'Chơi vơi' - nhìn giới trẻ ở góc khác

'Chơi vơi' - nhìn giới trẻ ở góc khác
TP - Hành trình năm năm của "Chơi vơi" được đền đáp bằng chiếc vé đến với Liên hoan phim Venice dù mới dừng lại ở hạng mục giải Orizzonti.

Đây là kịch bản tốt nghiệp của Phan Đăng Di- theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, là  kịch bản rất tốt và “bản thân tôi cũng bằng cách của mình, khám phá đến tận cùng sự sâu sắc của nó”.

'Chơi vơi' - nhìn giới trẻ ở góc khác ảnh 1
Phạm Linh Đan, Đỗ Hải Yến trong một cảnh phim

Hiện đại có thể hiểu là sự đổi mới trong cách làm phim của anh?

Hiện đại được hiểu là có trình độ thể hiện ngôn ngữ điện ảnh sánh ngang với thế giới, chứ phim mà chỉ mình hiểu hay chỉ đất nước mình hiểu thì sẽ không có khả năng được chọn.

Tóm lại, gây ấn tượng đặc biệt nhưng vẫn phải tìm được tiếng nói chung với phần còn lại của điện ảnh thế giới.

Một số khán giả trông đợi nhất ở các cảnh nóng. Anh thấy sao?

Mỗi người quan tâm một cách khác nhau theo trình độ văn hóa của người ấy. Còn người làm phim cần biết rất rõ khán giả của mình là ai.

Có bạn đi xem phim chỉ mong nhìn thấy cảnh nóng. Điện ảnh không chỉ hấp dẫn bởi những cảnh nóng. Tôi không đánh giá cao những khán giả như vậy. Khán giả hiểu điện ảnh không nhiều.

Sự quan tâm của họ ở khía cạnh hot, cảnh khỏa thân là chuyện bình thường. Đạo diễn phải chấp nhận thôi. Không thể nhanh chóng biến tất cả khán giả thành những người giỏi xem phim.

Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ muốn đóng góp cho điện ảnh với vai trò diễn viên?

Tôi vẫn cho rằng, diễn viên là nghề khó nhất trong việc làm phim. Tất nhiên, năng khiếu nghệ thuật là trời cho nhưng còn một yếu tố khác rất quan trọng là ngoại hình. Đạo diễn có thể xấu chứ diễn viên thì không. (cười)

Phải nói thêm, nghề diễn viên đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao, cần sự tỉnh táo. Nên có một lời khuyên duy nhất, là các bạn cần hiểu đấy là nghề khó nhất, đáng được trân trọng, khích lệ nhất cũng là nghề được yêu cầu cao nhất trong điện ảnh.

Nhưng cũng có lúc diễn viên sẽ vào những vai có ngoại hình xấu?

(cười) Đẹp mà làm thành xấu còn dễ chứ xấu làm cho đẹp rất khó. Còn khó hơn nữa khi, ngoài việc đẹp, diễn viên phải có gương mặt tạo ra cảm xúc nhân văn khi ghi hình, còn gọi là ăn ảnh. Những nét duyên dáng trong tâm hồn sẽ được biểu hiện ra ngoài. Gương mặt diễn viên còn phải thể hiện chiều sâu của học thức.

Chơi vơi diễn tả mối quan hệ tình cảm phức tạp của ít nhất năm nhân vật trong đó có một phụ nữ đồng tính do diễn viên Việt kiều Phạm Linh Đan thủ vai.

Phim được quan tâm ngay từ khi đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mở trang web quảng bá cho phim, mời tuyển diễn viên, kể về chặng đường xin tài trợ cho phim...

Cuối cùng, để thành công cần có may mắn. Một diễn viên có ngoại hình đẹp, ăn ảnh mà không có tri thức thì cũng không tiến xa được, chỉ có thể làm nghề rất ngắn hạn, chỉ phù hợp với một loại vai nào đấy. Còn thành ngôi sao thì khó. Hầu hết các bạn trẻ đến casting cho Chơi vơi suy nghĩ rất đơn giản, chỉ là thử thôi, chưa có ý thức về nghề diễn viên.

Các bạn có biết nghề diễn viên khác những nghề khác như thế nào không? Các nghề khác chỉ cần chăm chỉ,  kiên nhẫn. Diễn viên đòi hỏi luôn làm việc trong sự hưng phấn cao. Chăm chỉ thôi không được. Để có được hưng phấn, diễn viên phải thông minh, hiểu biết, giàu cảm xúc, tự tin, và phải đẹp nữa.

Bao giờ anh quay lại làm phim cho giới trẻ sau phim truyền hình “12A và 4H”? Hay vì chưa có kịch bản nào mà anh “không làm không được”?

Cũng có thể (cười). Làm phim về giới trẻ vừa dễ vừa khó. 12A và 4H được nhắc đến nhiều vì tính nhân văn của nó. Bộ phim được chấp nhận không chỉ ở thời phim được trình chiếu, mà tôi tin vấn đề của nó luôn mới.

Hiện kiếm một kịch bản hay như thế không phải dễ. Mà Chơi vơi cũng là phim về giới trẻ đấy chứ, một khía cạnh khác của giới trẻ.

Anh có nhiều dự án trợ giúp bạn trẻ làm phim, nhưng có lúc mọi việc không như mong muốn?

Tôi hơi thất vọng về xu hướng nghiệp dư của các bạn trẻ đang theo học trường điện ảnh. Họ là những người làm điện ảnh tương lai của đất nước, nhưng họ bi quan về con đường đang đi.

Điện ảnh Việt Nam không được coi trọng- không đến mức coi rẻ nhưng bị thờ ơ. Đó là một thứ nghệ thuật hấp dẫn, đầy sức mạnh nhưng theo nó không hề dễ dàng. Truyền hình dễ hơn, nhanh hơn. Người trẻ đi thi hoa hậu, thi Sao Mai, thi Idol dễ hơn. Hôm trước lên truyền hình, hôm sau đã nổi tiếng.

Phim Chơi vơi của tôi được chọn vào liên hoan phim Venice, làm trong năm năm. Lần đầu tiên có một phim Việt Nam được lựa chọn chính thức vào liên hoan phim lớn nhưng rất ít báo nhắc đến một cách đầy đủ. Trong khi các báo ngập tràn tin tức về một cô gái đi thi người đẹp. Đa số không hiểu và lãng quên điện ảnh.

Có thể đó là một thứ gì quá xa xỉ. Tiếc rằng nhiều người làm phim trẻ cũng có suy nghĩ như thế. Truyền hình phù hợp hơn. Nơi ấy, họ dễ có việc làm, kiếm tiền. Nhưng không phải lỗi của họ.

Vậy là anh không trách cứ gì họ?

Tôi là ai mà dám trách họ. Tôi cũng là một đạo diễn trẻ mà.  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.