“Cây Tô Hạp” dạy hát sử thi Raglay

“Cây Tô Hạp” dạy hát sử thi Raglay
Chamalia Riya Tiẻng đã trở thành “cây tô hạp của dân tộc Raglay”, nhưng anh chỉ nhận mình là một thầy giáo bé nhỏ của buôn làng (anh xuất thân từ giáo viên).

Ở Khánh Hoà, có khá đông người Raglay sinh sống trong thung lũng Tô Hạp (huyện Khánh Sơn). Tô Hạp là tên một loài cây có hương thơm vương quyện rất lâu (Tô Hạp hương), mọc nhiều hai bên bờ con sông chảy qua thung lũng.

Loài cây hương liệu quý này đã được triều đình nhà Nguyễn cho khắc    trên Anh đỉnh đặt ở Thế miếu, Kinh đô Huế. Tên cây được lấy để đặt cho dòng sông, cho thung lũng của người Raglay.

Dân tộc Raglay thuộc nhóm ngữ hệ Malayo - Polinezi, hiện nay có dân số khoảng 75.000 người, đông vào hàng thứ 19 trong 54 dân tộc ở Việt Nam. Trước đây không ai nghĩ người Raglay có trường ca - sử thi, mặc dù họ chính là chủ nhân của bộ đàn đá Khánh Sơn danh tiếng được phát hiện năm 1979.

Sử thi Raglay chậm được phát hiện có thể là do lâu nay ai cũng nghĩ những bản trường ca Tây Nguyên đều do các già làng kể khan, trong khi những người giữ những bộ sử thi Raglay lại là các cụ bà hát ngâm!

Trong quá trình ở Khánh Sơn nghiên cứu chữ viết Raglay, nhà nghiên cứu dân gian đã quá cố Nguyễn Thế Sang cùng một số đồng sự phát hiện ra người Raglay có sử thi. Họ đã phải kinh ngạc vì mức độ hoành tráng, đồ sộ của sử thi Raglay.

Có những sử thi được truyền khẩu, hát ngâm với độ dài tới 60 tiếng như  sử thi A wơi nãi Ti lơr (Nàng Ti lơr), Uđai – Ujac. Cũng như các bản trường ca Tây Nguyên, sử thi Raglay thường là những thiên anh hùng ca về cuộc đấu tranh của những anh hùng với giặc ác, ma quỷ.

“Cây tô hạp của dân tộc Raglay”

Chamalia Riya Tiẻng (Mấu Quốc Tiến) là đồng sự, học trò của nhà     nghiên cứu dân gian Nguyễn Thế Sang. Sinh thời, ông Nguyễn Thế Sang được mệnh danh là “nhà Raglay học” với nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá, chữ viết của dân tộc Raglay.

Người viết bài này đã chứng kiến những lúc lo âu tới tuyệt vọng của ông khi chưa kiếm được một người tiếp nối công việc của mình. Vì hơn ai hết, ông thấu hiểu sự phong phú, lộng lẫy và đồ sộ của kho tàng văn hóa dân gian Raglay. Giờ đây ông đã có thể yên lòng, Chamalia Riya Tiẻng đã      làm được hơn cả điều ông mong muốn.

Người ta thường hình dung nhà nghiên cứu văn hoá dân gian có phong    cách của một lãng tử, nhưng Chamalia Riya Tiẻng lại khác hẳn. Những ngày làm việc trong tuần, anh là một nhân viên cần mẫn của Phòng Văn hoá huyện.

Việc tới buôn làng nghiên cứu, sưu tầm anh đều tranh thủ vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Anh kể, để ghi âm trọn một bộ sử thi, làn điệu dân ca… phải làm ròng rã mấy tháng trời, thành công rất ít, thất bại thì vô kể. Sưu tầm ngày càng khó vì các nghệ nhân còn nhớ sử thi đều già và mất dần.

Có nghệ nhân như cụ bà Cau Mu Thiay cùng với  cụ bà Mấu Thị Giêng    ròng rã 3 tháng trời kể hát sử thi A wơi nãi Ti lơr, kể xong một tuần sau cụ Mu Thiay mất! Hay như đang hát kể dở dang thì nghệ nhân đau bệnh, khan cổ, người sưu tầm phải kiên nhẫn chờ đợi.

Ghi âm được chưa phải là xong, vì trong lời hát ngâm các nghệ nhân sử dụng nhiều từ cổ, không phải người Raglay hiện tại nào cũng hiểu. Chamalia Riya Tiẻng là một trong số ít người có thể giải mã được những từ cổ ấy.

Kiên nhẫn, tận tâm, Chamalia Riya Tiẻng và đồng nghiệp đã sưu tập và chuyển ngữ trọn vẹn được 8 bộ sử thi Raglay. Chúng được Viện Văn hóa dân gian in thành quyển sách có tên AKHÀ – JUCAR RAGLAY – UDAI - UJA, dày tới 1150 trang.

Từ năm 1997 tới 2004, năm nào anh cũng nhận Bằng khen của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Chamalia Riya Tiẻng đã trở thành “cây tô hạp của dân tộc Raglay”, nhưng anh chỉ nhận mình là một thầy giáo bé nhỏ của buôn làng (anh xuất thân từ giáo viên).

Phải dạy cho thanh niên, để sử thi Raglay không chết!

Chamalia Riya Tiẻng luôn đau đáu với sự tồn vong của những loại hình văn hoá phi vật thể của dân tộc mình, trong đó có sử thi. Anh đã chứng kiến nhiều nghệ nhân mất đi đem theo cả núi vàng văn hoá dân tộc, giống như đứng bên sông mùa lũ thấy từng tảng đất màu mỡ đổ ùm xuống nước biến mất.

Không dạy sử thi cho thanh niên Raglay, mai kia người già mất hết thì sử thi Raglay cũng mất thôi. Nhưng các bản sử thi đã được ghi âm, chuyển ngữ và in thành sách rồi kia mà, sao mất được? Chamalia Riya Tiẻng lắc đầu bảo, cái hay của sử thi Raglay là ở những làn điệu, khẩu ngữ ngâm nga. Người đọc được sử thi trên sách chưa chắc hát ngâm được. Phải học những làn điệu, giống như người Kinh học làn điệu chèo, hát cải lương thuộc 6 câu vọng cổ vậy.

Nơi dạy hát sử thi là xã Thành Sơn heo hút, ở cách thị trấn Tô Hạp hơn 20 km. Chamalia Riya Tiẻng cho rằng chính Thành Sơn là cái nôi văn hoá của đồng bào Raglay Khánh Sơn, những sử thi Raglay đều được sưu tầm từ các nghệ nhân nơi đây. Cho nên thanh niên Raglay Thành Sơn phải được dạy sử thi đầu tiên!

Làm sao để những chàng trai cô gái bỏ những buổi tối vui với ché rượu cần bên đống lửa nhà mình, tới nhà dài học hát những sử thi thật dài và khó hiểu?

Chương trình dạy sử thi Raglay đã được chọn làm một Dự án thí điểm của Viện Văn hoá dân gian Việt Nam. Nhưng linh hồn của công cuộc gian khổ này chính là Chamalia Riya Tiẻng và Bo Bo Yến, cô gái xinh đẹp vừa dạy sử thi vừa làm phát thanh viên tiếng Raglay trên Đài Truyền hình Khánh Hoà. Họ làm các chàng trai say sử thi hơn say rượu cần, các cô   gái  được  động viên đi để cùng tiếp nối mẹ, bà trở thành người hát sử thi tương lai.

Trước đây lên Tô Hạp ra bờ suối nghe thanh âm  đàn đá reo, bây giờ     còn thêm nghe hát sử thi. Thật kỳ diệu quê hương của bóng cây Tô Hạp.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...