Buổi trời nhuốm đỏ

Minh họa: Hoàng Bình Minh
Minh họa: Hoàng Bình Minh
TP - Cả một vùng nhuốm đỏ, lửa binh đao đã dậy, con bạch mã vẫn mải miết sải vó, hơi thở phì ra như có lửa bên trong nóng rẫy vạt cỏ rạp dưới những bước phi nước đại của nó.

Con người phía trước mải miết lo âu, cứ vung roi vun vút, chạy, chạy, chạy, chạy đi đâu? Tứ phía là giặc, giang sơn mới đây tưởng chừng bền vững ngàn năm thái bình thịnh trị, dân chúng mới đây tưởng chừng sẽ được an cư lạc nghiệp, mà giờ đây tan tác ly loạn, cảnh nối cảnh bày ra trước mắt khiến người không khỏi đau lòng.

Cái roi cầm ở tay càng siết chặt hơn, sợi cương trên tay thít chặt lại, quặn lòng, muốn quay đầu nhìn lại, nhưng lại sợ thấy cảnh không nên thấy, sợ không đành lòng, sợ thấy mình yếu hèn nhu nhược nên lại càng ra sức giục ngựa phi nhanh.

Người ngồi phía sau dường như không hoảng sợ, không lo nghĩ nhiều như người phía trước, cứ mãi ngoảnh lại phía sau, cứ mãi trông chờ phía sau sẽ có gì thay đổi. Sẽ có gì cứu vớt được nàng, nên cứ ngoái lại, cứ khắc khoải ngóng trông, hy vọng sẽ có điều kì diệu xảy ra, ngăn chặn được cuộc ly loạn này.

Bởi nàng chính là người đã hứng trách nhiệm đó, bởi nàng sinh ra để được giao trọng trách đó, nàng đã gánh trên vai, nàng đã mang theo nó trong trái tim trong trắng của mình, nên nàng khắc khoải chờ, khắc khoải hy vọng nàng có thể làm được điều đó, trái tim nàng có thể xoay chuyển được vận mệnh của cuộc ly loạn này. Và nàng chờ, nàng chờ, nàng chờ với bàn tay không ngớt hy vọng, đang nhẫn nại làm nhiệm vụ duy nhất của nó từ khi bắt đầu ra khỏi thành.

Phương Bắc xa xôi, phương Bắc luôn lạnh lùng, con người chàng sinh ra ở nơi đó nên lạnh lùng như vậy sao? Câu hỏi của người cứa vào tim ta, làm nó rỉ máu ta đã thấy những giọt máu nóng đổ trên nền tuyết lạnh, sắc trắng tinh khôi bị nhuốm đỏ, đẹp đẽ lạ thường cũng đau xót lạ thường.

Ta đâu có lạnh lùng đến vậy? Ta biết yêu thương, ta biết lý lẽ, ta biết những nhân, đức, trí, dũng, biết sứ mệnh của một người quân tử, ta biết yêu cảnh yên vui an nhàn bên người ta thương. Ta những muốn cũng người vui thú cảnh hòa bình thịnh trị, ta muốn cùng người cưỡi ngựa dạo chơi thênh thang trên những cánh đồng xanh cỏ, nơi thảo nguyên bát ngát đã sinh ra ta, đã nuôi dưỡng ta.

Ta những muốn cùng người ca hát những bài dân ca của người đã hát ta nghe, ta những muốn cùng người ngồi ngắm trăng sao để cùng nhau an hưởng hạnh phúc như mọi người dân thường nơi đây.

Tim ta luôn trĩu nặng, tình yêu đối với nàng. Nàng cũng nặng tình với ta, nhưng nàng và ta giống nhau, đều phải hy sinh cho những mục đích khác nhau. May mắn là ta và nàng đã yêu thương nhau chứ không phải lạnh nhạt, vô cảm vì những mục đích mang ta đến bên nhau.

Chiếc áo lông ngỗng là thứ mà ta muốn tặng nàng, ta những mong nó sẽ mang nàng bay thật xa, thật xa như những con ngỗng trời quê ta khi trốn mùa giá rét. Chiếc áo lông ngỗng này sẽ mang nàng đi trốn khi có biến loạn, khi nào ấm áp, khi nào hết biến loạn nàng sẽ như những con ngỗng trời sẽ tìm về bên ta, vì ta đã hứa sẽ mãi là miền nắng ấm cho nàng, ta đã hứa sẽ mãi che chở cho nàng, sẽ mãi yêu thương nàng. Cho dù chúng ta đứng về hai phía, ta luôn mong là vậy, ta luôn mong vậy.

Ta hạ lệnh cho toàn quân không được đụng đến người nào mang chiếc áo lông ngỗng phương Bắc, ta lệnh quân phải tìm được cho ta người con gái mặc chiếc áo lông ngỗng trắng tinh khiết như mây trời về cho ta, ta ra lệnh, ra lệnh, ra lệnh và ra lệnh, ta mỏi mòn, mỏi mòn và mỏi mòn đợi tin về chiếc áo lông ngỗng trên chặng đường hành quân. Ta không thể đặt tâm trí ta vào cuộc xâm lược như kế hoạch ban đầu của ta và phụ vương ta, trong đầu ta chỉ còn hình ảnh chiếc áo lông ngỗng chấp chới.

Ta hận ta, ta hận chính ta, ta hận ta nhu nhược yếu đuối, ta hận ta nhẫn tâm lợi dụng mối tình trong trắng của nàng. Ta hận ta nghìn lần, ta hận ta vạn kiếp. Mối tình chung, ôi mối tình chung! Cả hai ta đều phải thí mạng, ta phải tuân mệnh lấy nàng để dò xét đất nước nàng, đê hèn đến thế mà vẫn phải tuân theo, vẫn phải phục tùng.

Ta, vai mang nặng chữ hiếu, chữ trung, nàng cũng vai mang nặng chữ hiếu chữ trung. Nàng cứ ngỡ ta thật lòng, ta cũng nghĩ ta thật lòng, nhưng không phải, ta là kẻ bội phản. Ta bội phản chính ta, bội phản chính tình yêu của ta, bội phản mong ước thái bình ta thấy trong mắt phụ vương nàng ngày hai ta thành thân để thắt chặt niềm bang giao hai nước.

Ôi ! Mối thân tình chỉ là cái cớ, ta là một quân cờ, ta là một con chốt thí, ta hờ hững với chính ta, ta tuyệt vọng với chính ta. Là trang nam tử mà không thể đường đường chính chính mở được lòng mình, mà lặng câm như hến nhìn nàng đường hoàng bày tỏ với ta, đường hoàng mong chờ ta cũng thật lòng đối đãi như thế với giang sơn của nàng, với tình yêu của nàng.

Con đường như tuyết, con đường như lụa, những chiếc lông trắng mịn màng bay như tuyết, nàng những muốn được cùng ta một lần ngắm tuyết của phương Bắc rơi như vậy, ta đã hứa với nàng sẽ một lần cho nàng tận mắt thấy thuyết rơi, tận tay chạm vào cái buốt lạnh đến mê người của tuyết, ta phi như bay, ta chỉ nghĩ về nàng, ta lần theo những vết dấu mỏng manh của nàng.

Ta không nghĩ được gì, ta chỉ nghĩ đến nàng. Ta cùng đường rồi, nàng có hiểu cho ta? Nàng có tha thứ cho ta? Nàng có còn yêu ta? Nàng có còn mong chờ ta không? Những lời đường mật đã trút cho nàng hy vọng, nàng có tuyệt không khi ta đã bán đứng cả giang sơn, đã bán đứng cả nàng và mối tình của nàng.

Ta hoảng sợ, ta kìm ngựa. Dây cương như muốn đứt khi ta ghì lại hết sức mình. Đôi vó ngựa tung lên cao, dải bờm hất vào mặt ta, tiếng hí vang trời. Ta quay đầu nhìn lại, lửa, lửa và lửa. Lửa đỏ trời, nhuốm màu thành quách, chôn vùi thành quách, tiếng quân reo, tiếng ngựa hí, tiếng dậy khóc của muôn dân bách tính.

Ta đã làm gì thế này, bàn tay ta đã nhuốm máu, bàn tay đã nhúng máu của người dân nước nàng. Những người dân này đã từng vui mừng chào đón hai ta, đã vui mừng chúc tụng hai ta khi hai ta kết giao, những người dân này đã từng vui mừng chào đón ta, hy vọng ta là cầu nối yên lành và vững chãi cho bang giao hai nước.

Giờ đây, chính ta, chính ta đã nhấn chìm tất cả trong máu, trong lửa, trong tiếng rên la vọng lại, những nẻo đường quân ta đã giày xéo, đã phá tan bao nhiêu gia đình, đã phá tan bao nhiêu mái nhà, bao nhiêu ruộng nương, gieo bao tang tóc.

Vậy mà ta vẫn mặt dày mong nàng sẽ tha thứ cho ta ư? Hơn ai hết, ta là người hiểu nàng đã mong muốn như thế nào mối quan hệ bang giao của hai nước, hơn ai hết ta phải hiểu rằng nàng có hy sinh thân mình để bảo vệ tình yêu cao cả của nàng và nàng đã làm thế khi đồng ý lấy ta, không một chút mảy may suy nghĩ về bản thân nàng, mà chỉ biết dùng mình như một con cờ trong tay phụ vương nàng để đổi lấy thái bình cho giang sơn này.

Biết vậy, ta vẫn nhẫn tâm lợi dụng nàng, nhẫn tâm hủy hoại giang sơn, nhẫn tâm hủy hoại tình yêu và hy vọng của nàng. Ta còn mặt mũi nào để gặp nàng. Ta muốn thét lên ai oán, sao trời lại đày ta vào cảnh oan nghiệt thế này? Sao ta lại đem lòng yêu nàng làm gì? Sao ta lại là kẻ hai mang thế này? Ta đau khổ, ta oán nghiệt cao xanh, oán nghiệt cả phụ vương tham vọng của ta. Ta vẫy vùng, ta mắc trong cái lưới chính ta giăng ra để bẫy nàng, bẫy phụ vương nàng, bẫy đất nước của nàng. Ta sa lầy mất rồi.

Ta vẫn phải đến, ta vẫn phải gặp nàng, ta muốn cầu xin nàng. Ta sẽ chịu tội, ta sẽ chết dưới chân nàng cho nàng vui lòng, ta sẽ làm tất cả để có thể làm dịu bớt phần nào tội lỗi đang gào thét trong ta. Nàng sẽ tha thứ cho ta, nàng luôn hiểu ta, nàng chắc sẽ biết ta đã đau đớn, ta đã dằn vặt như thế nào khi phải quay lưng với nàng.

Nàng hiểu ta mà, bởi vì nàng hiểu, bởi vì nàng đã tha thứ nên nàng đã rắc lông ngỗng, nàng vẫn nhớ lời ta dặn, nàng vẫn làm theo lời ta dặn tức là nàng vẫn còn nghĩ đến ta. Hy vọng trong ta lại bừng lên, ta lại thúc ngựa, ta lại lao đi.

Ta muốn gặp nàng, ta sẽ gặp nàng, chỉ cần biết như vậy, chỉ cần gặp được nàng thôi, mọi chuyện còn lại sẽ qua. Ta sẽ xếp lại sau lưng tất cả, ta bỗng rùng mình, ta có thể xếp lại sau lưng tất cả, nhưng còn nàng, nàng có chịu xếp sau lưng tất cả không? Ta lắc mạnh đầu, cho văng đi ý nghĩ ngu xuẩn ấy, ta không thể, không thể có những suy nghĩ ấy trước khi gặp được nàng.

Đôi mắt của nàng, đôi mắt của bậc quân vương mất nước, nhìn ta một thoáng. Rồi như ta chỉ là kẻ vô hình trong mắt hai người, ta hóa đá bởi cái nhìn của nàng, ta hổ thẹn không xiết trong cái nhìn bi phẫn của phụ vương nàng. Ta chôn chân chặt cứng, nàng không lay động, nàng vẫn không nhìn ta, nàng quay lưng lại ta.

Cái bờ vai mảnh dẻ của nàng rung nhẹ, cái bờ vai mỏng manh đó đáng phải sinh ra là để dựa dẫm vào một trang nam nhi vững chãi, chứ không phải để gánh chịu những trách nhiệm nặng nề, chứ không phải để đơn độc mà kiêu hùng quay lưng lại với kẻ không xứng đáng như ta.

Ta cháy lòng nhìn nàng, ta gào thét quặn tâm can xin nàng quay lại nhìn ta, dẫu chỉ một lần để ta còn thấy ta trong mắt nàng, nàng vẫn không quay lại, không xúc động dẫu chỉ là một cử động nhỏ của thân thể. Ta choáng ngợp như đang phải xem một buổi tế lễ thành kính nhất, long trọng nhất, chỉ trời, đất, vị thần rùa già cỗi và hai con người đó tồn tại trong sự chứng kiến linh thiêng.

Nàng lặng nhìn phụ vương nàng với con mắt trìu mến xiết bao yêu thương, nàng quay lại, nhưng không hướng ánh nhìn về ta. Ta quay đi theo ánh nhìn, bất chợt lại thấy giang sơn trong mắt nàng, xã tắc trong mắt phụ vương nàng, cái nhìn ngời sáng tin tưởng và rực lửa.

Ta lùi lại, ta sợ, ta sợ, ta rất sợ, trong ánh mắt của cả hai người không có ta. Ta vô hình sao? Ta nhìn vào bàn tay ta, bàn tay ta còn rướm những vết máu lằn ngang của dây cương thắt lại, ta vẫn nhìn thấy ta, sao trong mắt hai người lại không có ta.

Ta ngẩng lên, cả nàng và phụ vương nàng vẫn im lặng, vẫn nhịp nhàng trịnh trọng tiến hành tiếp buổi tế lễ nghiêm trang, dường như cả hai không nghe thấy tiếng vó ngựa dồn dập đang kéo tới, dường như cả hai người không nhận thấy nguy hiểm đang kề cận.

Ta hốt hoảng quay lại nhìn đám bụi phía sau, ta đã ngu dại, ta đã dặn nàng đánh dấu để ta lần ra lối nàng mà không nghĩ đám quân cũng lần theo dấu lông ngỗng trắng trời để tìm ra nàng. Ta đã hại nàng, ta đã hại nàng. Tiếng ta vang vang mà không được đáp lại, nàng vẫn không quay lại, đám bụi đã dồn lên. Gần hơn, gần hơn. Tiếng reo hò buốt óc. Nàng chầm chậm quỳ xuống bên chân phụ vương nàng, kính cẩn lạy tạ, ta không nghe được lời nàng nói, ta không thấy được mắt nàng.

Nhưng ta thấy được nước mắt mặn chát đang lắn trên gò má căng mịn của nàng, ta chồn chân, ta lao tới bên nàng. Nàng vẫn không quay đầu lại nhìn ta, nàng chầm chậm rút thanh gươm trên tay phụ vương nàng đầy cung kính, nhẹ nhàng như đang múa. Lồng ngực ta vỡ toang, tội lỗi là do ta, tội lỗi là của ta, hãy trừng phạt ta đích đáng chứ đừng đổ sang nàng, xin nàng, đừng.

Buổi chiều đỏ, buổi chiều thẫm đỏ. Máu của nàng, máu của giang sơn nàng, trộn lẫn vào nhau, vấy lên bầu trời thẫm. Khôn cùng gió, khôn cùng mây, ám ảnh. Chiếc áo lông ngỗng vướng máu, tất cả những gì ta nhận được cho tham vọng, cho sự bội bạc xa xỉ mang tên trung, hiếu của ta là chiếc áo lông ngỗng vấy máu. Chiếc áo của loài chim phương Bắc, nhuốm máu người phương Nam ánh lên vẻ đẹp huy hoàng buổi chiều tà.

Vị vua mất nước kiêu hãnh bước xuống biển sâu cũng vị thần già cỗi, nợ máu trả bằng máu, nợ mất nước trả bằng gì đây? Biển cồn lên, xóa đi dấu vết quyền hành một đế chế, quay lưng với những đã chết, để lại người còn sống với sự phán xét, với nỗi đau trút hồn trống rỗng đến ngỡ ngàng điên dại.

Thành quách còn, nhân ảnh còn, người đổi khác, ta đổi khác. Ta vẫn quyền hành, ta vẫn oai nghiêm, cung điện của ta vẫn vàng son uy thế, vẫn tấp nập người hầu kẻ hạ, quân canh đông như mắc cưởi. Ta tìm bóng nàng ở thư phòng, ta nghe tiếng nàng cười ngoài vườn thượng uyển, ta soi dáng nàng trong gương bạc, ta chạm hình nàng trong giấc mơ.

Tất thảy xung quanh ta đều có nàng, đều hiện hữu nàng. Nàng không trách móc, không hờn giận, mà u hoài nhìn ta, lặp đi lặp lại duy nhất một câu hỏi "Thiếp là giặc nước Nam sao chàng? Sao Thần Kim Quy lại nói thiếp là giặc?". Ta đắng lòng, ta đắng ruột, quay đi, chạy trốn. Mà trốn ở đâu, xung quanh ta là nàng, là người dân của nàng đang âm ỉ đòi ngày giành lại giang sơn, xung quanh ta là tình yêu của ta với nàng, và bao quanh ta là sự phản bội của ta với tình yêu trong trẻo của nàng. Ta phải làm sao? Ta phải làm sao?

Ta thấy nàng, nàng đang bay theo những con ngỗng trời về phương Bắc, ta đuổi theo, ta lần theo. Nàng khoác chiếc áo bằng lông ngỗng trời nhuốm đỏ, đỏ tươi như màu máu nhỏ xuống tuyết trắng. Nàng biết ta chạy theo, nên tách bầy, bay lại, lượn vòng bên ta. Ta theo nàng, đến giếng xưa nàng thường soi bóng, lối cỏ đã che mờ vì lâu ngày không ai ghé qua, ta đạp lên cỏ mềm, nhẹ bước đến bên nàng.

Nàng vẫn vậy, vẫn xinh đẹp lạ thường như ngày đầu ta đến xin kết thân, ta muốn chạm vào nàng, nhưng nàng vụt biến sắc, ta thấy ánh sáng thanh gươm, nàng định hại ta sao? Nàng vụt cười, tiếng cười lanh lảnh mắc lên mây trời, gom mây trời dồn tụ lại quần đảo, ta lại thấy buổi chiều nhuốm đỏ, nàng nhìn ta không chút gợn, lưỡi gươm đưa lên ngang cổ, dòng máu ấm truyền sang người ta, nhuộm đỏ cả thân thể ta, nhuốm đỏ cả trời chiều, cái giếng nhỏ dâng nước lênh láng, ta muốn gột rửa tội lỗi với nàng, ta muốn lại được ở bên nàng.

Bước chân ta như mộng du đưa ta đến bên giếng, giếng nước lại trong vắt, nàng đang chải tóc bằng chiếc lược đồi mồi ta tặng, ta với tay chạm vào nàng, rồi không muốn buông ra nữa...

Chiếc áo lông ngỗng của Trọng Thủy mang theo trên người trao bữa tiệc khao binh của Triệu Đà khiến người người ngạc nhiên, lông ngỗng trời làm gì có màu đỏ tươi đẹp rạng ngời như áo bào lụa đỏ, không biết nghệ nhân nào đã tìm được thứ thuốc gì để có thể nhuộm được một chiếc áo lông ngỗng đẹp đến thế.

Bữa yến tiệc ồn ào, nhốn nháo, Triệu Đà không để ý đến thái độ im lặng của Trọng Thủy, mà vẫn cùng quần thần vui vẻ luận công ban thưởng. Trọng Thủy vẫn lặng im, vẫn một mực cung kính, chối từ hết mọi ban thưởng của Triệu Đà cho chiến công của mình, chàng chỉ cầu xin Triệu Đà cho chàng giữ lại cung điện trước đây của chàng và Mỵ Châu.

Trọng Thủy luôn âu sầu trong cung điện của chàng, và một ngày, người ta nghe tin chàng ôm chiếc áo lông ngỗng màu đỏ tươi tuyệt đẹp nhảy xuống giếng nơi Mỵ Châu ngày xưa thường ngồi chải tóc. Giếng này sau được gọi là giếng Trọng Thủy, tương truyền khi Mỵ Châu bị An Dương Vương chém, máu chảy xuống biển, trai ngậm được kết thành ngọc, lấy ngọc này đem rửa ở giếng Trọng Thủy thì ngọc trong sáng vô cùng.

Lê Thị Kim Sơn dường như là một cái tên mới, nhưng thực ra, với một bút danh khác, Lê Thị Kim Sơn đã có mặt trong “Tuyển những truyện ngắn hay của năm” của báo Văn Nghệ thời gian gần đây.

Buổi trời nhuốm đỏ ảnh 1

Văn phong khoan thai, ý tứ nhuần nhuyễn trong một truyện ngắn lấy bối cảnh lịch sử như “Buổi trời nhuốm đỏ” khiến người đọc có thể hơi lạ khi biết nhà văn sinh năm 1986. Cô hiện sống và làm việc tại Gia Lai.

L.A.H

Truyện ngắn của
Lê Thị Kim Sơn
MỚI - NÓNG