Chợ tàng hình

Chợ tàng hình
Cái chợ hoa trên đê, chợ rau dưới cầu, to tướng, bình minh ló rạng là biến mất, gọn gàng, bí ẩn, tức thì. Lạ thật.

Người bạn chợ hoa Quảng An, hơn hai mươi tuổi, quê mạn Sơn Tây cách Hà Nội chừng sáu chục cây.

Chúng tôi tình cờ quen nhau nhân cái lần máy ảnh của tôi hết pin. Tôi là phóng viên cũng lấy đêm làm ngày. Nói chung những kẻ kiếm sống về đêm như các u  bán nước chè chát đầu ngõ “trụng” cốc bằng nước sôi hay chị bán phở vệ đường có hôm túi toàn những đồng tiền lấm bùn, với nghề ngỗng của tôi đều là chỗ đánh bạn thân tình. Chúng tôi hoạt động mạnh về đêm. Có trang viết đuổi, vừa viết vừa lo trời sáng, nơi đây thì chợ đuổi, chợ  tàng hình, năm giờ sáng giải tán, nhường đường cho thiên hạ đi, đường biến thành chợ rồi chợ lại biến thành đường, chỉ còn lại mùi bắp cải là chung. 

Cái chợ hoa trên đê, chợ rau dưới cầu, to tướng, bình minh ló rạng là biến mất, gọn gàng, bí ẩn, tức thì. Lạ thật. Thế mà có người đàn ông Hưng Yên buôn bán cải ngọt ở chợ rau Long Biên bảo : “Em là nẫu nục nơi đây”. Ban ngày sao biết được điều này. Ban ngày không thể biết anh ta đi đâu, đánh một giấc khò khò trong ngõ ngách nào. Nhưng anh tỏ ra bực khi tôi bảo tôi chẳng biết gì cái chợ rau dưới chân cầu này. Anh ậm ừ : “Bác chả qua lại đây mãi còn gì”. Chẳng gì qua được mắt họ. “Thì cũng chuồn chuồn đạp nước thôi. Giá cải ngọt bao nhiêu ?”. “Lấy vào sáu bảy trăm bán ra một nghìn. Lãi ba phẩy, mỗi đêm trừ chi phí trung bình cũng chỉ được năm chục, chưa ăn”.

Nhìn những người thợ gánh bên kia đê chạy vào phía cửa Ô Quan Chưởng, nặng trĩu đôi vai, bảo : “Mỗi gánh được nghìn bạc. Đêm năm chục gánh là cùng. Lồi mắt”.

Tôi không biết buôn củ quả. Chúng nằm lăn lóc bên vệ đường, chứa đầy sọt, thật lạ lùng, những xe su hào chất cao ngất, nặng hơn giá sách dày, củ này chen vào củ kia, nặng gần bốn tạ. Lại kêu : “Ra tết thế này, được sáu bảy trăm bạc một cân, một lũ toàn xu với hào”.

Thế đấy, đêm thức lại bắt đầu. Cuộc sống nơi đây lại bắt đầu.

Thức quanh năm, thức bốn mùa. Thức trẻ, thức già. Thức con gái, thức đàn bà. Thức con, thức mẹ, thức ông bà. Anh chàng buôn cải ngọt người Hưng Yên đã cưới chị trồng rau ngoài bãi quê Nam Định. Có con rồi, gửi về quê rồi. Trước thức đơn bây giờ thức đôi. Đời người trưởng thành, già cả, trong đêm đầy sương. Tôi chỉ là đám “chuồn chuồn đạp nước” ghé qua chợ viết bài những kẻ thức đêm đã thành một nghề, đã thành chuyên nghiệp, mẫu mực và kinh điển. Không ngòi bút nào tả hết được.

Tầm một giờ sáng, khi mọi người đã lăn ra ngủ, con nít chưa ngủ bị gắt ầm lên, đèn quên tắt phải quờ quạng tắt ngay, lục tục trong chăn sau rèm, vào cái lúc mà con người chỉ làm việc với giấc mộng, như những ông trời hừng hực oai vệ và nóng nảy đang từ từ lặn xuống đâu đó mạn bên kia địa cầu, thì chợ rau Long Biên, chợ hoa Quảng An, những người chạy chợ như những kẻ tàng hình, ban ngày ta không bao giờ nhìn thấy họ, hoặc thảng chỉ thấy đôi quang gánh chất sâu trong ngõ, giờ đây đã ào cả ra, đèn xe máy hua hua, như vô số sao băng.

Cái chợ rau, mọc ngay bên đường, dưới gầm cầu, ban ngày họp thì sẽ “ăn đủ”, bây giờ nó nằm ngoài luật giao thông, giữa lòng đường, dưới gầm chân cái cầu nổi tiếng, thoải mái chăng đèn kết lối, sáng lên. Ví von hoa mỹ thì như mảnh trăng khuyết mọc bên sông Cái...

Khoảng tám mươi phần trăm người bán rau trong chợ là người ngoại tỉnh, áo mưa mũ bảo hiểm đổ vào. Nhiều nhất là dân Đông Cảo, Từ Hồ dưới Hưng Yên.

Mỗi xe rau quả nặng vài ba tạ, được chống chèn bằng thiết bị chuyên dụng. Lích kích như vậy, cái chợ giữa đường, không quầy không sạp không lô không ki ốt, bất chấp mưa rào sấm chớp và gió lạnh mù u, chúng dễ chịu hơn tất cả những siêu thị thơm phức đi thang cuốn rất tốn kém, giá thuê không thể tưởng tượng được, ngoài ra muốn vào tham quan anh phải gửi đồ vào những cái tủ bé tí chỉ đủ chỗ cho hai bông bắp cải.

Nên kết cấu của chợ rau Long Biên đơn giản là những cái xe máy vẫn để nguyên các sọt su hào cà chua, được chống được chèn kỹ lưỡng, cứ thế xếp hàng. Hoặc sọt tháo rời, xếp ngay ngắn, quây quanh chiếc xe máy của chủ, lấy xe máy làm mốc, câu lên đó cái bóng điện, hoặc cũng chẳng cần. Người mắt kém không làm nghề bán rau buôn hoa vào lúc gà gáy chó sủa thế này.

Cái đèn dầu được thắp lên và  chợ chính thức họp.

Cái đèn dầu nằm trong ống, nhô lửa lên, trong góc chợ đêm, không bao giờ được tắt.

Nhiều ông anh đến rít điếu thuốc lào trong quán nước chè, thấy máy ảnh trồi lên liền bỏ đi : “Lại còn chụp ảnh”. Loay hoay một lúc, đến, bảo : “Ông chụp xong chưa để tôi còn hút”.

Ngồi ghi chép giá rau củ bên ngọn đèn dầu. Củ cải 4000. Cà chua 5000. Bắp cải thượng hạng 700, xấu 3 - 400. Dân ăn mãi cũng chán rồi bác ạ.

Chợ hoa Quảng An có món mì tôm. Chợ rau Long Biên có hàng trứng vịt lộn. Đánh vèo hơi thuốc lào, thở phì phì cả mũi cả miệng, rồi lại chạy ra với rau với hoa. Có bao giờ chán không ?

Chồng lăn ra ngủ, vợ ngồi trông hàng dưới ánh điện vàng vọt, không nói chuyện với ai. Chị thức, và im lặng gần như suốt đêm. Cạnh đó, cô gái hôm nay đi chợ thay mẹ, hóa thành tân khách của chợ đêm. Chưa chồng, to khỏe, đang ôn thi đại học. Không chắc đã đậu. Mấy cậu chưa vợ đều  bỏ mũ bảo hiểm, cởi áo mưa, đến ngồi vây quanh, khen cà chua đẹp quá, cười nói hỉ hả.

Mấy anh chàng ế su hào, ê ẩm mặt mày, sưng sỉa, ngồi trên xe máy, tay khoanh trước ngực, như pho tượng, mắt mở trừng trừng.  

Thỉnh thoảng tàu chạy qua trên đầu. Những toa tàu bịt kín, có đèn sáng. Ngày bình thường nhìn tàu đôi khi muốn say  mà giữa chợ rau đêm lạnh buốt da viêm họng, nom chúng như khách sạn năm sao di động, ấm cúng, sạch sẽ, dằng dặc, yên tĩnh, lướt đi. Lướt qua, lướt trên cái chợ đêm bì sọt ngổn ngang. Những hạt mưa lất phất. Đoàn xe chở vật liệu xây dựng ầm ầm vụt qua, xé ngang cái chợ, chia nó thành hai phần không bằng nhau...

Chỉ người làng biết anh là ai. Người bạn Sơn Tây của tôi có thể được mô tả thế này. Ngồi trên xe máy cũ, quần áo mưa kín thân, mũ bảo hiểm đội đầu, xe máy chở đầy cành vạn niên thanh, anh ta đi vào Hà Nội, nói chính xác là đi vào chợ hoa Quảng An bên sông Hồng, trong giỏ xe đôi khi có viên gạch vồ để cân trọng lực.

Những cây vạn niên thanh anh bán, chúng dễ sống đến mức khó hiểu.

Cắm nó vào bình nước, mươi mười lăm ngày thấy nước cạn thì thay. Rễ nó đã tự động đâm ra từ cành, trắng lốp. Nếu ta quên thay nước lâu lâu, cây sẽ khẳng khiu, đâm lên cao, nhúm lá trên đầu vàng vọt, mà vẫn sống.

Thật kỳ lạ, nó không cần ánh sáng mặt trời.

Những chiếc lá to bản, và cuộc đời trong lọ nước máy không quả không hoa. Cây vạn niên thanh đôi khi được để trên tủ chè, trên bàn thờ. Nếu nó chết đi thì gia chủ sẽ gặp xui xẻo, nhưng khi nó sống lại chẳng ai ngó ngàng gì.

“Sống bằng nước lã và không khí”.  Nơi ánh sáng lờ mờ, bụi bặm bám riết suốt đời. Cứ xanh, cứ đâm rễ, lớn lên, như thách thức thời gian và thách thức ánh sáng cuộc đời.

Anh bạn ế hàng, nằm lăn ra ngủ.

Cái mũ bảo hiểm vẫn đội trên đầu. Giữa trăm nghìn cành vạn niên thanh đang chờ đợi chủ mới.

Gió sông có lùa nổi vào giấc ngủ vị khách của thành phố này không? Dù sao những hạt sương cũng không thể thấm qua mũ bảo hiểm. Những cây vạn niên thanh mới chặt còn ngái mùi nhựa nhưng chưa biết mọc rễ, chúng non tơ nằm dài trên đê như chủ nó âm thầm chờ đợi những người hay mà cả.

Khi nào anh bạn bán vạn niên thanh phi xe máy vào chợ hoa Quảng An mà ngồi sâu phía sau tay lái, thò đầu lên cái khuôn mặt con gái đôi mươi trong vòng tay anh, cả chợ biết anh mới làm chú rể và sẽ có những đứa con yêu. Còn bây giờ anh ta nằm ngủ trong phiên chợ ế, giữa vạn niên thanh xanh thẫm, cùng một người làng.

Tôi muốn trở về, lấy thêm pin cho cái máy ảnh số.

Chợ hoa Quảng An ba giờ sáng không xe ôm. Hỏi những người bên hoa hồng hoa cúc, ai cũng lắc đầu, không đi đâu. Đành đánh thức anh bạn vạn niên thanh. Anh bạn cũng lắc đầu : “Bận lắm”. Bận gì, khò khò cả tiếng đồng hồ rồi. Anh bạn mới thú thực : “Em chạy chợ ở đây đã lâu thật, nhưng chỉ đến ngang sông là về. Lâu không vào phố. Em ... không biết đường đâu”.

Tôi bảo tôi về rồi lại quay ra. Anh bạn mừng quá : “Anh dẫn đường cho em nhé, em chỉ lấy tiền xăng thôi, mà không cũng được. Em đi chơi”.

Tôi làm hoa tiêu cho cậu đi vào phố cổ. Anh bạn mừng rỡ, vừa đi vừa ngó, hồi hộp và khoan khoái, xe chạy chậm rì rì. Những ngôi nhà, góc phố, dãy phố, im lìm. Tối thui. Trên đường Hàng Ngang, Hàng Đào xe máy lác đác, đi chẳng theo chiều quy định gì cả, một tay bán hoa dạo đã ngồi bó gối ngủ ngay đầu phố Hàng Đào.

Chúng tôi vào làng Kim Liên. Tôi bảo cậu đứng chờ ở đầu làng. Cậu kinh quá : “Anh ra ngay nhé”. Không sao đâu. An ninh trật tự ở đây cũng tạm được.

Khi tôi từ sâu trong làng đi ra, thấy anh bạn vẫn ngồi trên xe máy, vẫn nổ máy lục cục, khuôn mặt lo âu. Thấy tôi, cậu mừng rỡ quá.

Chúng tôi trở ra chợ đêm, chỉ mất nửa thời gian so với lúc đi vào.

Anh bạn về giữa đống cành vạn niên thanh, thở phào, sung sướng.

Trời đã muốn bình minh.

Không biết còn dở dang giấc ngủ hay đã quá mệt mỏi vì chờ đợi những con người thành phố trong một đêm lạnh, anh lại chui vào đám cành vạn niên thanh cũng sắp sửa bắt buộc phải tìm cách tàng hình khỏi chốn này.qAnh bạn ế hàng, nằm lăn ra ngủ.

Cái mũ bảo hiểm vẫn đội trên đầu. Giữa trăm nghìn cành vạn niên thanh đang chờ đợi chủ mới.

Gió sông có lùa nổi vào giấc ngủ vị khách của thành phố này không? Dù sao những hạt sương cũng không thể thấm qua mũ bảo hiểm. Những cây vạn niên thanh mới chặt còn ngái mùi nhựa nhưng chưa biết mọc rễ, chúng non tơ nằm dài trên đê như chủ nó âm thầm chờ đợi những người hay mà cả.

Khi nào anh bạn bán vạn niên thanh phi xe máy vào chợ hoa Quảng An mà ngồi sâu phía sau tay lái, thò đầu lên cái khuôn mặt con gái đôi mươi trong vòng tay anh, cả chợ biết anh mới làm chú rể và sẽ có những đứa con yêu. Còn bây giờ anh ta nằm ngủ trong phiên chợ ế, giữa vạn niên thanh xanh thẫm, cùng một người làng.

Tôi muốn trở về, lấy thêm pin cho cái máy ảnh số.

Chợ hoa Quảng An ba giờ sáng không xe ôm. Hỏi những người bên hoa hồng hoa cúc, ai cũng lắc đầu, không đi đâu. Đành đánh thức anh bạn vạn niên thanh. Anh bạn cũng lắc đầu : “Bận lắm”. Bận gì, khò khò cả tiếng đồng hồ rồi. Anh bạn mới thú thực: “Em chạy chợ ở đây đã lâu thật, nhưng chỉ đến ngang sông là về. Lâu không vào phố. Em ... không biết đường đâu”.

Tôi bảo tôi về rồi lại quay ra. Anh bạn mừng quá : “Anh dẫn đường cho em nhé, em chỉ lấy tiền xăng thôi, mà không cũng được. Em đi chơi”.

Tôi làm hoa tiêu cho cậu đi vào phố cổ. Anh bạn mừng rỡ, vừa đi vừa ngó, hồi hộp và khoan khoái, xe chạy chậm rì rì. Những ngôi nhà, góc phố, dãy phố, im lìm. Tối thui. Trên đường Hàng Ngang, Hàng Đào xe máy lác đác, đi chẳng theo chiều quy định gì cả, một tay bán hoa dạo đã ngồi bó gối ngủ ngay đầu phố Hàng Đào.

Chúng tôi vào làng Kim Liên. Tôi bảo cậu đứng chờ ở đầu làng. Cậu kinh quá : “Anh ra ngay nhé”. Không sao đâu. An ninh trật tự ở đây cũng tạm được.

Khi tôi từ sâu trong làng đi ra, thấy anh bạn vẫn ngồi trên xe máy, vẫn nổ máy lục cục, khuôn mặt lo âu. Thấy tôi, cậu mừng rỡ quá.

Chúng tôi trở ra chợ đêm, chỉ mất nửa thời gian so với lúc đi vào.

Anh bạn về giữa đống cành vạn niên thanh, thở phào, sung sướng.

Trời đã muốn bình minh.

Không biết còn dở dang giấc ngủ hay đã quá mệt mỏi vì chờ đợi những con người thành phố trong một đêm lạnh, anh lại chui vào đám cành vạn niên thanh cũng sắp sửa bắt buộc phải tìm cách tàng hình khỏi chốn này.

MỚI - NÓNG