Chàng nhà quê bỏ phố

Nhạc sĩ Lê Mây
Nhạc sĩ Lê Mây
TP - Ít ai ngờ Lê Mây - tác giả của “Đảo chìm”, “Chuyện tình Trường Sa”, “Hà Nội linh thiêng hào hoa” lại là một ông nhà quê chính cống. Dù đã bươn chải ở thành phố cả vài chục năm, song một ngày gần đây, ông quyết định “dừng cuộc chơi phố xá” để về quê.

> Tổng kết Cuộc thi sáng tác thơ và ca khúc “Đây biển Việt Nam”

Dừng cuộc chơi thị thành

Lúc mới gặp, khi ông đón ở ngoài ngõ, tôi nghĩ ông chỉ khoảng ngoài sáu mươi, tôi chào ông là bác. Sau thấy anh bạn chào là thầy, nhìn ông giản dị trong cái áo thổ cẩm làm lộ dáng người đậm, phong độ khiến tôi không tin ông đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hi”.

Biết ông hát hay và vẫn thường vừa nói chuyện vừa hát, chúng tôi tỏ ý muốn nghe nhưng ông bảo cả tháng nay đang ốm nên giọng kém. Thì ra ông ốm cũng vì nhiệt tình hát dưới trời lạnh giá trong một đêm biểu diễn cho bà con ở Ba Vì (Hà Nội).

Ông quay ra khoe một bài hát vừa mới thu thanh và mở cho chúng tôi nghe. Ngồi nhìn qua cửa kính là khung cảnh ao cá vườn cây, những bãi rau xanh mướt và giàn đỗ ván đang nảy lộc đậm chất quê gần gũi với thiên nhiên.

Khi giai điệu cùng lời hát vang lên khiến tôi trào dâng cảm xúc và một ấn tượng mạnh kéo dài suốt buổi. Lời ca như chính lời ông đang tâm sự vậy:

Bôn ba bốn phương trời, bỗng một ngày đầu xanh dắt muối, bỗng một ngày chùn chân mỏi gối, về làng thôi, về quê thôi, dừng cuộc chơi phố xá... dừng cuộc chơi thị thành. Về thôi, về với ông bà về với mẹ cha, gặp bạn cũ thời cắt cỏ chăn trâu, gặp bạn cũ thời sách đèn bên nhau, bãi mía nương dâu bờ tre gốc lúa, về thôi....” (Võng đay trưa hè)

Quê ông ở tận Phủ Cừ - Hưng Yên. Nghe kể, khi mới sinh, một nhà nho đã nói với bố ông rằng: “Nó không đi cày cho ông đâu”. Chả biết đúng sai thế nào nhưng từ hồi học cấp I ông đã “bịa” bài ra để hát hò.

Năm 1964, ông tốt nghiệp thủ khoa trường Trung cấp Âm nhạc rồi xung phong lên Tây Bắc.

Cuộc đời cũng có lúc thăng trầm, đến giờ có thể nói ông là đại gia khi sở hữu khoảng một nghìn mét vuông đất ở thị trấn Trôi (Hoài Đức, Hà Nội) với nhà lầu xe hơi.

Chỉ cần ông bán vài chục mét cũng đủ sống thoải mái nhưng ông vẫn như một nông dân với thú điền viên.

Anh bạn đồng nghiệp của tôi kể: không ngờ ông mua ô tô, chứ ngày xưa ông chỉ thích đi xe đạp, đã một thời cứ “một mình một ngựa” mà đi khắp vùng tìm tre trúc để làm đàn T’rưng mini. Ông đã từng cưu mang, dạy dỗ nhiều người.

Về quê để thấy mình sống lớn hơn

Gần đây, ông đã bán căn nhà ở khu Mỹ Đình (Hà Nội) để về Trôi sống trong một làng mà ngõ vào nhà ông vẫn là đường đất. Nghe “Võng đay trưa hè” và những lời ông tâm sự, tôi hiểu.

Thì ra ông đã có ý định về quê từ lâu, ông đã làm nhà ở quê Hưng Yên nhưng có lẽ còn nhiều lí do nên ông vẫn nấn ná. Nhưng từ năm 2009, ông quyết định.

Về những bài hát về lính đảo Trường Sa, ông kể: từ khi ra Trường Sa về, được chứng kiến cuộc sống khắc nghiệt và sự hi sinh cao cả của những người lính đảo, ông thấy mình cần phải sống lớn hơn, sống người hơn, rằng mọi bon chen ganh đua là bé tí, thật đáng khinh bỉ và đáng xấu hổ.

Ông về sống ở làng quê thấy thật thanh thản và luôn dạt dào cảm xúc. Ông bảo chưa bao giờ viết nhiều và sung như bây giờ. Có lẽ Trường Sa đã tiếp thêm sức sáng tạo trong ông.

Ông viết về Trường Sa vì tình yêu, trách nhiệm công dân của mình trước những con người vĩ đại đang ngày đêm canh giữ vùng trời vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Có lẽ vì thế mà đợt đi Trường Sa gần đây, ông đã đạt kỉ lục năm ngày viết bảy bài hát (có tờ báo nói 8 ngày viết 7 bài, nhưng ông nhờ tôi đính chính rằng, chỉ có năm ngày), mỗi bài chỉ sáng tác trong khoảng nửa tiếng.

Ông nói, gửi tác phẩm dự thi “Đây biển Việt Nam” không mong mình được giải mà chỉ muốn góp một tiếng nói và thể hiện tình yêu của mình. Ông bảo: được ra Trường Sa là cơ hội của tôi, lớn hơn mọi giải thưởng. Trước đó “Chuyện tình Trường Sa” của ông cũng đã đoạt giải.

Ông mang dáng dấp của anh chàng nhà quê “xưa đánh dậm, nay đánh đàn” để lại cho đời những bài ca đẹp đẽ, thấm đậm tình yêu. Đúng như trong bài hát “Ba anh chàng nhà quê” của ông.

Lê Mây từng nhận các giải thưởng của Bộ Văn hóa Thông tin, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội và các tỉnh. Đàn T’rưng mini mang thương hiệu Lê Mây đã từng được ưa chuộng ở trong và ngoài nước.

Tác phẩm “Đảo chìm” đạt giải Nhì (không có giải Nhất – trong cuộc thi thơ và nhạc “Đây biển Việt Nam” vừa tổng kết gần đây), Lê Mây mong muốn đó là sự tri ân đối với hy sinh của những lính đảo thân yêu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG