Ca sĩ quán hát nhạc kịch

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
TP - Hồng, cô gái bị bỏ rơi trong trại tâm thần là vai diễn thứ hai Thanh Ngọc nhận được trong hành trình nhạc kịch của “hiện tượng sân khấu” Nguyễn Phi Phi Anh. Ngọc thú nhận, cô không quá yêu ca hát, không biết đọc nốt nhạc, đêm đêm đi hát quán chỉ để kiếm sống nhưng lại khao khát diễn nhạc kịch. Mà là nhạc kịch của Phi Anh cơ.

Từ khi học cấp 1 Thanh Ngọc đã tham gia các câu lạc bộ hát thiếu nhi. Năm cấp 3 cô theo các nhóm nhạc đi hát kiếm tiền để đỡ phải xin mẹ. Tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh Đại học Hà Nội, Ngọc từng thử làm gia sư, nhân viên ngân hàng nhưng rồi thấy mình chẳng hợp với công việc gò bó, cô chọn hát quán làm nghề chính, thỉnh thoảng bán thêm mỹ phẩm qua mạng. Ngọc kể, hồi nhỏ thỉnh thoảng tôi cũng dựng hài kịch trong các dạ hội trường. Năm 2012 khi biết có cậu sinh viên 21 tuổi (bằng tuổi Ngọc) du học sinh Mỹ về nước tuyển diễn viên cho một vở  “Ca nhạc và kể chuyện”, tôi mừng lắm.

Hợp vai “dấm dớ vẩn vơ”

Năm 2012, Thanh Ngọc đi casting giọng hát (voice) vai chính Roxanne trong nhạc kịch “Góc phố danh vọng”. Được nhận rồi Ngọc bỗng “xù” vai bỏ đi thi VN Idol để lại cho đạo diễn Phi Anh  ấn tượng khó chịu. Năm 2013, cô quay lại thử vai cho vở “Đêm hè sau cuối”. Phi Anh hỏi: “Lần này cậu có bỏ tớ không?”.

Lúc Ngọc hát thử vai xong đạo diễn nói “Được rồi. Tớ vừa nghĩ ra một vai cho cậu”. Vai mợ Vân thơ thẩn vẩn vơ không ngờ lại hợp với Ngọc đến thế. Mợ Vân được hát 7 bài, thế là quá dư dả cho một vai phụ. Làm việc lâu cùng Phi Anh, ai cũng sẽ biết cậu ấy luôn tạo cơ hội tỏa sáng cho từng vai bất kể chính hay phụ. Chỉ có điều mỗi một vở cậu ấy luôn tìm một ai đó để trút bực bội. Ở “Đêm hè” 2013, Ngọc chính là cái bị bông đó. Mợ Vân liên tục bị quên hoặc chế lời thoại. Nhiều lần Ngọc chịu “án” phạt phải chép lại toàn bộ thoại ra giấy.

Ca sĩ quán hát nhạc kịch ảnh 1

Hình ảnh của Hồng trên poster.

Vũ đạo là điểm yếu của Ngọc. Cô không có cảm nhận tốt về hình thể. Cả mùa tập luôn có hai biên đạo kèm cặp. Nhiều lần cô khiến họ phát cáu. Năm đó Ngọc là tâm điểm của mọi sự mắng mỏ. Mọi vất vả cũng như những lời mắng phũ phàng đều tan biến khi “Đêm hè” công diễn. Khán giả vỗ tay rầm rập, cười nghiêng ngả. Ngoài nhân vật bà Tị hài hước nổi trội, khán giả cũng khoái trá với mợ Vân  hơi “leng keng”, mộng mơ, bí hiểm và hát hay. Sau dự án,  nhiều người hỏi thăm “mợ Vân là ai?”, “tìm ở đâu ra?”. Phi Anh nhắc về Ngọc với nụ cười trìu mến “ồi, nó điên lắm!”. Ngọc thì không thể quên đêm diễn cuối cùng lúc hạ màn Phi Anh nhảy chân sáo lên sân khấu, cười tít mắt.

Hè 2016, lúc Phi Anh khởi động dự án Hope (Mộng ước) với 3 vở nhạc kịch, Ngọc vừa sinh con. Cô tiếc hùi hụi khi không được tham gia phiên bản mới của “Đêm hè”. Đào Hiếu, chồng Ngọc lúc đó đang có công việc ổn định nhưng tha thiết muốn thử sức nhạc kịch, nhờ vợ giới thiệu anh có một vai phụ. Mê mệt nhạc kịch và có lẽ vì sức hút của Phi Anh, Hiếu bỏ việc, cống hiến tiếp cho “Mộng ước không xa vời”. Sau Tết Đinh Dậu, “Mộng ước” khởi động, con trai được 6 tháng tuổi, Ngọc ngồi nhà nóng ruột nhắn tin xin vai. “Khó tính thì vẫn rất khó nhưng Phi Anh có cái dễ riêng khi tạo điều kiện cho từng người thỏa mãn ước mơ”. “Vai Hồng, cô gái nửa tỉnh nửa khờ như được thửa riêng cho tôi ấy”.

Thanh Ngọc khá bất ngờ pha chút tự hào khi thấy hình ảnh của mình trên poster và in trên vé. “Trông tôi thật là điên. Nhờ Phi Anh can thiệp đồ họa vào nên điên một cách lãng mạn”

Hồng (Mộng ước) và Vân (Đêm hè) giống nhau ở chỗ hơi điên điên. Hồng không bay bổng sắc sảo như Vân. Cô ta sống ở nhà thương điên, nói năng ngây ngô nhưng động đến tiền thì lại khôn. Ở “Mộng ước”, Phi Anh có quá nhiều lựa chọn diễn viên hát tốt thế nên cậu ấy đã chia đều “đất” hát cho từng người. Người hát nhiều nhất chỉ được ba bài. Ngọc được hát một bài solo và một bài song ca. “Tôi rất thích và thấy mình hợp với ca khúc “In My Own Little Conner” (từ vở “Cinderella”).

Không biết đọc nốt nhạc, như mọi lần Ngọc nghe bài hát gốc tiếng Anh, rồi tập hát theo bằng tiếng Việt. Hình như trong dàn diễn viên hát chỉ có 2,3 người không biết nốt nhạc. Chồng của Ngọc vào vai Benny, có đất cho diễn xuất tâm lý nhưng Đào Hiếu vẫn buồn thỉnh thoảng than vãn với vợ “anh được hát ít quá”.

Ca sĩ quán hát nhạc kịch ảnh 2

Vai Hồng trong “Mộng ước” như được thửa riêng cho Thanh Ngọc.

Bỏ việc để theo Mộng ước

Ngọc đi thi Sao Mai điểm hẹn 2014 và lọt vào top 4 Ca sĩ triển vọng. Nhưng danh hiệu này dường như chẳng  giúp cô thoát được những trận mắng te tua của đạo diễn cầu toàn.  Có lần trong buổi tập show thời trang tóc, trước mặt nhà tài trợ, Phi Anh quát: “Cậu làm cái gì đấy? Thôi đi!”. Ngọc vẫn chịu đựng cho tới khi đạo diễn cùng tuổi đay nghiến “Ca sĩ triển vọng! Sao Mai điểm hẹn!”. Cô bật khóc.

Ở “Mộng ước”, Ngọc không còn là mục tiêu bị sỉ vả nữa “có lẽ vì năm nay tôi mới sinh em bé hoặc Phi Anh bỗng hiền đi”. “Mộng ước” có nhiều thoại dài, các bài hát mạnh chất nhạc kịch hơn, tiết tấu không sôi động trẻ trung như hai vở trước. “Đời nào Phi Anh để nó giống 2 vở kia. Cậu ấy muốn một hiệu ứng khác hẳn”. Họ chỉ có 25 ngày vừa tập luyện vừa chỉnh sửa kịch bản và tiểu tiết tới hàng chục lần. Ngày nào cũng tập, không có một tối trống để vợ chồng Ngọc tranh thủ đi hát quán. Có hôm Ngọc đề xuất với đạo diễn “thỉnh thoảng cho bọn tớ nghỉ một tối đi hát kiếm tiền mua sữa cho con”. Phi Anh bảo “Không phải xin. Ai thích nghỉ thì cứ nghỉ”. Thế là tất cả lại lao vào tập.

Đạo diễn rất hứng thú, có tí thiên vị với những vai hâm hấp, dấm dớ, điên điên nhưng đòi hỏi diễn viên thể hiện tự nhiên như đời thường “rất ghét ai cố làm cho vai mình mặn”. Ngọc thường xuyên bị nhắc “cậu đừng gồng quá, không cần thiết đâu”.

Trước ngày công diễn, hai mẹ con Ngọc bị cúm, uống thuốc dồn dập. Có hôm Ngọc tha lôi thằng cu đi tập. Mọi người chuyền tay nhau bế, nó rất chăm chú theo dõi. Bố mẹ thất nghiệp và cả thằng con 6 tháng tuổi chảy nước mũi cống hiến cho “Mộng ước”,  Ngọc cười, vừa kể vừa khoe ảnh bé Chum. “Chẳng hiểu có phải do tập  nước rút quá sức mà sát giờ G một nửa số diễn viên và và đạo diễn lăn ra ốm”.

“Mộng ước không xa vời” công diễn tối 28/2 vừa rồi, khán giả (chủ yếu fans cũ) có vẻ như chưa thích nghi được với tiết tấu mới có phần nặng so với hai tuyệt phẩm sôi động trước đó. Ngọc bần thần: “Không biết có phải câu chuyện viễn tưởng khiến khán giả khó hiểu?”. Cô hơi buồn vì lý do ngạt mũi nên chỉ hát đạt 60% sức mình.

Long đong, lì lợm, điên điên

Đó là ba tính từ Thanh Ngọc tả về mình. Ngọc có tuổi thơ bất an. Từ năm 10-15 tuổi tính khí Ngọc lì lợm, khó bảo. Ngọc rất sợ về nhà, bỏ đi lang thang vì chán cảnh bố say rượu gây sự ầm ĩ nhà cửa. Bố mắc bệnh gan, mỗi năm nhập viện bốn năm lần khiến gia cảnh càng khó khăn. Ngọc đi hát tự nuôi thân từ rất sớm. Ngọc quen Đào Hiếu trong thời gian cùng hát quán. Hiếu từng tốt nghiệp ngành quản lý khách sạn ở Singapore nhưng do đam mê hát anh thi vào khoa thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội học tới năm thứ ba thì bỏ vì không định theo chuyên nghiệp.

Lúc hai người muốn cưới, mẹ Hiếu phản ứng dữ dội. Bà cho rằng phụ nữ hát hò sau này dễ lăng nhăng. Sau nửa năm kiên trì thể hiện sự gắn bó, Hiếu và Ngọc khiến mẹ đồng ý. Khi đã nhận Ngọc về làm dâu, mẹ Hiếu rất chăm sóc và mở lòng. Về tình cảm, Ngọc thấy may mắn khi lấy được chồng hiền, mẹ chồng tốt nhưng “về vật chất còn long đong lắm”. Mẹ chồng trước đó mắc bệnh nan y phải bán hết nhà cửa đất đai chữa trị. Hiện cả nhà phải ở thuê căn hộ tập thể. Công việc của Hiếu chưa ổn định, hai vợ chồng trông vào thu nhập hát quán, ăn đong từng ngày. Ngọc vác bụng bầu đi hát đến tháng thứ tám. Sáu tháng trước, lúc mới sinh con, Ngọc rơi vào tột độ khủng hoảng. Hiếu bỏ việc, tham gia nhạc kịch. Hai vợ chồng tiêu hết sạch tiền tiết kiệm. Có ngày trong túi chỉ còn 70 nghìn đồng. Con được một tháng mẹ vừa đi hát trở lại thì bị tắc sữa chữa hết mấy chục triệu. “Ơn giời mọi việc dần dần sáng lên”.

Hỏi về dự định sau “Mộng ước”, Ngọc nói “Nghề hát quán về hưu sớm lắm, tôi phải tính kinh doanh gì đó”. Ngọc mơ hai vợ chồng sẽ mở được quán ăn nho nhỏ. Thế nhưng bỗng lúc nào đó Phi Anh gọi, chúng tôi vẫn sẵn sàng - Ngọc cũng từng nói với anh bạn đạo diễn như vậy. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.