôn một cách máy móc những hành động của người khác. Một người làm là mọi người đều làm theo. Các nhà đầu tư cũng như những nhà tuyển dụng đều đánh giá rất cao sự tiếp thu nhanh công nghệ đòi hỏi trình độ, tay nghề cao.

Mỗi năm, hàng chục ngàn lao động đã và đang giải quyết công ăn việc làm cho công nhân có tay nghề cũng như đem về cho nhà nước nguồn ngoại tệ không nhỏ.

Hiện nay chúng ta chưa có đủ điều kiện để sáng chế những sản phẩm công nghệ cao, thì việc đưa vào sử dụng những công nghệ, dây chuyền sản xuất của nước ngoài vẫn là sự lựa chọn của những nhà sản xuất trong nước. Đó là cách làm đi tắt đón đầu mà chúng ta vẫn thường áp dụng.

Tuy nhiên, hãy tỉnh táo nhận ra những mặt hạn chế mà chúng ta phải hứng chịu từ việc bắt chước đem  lại.

Chẳng hạn chuyện trồng cây gì nuôi con gì từng gây nên bao bức xúc cho người nông dân. Chuyện được mùa mất giá như cái điệp khúc không biết bao giờ mới chấm dứt. Hàng tấn mía đến đợt thu hoạch không bán được giá phải để trổ cờ của nông dân miền Nam, rồi những cánh đồng hoa vàng dùng làm thuốc trị bệnh của những hộ dân miền Bắc không có người mua đã phải nhổ bỏ… “làm củi” vì chẳng thể cho bò ăn.

Mấy năm trước hẳn nông dân cả nước vẫn chưa thể quên được dự án phát triển đàn bò sữa. Dự án đổ bể, kéo theo số phận của hàng ngàn hộ nông dân. Số vốn bỏ ra không nhỏ, sản phẩm  không bán được, nhiều người trắng tay vì nợ lãi ngân hàng không có khả năng hoàn vốn.

Hết chuyện nhà nông lại đến chuyện ngành giáo dục. Chuyện những bài thi môn văn thi đại học được hội đồng chấm thi nhất trí cho điểm10 thực sự khiến nhiều người trầm trồ thán phục. Nhưng rồi có bài bị phát hiện giống tới mức gần như là y nguyên văn mẫu.

Học sinh hoàn toàn thụ động trong việc tiếp thu. Tính sáng tạo gần như biến mất, người trò chẳng khác nào một cái máy, rập khuôn, sao chép lại những gì thầy cô truyền đạt.

Việt Nam vừa chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Cơ hội và những thử thách đều vô cùng to lớn. Nếu chúng ta chỉ biết áp dụng rập khuôn máy móc những gì đã có, nguy cơ sẽ trở thành kẻ ngoài cuộc trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này.

Nguyễn Văn Chung
Học viện Báo chí - Tuyên truyền

MỚI - NÓNG