Cây đàn sinh viên

Đời sinh viên với cây đàn.
Đời sinh viên với cây đàn.
TP - Khi tôi đưa người bạn từ phương xa tới uống cà phê ở công viên Tao Đàn, bạn tôi ngạc nhiên khi mười người đi vào công viên thì ba người đeo đàn ghi ta sau lưng. Không quen biết nhau, họ ngồi dưới vòm cây và cùng hòa tấu một vài bản nhạc quen thuộc với mọi người. Sau đó, đường ai nấy đi, thậm chí cũng chẳng xin số điện thoại.

Cổ mà không cũ

Giới sở hữu nhiều ghi ta nhất thành phố phải kể tới sinh viên. Họ đến từ các tỉnh và dĩ nhiên cả sinh viên Sài Gòn nữa. Quê quán khác nhau mà cây đàn ghi ta gắn kết tất cả, như bài hát “Cây đàn sinh viên” mà ca sĩ Mỹ Tâm cách đây vài tháng biểu diễn tại sân vận động quân khu VII dưới sự reo hò và hát theo của 25.000 sinh viên.

Mỹ Tâm bước ra sân khấu, cây đàn trên vai, lập tức tiếng hò reo vang dậy. Hằng ngày, đi trên đường phố, tôi bắt gặp không biết bao nhiêu nữ sinh viên tóc đuôi gà thong dong qua đường, cây đàn ghi ta thùng to tướng đeo sau lưng. Họ đến từ mọi trường đại học, cao đẳng, trung cấp khác nhau và phần nhiều là các trường không đào tạo về nghệ thuật.

Trung, cựu sinh viên khoa Lý luận sáng tác chỉ huy Nhạc viện Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống mấy năm, bảo tôi: “Ở Hà Nội tìm học sinh dạy ghi ta không dễ, còn vào Sài Gòn thì không bao giờ ta đủ thời gian mà dạy”. Trung thuê một căn hộ có gác nhỏ ở quận Tư, một quận nhiều lao động, nhưng lịch dạy của Trung kín hết ngày, hết tháng.

Khi chúng tôi tới thăm người bạn cũ này, vài sinh viên vẫn miệt mài học nhạc cổ điển, vài bạn khác đứng ngoài ngõ để chờ. Chơi được nhạc cổ điển, các bạn sinh viên này cần bỏ ra hàng năm trời, nhưng không hề gì. Họ luôn vui vẻ đến xóm trọ rất đúng giờ và cả xóm thì đều biết ông thầy dạy ghi ta người Hà Nội.

Tại cư xá Bắc Hải có một ông thầy dạy ghi ta từ trước 1975 tới nay. Anh chỉ dự những lớp âm nhạc ở nhạc viện theo kiểu dự thính nhưng tự mình viết 4 cuốn sách về ghi ta được đăng ký tác quyền và khi chúng tôi tới thì trong nhà luôn có 4 – 8 bạn nhỏ quãng từ 12 tuổi trở lên miệt mài theo học.

Thậm chí anh chưa bao giờ nghĩ mình làm việc gì khác ngoài dạy đàn ghi ta cổ điển. Anh nói tới nhiều cây ghi ta cổ điển lừng danh trước và sau 1975, nhưng phần nhiều bạn bè và thầy anh đã giải nghệ. Cuộc đời anh, gần như không bao giờ rời khỏi căn phòng với những cây ghi ta bóng láng mồ hôi các thế hệ.

Châu Đăng Khoa chơi ghi ta chuyên nghiệp, tốt nghiệp nhạc viện thành phố, từng biểu diễn nhiều nơi. Để duy trì đam mê của mình, anh có một quán cà phê ghi ta nhỏ gần sân bay, nơi tối tối anh đến giao lưu với các bạn trẻ.

Ngón nghề Châu Đăng Khoa khác người do anh thường tự viết, tự sáng tác và tạo ra các thế bấm riêng. Anh thích âm nhạc cổ điển kết hợp với âm nhạc hiện đại và các bạn trẻ cũng thích thế. Hiếm khi Châu Đăng Khoa chơi một bản nhạc cổ điển đúng như trường quy mặc dù anh không xa lạ với nó.

Ngược lại, ở quận 10 tụ tập một quán cà phê ghi ta gỗ mà diễn đàn trên mạng thu hút dăm bảy ngàn thành viên. Chủ quán không thể lấy thu bù chi vì giá cà phê bán cho các bạn sinh viên rất rẻ nên anh này tranh thủ buổi sáng kiếm thêm bằng việc tự tay nấu cháo lòng bán.

Anh ta sắm hàng chục cái đàn để các bạn sinh viên chưa mua nổi đàn tới tập trong một phòng tập nhỏ trên gác, được cách âm cầu kỳ. Một vài giảng viên ghi ta chuyên nghiệp hỗ trợ cho các bạn sinh viên khi cần và vào những buổi tối, thường là đông nghẹt, sinh viên có đôi mà đàn cũng có cặp.

Rock hay Blue?

Vài  người nghĩ nhạc rock Hà Nội nổi bật hơn Sài Gòn, điều đó không hẳn đúng. Nhạc rock gắn với âm nhạc dân gian đặc biệt nhạc ngũ cung nên ở một nơi âm nhạc dân gian thịnh như Hà Nội, việc nhạc rock phát triển mạnh là lẽ thường. Song khảo sát của chúng tôi, ở Sài Gòn vẫn còn không dưới 40 ban nhạc rock chuyên nghiệp với trình độ biểu diễn sân khấu thuần thục.

Nhưng, với tính chất một đô thị mở, đủ mọi văn hóa hội tụ, từ Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Việt Nam, Hoa, Ấn, Thái, Campuchia, Philippine… như một bữa cơm của gia đình nhiều thành viên đến từ mọi miền, ta thấy họ dọn ra đủ mọi loại món ăn trong một tối biểu diễn của họ.

Thịnh hành nhất vẫn là nhạc Blue- rock, một sản phẩm “chính thống” của âm nhạc Mỹ. Sinco band là một đại diện. Nghệ sĩ Công Danh với ngón đàn điêu luyện của mình vẫn giữ tiếng đàn gần như không thay đổi từ trước 1975 tới nay và hầu như anh không dạy đàn cho bất kỳ ai.

37 cây đàn là số đàn anh đang sở hữu. Anh để chúng ở công ty, còn tại nhà, chúng được treo kín xung quanh chỗ nằm. “Mình muốn thử âm thanh của chúng, nên mỗi đêm đánh một cái đàn”.

Cây đàn sinh viên ảnh 1

Ban nhạc Sinco. Ảnh: T.N.A.

Nhạc rock hay Blue hầu như không được dạy tại nhạc viện. Không sao, anh Châu, một cây ghi ta chuyên nghiệp đã giải nghệ sẵn sàng tiếp nhận học viên và người ta nói không ngoa rằng nhiều ban nhạc hiện nay đều do học trò của anh đảm trách.

Là một người yêu cây ghi ta, hẳn bạn sẽ tò mò xem người Sài Gòn dạy đàn như thế nào. Tôi cũng thử xem sao. Tại Hà Nội, tôi nhờ người bạn thân của mình là thầy Hồ Minh giảng viên dạy ghi ta của Trường Nghệ thuật quân đội chỉ giáo. Ngay buổi đầu tiên, bạn tôi đã đưa ra một bài tập luyện ngón và một tác phẩm nhạc Blue.

“Ồ! Cứ đánh đi, kỹ thuật nằm ngay trong tác phẩm này” - Minh nói. Sau đó, tôi vào Sài Gòn và xin thọ giáo anh Phương Yoko, một tay chơi nhạc rock từ những năm 1990. Sau 4 tháng, nghệ sĩ saxo Trần Mạnh Tuấn hỏi tôi: “Học đến bài gì rồi?”. Tôi thật thà bảo: “Chỉ học kỹ thuật, chưa học bất kỳ một tác phẩm nào!”. Quan điểm của Phương Yoko là: “Không có kỹ thuật thì không thể biểu diễn tác phẩm”. Vậy thời gian học kỹ thuật là bao lâu. “Một năm, thậm chí mười năm” - Phương Yoko nói - việc lựa chọn thể loại hay tác phẩm là việc của em, chứ không phải việc của anh”. Hóa ra vậy. Phương Yoko dạy ra nhiều ban nhạc, nhưng họ chọn những dòng nhạc khác nhau, khi gặp khó khăn, họ lại quay về thọ giáo thầy của mình.

Những người thợ vô danh 

Ở Hà Nội có phố làm đàn trên Hàng Trống hay phố đàn trước cổng nhạc viện, nhưng khó mà bì được với phố ghi ta Nguyễn Thiện Thuật ở Sài Gòn. Cả dãy phố, hai mặt đường, đều làm đàn ghi ta. Nhiều gia đình gốc gác từ Huế, nhưng một số nói với tôi họ đến từ Nam Định, Hà Nội… Không chỉ làm đàn ghi ta gỗ, họ còn sản xuất ghi ta điện với đủ mọi phong cách Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…

Một điều khá phi lý, Phương Yoko thường chơi những cây đàn ghi ta sản xuất ở Mỹ với giá khoảng 4.000 USD nhưng rất mừng khi mua được một cây đàn sản xuất tại Sài Gòn. Anh tiết lộ: “Tiếng là đàn Sài Gòn, nhưng linh kiện đều nhập ngoại và đều sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Khi bán tại các nước, giá của chúng cao ngất”.

Một nghệ sĩ ghi ta đến từ Mỹ đã bỏ rất nhiều công để mua từng mảnh gỗ quý trong rừng Amazon đem tới Sài Gòn nhờ những người thợ tại đây lắp ráp. “Thật tuyệt vời!- anh ta nhận xét - làm ở Mỹ cũng chỉ đến thế thôi”. Sang Việt Nam một thời gian ngắn, hiện anh ta đã sở hữu 11 cây đàn ghi ta bằng gỗ quý, được xem như những báu vật.

Trong những quán nhạc cầu kỳ và những tay chơi ghi ta khó tính, ta thấy họ không chơi đàn Tây Ban Nha hay Mexico mà ôm trong mình một cây đàn làm tại Sài Gòn. Vài cây đàn nhuốm màu thời gian, thậm chí trải qua những trận cháy kinh người, nham nhở.

Tình đàn

Tôi gặp gỡ một số ban nhạc mới thành lập thường biểu diễn ở các tụ điểm nhạc rock và trò chuyện với không ít thành viên hiện đang học ở các trường quốc tế tại TPHCM với mức học phí dăm trăm triệu mỗi năm, số khác mới du học nước ngoài trở về. “Bố mẹ chúng em không vui lắm khi chúng em không theo ý gia đình đi làm luật sư hay giám đốc công ty mà lại đi chơi ghi ta. Nhưng cũng không ai ngăn cản”.

Với mức thù lao vào khoảng 400.000 đồng mỗi tối cho một thành viên ban nhạc, ban nhạc đặc trưng của Sài Gòn gồm 3 ghi ta (một người kiêm ca sĩ) và một trống jazz (các ban nhạc Nhật, Philippine hay Mỹ thì được thù lao cao hơn), một tuần chỉ diễn một, vài tối. Quá nhiều ban nhạc cùng tồn tại trong một thành phố, chưa kể các ban nhạc ngoại. Các bạn trẻ không thể mưu sinh bằng cây đàn. Các bạn thường nói: “Ngày nay, hầu như chỉ những ai kinh tế khá giả mới biểu diễn ghi ta, vì chúng chỉ làm cho ta tốn tiền”.

Kim Lân, một cây ghi ta đồng thời từng làm chủ một quán ghi ta rock và nhạc đồng quê nói: “Những nỗ lực nghệ thuật của các ban nhạc hàng năm trời không  làm người ta chú ý bằng việc một ngôi sao nào đó bị sự cố tụt váy. Đời sống âm nhạc như thế này, sớm muộn các ban nhạc sẽ tan rã”.

Thật ra, những sân khấu rock, như Rock Storm mà rất nhiều ban nhạc Sài Gòn tham gia, luôn đầy ắp hàng vạn khán giả. Song, phần nhiều khán giả lả sinh viên được miễn phí vào cửa. Linh xù, cây ghi ta rock nói với tôi rằng thực sự người ta hâm mộ và sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để nghe ca sĩ nhạc sến như Chế Linh chẳng hạn, nhưng lại chỉ thích đi nghe nhạc rock miễn phí, thậm chí miễn phí cả đồ uống nữa!

Có lẽ với người Sài Gòn, cây đàn ghi ta tựa như một món quà mà tạo hóa ban tặng cho con người nơi đây, giúp tạo ra không khí sôi động cuồng nhiệt, chứ không phải một sản phẩm để kinh doanh hay công cụ để làm giàu.

1/2015

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.