Bởi "Rừng Na-uy" đã rất gợi tình...

Bởi "Rừng Na-uy" đã rất gợi tình...
Đạo diễn Trần Anh Hùng vừa trở về Việt Nam sau chuyến đi Nhật để ký hợp đồng chuẩn bị thực hiện phim "Rừng Na-uy".  Chúng tôi đã có cơ hội tiếp cận anh trong 5 ngày tại Hà Nội, để được anh chia sẻ...
Bởi "Rừng Na-uy" đã rất gợi tình... ảnh 1

Đạo diễn Trần Anh Hùng. Ảnh: Thanh Niên. 

Sau bộ phim Mùa hè chiều thẳng đứng (cái tên được lấy từ ý của một câu thơ Haiku, tên ban đầu của kịch bản là Hà Nội ngày không mưa), với dự án phim I come with the rainTôi đến với mưa (thể loại thriller - kinh phí 18 triệu USD) đã kéo anh Hùng đi khắp nơi trên thế giới trong mấy năm trời.

Lâu lắm rồi, Trần Anh Hùng và gia đình mới trở về Việt Nam trong một kỳ nghỉ trước khi anh sang Nhật để bắt đầu những cảnh quay đầu tiên của dự án Rừng Na-uy.

Đây là bộ phim với kịch bản được chính anh Hùng chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nhật Haruki Murakami.

Sinh năm 1962, lớn lên và học làm phim tại Pháp, trong gần 20 năm qua, đạo diễn Trần Anh Hùng đã trở về Việt Nam để làm 3 phim (Mùi đu đủ xanh, Cyclo, Mùa hè chiều thẳng đứng) và thiết lập một phong cách riêng được thừa nhận ở trên thế giới: phong cách Trần Anh Hùng (hay khác hơn, các nhà làm phim Việt Nam quen nhắc đến tên anh gắn với bộ phim dài đầu tiên, phong cách Mùi đu đủ xanh).

Bộ phim mà anh Hùng muốn chúng tôi xem trong buổi gặp đầu tiên là The New World (Thế giới mới) – đạo diễn Terrence Malick. Đã xem nhiều lần phim này, nhưng anh Hùng vẫn khóc vì xúc động, không hiểu cảm giác ấy từ đâu đến, tại sao nó có...“Chỉ sau 30 phút phim, trong đầu Hùng hiểu rằng phim có một chất “ngân” của âm nhạc.

Dư vị “ngân” ấy khiến cho Hùng không cầm được nước mắt. Với Hùng, âm nhạc là một thứ ngôn ngữ đem lại cảm hứng và sự suy tưởng khi tìm kiếm ngôn ngữ điện ảnh. Và âm nhạc cũng luôn có những tác động mãnh liệt, như khi ta bắn một viên đạn vào tường phải để lại ít nhất một vết lõm…”.

Trần Anh Hùng mê phim Nhật, đó là hai đại diện kinh điển Ozu và Kurosawa. Trong nhiều phim của anh Hùng làm tại Việt Nam, ảnh hưởng của phong cách Ozu rất rõ dù là vô thức khi Trần Anh Hùng xử lý giản dị mọi chi tiết trong phim để đạt được việc tạo ra một cảm giác.

“Nhưng Rừng Na-uy là một tình cờ, hết sức tình cờ. Không có nghĩa tôi yêu thích Ozu, Kurosawa là tôi muốn làm phim với thế giới, văn hóa của họ”.

Trần Anh Hùng tiết lộ: “Với Rừng Na-uy, Hùng đã có 2 kịch bản, điều này xuất hiện trong đầu Hùng khi xem xong The New World. Đúng là một thế giới mới đúng nghĩa như tên phim vậy.

Và Hùng hiểu rằng mình muốn được làm 2 phim Rừng Na-uy trên cùng một câu chuyện, theo hai cách khác nhau (một cách sẽ thuộc về thế giới cũ, cách thứ hai, thuộc về thế giới mới). Hùng gọi cho nhà sản xuất của Hùng, nói họ mua vé cho Hùng đi Nhật để rồi mất 8 tháng thuyết phục các nhà sản xuất từ phía Nhật. Cuối cùng, họ cũng đồng ý.

Nhưng cuối cùng nữa, vì vấn đề kinh phí, đã thống nhất lại, rằng sẽ chỉ còn một phim được làm khi kịch bản thứ 2 Hùng viết được chừng 20 trang.

Bằng linh cảm, Hùng tin chắc chắn một điều rằng, nếu được làm trên 2 kịch bản với 2 bản dựng khác nhau ấy, sẽ là 2 cảm giác hoàn toàn khác, còn cảm giác như thế nào thì chính Hùng cũng chưa biết đích xác. Và Hùng cũng chưa có thể nói Rừng Na-uy với một bản phim sẽ thuộc về thế giới mới hay thế giới cũ”.

Haruki Murakami là một tác giả khó gặp, ông sống nửa năm trong nước và thời gian còn lại ở nước ngoài. Chỉ đọc duy nhất cuốn sách Rừng Na-uy của ông, Trần Anh Hùng đã quyết định rằng, anh sẽ làm bộ phim này.

Và ngay lập tức cùng với việc chuẩn bị kịch bản, Trần Anh Hùng cũng quyết định: Anh sẽ không đọc thêm bất cứ cuốn nào của Murakami nữa để không bị “ô nhiễm”.

Khi Trần Anh Hùng đi với nhà sản xuất sang Nhật gặp tác giả, nhà văn Haruki Murakami đã nói: Ông đồng ý gặp, đồng ý cho cuốn sách được chuyển thể thành phim vì ông thích và tin ở cách làm phim của Trần Anh Hùng.

Không hề đùa, Trần Anh Hùng nói với chúng tôi: “Câu nói đó của Haruki Murakami đã cho Hùng một cái quyền ngay lập tức. Đó là quyền quyết định của đạo diễn với nhà sản xuất!

Hùng không bị phụ thuộc vào họ nữa về câu chuyện này. Còn phim, bởi truyện đã có một khối lượng độc giả đông đảo, nên tự thân bộ phim đã biết trước sẽ rất nhiều người sẽ muốn xem phim rồi”.

Đây là một yếu tố rất quan trọng với đạo diễn, khi Trần Anh Hùng lý giải, tại Hollywood, chỉ có khoảng 10 đạo diễn có quyền với phim của mình do uy tín của họ mang đến bằng những phim rất ăn khách đã làm trước đây.

Nhưng 7 trong số đó đã đồng thời trở thành nhà sản xuất. Chỉ còn 3 đạo diễn được quyền quyết định với nhà sản xuất. Và cần hiểu rằng, với kinh phí dưới 7 triệu USD cho một dự án, phim dường như thuộc về đạo diễn.

Nhưng trên 7 triệu USD thì đạo diễn đã mất quyền. Khi điện ảnh là nghệ thuật không tách rời được với công nghệ và thương mại, sự thật phũ phàng cho người làm phim là thế.

***

Bởi "Rừng Na-uy" đã rất gợi tình... ảnh 2
Cuốn sách "Rừng Na-uy" bản dịch tiếng Việt. Ảnh: Thanh Niên.

Ngày 31/7, khi hợp đồng làm phim Rừng Na-uy được chính thức ký kết, ở Nhật, sự kiện này thực sự đã gây nên một cơn bão trong giới truyền thông.

“Rất khó mới có số điện thoại của người phụ trách casting cho phim, nhưng thật kỳ lạ, bởi hôm sau người này đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại.

Có nhiều người gọi nhưng khi anh ta nhấc máy, họ lại hoàn toàn im lặng. Có người chỉ thốt lên tên truyện: Rừng Na-uy! Rồi cúp máy. Có người khăng khăng nói, chỉ có tôi, tôi chính là nhân vật đó!” - Anh Hùng cười sảng khoái khi nhắc lại chuyện này.

Xen kẽ giữa những bài học, những kinh nghiệm, những kiến thức điện ảnh mà anh say mê chia sẻ, Trần Anh Hùng vẫn không dứt được ra khỏi mạch suy nghĩ về dự án phim sắp tiến hành.

Trần Anh Hùng muốn những nhà làm phim trẻ hiểu rằng để bắt đầu một câu chuyện phim, bạn phải biết mình muốn gì. Khi biết mình muốn gì, phải nắm lấy điều mình muốn để sau đó tìm ra ngôn ngữ biểu đạt điều mình muốn.

“Hùng thích những câu chuyện đương đại, thích sự đương đại ở ngay tại Hà Nội. Đây cũng chính là điều Hùng hay nổi giận với các nhà báo nước ngoài mỗi khi nói chuyện. Tại sao họ cứ nhất định hình dung về những bộ phim Việt Nam với đầy đủ những đặc tính thuộc về dân tộc tính theo suy nghĩ của họ. Tại sao dân tộc tôi cứ phải đội nón lá?

Không, những câu chuyện tình yêu trai gái, những bi kịch và những sầu muộn ở bất cứ đâu cũng tồn tại. Hà Nội cũng thế. Có chăng, nó sẽ mang mùi vị rất đặc thù, chuyên biệt của Hà Nội mà thôi”.

***

Với tôi, khi trò chuyện với Trần Anh Hùng, lắng nghe những kinh nghiệm và hiểu biết mà anh luôn sẵn lòng chia sẻ với sự nhiệt tâm về điện ảnh thì tôi như một kẻ được “truyền giáo”.

Ngay cả cách dùng tiếng Việt rất cẩn trọng của một người trưởng thành tại Pháp như anh cũng cho những người dùng tiếng Việt thường xuyên sự bất ngờ, vì đó là thứ tiếng Việt rất đẹp.

Trần Anh Hùng nói rằng đang mong, sau Rừng Na-uy, anh sẽ về Việt Nam sống một thời gian, làm tiếp một phim tại đây, cho đỡ nhớ tiếng Việt!

Theo Lê Thị Thái Hòa
Thanh niên

MỚI - NÓNG