Góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình đại hội XII của Đảng

Cần có chế độ đãi ngộ để văn nghệ sỹ trẻ phát triển

Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng và Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong Trần Thanh Lâm tặng hoa cho các văn nghệ sỹ tham gia góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng.
Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng và Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong Trần Thanh Lâm tặng hoa cho các văn nghệ sỹ tham gia góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Tạo nhiều điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người trẻ sáng tạo nghệ thuật, định hướng lại giá trị cho người trẻ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống là những vấn đề được trao đổi tại Hội nghị Văn nghệ sỹ trẻ góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, do T.Ư Đoàn phối hợp báo Tiền Phong tổ chức, ngày 14/10.

Quẳng gánh cơm, áo…

Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng có một số điểm mới: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; Dân chủ xã hội chủ nghĩa; Đổi mới toàn diện nhưng đồng bộ; Bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Theo PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc, con người là nhân tố quyết định số một. Vì thế, những người làm nghệ thuật phải làm sao khơi dậy được tính nhân văn, nhân nghĩa của con người, kiên quyết loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, xây dựng xã hội vì cộng đồng.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc, để văn nghệ sỹ trẻ không bị gánh nặng cơm áo, gạo tiền, toàn tâm dốc trọn đam mê sáng tác những tác phẩm có giá trị cống hiến cho xã hội, Đảng, Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ hơn nữa, như chế độ đãi ngộ, điều kiện cơ sở vật chất… để văn nghệ sỹ trẻ phát triển.

Ca nương Phạm Thị Huệ trăn trở trước thực trạng giá trị văn hóa truyền thống ngày càng mai một. “Các nghệ nhân di sản hiện nay không có sự hỗ trợ nào, họ phải tự xoay xở sống và tự truyền nghề. Nghệ nhân ca trù gạo cội, giờ chỉ còn 5, 6 cụ. Trong số ít bạn trẻ yêu thích ca trù được đào tạo bài bản, hát tốt, không ít người đã phải từ bỏ niềm đam mê rẽ sang làm nghề khác để mưu sinh. 

Bên cạnh đó, không gian để bảo tồn văn hoá truyền thống ngày càng ít. Nhiều nhà hát được xây dựng nhưng theo lối kiến trúc hiện đại, kiến trúc dành cho những môn nghệ thuật truyền thống như: chèo, xẩm, ca trù gần như không có”, ca nương Phạm Thị Huệ nói. “Nhà nước cần có sự quan tâm sâu sắc, chính sách hỗ trợ đối với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa truyền thống, đưa các môn nghệ thuật trở thành môn học trong các trường học”, ca nương Phạm Thị Huệ đề xuất.

NSƯT Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, để xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc, đa dạng tiếp thu các tinh hoa văn hóa thế giới, Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa đối với tầng lớp văn nghệ sỹ. “Tôi mong muốn, Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa đến các giáo sư, giảng viên của các trường đào tạo về nghệ thuật để họ có cuộc sống ổn định, tiếp tục cống hiến cho đất nước; đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ những học sinh, sinh viên đạt các giải cao về nghệ thuật trên trường quốc tế”, NSƯT Quốc Hưng kiến nghị.

Văn nghệ sỹ trẻ chưa có chỗ đứng

Một số ý kiến cho rằng, hiện văn nghệ sỹ trẻ chưa có nhiều điều kiện để phát triển đam mê. Họa sỹ Đỗ Hiệp, Chủ nhiệm CLB Họa sỹ Trẻ, Hội Mỹ thuật Việt Nam tâm tư: “Người trẻ đứng trong hàng ngũ của hội văn nghệ sỹ còn ít. Sân chơi cho hàng ngũ văn nghệ sỹ trẻ còn rất hạn chế. Rất ít có các buổi nói chuyện, giao lưu giữa những văn nghệ sỹ trẻ”.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy phản ánh thực tế, trong 1.000 hội viên Hội Nhà văn hiện nay, người trẻ chỉ có 40, 50 người. “Người trẻ dường như không có chỗ đứng của mình. Chúng tôi mong rằng sẽ tăng cường nhiều hơn những diễn đàn chính thống của người trẻ, để người trẻ đóng góp, đưa ra những quan điểm, chính kiến riêng của mình. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đề xuất: Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng cần chú trọng quan tâm đến đời sống văn nghệ sỹ, điều kiện sáng tác, làm việc, đầu tư các chương trình thực tế sáng tác cho người trẻ tham gia.

Nhà thiết kế trẻ, Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân cho rằng, cần có sự định hướng lại cách tiếp cận văn hóa cho người trẻ. “Hiện con trẻ bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức chuyên môn mà thiếu các kiến thức về văn hóa. Dạy văn hóa, lịch sử, truyền thống nên làm bằng cách truyền cảm hứng đam mê chứ không nhôi nhét, cứng nhắc”, Hoa hậu Ngọc Hân nói.

Theo Ngọc Hân, các chương trình giải trí cho người trẻ hiện nay cũng quá ít. “Đã rất lâu rồi, không có một tác phẩm nghệ thuật, giải trí nào chất lượng thu hút giới trẻ. Gần đây, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được đầu tư trau chuốt, có tính nghệ thuật được giới trẻ nháo nhào đi xem như giải tỏa được cơn khát. Tuy nhiên, để tìm được một tác phẩm có chiều sâu tư tưởng, định hướng giáo dục thì rất ít”, Ngọc Hân nói.

Hoa hậu Việt Nam 2010 cũng phản ánh một thực tế, hiện nay một số nghệ sỹ hoạt động bề nổi, làm “màu” để được truyền thông quan tâm, tung hô quá đà khiến người trẻ có cái nhìn lệch lạc và những nghệ sỹ chân chính cảm thấy bị bất công. Hoa hậu Ngọc Hân đề xuất, ban tổ chức các cuộc thi nhan sắc cần có sự quan tâm sát sao hơn nữa đến các người đẹp bước ra từ các cuộc thi do mình tổ chức để định hướng họ đi đúng theo mục tiêu ban đầu nhằm mang lại những tác động tích cực đến xã hội nói chung, giới trẻ nói riêng.

Đồng quan điểm, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho rằng, cần có sự điều chỉnh đảm bảo sự chính thống và thị trường trong hoạt động nghệ thuật. Nhiều người nổi tiếng chỉ cần dựa vào cái danh kiếm lợi một cách tối đa mà quên đi sứ mệnh, nhiệm vụ của mình, thậm chí nhiều người còn mang lại ảnh hưởng tiêu cực đến người trẻ. 

“Các ý kiến trao đổi tại hội nghị rất trách nhiệm, trí tuệ và tâm huyết. Các ý kiến đều có một mong muốn chung: Đảng cần tạo điều kiện tốt hơn nữa để các văn nghệ sỹ trẻ tiếp tục cống hiến vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam. 

Thời gian qua, T.Ư Đoàn, Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức được một số diễn đàn dành cho người trẻ nói chung, văn nghệ sỹ nói riêng nói lên tiếng nói của mình đối với những vấn đề thời sự của đất nước nhưng chưa được thường xuyên. 

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức thường xuyên hơn các diễn đàn khác nhau dành cho người trẻ. Mong rằng, giới văn nghệ sỹ trẻ sẽ phát huy vai trò của mình, có sự ảnh hưởng tích cực đến đoàn viên thanh niên”, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng nói.

Cán bộ Đoàn, Hội chủ chốt góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng

Ngày 13/10, Tỉnh Đoàn và Hội LHTN Việt Nam tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cán bộ Đoàn, Hội chủ chốt góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng, nhiệm kỳ 2015-2020. Tại hội nghị, các ý kiến cơ bản nhất trí cao và đánh giá Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII có bố cục logic, hợp lý, đánh giá một cách khái quát, toàn diện, khách quan, thẳng thắn nhiều kết quả đã đạt được và làm rõ những yếu kém, chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.

Về phần mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng, các ý kiến tập trung đóng góp vào các vấn đề lớn như giáo dục đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực, công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Đồng thời đề nghị Văn kiện làm rõ hơn nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, trong đó có tổ chức Đoàn; đề xuất để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên học tập, rèn luyện, khởi nghiệp và lập nghiệp.                

                Phí Duy Quỳnh

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.