Chuyện không đùa về tự tử

Minh họa: Huỳnh Ty
Minh họa: Huỳnh Ty
TP - Một buổi trưa đẹp trời, vắng người, thích hợp để tự tử. Địa điểm là cây cầu cao năm mươi mét, bên dưới nước chảy xiết, nhảy xuống đảm bảo chết 100%.

Gã đang ngồi trên lan can cầu và chờ thời điểm để tự tử. Tự tử có kế hoạch là phải đúng thời điểm. Những con người tự tử không có kế hoạch sau khi chết đi chẳng nhận được gì nhiều ngoài sự mỉa mai. Kiểu như: Thằng này ngu thế! Cái loại bất hiếu! Có khả năng thằng này bị bệnh trĩ quá nặng nên phải tự tử! Rồi người ta còn bịa ra bao thứ kinh khủng hơn để lí giải cho việc làm ngu ngốc ấy. Cái chết của gã sẽ phải tạo nên một sự khác biệt. Người ta sẽ phải nhắc nhiều về nó bằng một sự tôn trọng và khích lệ lớn lao.

Khi gã chết đi, Linh có khóc không nhỉ? Cô ấy sẽ dằn vặt vì đã bỏ rơi gã? Cô ấy sẽ nhận ra tình yêu của cô ấy là dành cho gã chứ không phải tay sở khanh có mái tóc xoăn rối như ổ gà đấy. Cái chết của gã, không chỉ có cô ấy sẽ hiểu ra mà sẽ đánh động cả những con người mù quáng vì tiền trong cái xã hội vô cảm này. Họ đang sống bằng cái lương tâm chứa đầy sự tham lam và ích kỉ. Họ phải thay đổi. Sớm hay muộn gì cũng phải thay đổi!

Thế quái nào mụ nhà báo chưa đến nhỉ? Tối hôm qua, gã đăng status tuyên bố tự tử lên facebook, trong khi người người chửi, nhà nhà can ngăn, thì mụ nhà báo ấy từ đâu nhảy vào vồ vập hỏi một câu rõ đạo đức: Em chết ở đâu để chị đưa tin? Gã hỏi mụ đưa tin thế nào. Có phải là kiểu đưa tin cũ rích thế này: Có một thằng ngu hai mươi ba tuổi, thất nghiệp, bị người yêu bỏ đã nhảy cầu tự tử. Gã không thế nào chấp nhận mấy cái tin rẻ tiền ấy.

Cái chết của gã phải là một câu chuyện, nó phải giống như một truyện ngắn, có cốt truyện hẳn hoi, và cao trào là thời điểm nhân vật chính tự tử. Nó sẽ gợi lên cho người đọc sự thương xót, và như đã nói ở trên, họ sẽ nhìn nhận cái chết của gã bằng một sự tôn trọng và khích lệ lớn lao.

Mụ nhà báo ỡm ờ đồng ý. Bài đưa tin về cái chết của gã sẽ được đặt ở vị trí long trọng trên trang báo lá cải hàng đầu Việt Nam. Lượt xem và bình luận chắc chắn sẽ đắt như tôm tươi. Hình ảnh gã và cái chết của gã sẽ lan truyền trên mạng xã hội và nổi bật trên tất cả các trang thông tin đại chúng ở Việt Nam.

Mụ nhà báo ấy nằm trong kế hoạch tự tử của gã. Cách đây một tiếng, gã đã gửi tin nhắn cho mụ, nói chính xác thời gian và địa điểm gã sẽ tự tử. Nhưng đã quá mười phút rồi mà mụ ta chưa đến. Có lẽ nào mụ ta cho rằng đây là một trò đùa. Nực cười chưa! Mụ và đồng bọn, những kẻ chuyên dắt mũi dư luận bằng những câu chuyện bịa đặt, một tấc đến giời, nhưng với câu chuyện thật thế này lại cho là trò đùa. Gã sẽ chết cho các người xem. Một cái chết nhẹ tênh... chẳng cần kế hoạch.

- Cậu thanh niên! Cậu đừng có mà làm những chuyện ngu ngốc như thế!- Giọng khò khè phát ra từ một bà lão ăn mày ăn mặc rách rưới đang đứng ngay sau lưng gã.

- Bà đừng lại gần cháu! Cháu nhảy xuống đấy!

- Già ăn xin ở khu vực này nên biết, cây cầu này đã có hàng tá những cô cậu thanh niên như cậu tự tử. Sao các cô các cậu còn trẻ mà dại dột thế. Như già đây này, đi ăn mày đã gần mười năm, giời cho sống thì cứ sống thôi.

- Cháu biết! Nhưng đây chính là cách cháu lựa chọn khi đã quá chán ngán cuộc sống này.

- Thế cậu không nghĩ đến bố mẹ cậu sao?

- Mẹ cháu mất rồi. Còn bố cháu thì cũng khác nào những con người vô cảm trên đường kia, họ mải mốt kiếm tiền và lo cho lợi ích cá nhân của họ, rảnh hơi đâu mà nghĩ đến cháu.

- Cuộc đời này còn nhiều hỉ nộ ái ố lắm! Còn trẻ như cậu chắc gì đã hiểu được. Cậu cứ xuống đây, già này kể cho mà nghe!

Nhìn khuôn mặt khắc khổ của bà lão, gã liên tưởng đến những câu chuyện bà lão sẽ kể. Đó có thể là những câu chuyện về bất hạnh cùng cực của cuộc đời. Gã thở dài:

- Cháu biết! So với bà cháu vẫn còn may mắn. Nhưng may mắn để làm gì khi cháu không còn lưu luyến với cái xã hội đầy rẫy những xấu xa này hả bà?

- Những người trẻ như cậu tưởng mình học nhiều nên biết nhiều. Nhưng thực ra về lẽ đời các cô các cậu chẳng hiểu gì cả!

- Những thứ cháu hiểu đủ là lí do để cháu tự tử. Bà cứ đi tiếp chặng đường của bà. Còn cháu sẽ kết thúc tại đây. Đây, cháu có ít tiền lẻ, bà cầm lấy mà mua quà.

- Cậu nói vậy thì già chịu. Tiền cậu đưa già không dám nhận. Già chỉ nhận bố thí của người sống chứ không nhận tiền của người chết bao giờ!

Bà lão ăn mày bỏ đi và không quay đầu lại. Tiếng dép loẹt quẹt xa dần nhưng gã cảm thấy trong lòng vẫn tái tê vì câu nói của bà lão. Gã đã chết rồi. Chết một cách tẻ nhạt và tầm thường. Những con người mất đi động lực sống thực ra chỉ là một cái xác không hồn. Không cần phải tự tử thì trong mắt người khác họ cũng chết rồi.

Xã hội này quá nhiều những người chết như thế, họ đi lại trên phố với những khuôn mặt tràn đầy tuyệt vọng, họ khóc lóc rồi than vãn về cuộc đời trên những dòng status nhạt nhẽo kia, họ tuyên bố tự tử một cách đầy nông nổi rồi tìm đến cây cầu cao nhất thành phố để đảm bảo cho một cái chết 100%.
Hành trình của cái chết đầu tiên là chìm nghỉm, đến một lúc nào đó lại nổi lềnh phềnh và thối rữa trong mắt người khác .

Đang nghĩ ngợi vẩn vơ, gã giật thót mình vì tiếng chuông điện thoại. Chỉ có Ngà “hâm” mới biết số điện thoại mới này của gã. Gã định không cho ai biết số điện thoại này đâu, nhưng chiều qua chợt nhớ là vẫn còn nợ Ngà “hâm” vài trăm ngàn nên nhắn tin hẹn nó đến trả. Nợ tiền ai, chứ nợ tiền con bé này có khi chết rồi nó cũng gọi hồn lên để đòi nợ.

- Đòi nợ hả mày? Sao hôm qua tao hẹn không đến?

- Thằng chó Tân! Bỏ nhà đi mấy ngày rồi hả? Hôm qua, khi mày đăng status tự tử, bố của mày đi tìm mày đến phát điên đấy!- Ngà “hâm” rối rít nói.

Mặt gã biến sắc khi nghe Ngà “hâm” nhắc đến bố. Ông ta không hẳn vô cảm. Nhưng ông ta cũng như phần đông số người trong xã hội này thôi, chỉ khi sắp mất đi thứ quý giá nhất thì người ta mới động lòng trắc ẩn. Gã cương quyết nói:

- Tao mặc kệ! Tao không có thời gian! Tao hỏi lại mày có đòi nợ không? Sao hôm qua tao nhắn tin không thấy nhắn lại?

- Điện thoại tao hỏng. Mà mày định chết thật hả?

- Thật chứ đùa à! Đang ngồi trên cầu đây này!

- Thằng khốn nạn! Cầu nào? Tao cóc cần đòi nợ mày. Mày mà chết…. mày mà chết … mày là thằng khốn nạn! – Ngà “hâm” vừa khóc vừa chửi rất dữ dội.

- Tao không có thời gian để nghe mày khóc đâu. Không đòi nợ thì tao cúp máy đây!

- Thằng khốn nạn! Thế mày định bỏ con mày để tao nuôi một mình à?
- Con nào? - Gã sững sờ hỏi.

- Con của mày! Tao có thai rồi. Mày còn nhớ hôm mày chia tay cái Linh mày đến nhà tao uống rượu không. Mày say rượu, tưởng tao là cái Linh… rồi mày đẩy tao lên giường … Mày có nhớ không?

- Tao không nhớ! Mà sau hôm đó tao hỏi mày có chuyện gì xảy ra không. Mày bảo không có gì!

Ngà “hâm” sụt sịt:

- Thì trước giờ mày có coi tao là con gái đâu… Tao muốn lần đầu tiên của tao là với mày… Mày mà chết là tao với con chết theo. Nhảy cầu chứ gì...

- Mày nói thật hay đùa đấy? - Gã hoảng hốt.

- Mày không tin hả? Bởi mày mải yêu cái Linh nên mày đâu có nhận ra tao cũng yêu mày… Tao rất yêu mày, thằng chó ạ!

Gã tạm giữ máy để định thần lại chuyện tày đình vừa mới xảy ra. Bây giờ dù có sóng thần cũng không khủng khiếp bằng chuyện đứa bạn thân từ hồi mẫu giáo đang mang bầu vì gã. Trước giờ, gã coi nó như “thằng” bạn. Nó thích gã từ lúc nào mà gã không để ý. Hai đứa cãi nhau như chó mèo suốt ngày nhưng nó luôn là người bên cạnh gã, lúc gã tủi thân và buồn bực nhất. Thực ra, Ngà “hâm” cũng không đến nỗi nào. Nó trắng trẻo, cao ráo, còn khuôn mặt nếu che đi hàm răng chín sáu ba không thì trông cũng xinh xắn. 

Giả như gã có chết đi, thì với bản tính của Ngà “hâm”, rất có thể nó sẽ cùng sinh linh vô tội trong bụng nó nhảy cầu chết theo gã. Vậy ra, chính gã là kẻ đã gieo rắc đau thương và chết chóc lên cái xã hội này. Gã phải tỉnh táo lại. Không thể chết được, nhất quyết gã không thể chết được!

- Đây, tao đây! Mới giữ máy một phút mà mày khóc thét lên thế.
- Thế mày có định chết không?

- Không! Tao không chết nữa! Tao sẽ cưới mày! Làm bố đứa trẻ trong bụng mày!

- Thật hả?

- Với điều kiện...

- Điều kiện gì?

- Mày về cạp lại răng và chuẩn bị của hồi môn đi!

Ngà “hâm” tiếp tục vừa khóc vừa chửi ràn rạt qua điện thoại. Cách chửi vẫn thế. Còn khóc, có lẽ nó đang khóc vì hạnh phúc. Gã cảm thấy mình đang sống lại. Cuộc đời gã đã thay đổi chóng vánh và không còn trở lên vô nghĩa nữa. Động lực sống của gã từ bây giờ đã rất rõ ràng. Gã sẽ làm bố của một đứa trẻ, làm chồng của đứa bạn thân có hàm răng chín sáu ba không.

Gã bước xuống cầu, cảm giác nhẹ nhõm như vừa thoát ra khỏi một vũng sình lầy. Giả như bà lão ăn mày không xuất hiện để can ngăn gã thì có lẽ lúc này gã đã bước vào hành trình nghiệt ngã của cái chết. Cái chết của gã không làm xã hội này tốt đẹp hơn. Sẽ có thêm nhiều bi kịch. Bi kịch của người bố mất con, hay thảm thiết hơn là bi kịch của cô gái mang bầu nhảy cầu tự tử. Dù có là đại bi kịch đi chăng nữa thì báo lá cải vẫn đắt khách như mọi ngày. Mạng xã hội vẫn người cười kẻ khóc...

Nghĩ lại, mụ phóng viên báo lá cải có phần đúng khi cho rằng vụ tự tử của gã chỉ là một chuyện đùa. Cuộc sống vốn dĩ có vô vàn những chuyện đùa như thế.

Sau vụ tự tử đổ bể của gã, chính trang báo lá cải của mụ có đưa hai tin lên tiêu điểm như thế này:

“Phát hiện xác nam thanh niên nhảy cầu tự tử vì thất tình”

“Sự thật về bà lão ăn mày có con trai làm giám đốc”.


Truyện ngắn của
Trần Thái Hưng

Lâu rồi mới có được một truyện trào lộng đến như thế. Rất hoạt náo mà không gắng gượng. Bàn chuyện sinh tử mà cứ như bàn chuyện đi chơi uống nước.

Chuyện không đùa về tự tử ảnh 1Tác giả là một chàng trai trẻ quê Thủy Nguyên - Hải Phòng, đang học một nghề không liên quan tý nào đến văn chương: ĐH Hàng hải. Trần Thái Hưng nói, mới khởi sự viết khoảng chục truyện ngắn. Hành trang như thế, lại sinh năm 1990, có lẽ chưa nên nói gì nhiều. Nhưng đúng là giữ được phong vị thế này, Hưng có thể trở thành một nhà văn có cá tính.

 L.A.H 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.