Cần tuyển anh hùng

Charlie Hebdo tiếp tục bày bán trong một sạp báo tại ga Lyon Part Dieu (Pháp). Ảnh: Đoàn Minh Hằng
Charlie Hebdo tiếp tục bày bán trong một sạp báo tại ga Lyon Part Dieu (Pháp). Ảnh: Đoàn Minh Hằng
TP - Dễ cả tháng nay tôi không lên thành phố. Tháng lạnh nhất của mùa đông châu Âu làm dịch cúm trường học lan tràn, đến thời sự cũng không được ngó vì bọn trẻ giành tivi xem hoạt hình. Thế là ngẩn ra khi mấy người bạn bên Pháp tự xưng “Tôi là Charlie”.

Ngồi tại Việt Nam em gái tôi còn lo hơn cả người đang ở Bỉ “Chị đừng lên phố xá, tránh xa chỗ đông người nhé. Vừa có khủng bố ở Verviers thuộc vùng Wallonia đấy, biết chưa?” Chưa!

 

Ba mươi năm rồi người Bỉ mới lại thấy quân đội thay thế cảnh sát tuần tra những nơi nhạy cảm như trường học của người Do Thái ở Antwerp, đồn cảnh sát- nơi bọn khủng bố đe dọa tấn công. Mũ nồi đỏ đội lệch, quân phục rằn ri, chân choãi thế compa và tay bồng súng (chứ không phải lưng giắt súng bị động như cảnh sát) sẵn sàng nhả đạn, hình ảnh người lính làm quan điểm công chúng phân rã. Hiếm khi cuộc trưng cầu ý kiến độc giả của tờ báo nọ lại đạt tỷ lệ quân bình đều 33% về “hay”, “dở”, “bình thường” như lần này: Bạn nghĩ gì về quân đội dàn trận trên phố ở Antwerp, Brussels chặn khủng bố?

Tôi đồng ý quan điểm nước đôi của độc giả báo nọ, cảm thấy an toàn hơn khi có lính bồng súng cảnh giới xung quanh. Năm năm gần đây, hai lần đi Paris tôi luôn thấy lính tuần tra quanh tháp Eiffel. Vợ chồng tôi thả lỏng cho con nhảy chân sáo trong chân tháp, bọn trẻ chợt sững người đụng phải một chân tháp sừng sững khác- người lính bồng súng. Miệng anh ta cười mỉm với con tôi nhưng mắt lập tức ngước ra xa tìm kiếm. Bắt gặp ánh mắt vợ chồng tôi cách đó vài mét, anh trỏ ngón tay xuống bọn trẻ có ý hỏi “con quý vị phải không”. Chúng tôi gật đầu, anh an tâm di chuyển chỗ khác.   

Nhưng chỉ một tháng như đã hứa thôi nhé, quanh năm lính tuần phố thế này chẳng hóa ý kiến tồi, bọn khủng bố đã đạt mục tiêu khiến chúng ta sống trong sợ hãi. Ai từng du ngoạn châu Âu hẳn xót xa, Paris và Brussels chứ có phải Kabul, Baghdad đâu?! Cũng có thể người Do Thái nghĩ khác chúng ta. Một lính Bỉ tuần tra trước trường học Do Thái ở Antwerp tâm sự “Có chút khoảng cách nhưng cơ bản họ thân thiện. Hàng ngày họ mang cho chúng tôi cà phê và bánh quy. Hiển nhiên họ hài lòng có chúng tôi ở đây.”

Với người Do Thái ở châu Âu, anh lính bồng súng kia chính là người hùng. Hình ảnh người hùng chưa bao giờ phai nhạt, chỉ có điều theo năm tháng đời người khái niệm anh hùng trong ta mỗi khác. Nhưng có điều gì bất ổn ở đây, bản thân con người đã không còn đủ sức trở thành anh hùng nữa? Nhìn Hollywood xem, chẳng tin vào con người đơn độc mà phải mượn thêm bản năng loài vật như nhện (Người nhện), dơi (Người dơi) và gần đây là chim (Người chim) mới tròn vai một anh hùng cứu thế giới.

Quá nhiều đau thương khiến chúng ta mơ về thế giới ảo, người hùng ảo. Còn anh hùng thật- người đóng vai chính trong đời sống hàng ngày là ai? Chúng ta cần một anh hùng khác. Tờ báo De Standaard gần đây khiến tôi cảm thấy được khích lệ hơn là ngồi lo buồn xem tranh biếm họa của Charlie Hebdo. Ít ra De Standaard cũng mạnh dạn đề cử vài anh hùng có thật: Một phụ nữ trẻ ở Antwerp đứng lên chống lại ba thiếu niên bắt nạt một thiếu niên khác trong xe điện ngầm, người đàn ông 34 tuổi cứu một gia đình gồm sáu người tị nạn Syria khỏi vụ hỏa hoạn...

Độc giả có thể gửi các đề cử về cho báo này, không cứ mô típ cứu mạng người. Nếu phải chọn một anh hùng trong tháng đầu tiên của năm 2015, có thể tôi đề cử Noureddine Smaili - chủ tịch một tổ chức người theo đạo Hồi sát cánh cùng người Do Thái tại Brussels làm lễ tưởng niệm nạn nhân vụ tấn công Charlie Hebdo. Smaili nói “Chúng tôi đến đây với những người Do Thái anh em để chứng minh rằng không có sự khác biệt giữa người Do Thái, người Hồi giáo, người theo đạo Cơ đốc, người vô thần. Con người là con người, và bạn không được phép giết người”.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG