Chủ quyền?!

Chủ quyền?!
TP - Chuyện Trường ĐH Tôn Đức Thắng (gọi tắt là TĐT) kiện GS Việt kiều Bỉ Nguyễn Đăng Hưng đòi lại quyền “chủ quản” tạp chí khoa học Asian-Pacific Journal of Computational Engineering (APJCEN) do GS Hưng làm tổng biên tập, đang được sự quan tâm từ đông đảo giới khoa học trong và ngoài nước.

14 nhà khoa học vừa kí vào thư ngỏ gửi Chính phủ, phản đối việc Hiệu trưởng trường nộp đơn ở tòa án kiện GS Nguyễn Đăng Hưng.? Họ là thành viên Ban Biên tập của tạp chí APJCEN đến từ Pháp, Bỉ, Singapore, Việt Nam... Đầu tháng 3/2015, 65 cựu học viên của chương trình thạc sĩ Bỉ - Việt cũng gửi thư đến Trường TĐT đề nghị dừng vụ kiện.

Cơ sự làm sao? GS Nguyễn Đăng Hưng là nhà khoa học ngành cơ học tính toán uy tín tầm cỡ thế giới cư trú ở Bỉ. Ông được Trường TĐT đề nghị hợp tác với vai trò cố vấn cao cấp. Trước đó, GS Hưng tiến hành liên lạc với 80 nhà khoa học danh tiếng trên thế giới mà ông có mối quan hệ bày tỏ ý định xây dựng tạp chí. Có tới 60 người đồng ý và tham gia vào ban biên tập tờ APJCEN. Ban biên tập đã bầu GS Nguyễn Đăng Hưng làm tổng biên tập.

Theo các nhà khoa học ký đơn, việc tạp chí khoa học không phải là tài sản sở hữu của trường đại học mà Tổng Biên tập làm việc là việc bình thường trên thế giới. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam lại khác. Vì vậy, khi tạp chí hoạt động chưa đâu vào đâu, trường lại cho rằng tạp chí phải là sở hữu của trường và trường sẽ thuê GS Hưng làm tổng biên tập.

Chia sẻ về việc này, GS Hưng cho biết, ông và cả Hội đồng biên tập làm việc vì tinh thần khoa học và thiện nguyện, không lấy một đồng lương. Ông cũng quan tâm đến quyền lợi và uy tín của trường TĐT và khẳng định: APJCEN có tổng biên tập, ban thư ký, địa chỉ chính thức tại trường TĐT. Trên tinh thần và trước thế giới khoa học, APJCEN là xuất phát từ trường TĐT.

Do “cơm không lành, canh không ngọt”, hiện trường TĐT và GS Hưng đã thống nhất chấm dứt hợp tác. Đã là một vụ kiện thì ai cũng cho rằng mình đúng, và xung quanh vụ việc cũng có rất nhiều tình tiết. Tuy nhiên, dư luận đánh giá, không có GS Hưng (hoặc một nhà khoa học tầm cỡ như ông) thì việc thành lập và duy trì một tạp chí khoa học tầm cỡ quốc tế là không thể đối với trường TĐT.

TS Lê Chí Hiếu (hiện đang giảng dạy tại ĐH Greenwich, Vương quốc Anh, thành viên ban biên tập tạp chí APJCEN) nhận định: Sự việc trên ít nhiều đã gây ảnh hưởng đến uy tín khoa học Việt Nam. Có thể thấy, mong muốn của trường TĐT khi hợp tác với GS Hưng khi ký kết hợp tác: GS Hưng sẽ là cố vấn khoa học cho TĐT để đưa trường này trở thành đại học nghiên cứu, quy tụ nhân sĩ, trí thức nước ngoài về làm việc,… đã tan thành mây khói.

Có lẽ vì tiếc viễn cảnh tốt đẹp đó, nên hàng chục nhà khoa học, trí thức hàng đầu trên khắp thế giới đã kiến nghị hủy bỏ vụ kiện. Vẫn biết ở nước ta, một tạp chí cần có cơ quan chủ quản, nhưng cố gắng giải quyết vấn đề mà không "đáo tụng đình" thì vừa đảm bảo tình người, vừa đỡ làm tổn hại uy tín khoa học của đất nước

MỚI - NÓNG