Chuyện ca sĩ “dám” viết về Đại tướng

Ngoài viết bài hát, Phạm Phương Thảo còn có sở thích làm thơ. Ảnh: Đăng Hoàng
Ngoài viết bài hát, Phạm Phương Thảo còn có sở thích làm thơ. Ảnh: Đăng Hoàng
TP - Phạm Phương Thảo “chơi trội” trong số các ca sĩ hát dòng dân gian bằng cách tự viết bài cho mình hát. Sáng tác đầu tay Gái Nghệ của cô từng được thí sinh Sao Mai đem đi thi.

Bài tiếp theo được cô công bố là Đất mẹ ngày về gây ngạc nhiên vì bản lĩnh chọn đề tài.

Bài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp này được sáng tác ngay trên đường đi quay DVD Tình trong câu hát vừa được Thảo phát hành. Đây cũng là album thứ 10 của cô.

Cho đến giờ, Thảo viết được 5 bài. Về Đại tướng là bài thứ tư. Bài thứ hai Cho em thôi chòng chành cho phim cùng tên. Hai bài Hết đứng lại ngồi và Gửi người tri kỷ sắp phát hành. Tất cả đều mang phong cách dân gian.

Chuyện ca sĩ “dám” viết về Đại tướng ảnh 1

Ngoài viết bài hát, Phạm Phương Thảo còn có sở thích làm thơ. Ảnh: Đăng Hoàng

Bài về Đại tướng ra đời đúng ngày quốc tang. Khi đó Thảo đang cùng đoàn làm phim bị tắc đường trong dòng người đón linh cữu Đại tướng tại Quảng Bình. Ô tô đứng yên tại chỗ. Ngồi nghe các bài hát về Đại tướng phát trên đài, thấy bài nào cũng có danh xưng “Đại tướng” hoặc “Võ Nguyên Giáp”, Thảo lấy làm thắc mắc và suy nghĩ xem có cách diễn đạt nào khác. 

Từ tên của Đại tướng, cô nảy ra trong đầu mấy câu thơ: Oai phong từ tên họ/ Lừng lẫy một nghiệp binh/ Tâm trong quý như ngọc/ Tiếng thơm truyền ngàn đời. Đang từ chỗ không hề có ý định viết bài về Đại tướng, bỗng cảm thấy mấy câu thơ này có thể phổ nhạc được. Cô thử sáng tác ngay trên xe. Lời ghi vào điện thoại, còn nét nhạc cố nhớ trong đầu.

Quảng Bình có điệu hò khoan Lệ Thủy nổi tiếng. Thảo nghĩ, thuở nhỏ chắc Đại tướng cũng đi thuyền trên sông, hẳn cũng được nghe làn điệu đó. Quyết đưa người về quê bằng chuyến đò chứ không phải bằng máy bay như thực tế, cô mở đầu bài hát bằng lời ru của mẹ sử dụng chất liệu hò Lệ Thủy: Ơ lời ru mẹ mênh mang đôi bờ xứ Lệ ngọt ngào Kiến Giang… 

Phần thân bài Thảo miêu tả không- thời gian, cảnh vật, con người ngay trước mắt mình. Cô viết: Quảng Bình chiều nay/ Nắng không vờn mây/ Xác xao ngàn cây/ Núi sông quặn mình. Cô kể: “Hình ảnh đó không phải tưởng tượng mà thực tế Quảng Bình vừa qua cơn bão rất lớn. Người dân đang đổ ra đường, ai cũng buồn, khóc.”

Câu tiếp: Đưa người về quê mẹ/ thỏa ước nguyện thời sinh/ Cao xanh cũng rưng lệ muôn dân kết một lòng. Phương Thảo: “Lúc đó Quảng Bình mưa rất nhiều, suốt mấy ngày. Khi Bác Hồ qua đời Thảo còn chưa sinh ra, chỉ tưởng tượng qua tư liệu, còn để chứng kiến thì chưa bao giờ thấy dân tộc đoàn kết như những ngày tiễn đưa Đại tướng”. Bằng cảm xúc nóng hổi, cô xâu chuỗi ca từ, giai điệu với nhau. Trong khoảng 3 tiếng đồng hồ di chuyển từ khách sạn ra điểm quay, bài hát đã hoàn thành.

Phương Thảo không có tham vọng làm nhạc sĩ mà muốn viết bài để phục vụ ngay cho việc ca hát của mình. Nhận thấy các ca sĩ cùng dòng dân gian thường chung nhau một lượng bài nhất định, cô quyết “làm cái gì đó khác đi với mình, chứ không chỉ với mọi người”. 

Tuy nhiên, ba năm sau đó, không viết được bài hát nào, Thảo từng nghĩ mình không đủ năng lực. Một buổi trưa năm 2010, không ngủ được, cô quyết ngồi vào bàn sáng tác. Nghĩ đề tài về mẹ, về quê hương… đều không ra, cô thử bắt đầu từ chính mình. 

Và bài Gái Nghệ hoàn thành trong khoảng hai tiếng rưỡi. “Viết xong nói thật không tự tin lắm nhưng khi tôi đưa cho thầy An Thuyên thẩm định thì thầy động viên. Lúc đầu cũng nghĩ thầy chỉ khích lệ, rồi mang đi phối khí và phát hành được các anh chị em đồng nghiệp động viên, góp ý. Thấy đây là tín hiệu tốt để mình tiếp tục làm tốt hơn nữa”, Phương Thảo tâm sự.

Có thể nói bài Gái Nghệ đã thay đổi hẳn phong cách… văn chương của Phương Thảo. Trước đó, cô chủ yếu làm thơ khi nào “giận” đàn ông. “Khi yêu ai đó mình không làm thơ kiểu em yêu anh, nhưng khi tức ai đó sẽ làm thơ và… chửi”, Thảo thú nhận với một nụ cười có phần ngại ngùng. 

“Một cách châm biếm thôi, hoàn toàn không bậy đâu”, cô nói thêm. “Bởi vẫn phải ra thơ mà, phải làm sao nghe có tính văn học chút”. Nghĩa là nếu giận ai mà không thèm nói, Thảo sẽ về viết một bài thơ về người đó để xả và hết giận. Còn nếu “nạn nhân” là người cô tin cậy, cô sẽ nói thẳng cho người đó biết, nhưng sau đó lại không ra được “thơ” nữa.

Với cá tính của mình, Thảo thừa nhận mình lạc lõng trong thế giới giải trí. Cô tâm sự: “Tôi duy nhất thích ồn ào khi đứng trên sân khấu biểu diễn và công chúng ở dưới vỗ tay. Còn đã bước xuống sân khấu là thích sự yên tĩnh. Về nhà chỉ thích một mình hoặc có thêm một mình nào đó nhưng mà phải vui, hoặc có thể buồn cũng được nhưng đừng chán”. Phương Thảo đã qua một lần đò và hình như đang có tình yêu mới. Động đến chuyện này, cô chỉ cười. 

Phạm Phương Thảo thích thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bính, Xuân Diệu… Bài hát mới nhất của cô lấy ý tưởng từ câu cảm hứng từ câu Gần hơn nữa, thế vẫn còn xa lắm của Xuân Diệu.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.