Chiêm ngưỡng tranh Phật lớn nhất Việt Nam

Pháp vương Gyalwang Drukpa thực hiện nghi lễ gia trì tranh Phật tại Đại bảo tháp Tây Thiên. Ảnh: N.M.Hà.
Pháp vương Gyalwang Drukpa thực hiện nghi lễ gia trì tranh Phật tại Đại bảo tháp Tây Thiên. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Một sự kiện văn hóa và nghệ thuật Phật giáo vừa diễn ra tại Đại bảo tháp Tây Thiên, Tam Đảo, Vĩnh Phúc: Bức tranh gấm thêu mang hình ảnh các vị Phật mà trung tâm là Phật Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay lần đầu tiên ra mắt đại chúng.

Hình tượng vị Phật này quen thuộc với người Việt qua những pho tượng cổ, nay được thể hiện trong tư thế đứng với nhiều màu sắc. Bức tranh gọi là thongdrol nằm cuộn tròn trong lòng bảo tháp, chờ đức Pháp vương Gyalwang Drukpa tới gia trì sáng 16/3. Đây cũng là ngày vía Phật Quan Âm với nhiều sự kiện được tổ chức ở khắp các chùa lớn tại Việt Nam.

Khoảng một chục lama (tăng) trong tăng đoàn của Pháp vương kiệu cuộn tranh lên vai đưa ra bãi đất đã được san gạt bên hông Đại bảo tháp. Một khung thép được dựng lên để treo bức tranh bằng ròng rọc và sức người. Một số lama trẻ tuổi trèo lên đỉnh của khung thép để chỉnh trang bức tranh.

Khi vải phủ tranh được kéo lên, việc đầu tiên của Pháp vương cùng chư tăng ni có mặt là phủ phục lễ lạy bức tranh. Theo quan niệm Đại thừa, tranh tượng Phật đều mang tính linh thiêng. Pháp vương giảng: “Chúng ta hãy đặt trọn tâm trí thành hướng về tranh Phật Quan Âm. Đức Phật Thích Ca khi còn tại thế dạy rằng: Nghìn năm sau khi nhập Niết bàn, ta sẽ trở lại cuộc đời này trong hình tướng của những bức tranh, của tượng, của chân ngôn, của những lời kinh. Ta sẽ hiện tướng mọi cách miễn sao có thể đem lại sự lợi ích và giải thoát cho tất thảy chúng sinh”.

Trong quan niệm Phật giáo, trạng thái giác ngộ hoặc giải thoát có thể đạt được khi Phật tử tiếp cận không chỉ tranh tượng Phật mà cả khi được nghe các câu chú, lời kinh, thậm chí ngửi mùi hương thanh tịnh. Sự giác ngộ cũng có thể đạt được qua xúc chạm, vì thế mới có việc các Thượng sư chạm vào đầu đệ tử để ban gia trì. Tranh tượng Phật được xếp vào hàng “kiến tức giải thoát” tức nhìn thấy mà ngộ ra chân lý. Như vậy có thể hiểu công trình tranh tượng càng lớn, càng có thể độ được nhiều người khi họ đến chiêm bái.

Tại buổi lễ khai mở tranh, đức Pháp vương kể, các đệ tử từng hỏi Đức Thích Ca: “Sau này khi Ngài không còn tại thế thì làm gì để giữ sự kết nối với ngài, làm gì để tiếp tục đón nhận trọn vẹn sự gia trì của ngài?” Đức Phật trả lời: “Khi ấy các con hãy vẽ hình ảnh chư Phật, hình ảnh của ta, hãy giữ bên mình và tin chắc rằng ta sẽ theo các con khắp nơi mọi lúc và hãy đặt trọn niềm tin thực hành theo giáo pháp, hãy giữ hình ảnh chư Phật bên mình. Như vậy các con sẽ đón nhận trọn vẹn sự gia trì từ ta như khi ta còn tại thế”. Đó chính là khởi nguồn của phong tục thờ tranh tượng Phật tại các nước theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, Pháp vương khẳng định.

Trong buổi lễ khai mở tranh Phật Quan Âm kích cỡ 11,8x16m đã được công nhận là bức tranh Phật lớn nhất Việt Nam, nhiều tiết mục nghệ thuật tâm linh đặc sắc được các ni trình diễn cúng dường chư Phật. Các ni trong tăng đoàn của Pháp vương vận sắc phục đặc trưng của truyền thống Phật giáo vùng Himalaya trình diễn một điệu múa theo vòng tròn với đạo cụ là các tua lụa ngũ sắc. Các ni sư Tây Thiên “đáp lễ” bằng màn trình diễn trống, quạt và xếp hàng tạo hình mô phỏng Đức Quan Âm nghìn mắt nghìn tay.

Buổi lễ khai mở và gia trì tranh kết thúc, nhiều Phật tử vẫn lưu lại tiếp tục cúi lạy Phật trong tranh, trong khi những người khác đi vòng quanh bức tranh vừa đi vừa tụng niệm hồng danh Quán Thế Âm.

MỚI - NÓNG