“Cấm”

“Cấm”
TP - Chuyện kể rằng: Một du khách nước ngoài hỏi một người Việt Nam: “Phố Cam Đai ở đâu ?”, người Việt không hiểu vì chưa nghe tên phố đó bao giờ. Du khách nước ngoài liền chìa tấm ảnh mà bạn anh ta sang Việt Nam lần trước tặng để nhờ xem hộ.
“Cấm” ảnh 1

Thì ra tấm ảnh chụp một người đàn ông đang đứng  “khoan cắt bê tông” và phía trên đầu là dòng chữ “Cấm đái”. Theo cách hiểu của du khách nước ngoài thì “Cấm đái” là tên phố mà ở đó người ta được phép tiểu tiện.

Câu chuyện vui nhưng có thật. Ở đâu có biển cấm đái thì có nhiều người tiểu tiện nhất. Phòng họp ghi “No smoking”, khói thuốc bay lên như ống khói lò gạch.

Dưới tấm biển “cấm đổ rác” là một đống rác lưu cữu, bốc mùi hàng trăm mét; bên cạnh tấm biển “cấm họp chợ” là thượng vàng hạ cám được bày ra bán mua tấp nập, nhộn nhịp.

“Di tích lịch sử quốc gia đã xếp hạng- cấm xâm phạm” bị bao vây bởi vô số hàng quán, nhà cửa, thậm chí công trình vệ sinh án ngữ ngay trước mặt thánh thần. Còn bao nhiêu thứ cấm khác như cấm đi xe hàng ba, hàng bốn thì thanh niên dung dăng dung dẻ đi hàng năm, hàng sáu, cấm phóng nhanh vượt ẩu thì tổ chức đua xe, lạng lách…

Phải chăng  “Cấm” là chuyện hài hước nên có nơi người ta viết: “cấm không được… xả rác” để mọi người xả rác mà không sợ bị nhầm chỗ?

Cấm trong  tiếng Việt có nghĩa là tuyệt đối không được thực hiện hành vi được đặt sau nó (cấm lửa chẳng hạn). Nếu được như vậy thì cấm những gì cần cấm là đúng. Việc những người thiếu ý thức vi phạm các quy tắc của cuộc sống phải bị lên án mạnh mẽ, xử phạt nghiêm minh là chuyện phải làm.

Tôi chỉ muốn bàn về trách nhiệm của những người có quyền đưa ra các quy định cấm. Người treo, dựng biển cấm cũng không biết hiệu quả đạt được bao nhiêu phần trăm hay phần nghìn, họ chỉ làm theo phận sự, làm để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, để sử dụng hết kinh phí.

Còn người dân chẳng mấy quan tâm nơi đó cấm hay không cấm, có khi như người nước ngoài nghĩ cấm là cho phép, do đó cứ chỗ nào có biển cấm thì chỗ đó là thuận tiện nhất cho hành vi bị cấm. Vì vậy các biển cấm dựng lên bị vô hiệu hoá.

Điều đó tạo cho con người thói quen coi thường pháp luật. Từ những chuyện nhỏ như vậy chẳng cấm được thì nói chi đến những chuyện lớn lao. Vì vậy nên xem xét trước khi ra lệnh cấm, nếu không có tính khả thi, không có biện pháp, chế tài đảm bảo  thì đừng cấm còn tốt hơn. Cứ cấm bừa bãi e đến ngày nào đó  lại phải ra lệnh “cấm treo biển cấm” ??? 

MỚI - NÓNG