Biết nói thế nào

Biết nói thế nào
TP - Năm giờ chiều đến Bắc Hà, vừa nhận phòng, cất đồ lề rồi ngả lưng lên giường, bật ti vi thì bỗng một giọng oang oang thốc tháo vang lên. Bộ loa đôi công cộng đặt trên cột điện cao chĩa thẳng vào khách sạn đến giờ vận hành. Vài khách du lịch châu Âu mới làm xong thủ tục ở lễ tân, vừa lên phòng, ngó ra cửa nhớn nhác rồi như hiểu ra điều gì vội thụt đầu, sập nhanh cửa phòng.

Mình là người trong nước bao năm quen với tiếng loa miễn phí, âm thanh to hết cỡ mà còn giật mình, huống hồ khách phương xa.

Sợ thật cái loa công cộng.

Không hiểu sao ngành thông tin tuyên truyền nhà mình vẫn yêu quí cái loa công cộng đến vậy. Trước đây, cuộc sống thiếu thốn, nhiều nhà chưa có phương tiện truyền thông thì cái loa công cộng như người bạn thân thiết. Còn bây giờ những nơi huyện thị hay phố phường nhà nào chẳng có ti vi. Miền núi cũng ti vi màu với ăng ten chảo gài ngay đầu hồi, vậy mà cái loa công cộng vẫn cần mẫn quát to hằng ngày vào cái không gian đã quá nhiều tiếng ồn.

Đã có quá nhiều lời bàn trên báo chí về việc đến lúc từ giã cái loa phường nhưng rồi chẳng thấy chuyển biến. Không cần nghe ai cả, những cái loa phường vẫn kiên trì ra rả đánh thức giấc ngủ buổi sớm và quấy rối bữa cơm chiều của mỗi nhà.

Khi băng rôn, pa-nô đầy chữ chăng ngang treo dọc đầy đường mà người qua lại không để ý; khi cái loa chỉ còn giá trị gây tiếng ồn thì cũng là lúc cách tuyên truyền và cổ động cần làm khác cho thích hợp mới phải. Nhưng việc này hình như những người có trách nhiệm không ai nghĩ đến và cứ lối cũ chơi mãi thế này thì còn biết nói thế nào cho phải.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG