Bỗng dưng lại “hot”

Chủ nhân Nobel Văn học 2016 - Bob Dylan.
Chủ nhân Nobel Văn học 2016 - Bob Dylan.
TP - Giải Nobel văn học bất ngờ gọi tên ca sỹ, nhạc sỹ Bob Dylan, với lí do đã “tạo ra những biểu đạt thi ca mới bên trong truyền thống âm nhạc vĩ đại Mỹ”. Dư luận xôn xao mọi nẻo. 

Nữ tiểu thuyết gia có sách bán chạy hàng đầu Jodi Picoult lên tiếng: “Tôi mừng cho Bob Dylan, nhưng điều này đồng nghĩa tôi cũng có thể thắng giải Grammy?”. Một nhà văn Việt cũng bất bình tương tự: “Một so sánh, liệu Haruki Murakami có đoạt giải Grammy được không?”.  Còn Tổng thống Mỹ Obama lại hân hoan trước chiến thắng này của người mà ông yêu mến: “Chúc mừng một trong những nhà thơ yêu thích của tôi - Bob Dylan - với một giải Nobel cực kỳ xứng đáng” v.v.. Tại thời điểm nóng bỏng, hình như Bob Dylan chẳng nghe thấy gì, chẳng để ý phần thưởng trị giá ngót triệu đô đang đợi mình, ông vẫn lưu diễn, vẫn chơi nhạc và… chưa đưa ra bình luận. Thế mới vui.

Việt Nam trắng tay tại giải Nobel năm nay, là điều không ngạc nhiên. Nếu trước đó người ta hay nhắc đến Ý Nhi như một ứng cử viên của giải thì bây giờ người ta “lờ” đi, sự quan tâm bỗng dưng lại được đẩy về một cuốn sách đã được xuất bản trước đó “Trịnh Công Sơn - Bob Dylan: Như trăng và nguyệt” của giáo sư người Mỹ John C.Schafer, NXB Trẻ ấn hành năm 2012.

Trịnh Công Sơn đã có một vị trí vững chắc trong nền ca khúc Việt cũng như trong lòng người yêu thơ, nhạc nhiều thế hệ. Việc liên hệ Trịnh Công Sơn - Bob Dylan của vị giáo sư người Mỹ, không nhằm đưa ai sánh ngang ai, vì mọi sự so sánh trên đời vốn dĩ khập khiễng, đặc biệt trong nghệ thuật là điều cấm kị. Điều thú vị của cuốn sách là tác giả đã tìm ra những điểm tương đồng  giữa hai nghệ sỹ lớn không cùng ngôn ngữ, màu da.

Nhà thơ Lê Minh Quốc khi đọc xong sách đã tổng kết điểm giống nhau giữa Bob Dylan và Trịnh: “Cả hai đã nói lên ước vọng và niềm đau của một thế hệ trẻ; cả hai giữ được danh tiếng của mình mặc dầu quê hương của họ đã trải qua bao thăng trầm về chính trị và văn hóa; cả hai chịu ảnh hưởng và tìm nguồn cảm hứng từ hai truyền thống tôn giáo của họ, đạo Phật với Trịnh Công Sơn và Ki-tô giáo với Bob Dylan”. Chắc vị giáo sư người Mỹ cũng không thể tưởng tượng nổi, một số năm sau khi cuốn sách ra mắt tại Việt Nam thì Bob Dylan đoạt giải Nobel văn học và người Việt có dịp tung hô nhận định của ông: Trịnh Công Sơn - Bob Dylan Việt Nam và Bob Dylan- Trịnh Công Sơn của Mỹ.

Nếu Trịnh Công Sơn còn sống, ông sẽ vui mừng hay ngại ngùng khi Bob Dylan lên ngôi và ông bỗng dưng được nhắc đến liên tục? Lại nhớ đến cuộc nói chuyện ngắn với nhà thơ Ý Nhi xung quanh việc người ta coi bà là ứng cử viên giải Nobel. Bà luôn luôn cười trong suốt cuộc trò chuyện, bảo rằng: Trước đây, báo chí cũng “ngại” bà lắm, mà bà có làm gì nên tội? Sau giải thưởng của Thụy Điển, Ý Nhi mới được “mở cửa”. Căn bệnh trọng thành tích tưởng chỉ nhiễm nặng trong giáo dục bây giờ xem ra đã gõ cửa ngôi đền văn chương?

MỚI - NÓNG