Chuyện của Thảo và Kilomet 109

Vũ Thảo tham gia triển lãm chung tại Work Room Four tháng 6/2013. Ảnh: Ben Reich
Vũ Thảo tham gia triển lãm chung tại Work Room Four tháng 6/2013. Ảnh: Ben Reich
TP - Lần đầu gặp gỡ, nhà thiết kế Vũ Thảo khiến các cộng sự người Nùng ngã ngửa. Vì cô diện nguyên một bộ Nùng nhưng lại là quần áo của nam giới - điều chưa từng thấy ở các bản làng Nùng.

Tiếp theo, cô đòi nhuộm những màu chàm rất nhạt. Người Nùng bảo: “Thảo mà ở trên này là không lấy được chồng đâu!”. Vì phụ nữ đúng chuẩn Nùng là phải nhuộm được hai sắc độ chàm đúng quy định, không được đậm hơn mà cũng không được nhạt hơn.

Sau khi thí nghiệm dẫn đến làm chết một thùng chàm của cộng sự (thùng chàm được coi là “đầu cơ nghiệp” của mỗi gia đình Nùng), Thảo mất khá nhiều công sức mới thuyết phục được các nữ nghệ nhân Nùng nhuộm theo gu của cô. Không chỉ dùng chàm mà cô còn đặt hàng họ những nguyên liệu như: lá bàng, củ nâu, hoa trám chỉ, lá chè xanh để tạo ra nhiều màu sắc khác nhau.

Đằng sau các mẫu vải “độc quyền” của Thảo là truyền thống trồng bông và dệt nhuộm thủ công của người Nùng ở Phước Sen, Cao Bằng hay Thái - Mường ở Mai Châu, Hòa Bình. Sau 3 năm làm việc với hai nhóm thợ, cô khẳng định: “Đến thời điểm này, xây dựng được đội ngũ phối hợp ăn ý, tôi cảm thấy tự hào”.

Hiện Thảo lại đang trong giai đoạn làm quen với một nhóm thợ nhuộm sáp ong người H’Mông ở Hòa Bình. Cô tiếp cận các nhóm nghệ nhân thường từ các hội chợ do Craft Link hay Helvetas tổ chức. Thảo đánh giá cao các tổ chức này khi họ sẵn sàng cử nhân sự đi theo cô đến tận các bản làng để tư vấn và giám sát quá trình sản xuất.

Nhận thấy người Việt vẫn còn khá thờ ơ với dòng thời trang sinh thái, sắp tới Thảo sẽ tổ chức các khóa học về nhuộm tự nhiên, in batik… cho sinh viên và các nhà thiết kế ở các lĩnh vực khác tại Work Room Four ở Hà Nội.

Thảo tốt nghiệp khoa Anh, ĐH Sư phạm Ngoại ngữ và tỏ ra quan tâm tới các đề tài về văn hóa truyền thống, chả bao giờ thấy đả động đến thời trang. Dấu hiệu bất thường chỉ thể hiện qua ăn mặc hơi khác người đương thời: áo cánh, yếm, áo bông trần, quần ống sớ… Hóa ra Thảo biết may từ năm 13 tuổi và thường tự may đồ cho mình.

Sau khi con trai đầu lòng cứng cáp, Thảo mới đến Học viện Thời trang London tại Hà Nội để học nghề mới. Lúc đó, cô sắp bước sang tuổi 30 và vẫn chưa tìm được một công việc ổn định. Thảo thừa nhận, ban đầu đến với thời trang chỉ mong tìm được “cần câu cơm”.

Đam mê đến sau và bây giờ là làm việc miệt mài để nuôi dưỡng niềm đam mê đó. Ngay từ học kỳ II, cô đã được một hãng của Đức mời làm cộng tác viên. Bà chủ trở thành bạn thân của Thảo và hiện giúp cô bán sản phẩm tại Berlin.

Khi đã vững tin mình có thể làm thời trang, Thảo mở nhãn hiệu riêng: Kilomet 109. Chữ kilomet đảm bảo không bị phát âm sai trong hầu hết các ngôn ngữ và nó cũng thể hiện tính chuyển động là đặc trưng trong các thiết kế của Thảo. Còn 109 chính là khoảng cách tính bằng ki lô mét từ Hà Nội về Thái Bình- quê cô.

Thảo nhận thấy: “Các nhãn hiệu thời trang bây giờ quá nhiều, để nổi bật giữa đám đông cần có những câu chuyện đằng sau thiết kế, kiểu dáng. Sau khi làm việc cho một nhãn hiệu của Anh và một của Đức, đồ rất đương đại, tôi nhận thấy để làm cho mình khác biệt phải quay lại giá trị truyền thống”.

Thay vì đi lên theo lối showbiz, cộng tác với các siêu mẫu, tham dự các cuộc thi đình đám, Thảo chọn cho mình con đường thầm lặng. Cô tự tổ chức trình diễn và triển lãm các thiết kế của mình tại Hà Nội.

Lý do Vũ Thảo đoạt danh hiệu quán quân Doanh nhân Sáng tạo trẻ trong lĩnh vực Thiết kế/Thời trang 2014 được nhà tổ chức - Hội đồng Anh tại Việt Nam - lý giải: “Vũ Thảo đã thể hiện cam kết mãnh liệt đối với trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, thông qua làm việc với lao động nữ dân tộc thiểu số để sản xuất những chất liệu sinh thái được nhuộm bằng phương pháp truyền thống. ”Hiện cô đang ở Anh, tham dự Festival Thiết kế London, gặp gỡ và làm việc với 15 quán quân đến từ Ai Cập, Nam Phi, Trung Quốc, Brazil, Mexico…

MỚI - NÓNG