Cạn kiệt "quỹ tên đường phố" !

Cạn kiệt "quỹ tên đường phố" !
Bộ VHTT vừa trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là “quỹ tên phố” được lập và duyệt sẵn đang ngày càng cạn kiệt.

Theo Nghị định, tất cả các đường, phố và công trình công cộng được xây mới trong các thành phố, thị xã, thị trấn sẽ được xem xét để đặt tên. Tất nhiên, sẽ không đổi tên các đường, phố và công trình công cộng đã trở thành quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hóa dân tộc có tính tích cực.

Những đường, phố và công trình công cộng này sẽ được đặt tên dựa vào một số tiêu chí: Phải là địa danh nổi tiếng, có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt; tên di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hóa; tên các phong trào cách mạng, các sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược; danh nhân (bao gồm cả danh nhân nước ngoài) được quảng đại quần chúng thừa nhận.

Tuy nhiên, theo nhận định của ngay những người soạn thảo đề án thì nay tên danh nhân để đặt tên cho đường, phố đã được sử dụng gần hết. Hơn nữa, với yêu cầu “tên đường, phố phải là từ thuần Việt và trong sáng về tiếng Việt” thì những địa danh cổ gốc Việt - Mường như Óc Eo, Bàu Tró, Rú Thăng, Thẩm Om, Thẩm Òm (tên các di chỉ khảo cổ thời kỳ đồ đá)... đã bị gạt ra khỏi ngân hàng dữ liệu.

Bên cạnh đó, tiêu chí để xác định danh nhân, đặc biệt là các danh nhân quốc tế, vẫn chưa thống nhất, chẳng hạn trường hợp giáo sĩ Alexandre de Rohdes (thế kỷ XVI) - người có công lớn trong việc sáng lập chữ quốc ngữ... Bởi thế, ngoài các danh nhân như Lenin, Indra Ghandi... đã được dùng để đặt cho công viên thì Hội Khoa học Lịch sử VN (giữ vai trò tham mưu trong việc lập ngân hàng tên), cũng chưa đưa thêm được các danh nhân mới nào.

Riêng trường hợp các danh nhân cận - hiện đại, theo PGS. TS Phạm Mai Hùng (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN), vì còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau nên giải pháp “trung hòa” tốt nhất là cứ giảm dần và quy định rõ thời gian bao nhiêu năm sau khi qua đời mới được xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.

Ở một số nước, người ta cũng có quy định tương tự. Tuy nhiên, ở VN, do điều kiện lịch sử cụ thể nên quy định thời gian sau khi mất để đặt tên đường, phố và công trình công cộng lại rất khó khăn. Dùng tiêu chí nào để xác định cũng chưa có ý kiến thống nhất. Bởi vậy, trong khi chưa có đủ ngân hàng dữ liệu về tên thì trước hết cứ nên đánh số”.

Quá trình đặt, đổi tên đường phố ở những thời điểm lịch sử khác nhau thường tuân theo những quy chuẩn khác nhau. Vì vậy, cái khó khi Nghị định được ban hành sẽ là việc thống nhất giữa các “chuẩn” cũ và mới thế nào để không gây ra xáo trộn.

Chẳng hạn, ở Hà Nội, những cái tên do người dân tạm đặt như phố Hồng Liên ở vùng Nhân Chính, quận Thanh Xuân; phố Đông Quan ở phường Dịch Vọng (chỗ đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài); ngõ Tuổi Trẻ ở đường Hoàng Quốc Việt, phố Quảng Bá ở phường Quảng An, ngõ Ao Sen (Nguyễn Trãi), ngõ Liên Trì (Bạch Mai)... đã dần trở nên quen thuộc - mà theo quy định mới thì chỉ có phố mới được đặt tên chứ ngõ thì chỉ đánh số. Hoặc với cùng một danh nhân nhưng trong cùng một thành phố lại dùng những tên khác nhau như Quang Trung, Nguyễn Huệ; Lê Thái Tổ, Lê Lợi...

Theo Nghị định, các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I sẽ lựa chọn tên các địa danh, tên các sự kiện lịch sử trọng đại, các danh nhân tiêu biểu trong cả nước hoặc trên thế giới trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, an ninh... để đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.

Các đô thị còn lại sẽ ưu tiên lấy địa danh nổi tiếng, sự kiện lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh, danh nhân tiêu biểu của địa phương mình để đặt tên đường, phố và công trình công cộng.

Có điều, xu hướng phát triển của đô thị là quy mô ngày càng lớn; đường, phố làm sau trong tương lai chắc chắn sẽ mở rộng hơn, quy mô hơn. Trong khi đó, tên các danh nhân có cống hiến lớn thì đã được sử dụng gần hết. Do đó, sẽ khó tránh khỏi trường hợp danh nhân ở tầm mức thấp hơn thì lại được đặt tên đường, phố lớn.                

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.