Bê bối tình ái và tiền bạc bao phủ 'Học viện mỹ nhân'

Học viên trong lễ tốt nghiệp Học viện điện ảnh Bắc Kinh. Ảnh: DF.
Học viên trong lễ tốt nghiệp Học viện điện ảnh Bắc Kinh. Ảnh: DF.
Học viện Điện ảnh Bắc Kinh nổi tiếng là ngôi trường sản sinh ra hàng loạt các "nam thần, ngọc nữ". Tuy nhiên, danh tiếng này đang bị chính các thầy cô giáo ở đây tự hủy hoại bởi những bê bối tiền bạc và tình dục.

Học viện Điện ảnh Bắc Kinh là ngôi trường quốc lập nổi tiếng của Trung Quốc trong lĩnh vực điện ảnh. Những năm gần đây, Học viện được đánh giá là một trong những trường có tiếng nhất ở châu Á về điện ảnh với nhiều học viên thành danh ở tầm quốc tế.

Học viện này còn nổi tiếng là ngôi trường sản sinh ra hàng loạt các "nam thần, ngọc nữ". Tuy nhiên, danh tiếng này đang bị chính các thầy cô giáo ở đây tự hủy hoại bởi những bê bối tiền bạc và tình dục.

Khám phá "Học viện mỹ nhân"

Trường điện ảnh Bắc Kinh được mệnh danh ''Học viện mỹ nhân'' với những sinh viên tài năng, xinh đẹp. Học viện Điện ảnh Bắc Kinh (BFA) là đại học công lập ở Trung Quốc được thành lập năm 1950. Với việc đề cao yếu tố ngoại hình trong quá trình tuyển sinh, trường còn được biết đến với tên gọi "Học viện mỹ nhân'', nơi quy tụ những trai xinh gái đẹp khắp mọi miền Trung Quốc.

Những cái tên gần đây đã thành danh ở BFA có thể kể đến là Triệu Vy, Từ Tịnh Lôi, Dương Mịch, Lưu Diệc Phi... Họ là những diễn viên được xếp vào danh sách những bông hoa đẹp nhất của Trung Quốc. Những bông hoa này đều tốt nghiệp đại học ngành Diễn xuất và cao học ngành Đạo diễn (khóa 2006) từ BFA. Trường cũng là nôi đào tạo nhiều nghệ sĩ hàng đầu Trung Quốc như bộ ba đạo diễn nổi tiếng Điền Tráng Tráng, Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu; các diễn viên kỳ cựu Trương Thiết Lâm, Đường Quốc Cường.

Bên cạnh đội ngũ giảng viên dày dạn kinh nghiệm, ''Học viện mỹ nhân'' lớn nhất châu Á thường xuyên mời các giáo sư thỉnh giảng nổi tiếng như đạo diễn James Cameron cùng những tên tuổi lớn khác trong ngành công nghiệp điện ảnh. Đứng đầu về chất lượng giảng dạy, quy mô cơ sở vật chất, mỗi năm Học viện Điện ảnh Bắc Kinh thu hút tới hàng trăm nghìn sinh viên dự thi, nhưng chỉ một số ít xuất sắc trong đó được nhập học. Năm 2017, BFA vẫn là một trong những đại học có tỷ lệ trúng tuyển thấp nhất, khi trường chỉ tuyển 499 người trong số 38.144 thí sinh. Diễn xuất là ngành có tỷ lệ cạnh tranh gay gắt hàng đầu.

Ngôi trường nghệ thuật này luôn là tiêu điểm chú ý của những phóng viên, nhà báo và các nhiếp ảnh gia mỗi dịp tựu trường hay lễ tốt nghiệp do ở đây hội tụ vô cùng nhiều sinh viên có ngoại hình nổi bật. Đây là ngôi trường luôn nằm trong top những học viện tập trung nhiều "trai xinh gái đẹp" nhất Trung Quốc. Hàng năm các phóng viên đều đổ xô về đây nhằm chụp được những tấm hình đẹp nhất từ lứa sinh viên "đẹp hơn hoa" này.

Vì đặc thù của ngành này là ngoại hình phải thực sự đẹp, vì thế các học viên bắt buộc phải chăm chút sắc đẹp từng li từng tí, từ gương mặt đến trang phục, kiểu tóc. Nhà trường cũng có những quy định khắt khe như không được phẫu thuật thẩm mỹ dưới bất kỳ hình thức nào. Thí sinh ghi danh khi thi tuyển nếu có những điều chỉnh nhất thời như niềng răng thì vẫn chấp nhận được, miễn là không có bất kỳ sự thay đổi trong cấu trúc xương hoặc hình dạng mũi - một giáo sư ở đây cho biết. Nhiều người ủng hộ quyết định của Học viện. Họ cho rằng phẫu thuật thẩm mỹ là chống lại các nguyên tắc về công bằng và công lý.

"Những thay đổi trên khuôn mặt hoặc các bộ phận khác trên cơ thể có thể nảy sinh nhiều vấn đề khi phối hợp các động tác và những vết sẹo để lại gây ảnh hưởng đến diễn xuất", ông Vương Tấn Tống, Phó khoa diễn xuất của Học viện, cho biết.

Cuộc đua để thành "sao"

Sẽ có rất ít thí sinh được nhận; và một số ngành thậm chí chỉ tuyển…1%, đồng nghĩa với việc 99% sẽ bị loại. Diễn xuất là ngành có tỷ lệ "chọi" cao nhất, chỉ tuyển 30 chỉ tiêu trong tổng số 4.392 hồ sơ. Theo ông Lu - cán bộ báo chí của học viện, những thí sinh chọn ngành diễn xuất sẽ có gần một tháng tham gia ba vòng phỏng vấn. Giám khảo sẽ kiểm tra hình thức, giọng nói, khả năng đọc lời thoại, và các kỹ năng biểu diễn của thí sinh. Vì đặc thù nghề nghiệp, thí sinh không được phép trang điểm trong các vòng phỏng vấn đó.

Phóng viên Sina gặp Lưu Thành 19 tuổi, quê ở tỉnh Cam Túc và người mẹ để hỏi chuyện, được bà mẹ cho biết: Lưu Thành có hứng thú với nghiệp diễn kể từ tháng 5 năm ngoái, dù cậu không hề có nền tảng trong lĩnh vực nghệ thuật. "Ban đầu, tôi không muốn con trai theo nghề này. Nhưng vì các trường cao đẳng nghệ thuật thường yêu cầu kết quả học tập thấp hơn, và nếu họ có thể cấp một tấm bằng như ĐH thì sao lại không thử chứ?", bà Lệ Yến mẹ của Lưu Thành nói.

Bê bối tình ái và tiền bạc bao phủ 'Học viện mỹ nhân' ảnh 1 Tống Tĩnh - tâm điểm của vụ bê bối tiền bạc và tình dục tại Học viện điện ảnh Bắc Kinh. Ảnh: Daily Movies.
Nhìn chung, các trường cao đẳng nghệ thuật thường có những yêu cầu về kết quả học tập khá thấp. Ví dụ như ở Bắc Kinh, thí sinh phải đạt ít nhất 400/750 điểm trong kỳ thi đại học mới có thể trúng tuyển vào một trường đại học chính quy, trong khi thường chỉ cần 300 điểm là có thể trở thành sinh viên một trường cao đẳng nghệ thuật, tất nhiên là sau khi vượt qua được vòng phỏng vấn. Để "ôn luyện" cho con trai trong vòng phỏng vấn, bà Lệ Yến đã đầu tư khoảng 40.000 nhân dân tệ cho con học về âm nhạc, nhảy và biểu diễn trong suốt sáu tháng. "Tôi sẵn sàng làm tất cả, miễn là nó trúng tuyển", bà nói. Rõ ràng, viễn cảnh về mức lương cao ngất ngưởng là nhân tố chính "hút" những người trẻ tham vọng. Rõ ràng, giới trẻ, đặc biệt là những "trai xinh, gái đẹp" của Trung Quốc đang nhìn vào những cựu học viên tài năng và xinh đẹp như Lưu Diệc Phi, một người được đặc cách vào Học viện Điện ảnh Bắc Kinh năm 2002 và là "bảo bối" của trường. Họ nhìn vào những "đóa hoa" khác như Viên Lập thi đậu Khoa Biểu diễn Học viện Điện ảnh vào năm 1992. Dương Mịch vào trường năm 2005, "mỹ nữ số một Bắc Kinh" Cảnh Điềm là sinh viên trường điện ảnh từ năm 2007, Huỳnh Thánh Y theo học Học viện Điện ảnh năm 2001, Tưởng Văn Lệ, Từ Tịnh Lôi... Họ là niềm tự hào của điện ảnh Trung Quốc, của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh. Họ là những "đóa hoa đa sắc" với vô số giải thưởng trong nước và quốc tế giành được. Không chỉ có vậy, những ngôi sao điện ảnh xuất thân từ “học viện mỹ nhân” này còn rất giàu có, nổi tiếng ở khắp nơi. Chính vì lý do này, cuộc đua vào "Học viện mỹ nhân" luôn luôn nằm trong nhóm khốc liệt nhất. Các giáo sư ở học viện này cũng khuyên thí sinh rằng, còn nhiều trường khác để học có thể lập nghiệp. "Nếu bạn thực sự yêu nghề diễn thì vẫn có hơn 400 trường cao đẳng hay học viện giảng dạy chuyên ngành này. Còn nếu bạn chỉ muốn được nổi tiếng, thì Học viện Điện ảnh Bắc Kinh không phải là nơi duy nhất dành cho bạn", ông Vương Tấn Tống nói. Mặt tối của ánh hào quang Chính sự nổi tiếng của học viện này mà những cái xấu của nó khi bùng lên cũng lan đi rất nhanh. Những ngày gần đây, dư luận Trung Quốc hết sức xôn xao trước thông tin một nữ sinh của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh lên mạng xã hội tố cáo bị bố chồng của cô giáo chủ nhiệm xâm hại tình dục. Cô gái trẻ tự xưng Alesha đã đăng tải trên mạng xã hội những dòng trần tình về việc trong thời gian theo học tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, đã bị bố của cô giáo chủ nhiệm Chu Quýnh xâm hại tình dục, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng mạng Trung Quốc. Sau đó, khi mọi chuyện còn chưa ngã ngũ, một người khác tự xưng là bạn cùng lớp với Alesha tiếp tục đăng tải thông tin về sự việc. Trong đó, cô gái trẻ này còn cho biết, sau khi tiết lộ sự thật động trời, Alesha đã phải hứng chịu không ít sự trù dập, đe dọa từ giáo viên trong trường. Đến buổi tối ngày 12/5, cô gái này lại chia sẻ thêm, không chỉ mỗi Alesha, mà chính bản thân cô cũng từng bị một số giáo sư hàng đầu của trường xâm hại. Cô còn kể rằng, những vị giáo sư này đã "lấy việc công trả thù riêng" khi đe dọa đình chỉ hoặc giữ bằng tốt nghiệp của các nữ sinh dám lên tiếng tố cáo mình. Cũng trong tháng 5, một nữ sinh học nghề diễn xuất của trường vừa lên tiếng tố cáo việc bị thầy giáo cưỡng dâm. Theo lời nữ sinh trên, vụ việc việc xảy ra từ tháng 9-2011. Thời điểm đó, cô thường xuyên bị một giáo sư điện ảnh - cũng là nghệ sĩ gạo cội trên màn ảnh Trung Quốc - dụ dỗ đến nhà riêng. Cô tin tưởng vào người này vì danh tiếng của ông trong ngành điện ảnh là quá lớn. Không ngờ, cô bị người này cưỡng hiếp. Cô cho biết đã muốn công khai sự việc và chia sẻ thông tin với các thầy cô khác. Tuy nhiên, tất cả những gì cô nhận được là sự khinh thường và tẩy chay. Sau đó, hàng loạt sinh viên khác cũng lên tiếng tố cáo hành vi xâm hại tình dục tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh. Một nữ sinh giấu tên cho hay: "Tôi từng là một nạn nhân bị xâm hại tình dục của các giáo sư, tài tử nổi tiếng giảng dạy trong trường. Tôi còn bị dọa dẫm đến mức bị ám ảnh". Sau khi xảy ra các vụ việc gây chấn động, một tài khoản mạng xã hội của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh đã nhanh chóng đưa ra thông tin đính chính, trong đó tiết lộ: Nữ sinh Alesha bị mắc bệnh trầm cảm từ thời trung học, đến khi lên đại học từng có lần tự sát cũng vì căn bệnh ấy. Bên cạnh đó, không ngoại trừ khả năng nữ sinh này còn bị mắc thêm một số bệnh liên quan khác. Vì vậy, ban quản lý Học viện bác bỏ thông tin vô căn cứ kể trên. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà sau đó đoạn thông cáo của trường đã bị xoá bỏ. Thông tin về vụ việc hiện đang hết sức nhiễu loạn, nên tất cả không thể vội vàng đi đến kết luận, mà chỉ có thể kiên nhẫn chờ đợi kết quả điều tra của các cơ quan chức năng. Sự việc trên chưa lắng xuống thì dư luận Trung Quốc lại thêm một phen dậy sóng nữa khi Tân Hoa xã, cơ quan thông tấn uy tín của Trung Quốc đưa tin Học viện Điện ảnh Bắc Kinh tiếp tục vướng thêm loạt bê bối mới. Thông tin mới nhất cho hay, nhiều giáo sư, nghệ sĩ hàng đầu của học viện có quan hệ ngoài luồng với sinh viên, tham ô, hối lộ. Trong đơn tố cáo, Tống Tĩnh - Giáo sư quay phim hàng đầu Trung Quốc gặp nhiều chỉ trích nhất. Nữ nghệ sĩ 53 tuổi nhận lương khoảng 8.500 NDT (tương đương gần 30 triệu đồng) nhưng hiện sở hữu khối tài sản lên đến chục triệu USD. Bà có đến 8 khu bất động sản cao cấp tại Bắc Kinh. "Số tiền này hoàn toàn do bà sử dụng quyền lực để tham ô, nhận hối lộ từ sinh viên. Tống Tĩnh và Ngô Nghị là hai cái tên đầu tiên trong nhóm giáo sư tệ hại", tờ Bưu điện Nam Dương trích dẫn. Còn theo trang Sina, Tống Tĩnh nhờ vào vị thế giáo sư trong trường ép một nam sinh quan hệ nhiều năm. "Nếu cậu ấy không nghe có thể sẽ bị cho điểm thấp, không thể ra trường", nguồn tin cho hay. Trong nhiều đơn tố cáo, Tống Tĩnh bị tố sống chung như người tình với nam sinh này tại nhà riêng ở Bắc Kinh. Đối với thông tin mới từ phía truyền thông, đại diện Học viện Điện ảnh Bắc Kinh cho biết đang tiến hành kiểm tra, rà soát. "Trường đặc biệt quan tâm và đã yêu cầu ban kỷ luật tiến hành xem xét, kiểm tra xử lý", đại diện trường cho biết. Theo Sina, Tống Tĩnh sinh năm 1964, là trưởng khoa Quay phim của Học viện Điện ảnh. Ngoài giảng dạy, bà làm đạo diễn phim ngắn, phim tài liệu, quảng cáo. Một số phim bà chỉ đạo như Thế giới, Tam Hiệp hảo nhân… bà cũng từng tham gia Liên hoan phim Venice (Italy). Trên mạng xã hội, thông tin liên quan đến Học viện Điện ảnh Bắc Kinh hiện có hơn 80.000 bình luận chỉ trích. Đây được coi là bê bối tồi tệ nhất trong lịch sử của ngôi trường danh tiếng này. Phóng viên của Sina liên lạc với phía Học viện Điện ảnh Bắc Kinh và đại diện trường cho biết đang điều tra làm rõ vụ việc. Hiện, cư dân mạng Trung Quốc đang truy tìm danh tính những sao hạng A thuộc hàng cây đa, cây đề dính líu vào vụ việc này. Sự việc này cũng khiến nhiều người nhớ đến trường hợp của tài tử Trương Thiết Lâm. "Hoàng A Mã" của loạt phim “Hoàn Châu cách cách” từng là giảng viên Học viện Điện ảnh Bắc Kinh và có quan hệ ngoài luồng với hai nữ sinh. Sau cuộc tình chớp nhoáng, ông có hai người con ngoài giá thú. Hồi năm 2016, Trương Thiết Lâm phải ra tòa vì án lừa tình nữ sinh và cướp con.
Theo Theo An ninh Thế giới
MỚI - NÓNG