“Bi kịch Nga” của một nhà truyền giáo

“Bi kịch Nga” của một nhà truyền giáo
TP - Đó là danh hiệu tự phong trên tạp chí Pháp Lire (Đọc) tháng ba năm 2005 của Alexandre Zinoviev, ngòi bút bậc thầy kỳ lạ nhất của thế kỷ XX, người vừa qua đời. 
“Bi kịch Nga” của một nhà truyền giáo ảnh 1
Alexandre Zinoviev

Ông bị ung thư não và qua đời ở tuổi 83 vào ngày 10/5/2006 ở Matxcơva. Ông là  nhà tư tưởng đang được nói đến nhiều như một tổng kết lịch sử bất ngờ nhất hiện tại.

Ông vừa nằm xuống, học giả và bạn đọc phương đông cũng như phương tây lập tức nhớ đến bao chuyện khác đời của ông. Không mơ ước trở thành nhà văn, ông lừng lững đi vào văn chương như một cây đại thụ. Trước kia, Lev Tolstoi từng chê William Shakespeare.

Còn ông đánh giá không cao đại văn hào này và Dostoievski, mà sùng bái Eugène Sue và Victor Hugo. Theo ông, vĩ đại nhất trong văn học Nga là Lermontov. Ông hiểu biết văn học Pháp nhiều hơn văn học Nga. Ông đánh giá Alexandre Soljennitsyne là một nhà văn xoàng và một nhà tư tưởng gần như vô bổ.

Không ít người ngạc nhiên khi ông viết về mình: “Khi được hỏi có phải nhà văn dân tộc Nga không, tôi luôn luôn đáp rằng tôi là một nhà văn châu Âu, và thậm chí một nhà văn Pháp, bởi lẽ nước Pháp đã là tổ quốc văn chương của tôi”.

Thế nhưng, những những năm gần đây, phương tây không muốn dịch và công bố những quyển tiểu thuyết cuối cùng của ông, ví như Bi kịch Nga hay Con người nói chung. Thậm chí, cuốn này (L’homme global), ông viết theo yêu cầu của nhà xuất bản Pháp Plon, song nhà xuất bản lại từ chối in nó, bộ tiểu thuyết mà ông coi là tác phẩm hay nhất của mình.

Ông đành ngừng sáng tác tiểu thuyết, chỉ viết chính luận và tập trung vào trao đổi và thuyết trình. Hiếm nhà văn như ông, bao giờ và ở đâu cũng thấy bất ổn. Dường như ông không tìm được một chỗ đứng dưới ánh mặt trời.

Ông sinh ngày 29 tháng mười năm 1922 ở Pakhtino, tỉnh Kostroma, trong một gia đình nông dân có 11 người con. Theo truyền thống địa phương, gia đình dựa chủ yếu vào phụ nữ, còn đàn ông đi làm thuê ở Maxcơva.

Mẹ ông là một công nhân nông trường. Cha ông, thợ sơn. Do học giỏi, năm 1933, ông được theo cha lên thủ đô để học phổ thông trung học. Ông mau chóng thích ứng với cuộc sống nghiệt ngã và cô độc ở đây bằng sự chống trả nhạy bén và lì lợm.

Điều này về sau tác động nhiều đến văn phong của ông. Tự đáy lòng, ông tán thành tư tưởng hệ cộng sản mà các nguyên lý dường như rất phù hợp với đạo lý nông thôn ngàn đời.

Cũng mau chóng không kém, ông vấp phải những “cơ chế” tiêu cực khiến ông khổ tâm và nghi hoặc, thậm chí tự vấn về những lý do tồn tại của những tai họa ấy: chế độ đặc quyền đặc lợi và sự bất bình đẳng theo hệ thống thứ bậc trong Đảng, tệ luồn cúi nịnh bợ phổ biến mọi nơi...

Năm 1939, Alexandre Zinoviev vào khoa triết của Đại học MIFLI vốn rất được mến mộ ở Matxcơva. Ông chọn triết học là để đáp ứng băn khoăn hiểu cho được xã hội xô viết, mối băn khoăn tỏ ra mãnh liệt hơn say mê văn chương và nghệ thuật.

Ông đi quá đà, bất mãn với chế độ và trù liệu cùng một số bạn việc ám sát Staline. Trong một cuộc họp đoàn thanh niên cộng sản, không đừng được trước khiêu khích của vài bạn học có ý định xấu, ông tuôn ra tất cả những chuyện không hay mà ông biết về các nông trường.

Thế là mới 17 tuổi, ông bị khai trừ khỏi Đoàn, bị đuổi khỏi trường, bị công an mật bắt giam. Cơ quan này thả ông ít lâu sau, để dễ lần ra các đồng phạm. Ông liền bỏ trốn theo hướng Sibérie.

Trong một năm lang thang, ông làm thuê đủ việc, chủ yếu ở các công trường, và “bôn tẩu” ngay nếu “đánh hơi” thấy nguy hiểm. Cuối cùng, quay về Matxcơva, ông tình nguyện nhập ngũ, và đi về Viễn đông tháng mười năm 1940.

Mặt trận, trường phi công, rồi máy bay ném bom, ông có nhiều cơ hội thâm nhập thực tế mà ông muốn thấu hiểu. Chiến đấu thông minh, dũng cảm, ông được khen thưởng và phong hàm sỹ quan. Ông bắt đầu cho đăng lên báo tường của đơn vị những bài thơ châm biếm dự báo các tác phẩm lớn đích thực tương lai.

Chiến tranh chấm dứt, dù cấp trên không muốn, ông vẫn xuất ngũ. Lần này, các cuộc lang thang cho ông tiếp xúc với Matxcơva của các quán ăn tồi tàn, của các vùng đất bỏ hoang mà độc giả sẽ gặp lại trong các tiểu thuyết của ông sau này.

Năm 1947, Alexandre Zinoviev thi đỗ vào khoa triết, đại học tổng hợp Matxcơva. Đời ông đi theo một hướng mới. Ly dị với người vợ thứ nhất, ông kết hôn với một nữ sinh viên, quan tâm đến lô gích học và tâm lý học.

Cái chết của Staline thôi thúc ông tập trung hơn nữa vào các nghiên cứu của mình. Ông dày công viết luận án tiến sỹ, đề tài là bộ Tư bản của Marx, mãi năm 1954 mới hoàn thành. Do tính không chính thống của nó, luận án gây ra một vụ ầm ĩ, thù ghét và khoái chí.

Nhờ một số người có thế lực ủng hộ, ông được tuyển vào Viện triết thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô và trở thành một nhà lô gích học.Trong gia đoạn "tan băng" tạm thời của chiến tranh lạnh ông gia nhập nhóm được mệnh danh là “nhóm xét lại” về sau trở thành một trường phái.

Từ năm 1958, các công trình (vẫn “không chính thống”) của ông được in nhiều và được chú ý ở nước ngoài, nhất là ở Đức và Balan. Trong những năm 1960 và đầu những năm 70, các công trình đó được dịch ra nhiều thứ tiếng Âu Mỹ, danh tiếng của ông nổi khắp hành tinh.

Ông được phong giáo sư, được bầu vào Viện hàn lâm Phần Lan. Với cuộc hôn nhân thứ ba từ 1967, ông sống yên ấm hơn.

Từ giữa những năm 70, ông càng muốn bày tỏ sự không hài lòng với các tiêu cực xã hội. Tự do của ông bị hạn chế nhiều (không được xuất bản, cấm ra nước ngoài).

Ông nhận ra rằng để ý kiến của mình đến với thật đông người, chính luận thua xa văn học,  ông chủ trương mổ xẻ xã hội đương thời bằng cả chính luận lẫn thơ ca và tự sự, bắt tay vào cuốn tiểu thuyết đầu tiên năm 1974. Ông viết rất nhanh, gần tám trăm trang trong sáu tháng.

Viết liền một mạch, gõ máy chữ cổ, trên hai mặt giấy mỏng. Viết đến đâu lại nhờ một phụ nữ Nga làm hợp đồng cho đại sứ quán Pháp chuyển vào cho các nhà báo và giáo viên Pháp để họ bí mật đưa ra nước ngoài. Chính họ nhờ dịch và liên hệ với các nhà xuất bản.

Năm 1976, một nhà xuất bản ở Lausanne, Thụy Sỹ công bố nguyên văn tiếng Nga. Gần đồng thời, bản tiếng Pháp  cuốn "Ngôi cao rát mặt" (Les hauteurs béantes) được nhà xuất bản Thời con người (L’Age d’homme) chấp nhận và công bố, sau khi bị tất cả các nhà xuất bản quay lưng.

Không thể liệt vào bất cứ loại tiểu thuyết truyền thống nào, nhân vật không có tên riêng mà được gọi bằng biệt danh, cuốn sách như một bộ tranh ghép mảnh, mỗi cảnh là một truyện hài dân gian hiện đại.

Nó được đón chào như một kiệt tác của thế kỷ, đặc biệt ở Pháp và Mỹ. Alexandre Zinoviev liền bị làm phiền. Không được cấp visa đi Phần Lan dự một hội nghị khoa học, ông công khai phản đối, và bị sa thải, bị tước học hàm học vị.

Cuốn "Ngôi cao rát mặt" được tuồn vào, lưu hành bất hợp pháp ở Liên Xô. Zinoviev bị quy tội “nói xấu chế độ” và buộc phải  lựa chọn: 1. ngồi sau song sắt nhà tù mười hai năm, vợ con bị đày đi Sibérie; 2. lưu vong.

May được đại học tổng hợp Munich mời giảng dạy một năm, ông cùng gia đình lên đường sang Đức. Đến nơi ít lâu, ông được thông báo mất quyền là công dân Liên Xô. Ông bình thản và lao vào sáng tác, đều đặn mỗi năm trình làng một tác phẩm, hầu hết được dịch ngay sang tiếng Pháp, thậm chí có cuốn được xuất bản bằng tiếng Pháp rồi mới đến tiếng Nga.

Trong các tiểu thuyết và chính luận của mình, ông phê phán cả những yếu kém của Liên Xô lẫn mưu đồ “cao bồi hoá” toàn cầu. Cuộc perestroika (cải tổ) của Gorbatchev bị tố cáo là nửa vời, vô vọng. Eltsin thì là “bù nhìn” của Mỹ và phương Tây. Putin thì  “lỡ dịp thành một vĩ nhân” và “không cứu được nước Nga khỏi bi kịch”.

Mỹ bị lên án là âm mưu làm bá chủ thế giới. Pháp, Anh... do can thiệp vào cuộc nội chiến ở Balkan mà “tự tiêu diệt” dần dần...  Tóm lại sau chiến tranh lạnh, thế giới đang lâm vào một cuộc chiến tranh nóng mà lối thoát hẳn chỉ tìm thấy từ những người cộng sản đúng nghĩa.

Không ngẫu nhiên, năm 1991, ông ghé về Nga một thời gian ngắn để vận động cho Gennadi Ziouganov - Chủ tịch Đảng cộng sản Nga trong cuộc bầu tổng thống Nga bấy giờ.

Từ năm 1999, ông trở về để “chết trên quê cha đất tổ”, “trung tâm của lịch sử” nhân loại. Ông khẳng định: “Tôi là một nhà truyền giáo, chứ không phải một phần tử ly khai. Tôi độc lập với mọi Nhà nước. Nhà nước của riêng tôi, ấy là bản thân tôi vậy”...

Từ Bình Tâm
(Tổng hợp)

MỚI - NÓNG