Bệnh “dị ứng” tri thức

Bệnh “dị ứng” tri thức
TP - “Nếu một ngày mà không đọc được vài chục trang sách hay 2, 3 tờ báo thì anh chị có thể đã mắc bệnh “dị ứng tri thức””- thầy giáo dạy môn Bình luận Báo chí của chúng tôi đưa ra một lời phê bình rất nhẹ nhàng nhưng thấm thía.

Lần đầu tiên xuất hiện trước lớp, thầy giáo môn Bình luận Báo chí của chúng tôi đặt câu hỏi: “Kể tên các triều đại trong lịch sử phong kiến VN?”.

Cả lớp im phăng phắc, những gương mặt sáng sủa cúi gằm, bó tay trước một câu hỏi tưởng chừng như đơn giản.

Thầy thở dài: “Vậy là sinh viên ta chưa thuộc sử ta”. Rồi thầy làm một phiếu điều tra ngay tại lớp để kiểm tra “tình hình đọc sách” của tất cả các thành viên trong lớp.

Tỉ lệ những người dành riêng quỹ thời gian đọc sách hàng ngày như một thói quen chỉ chiếm 10%.

“Nếu một ngày mà không đọc được vài chục trang sách hay 2, 3 tờ báo thì anh chị có thể đã mắc bệnh “dị ứng tri thức””- thầy đưa ra một lời phê bình rất nhẹ nhàng nhưng thấm thía.

Rồi thầy kể câu chuyện về một SV người Đức sang VN thực tập trong balô lúc nào cũng có vài ba cuốn sách và một chiếc đèn của thợ mỏ.

Anh chàng người Đức ấy phải tự đi làm thêm trong suốt một năm trời để có tiền sang VN thực tập. Sách luôn là vật bất ly thân của anh vì thế cây đèn của thợ mỏ luôn có trong hành trang để anh ta có thể đọc sách được ở cả những nơi không có đủ ánh sáng.

Lần khác, tôi có dịp đến thăm một người bạn Hàn Quốc đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ tại VN mới thấy sức đọc và niềm đam mê sách của những người trẻ nước ngoài thật ghê gớm.

Cô gái người Hàn Quốc cho biết thường xuyên thức đến 1 - 2 giờ sáng để đọc sách. Có lẽ chính vì “mọt sách” như vậy nên dù mới sang VN được gần 1 năm nhưng khả năng tiếng Việt của cô luôn khiến cho nhiều người ngỡ rằng cô đã sống ở VN nhiều năm.

Ngồi soi lại vốn kiến thức tích lũy được sau mấy năm ngồi trên giảng đường mà giật mình, hổ thẹn và lo lắng. Phải chăng căn bệnh “dị ứng tri thức” này đang lây lan trên diện rộng trong những người trẻ. Nếu thế thì thật là nguy.

MỚI - NÓNG