Chia bánh

TP - Một người bạn của tôi chủ trương: sống trong tập thể thì người ta nên xử sự giống như khi chia bánh. Một cái bánh ga tô đặt trên mặt bàn. Một người nhận nhiệm vụ cắt bánh. Một toán người đứng chờ lấy phần. Ông bạn tôi bao giờ cũng lấy phần cuối cùng – hãy để mọi người lấy trước và chọn trước. Miếng cuối cùng có thể hơi nhỏ hơn một tí – nào ai có bàn tay cắt bánh chính xác bao giờ. 
Chia bánh ảnh 1

Minh họa: Kim Duẩn

Miếng cuối cùng có thể sứt sẹo một tí – sau khi đã va chạm với những miếng khác. Miếng cuối cùng có thể ít kem, ít sôcôla, ít nhân hoa quả – không một cái bánh nào đều đặn toàn phần. Tóm lại là người lấy phần sau cùng bao giờ cũng chịu thiệt hơn người khác. Nhưng hãy nhường phần hơn cho người khác. Hãy nhận phần kém về mình. Như vậy thì tập thể bao giờ cũng vui, không ai trách móc gì ta, không ai ghen tị với ta, không ai lườm nguýt hấm hứ với ta. Bản chất con người là thế, hơn người khác chỉ một tí bằng cái móng tay cũng đắc thắng. Mua bán mặc cả rẻ được mấy đồng là cũng âm ỉ một niềm vui, không phải chỉ vui vì mấy đồng tiền, vui còn vì thắng lợi giữa thiên hạ.

Phải nhấn mạnh đây là lối sống trong tập thể, lối sống khi anh ở giữa một cộng đồng có từ hai người trở lên. Muốn miếng ngon miếng tốt ư? Anh hãy một mình chủ động bỏ tiền ra mà sắm lấy. Còn khi buộc phải lựa chọn, giữa hai người trở lên, hãy xử sự sao cho không gây ra hờn ghen bực bội, thậm chí là đố kỵ căm hận.

Thời bao cấp, cơ quan liên hệ với các ngành chăn nuôi thương nghiệp, mua được thêm ít cá ít thịt, đem ra phân và chia. Bao giờ ông bạn kia cũng lấy phần cuối cùng. Người xí được cái thủ lợn, người xí được miếng gan cỗ lòng, người được thịt sấn thịt nạc… Ông lấy phần cuối cùng là chấp nhận chỗ thịt bụng bèo nhèo, chỗ cá không còn tươi lắm, chỗ thịt lẫn lộn bị pha bị thái đến nát ra, không còn nguyên miếng vuông vắn đẹp đẽ. Kệ. Không sao hết. Tôi nhận hết. Người ta bảo ông ngờ ngệch khờ khạo. Kệ. Không sao hết. Không dám chiến đấu với đời để giành phần xứng đáng được hưởng. Kệ. Không sao hết. Hãy để người khác giành được phần họ xứng đáng được hưởng. Ông chủ trương không hơn gì nhau miếng bánh được chia, không hơn gì nhau câu nói. Ai nói lấy được, nói sai về mình cũng kệ, không cần thanh minh, không cần vì thế mà phải cố chứng minh là mình tốt.

Nhưng nhờ sống thế mà ông tránh được tiếng tham. Không ai bảo ông tham. Không ai khó chịu vì ông đánh mất cả lòng kiêu hãnh, lăn xả vào chọn miếng tươi miếng ngon. Không ai tức giận vì ông lao vào lấy miếng to miếng đẹp. Không ai uất ức đến nhiều ngày sau vì ông xông tới giật lấy phần nặng tay hơn mà người khác đang định cầm. Tất cả những khó chịu tức giận uất ức đều trút vào người khác rồi – tập thể nào chẳng có mấy người như thế. Họ giành được phần hơn và nhận luôn phần căm giận của người khác. Ông không tham, ông đàng hoàng, ông khái tính, ông thoát.

Nhưng trong một tập thể, có rất nhiều cám dỗ để ta bất chợt quên mất nguyên tắc mà bộc lộ sự tham lam của mình. Thời phân chia tiêu chuẩn quần áo kim chỉ chẳng hạn. Hai chục đàn ông mà cơ quan chỉ được phân mười gói thuốc lá. Mười hai phụ nữ mà chỉ được phân bốn cuộn chỉ. Ai mà chẳng muốn lấy trước, lấy ngay đợt này, kệ người khác chờ đến đợt sau. Cuộn chỉ còn có thể gỡ ra, đo xem bao nhiêu mét rồi chia đều cho đầu người. Mười bao thuốc thì hai người đàn ông một bao, mỗi người mười điếu. Thế vẫn còn được. Nhưng hai chục ông được phân năm cái quần đùi thì không thể cắt ra mà chia. Phải có người nhận trước, người nhận sau. Có người hăm hở dứt khoát đòi lấy phần thì cũng phải có người lặng lẽ tránh sang bên, nhường.

Qua thời cái gì cũng phân, thì lại đến kiểu phân khác. Cơ quan có ba suất đi học để nâng bậc lương, bốn suất học bổng của nhà nước làm thạc sĩ ở nước ngoài. Ai ăn ai nhịn? Những cái để phân thời nay nó đã to miếng hơn, quan trọng hơn, giá trị hơn. Miếng to khó có chuyện nhường. Ấy vậy, ông vẫn nhường. Cứ như là người chẳng thiết gì.

Không hẳn là ngại va chạm, không hẳn là lối sống thu mình, đấy là một cách phản ứng ở nơi mà mọi người hầu như đều tranh thủ chức quyền để giành giật lợi quyền. Không chỉ ông to mới lạm dụng chức quyền, ông bé như ông thủ quỹ bà kế toán ông lái xe bà thường trực, hễ có dịp là lộng quyền, lạm quyền, cửa quyền. Tất cả đều tranh thủ cái quyền to và nhỏ của mình để hành người khác, để thu vén lợi cho bản thân.

Sau này, làm việc trong ban lãnh đạo một vài hội nghề nghiệp, tôi gặp toàn những người lên diễn đàn dạy dỗ người khác luân lý thẩm mỹ nhưng động đến chia bôi thì không bao giờ chịu kém miếng. Họ vẫn thường tấn công vào những hình tượng tham lam, lợi dụng chức quyền, giành được ghế thì ra sức giữ ghế… Mặt khác, chính họ quá tuổi về hưu đến bảy tám năm vẫn không chịu về hưu, gợi ý gần xa hoặc đuổi thẳng mặt cũng không về. Khi nghe nói có tiền đầu tư thì rầm rộ kéo đến xí chỗ giành phần. Khi nghe nói có giải thưởng thì ào ào kéo đến xin xỏ dọa dẫm để lấy giải. Lạ lùng, những thứ như giải thưởng là chỉ dành cho tác phẩm có giá trị, đâu phải là thứ chia bôi đại trà. Nhưng tràn đầy ảo tưởng, ai cũng nghĩ mình tài năng, ai cũng nghĩ tác phẩm của mình giá trị. Mà ngay chính những người quản lý hội cũng không biết tránh sang bên, không biết nhường. Ta đang nói đến tiêu chuẩn giá trị, nên chuyện nhường nhịn là không thỏa đáng. Tác phẩm của mấy ông quản lý có giá trị, chẳng nhẽ cũng phải bấm bụng chịu thiệt, phải gạt sang bên để nhường cơ hội cho hội viên? Quả thật, như vậy là trái khoáy, là không công bằng với một ít người. Nhưng xã hội đang tràn đầy sự ngang chướng, đang tràn ngập sự giành giật, không chịu thua thiệt một li một lai, trong tình cảnh ấy, người quản lý phải biết chấp nhận thiệt thòi để giữ lấy nhân cách và tư cách quản lý của mình. Trong nhiệm kỳ năm năm, chỉ có vài người chúng tôi dứt khoát không đề cử tác phẩm của mình để lấy giải thưởng. Không thích, không muốn mấy cái hư danh làm chệch hướng. Không thích, không muốn làm việc công mà bị những thứ rườm rà gây vướng bận. Chúng tôi vẫn nghĩ nếu mình xứng đáng, thì hẵng để cho ban chấp hành các khóa sau trao giải. Nhưng các ông còn lại thì không gì không lấy, cám dỗ thì khó cưỡng. Người ta bảo tiền quyền gái là ba thứ không ai cưỡng được. Một đấng chính nhân quân tử cứ bị gái lăn xả vào lòng, chối được chăng? Một người không nhiều ham hố, nhưng bất chợt được giao chức vụ trưởng và hơn nữa, chối nên chăng? Một người không khát tiền, nhưng bỗng được nửa triệu đô ném ra trước mặt, chối được chăng?

Trong phim Đề nghị khiếm nhã (Indecent Proposal), cặp vợ chồng Demi Moore và Woody Harrelson bất ngờ bị đặt trước một đề nghị chưa từng có. Triệu phú Robert Redford sẽ trả họ một triệu đô la để qua đêm với cô Demi Moore, chỉ một đêm. Không hẳn là chuyện dục tính, ông ta chỉ muốn chứng minh cho họ thấy sức mạnh của đồng tiền. Cặp vợ chồng trẻ ban đầu gạt phăng đi, nhưng rồi áp lực cuộc sống, sức mạnh của khoản tiền đồ sộ khiến họ cũng phải băn khoăn suy tính. Bộ phim đã đặt ra vấn đề mà sau này một tay trùm ở ta đã biến thành tuyên ngôn: cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng nhiều tiền.

Đề tài này dẫn ta đến một kịch bản phim khác: ông bạn vong niên của tôi, bao nhiêu năm không có một cái nhà cho ra nhà sẽ xử sự ra sao nếu cơ quan ông có ba căn hộ tập thể để phân? Người ta sẽ bốc thăm hoặc bình bầu, ba người nào đó sẽ lấy trước, những người còn lại phải chờ đợt sau, sau mà chẳng biết bao giờ, có kịp trước khi ta về hưu hay không? Tôi đang muốn hình dung ra ông sẽ đắn đo tính toán những gì? Căn hộ ấy chắc chắn là sự đổi đời cho gia đình ông, từ nay sẽ có chỗ chui vào chui ra khang trang. Nếu không có tiền để mua căn hộ ấy, ông vẫn có thể vay mượn để mua rồi bán lại. Tiền chênh lệch cũng đủ cho ông sửa sang căn nhà cũ trên mảnh đất cũ. Cám dỗ vật chất đã quá lớn, ông có còn đủ sức mà giữ nguyên tắc hãy để người khác nhận miếng bánh ngon, hãy để người khác nhận trước?

Chắc mẩm lần này ông sẽ tham gia bốc thăm, ông sẽ đăng ký vào thành phần bình bầu, cũng sẽ hăng say sôi nổi giở lý giở lẽ trong cuộc bình chọn, ngôn từ cũng được chọn lọc mài giũa sao cho sắc bén và có sức thuyết phục. Rồi ông cũng hồi hộp chờ kết quả bỏ phiếu với bao hăm hở, sau đó là tưng bừng đắc thắng hoặc suy sụp thất bại, tùy theo.

Mọi người đều chờ đến ngày bốc thăm bình bầu. Tôi chờ để xem thái độ và ngôn ngữ của ông.

Đúng đến ngày bình bầu thì ông ốm. Ông gọi điện đến ông bị tiền đình. Nhìn mọi thứ cứ quay cuồng, hễ ngồi dậy là đổ vật xuống, phải nằm. Nhưng mà anh em đừng hoãn họp, cứ họp đi. Họp đi thì theo quy tắc và theo mong muốn của đa số, người ta không bầu cho người vắng mặt.

Rồi bình bầu cũng xong. Ba người hân hoan trong khi hơn hai chục người bầm tím trong lòng. Hình như có cả đơn kiện lên trên rằng trong việc này có thiên vị khuất lấp không sáng tỏ.

Xong mấy ngày thì ông bạn vong niên lại đi làm bình thường. Tôi không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ ông từng bị ốm. Đến bây giờ, nhiều năm qua rồi, tôi vẫn không biết được chính xác ngày ấy ông có bị tiền đình hay không. Hay là như có một con voi to, không muốn nuôi nữa phải thả vào rừng, tự tay mình thả thì giày vò tiếc nuối, người ta phải tránh đi. Hay là như một con cá to đã sắp bắt được rồi mà phải hạ lưới xuống cho nó trở lại với nước, phút ấy người ta phải tránh nhìn.

 Tiểu luận của Hồ Anh Thái

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.