Bất hủ

TP - Sau những ồn ào về thủ tục cấp phép ca khúc trước 1975, mọi chuyện có vẻ đã và đang được điều chỉnh để trở nên hợp lí hơn. Hiện tại, thủ tục cấp phép vẫn tồn tại.

Theo ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL: “Thủ tục cấp phép vẫn được quy định trong Nghị định 15 và 79 nên cơ quan quản lí phải tuân theo”. Song một bộ phận dư luận lại muốn trả lại tự do tuyệt đối cho tất cả các ca khúc trước 1975.

Trong cảm hứng “thừa thắng xông lên”  không ít người ủng hộ ca khúc trước 1975 một cách hết mình, coi đó là chuẩn mực giá trị: “Chúng tôi yêu ca khúc trước 1975, những bài ca bất hủ với thời gian”. Thậm chí, để tung hô ca khúc trước 75 có người không ngại  xóa bỏ hoàn toàn những giá trị mà ca khúc đương đại đã và đang tạo dựng: “Những bài nhạc xưa là bất hủ, đi vào lòng người. Ca khúc hiện nay vớ vẩn, không ai nghe”.

Rực rỡ và viên mãn đến như thi ca thời Đường, không phải bài nào cũng trở nên bất hủ, thi sĩ nào cũng trở thành thánh thơ, tiên thơ. Điều đó ai cũng biết. Soi vào ca khúc trước 1975 ở ta, tuy để lại cho đời những tác phẩm ghi dấu ấn nhưng cũng có những tác phẩm không vượt qua được sự gạn lọc khắc nghiệt của thời gian.

Đó là chuyện bình thường. Chẳng có một giai đoạn văn nghệ nào, dù ở ta hay tây, tất cả những đứa con sinh ra ở thời điểm ấy đều trở nên bất hủ. Bất hủ mà dễ dàng thế thì… còn gì để nói?

Trở lại vấn đề cấp phép ca khúc trước 1975, có lẽ một bộ phận dư luận hiểu chưa đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Các bài hát đã quen thuộc, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác”. Điều đó không đồng nghĩa thả lỏng tất cả các ca khúc trước 1975, vẫn cần nhìn nhận, đánh giá mới biết ca khúc nào “không có nội dung trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia”.

Ở ta, dư luận đang có một cách ứng xử với văn học nghệ thuật hơi đáng ngại: đã yêu thì hết mình, đã chê thì… hết nhẽ. Chuyện ca khúc trước 1975 chỉ là một ví dụ. Còn nhiều ví dụ khác. Chẳng hạn, người ta có thể dùng những câu nặng nề và thiếu trách nhiệm khi đánh giá phim Việt.

Một độc giả bình luận sau một bài viết về phim Việt: “Tôi chẳng bao giờ xem phim của Việt Nam” và đưa ra vô số lí do khiến vị này “đoạn tuyệt” phim Việt như, nội dung kém sâu sắc, diễn viên cứng nhắc… Nhưng nghĩ cho kỹ, chẳng bao giờ xem phim Việt thì lí do gì lại đánh giá  phim Việt “dở tuyệt đối”?

Cũng giống như, đố vị khán giả nào biết kho tàng ca khúc trước 1975 có bao nhiêu bài? Ai dám cam đoan đã từng thưởng thức tất cả kho tàng ấy? Vậy thì, xin đừng tung hô thái quá: Các ca khúc trước 75 đều mang tên “bất hủ”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.