Chuyện một người kiện... thần tượng của mình

Chuyện một người kiện... thần tượng của mình
TP - Đó là “vụ án” một bạn đọc danh giá rất mê “chưởng Kim Dung” đã kiện Kim Dung ra tòa Hoa địa văn sự năm 2005. Người kiện là Mã Đỉnh Thịnh, con trai của hai danh nhân trong làng sân khấu Trung Quốc.
Chuyện một người kiện... thần tượng của mình ảnh 1
Nhà văn Kim Dung

Mã Đỉnh Thịnh là con trai của Hồng Tuyến Nữ và Mã Sư Tăng, bản thân là bình luận viên quân sự nổi tiếng, hiện là bình luận viên của Đài truyền hình Hồng Công.

Mã Đỉnh Thịnh tự nói tình cảm ngưỡng mộ Kim Dung của mình “cuồn cuộn chảy mãi như nước sông Trường Giang”, nhưng vì những năm gần đây thấy Kim Dung cứ thả sức xóa đi thêm vào tác phẩm vốn có của mình, vì thế mà liên tưởng đến những lời Kim Dung phô trương không ngừng về việc làm ấy trên các phương tiện truyền thông.

Ông Mã cảm thấy bất bình và phản cảm, thấy hình tượng mà mình bấy lâu nay sùng bái mất hết vẻ tôn nghiêm, nên trong lúc tức giận đã kiện Kim Dung ra tòa.

Lý lẽ mà nguyên cáo đưa ra là: “Có lẽ Kim Dung biết mình sắp đến lúc hạ màn nên ông mới phô trương nhiều động tác đến thế. Ông sửa chữa lại tác phẩm đã có của mình, nhận nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu sinh tiến sĩ ở trường Đại học Chiết Giang nhưng không thực hiện được, giữa chừng phải bỏ dở. Ông lên núi Hoa Sơn “luận kiếm” nhưng lực bất tòng tâm, cuối cùng còn tuyên bố sẽ sang Anh nghiên cứu, giành học vị tiến sĩ…

Vốn dĩ tôi hết sức ngưỡng mộ Kim Dung, nhưng đến nay hình tượng Kim Dung đã xấu đi rất nhiều trong trái tim tôi. Quan trọng hơn nữa là những lời nói và việc làm của ông không còn phù hợp với tên gọi cao quý “đại sư” nữa, đồng thời còn trái với đạo đức và phong tục lương thiện, vì vậy tôi yêu cầu tòa tước danh hiệu “đại sư” mà ông đã được phong”.

Luật sư Vương Tiểu Sơn biện hộ cho Kim Dung như sau:

"Là một người bình thường, chưa già đến mức đại não bị teo, Kim Dung đương nhiên có quyền lợi như bất kỳ một người bình thường nào cũng có.

Là một người tài cao tám đấu, đức cao vọng trọng, tác phẩm chất cao hơn người lại giàu có không mấy ai bằng, Kim Dung đương nhiên càng có quyền mà những người bình thường khác không có.

Điểm thứ hai này không cần luận chứng, bởi vụ kiện chỉ động chạm đến quyền lợi bình thường của Kim Dung, không có một phần nào ra ngoài pháp luật.

Điều chỉ trích quan trọng nhất của ông Mã Đỉnh Thịnh là Kim Dung tiên sinh sửa chữa lung tung kinh điển Kim học. Ông Mã Đỉnh Thịnh ở đây đã phạm một sai lầm nghiêm trọng, đó là gọi những tác phẩm của Kim Dung là “kinh điển Kim học”.

Ở Trung Quốc chỉ có “Kim thạch học”, chứ không có “Kim học”. Ngoài  trường hợp biết cách phát huy tiểu thuyết của mình đến mức sáng rỡ, lớn lao và do đó mà có thu nhập về kinh tế, xưa nay ông Kim Dung có tác phong khiêm tốn, không hề khoe khoang, xưa nay chưa từng đồng ý với cách nói coi học vấn nghiên cứu về bản thân và tác phẩm là “Kim học”.

Ông Mã Đỉnh Thịnh sử dụng từ này chẳng qua là nhằm nâng cao ông Kim Dung để tiện hạ thấp. Tâm địa ấy đáng phê phán. Có thể ông Mã Đỉnh Thịnh nêu ra là do thiện ý song thiện ý đó ông Kim Dung không thể tiếp thu được.

Lý do có ba:

Một là, một tác phẩm như thế nào là ở trạng thái tốt nhất, đương nhiên việc đó do tác giả nhận định.

Hai là, ông Kim Dung sửa chữa tác phẩm của mình thì về khách quan làm cho trong nhà rất nhiều người có đến hai bộ Kim Dung toàn tập không giống nhau, khiến cho tiền bạc trong xã hộ lưu thông và GDP tăng lên, công đó không gì lơn bằng. Đồng thời, sửa chữa ở diện nhỏ đối với tác phẩm cũng làm cho thu nhập của bản thân ông Kim Dung  tăng thêm đáng kể.

Ba là, sau khi vãn chiều xế bóng, Kim Dung tới Chiết Giang đảm nhiệm chức giáo sư lịch sử song chưa thành công, việc đó đã khiến ông đau lòng rồi. Cống hiến của ông cho Trung Quốc và văn hóa Trung Quốc là điều ai cũng nói, ai cũng thấy.

Chúng ta là người lớp sau mà nhẫn tâm để cho ông sa vào cảnh hiu quạnh và cô độc được sao? Còn như ông muốn khuấy động tiểu thuyết võ hiệp thì ngoài sửa chữa tác phẩm ra, còn biện pháp nào khác?...".

Cuối cùng tòa xử như sau:

“Sau khi nghe ý kiến của hai bên nguyên bị cùng đoàn bồi thẩm trình bày, ai cũng không tránh khỏi thở dài!…

Bị cáo Kim Dung, trận phong ba hướng dẫn luận án tiến sĩ ở trường Đại học Chiết Giang chưa tan thì làn sóng luận kiến ở Hoa Sơn lại nổi dậy không tránh khỏi hiềm nghi là tài năng cạn kiệt nên muốn lên tiếng để làm vừa lòng và để được công chúng ủng hộ…

“Đại sư” vốn là hư danh, không có cái gọi là tước bỏ hay phong tặng. Nguyên cáo Mã Đỉnh Thịnh cũng vì yêu mến mà sinh hận, đó là nỗi khổ tâm chứ không phải ác ý, tình ấy có thể tha thứ.

Tòa tuyên bố, bị cáo vô tội, phí tổn tố tụng do mỗi bên chịu một nửa. Phán quyết này là phán quyết chung thẩm".

Phạm Tú Châu
 Theo Tác phẩm và tranh luận, số 9/2006

MỚI - NÓNG