Chuyện nhà văn cựu binh Mỹ đầu tiên đến Việt Nam

Chuyện nhà văn cựu binh Mỹ đầu tiên đến Việt Nam
TP - Có lẽ Kevin Bowen là người Mỹ đầu tiên truyền bá văn học Việt Nam vào Mỹ. Lúc đó, không ai dám làm ngoài ông. Bởi lúc đó, sự nguy hiểm có thể xẩy ra với cá nhân ông và gia đình ông bất cứ lúc nào.
Chuyện nhà văn cựu binh Mỹ đầu tiên đến Việt Nam ảnh 1
Nhà văn Kevin Bowen và gia đình

Tôi gặp ông lần đầu tiên ở Hà Nội năm 1991. Ngày ấy ông dẫn đầu một đoàn nhà văn cựu chiến binh Mỹ đến Hà Nội để tham gia cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa các nhà văn cựu binh Mỹ và nhà văn cựu binh Việt Nam.

Đấy là một bước ngoặt rất quan trọng trong quan hệ không chính thức giữa Mỹ và Việt Nam mà rất ít người để ý. Chính phủ Việt Nam đã cho phép cuộc gặp gỡ lịch sử giữa các nhà văn hai nước được tiến hành ở khu nghỉ Quảng Bá. Đó là nơi mà trước đấy ít năm không mấy ai dễ dàng được bước vào. Kevin Bowen đến Hà Nội trước để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ quan trọng này.

Ông mang vào Việt Nam 10.000 USD tiền mặt. Khoản tiền đó trong thời gian ấy là một khoản tiền rất lớn. Ngày đó, Mỹ không muốn cho bất cứ ai mang nhiều tiền mặt vào Việt Nam. Chính thế mà khi hai ngày hội thảo vừa kết thúc, ông không thể cùng đoàn nhà văn Mỹ đi dọc đất nước Việt Nam như chương trình.

Ông phải quay về Mỹ để điều trần trước Quốc hội Mỹ việc ông mang mười ngàn đô la tiền mặt vào Việt Nam để làm những gì. Nhà văn của hai phía đã gặp nhau và chủ đề chính là họ nói về tương lai của hai dân tộc. Một tương lai mà mọi dân tộc sớm hay muộn phải đi đến. Đó là tương lai của hòa bình, độc lập, dân chủ và phồn vinh.

Nhưng buổi tối đầu tiên đến Hà Nội, ông đã đánh mất mười ngàn đô la để trong một cái túi nhỏ. Kevin Bowen, nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà văn Lê Lựu và tôi đã thức suốt đêm nhưng không thể nào biết được cái túi đựng tiền kia biến mất lúc nào và ở đâu.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi trở lại quán phở của ông Sách, một nghệ sỹ hát chèo của Đài tiếng nói Việt Nam đã về hưu để ăn sáng. Khi nhìn thấy chúng tôi bơ phờ và rất buồn, ông Sách cười toét miệng và đưa lại cho chúng tôi chiếc túi có mười ngàn đô la trong đó. Kevin Bowen đã bỏ quên chiếc túi ở ghế ngồi ăn phở từ chiều hôm trước. Tất cả chúng tôi đã ứa nước mắt.

Một điều kỳ lạ đã xẩy ra trong lòng tôi lúc đó: Tôi yêu đất nước mình hơn trước dù chỉ là một chút bởi chính hành động của một người dân nước tôi: Ông Sách. Ông Sách đã làm cho chúng tôi tự hào hơn về dân tộc mình trước những người Mỹ.

Năm 1991 là một trong những năm kinh tế Việt Nam rất khó khăn. Có không ít người nước ngoài nghĩ Việt Nam lúc đó chỉ cần tiền. Và hành động của ông Sách đã thổi tắt những ý nghĩ đó. Kevin đã kể câu chuyện này cho các nhà văn Mỹ và sau này là rất nhiều người Mỹ khác nghe. Tất cả đều lặng người đi.

Một sự kỳ diệu của đời sống đã hiện ra chẳng khác gì một phép thiêng. Và có lúc tôi nghĩ có lẽ với những gì Kevin Bowen đã làm một cách chân thành cho dân tộc Việt Nam thì mười ngàn đô la ngày đó không thể mất ở trên xứ sở này được. Không thể. Đó là lòng tin của tôi.

Kevin đến Việt Nam trong nghĩa vụ quân dịch. Ông đóng quân ở Núi Bà Đen, Tây Ninh một năm rồi trở về Mỹ. Ông vào trường đại học. Trong những ngày nghỉ, ông đi bán trái cây. Năm 1972, ông gom toàn bộ tiền bán trái cây đi Paris. Ông đến đó để chờ đợi kết quả của Hội nghị Paris về hòa bình ở Việt Nam.

Nhưng kết quả của Hội nghị Paris đã làm ông thất vọng. Người Mỹ vẫn can thiệp vào cuộc chiến tranh ấy và nước Việt Nam vẫn bị chia cắt. Ông trở về Boston và bắt đầu sáng tác thơ về cuộc chiến tranh mà ông đã tham gia và đã phản chiến và làm thơ về đất nước và con người Việt Nam.

Một trong những bài thơ nổi tiếng của ông là bài Chơi bóng rổ với Việt Cộng. Bài thơ này viết tặng nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi nhà văn đến thăm ngôi nhà của Kevin ở Boston. Bài thơ đó sau này trở thành tên một tập thơ của ông. Hầu hết các bài thơ trong tập thơ đó là viết về Việt Nam.

Ông viết về Thành Cổ Loa, về trà sen, về một đêm rằm Trung thu ở Hà Nội, về sông Hương…Tất cả những bài thơ đó đều mang trong nó hơi thở thẳm sâu của tâm hồn con người Việt Nam.

Bây giờ ông vẫn giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm William Joiner của Đại học Massachusetts. Đây là Trung tâm nghiên cứu hậu quả xã hội và chiến tranh thông qua những hoạt động văn học nghệ thuật.

Đã bao nhiêu lần tôi băn khoăn tâm sự với các nhà văn Việt Nam rằng tại sao chúng ta lại chưa trao tặng cho Kevin Bowen Huân chương Hữu nghị. Trong khi đó, có những người Mỹ khác đã được nhận phần thưởng này.

Họ là những người xứng đáng và Kevin Bowen là người rất xứng đáng. Phần thưởng đó theo tôi là tôn vinh chính chúng ta chứ không phải tôn vinh những người được trao phần thưởng.

Đã đôi ba lần tôi nói với Kevin điều ấy thì ông vội vàng xua tay và nói : No, No. Rồi với gương mặt bừng đỏ ngượng ngùng và lúng túng, ông quay đi phía khác và nói về những câu chuyện khác.

Ông tập hợp nhiều nhà văn, nhà thơ danh giá của nước Mỹ như Charles Simic (Pulitzer về thơ 1990), Grace Paley (Thi bá New York), Jusef Koumuniakaa (Pulitzer về thơ 1994), Larry Heineman (National Award về tiểu thuyết 1987), Tim Obrien (National Award về tiểu thuyết 1982) vv…

Và những người này cũng là những cựu binh Mỹ đã tham gia chiến tranh Việt Nam và trở thành những người phản chiến. Riêng Grace Paley đã được mệnh danh là Bà mẹ của Phong trào phản chiến của Mỹ. Những ngày đầu cuộc chiến tranh do Chính phủ Mỹ tiến hành ở Việt Nam, Grace đã một mình cầm một tấm biểu ngữ chống chiến tranh đứng ở một ngã tư đường. Những người Mỹ ngày ấy đi qua bà và nhổ nước bọt vào bà.

Có ngày trở về, quần áo bà ướt sũng vì nước bọt. Nhưng chỉ một năm sau, hàng chục nghìn người Mỹ đã đứng bên bà chống lại cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Bà là người Mỹ vào Hà Nội để đón ba tù binh phi công Mỹ đầu tiên được thả và nói cho những “cậu bé” Mỹ ấy về Việt Nam và về sự sai lầm của Chính phủ Mỹ trong cuộc chiến tranh này. Rất nhiều người danh tiếng của nước Mỹ đã ủng hộ Kevin bởi họ nhận ra nhân cách và tình yêu con người của ông. Tất cả có lẽ chỉ là như vậy.

Chuyến đi đầu tiên của nhà văn Việt Nam đến Mỹ là nhà văn Lê Lựu. Kevin Bowen là người đã tổ chức chuyến đi này. Trong khi quan hệ giữa hai chính phủ Việt Nam và Mỹ còn rất căng thẳng thì ông đã tìm cách đưa các nhà văn Cộng sản Việt Nam đến Mỹ.

Với tôi, Lê Lựu là một trong những vị Đại sứ hòa bình đầu tiên của Việt Nam đến Mỹ. Lê Lựu, một người lính, một nhà văn, một người Việt Nam đã mang đến Mỹ thông điệp về văn hóa, về khát vọng hòa bình và lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam.

Người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một Việt Nam khác ngoài một Việt Nam của những cuộc chiến tranh trong một đoạn trường của lịch sử. Rồi sau Lê Lựu là các nhà văn, nhà thơ khác.

Cũng với các nhà văn nhà thơ đến Mỹ là những tác phẩm văn học Việt Nam bắt đầu được giới thiệu ở Mỹ. Kevin và Trung tâm William Joiner của ông đã làm những việc đó. Và đối với những người Mỹ còn chưa hiểu Việt Nam hoặc còn mang trong lòng thù hận nào đó thì Kevin đã trở thành kẻ thù của họ.

Một số người Mỹ đã gọi điện đến nhà Kevin đe dọa tính mệnh các con ông và đe dọa sẽ hiếp vợ ông. Ông thực sự hoảng sợ. Ông đã đổi điện thoại. Giấu địa chỉ nhà. Rồi ông đổi chỗ ở.

Ngày Lê Lựu ở Mỹ, Kevin và một số thành viên của Trung tâm William Joiner đã giấu Lê Lựu như những gia đình cách mạng trong kháng chiến giấu cán bộ của mình...

Ngay năm 1997, khi đoàn nhà văn Việt Nam đang ở Boston thì một buổi sáng Kevin gọi điện hoảng hốt thông báo không ai được đến Trung tâm William Joiner nữa. Trước cửa Trung tâm có dán một tấm giấy lớn với dòng chữ: Kill VC (hãy giết bọn Việt Cộng). Hôm ấy, các nhà văn Việt Nam phải đi sơ tán khỏi nơi họ đang ở. Nhưng một tình yêu lạ lùng đối với Việt nam lại kéo ông vào những hoạt động tuyên truyền về Việt Nam trong lòng nước Mỹ.

Nhiều lúc tôi tự hỏi: Ông yêu dân tộc Việt Nam vì lý do gì? Có một lần thấy ông rất buồn, tôi hỏi có chuyện gì. Hỏi mãi ông mới cho tôi biết có nhà văn Việt Nam đã cho ông là CIA. Tôi nhớ năm 1991, tôi được Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cử đi cùng đoàn nhà văn Mỹ từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh sau hai ngày hội thảo ở Quảng Bá, Hà Nội.

Chuyện nhà văn cựu binh Mỹ đầu tiên đến Việt Nam ảnh 2
Kevin Bowen

Một nhà văn đã nhét vào tay giáo sư sử học David Hunt, đồng Chủ tịch Trung tâm Joiner một mẩu giấy viết: Nguyễn Quang Thiều là công an. Chính David Hunt sau này đã nói với tôi chuyện đó. Một câu chuyện buồn.

Tôi đã được xem mẩu giấy ấy và tôi có thể nhờ người tìm ra ai viết. Nhưng tôi không bao giờ làm thế và không cần làm thế. Đó chỉ là một câu chuyện rất nhỏ của đời sống này mà thôi.

Sau khi nghe Kevin buồn bã kể lại câu chuyện của ông, tôi cười và nói với ông đó là chuyện rất bình thường mặc dù tôi rất đau lòng bởi chuyện đó. Cũng như Chính phủ Mỹ ngày ấy đã trục xuất Đại sứ Việt Nam ở Liên Hợp Quốc Đinh Bá Thi với lý do ông đã hoạt động gián điệp. Hai dân tộc đã có một lịch sử bi thương. Tôi nói như thế với ông nhưng tôi còn buồn hơn ông. Bởi tôi biết ông yêu dân tộc tôi và đã âm thầm làm những gì có thể làm cho dân tộc này.

Có một tờ báo của Mỹ thời đó đã viết Trung tâm William Joiner mà ông là Giám đốc là  bàn tay nối dài của Cộng Sản và có những người Việt Nam đã cho ông là CIA. Sau những lúc buồn bã và sợ hãi, ông lại đứng dậy và lại làm việc như chưa từng một lần bị đe dọa cho sự hiểu biết và lợi ích của hai dân tộc.

Ông là người Mỹ đầu tiên truyền bá văn học Việt Nam vào Mỹ. Lúc đó, không ai dám làm ngoài ông. Bởi lúc đó, sự nguy hiểm có thể xẩy ra với cá nhân ông và gia đình ông bất cứ lúc nào. Sau này có một hai người Mỹ cũng làm một chút ít công việc dịch sách văn học Việt Nam nhưng lại rất to tiếng về vài việc họ làm.

Khi nguy hiểm nhất thì chúng ta không thấy họ. Đó cũng là chuyện thường tình mà ta thấy ở mọi nơi và mọi lúc trong cái thế gian này. Nhưng tất cả những chuyện đau lòng rồi cũng qua đi. Qua đi bởi thời gian và bởi con người luôn hướng về những điều tốt đẹp.

Tôi đến Boston lần đầu tiên vào tháng 5 năm 1993. Nhưng mãi cho tới mấy năm gần đây tôi mới biết một câu chuyện thật cảm động. Trong khách sạn Omni Parker ở thành phố này có lưu giữ một chiếc bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Mỹ năm 1911 và làm việc trong khách sạn Omni Parker đến năm 1913. Kevin Bowen đã phát hiện ra khách sạn lưu giữ chiếc bàn đó. Ông đã tìm cách để xin chiếc bàn này về cho Việt Nam. Tôi nghe nói ông đã đưa đoàn của Bảo tàng Hồ Chí Minh đến làm việc với khách sạn về chiếc bàn đó. Nhưng Ban quản lý khách sạn đã không đồng ý.

Và Kevin đã tìm mọi cách để đưa chiếc bàn đó về Việt Nam kể cả cách mà một người Mỹ như ông chưa bao giờ nghĩ đến. Ông đã gặp người quan trọng nhất của khách sạn và đưa ra một đề nghị “bí mật”. Ông sẽ thuê người làm một chiếc bàn giống y chiếc bàn trong khách sạn. Ông sẽ trả tiền mua chiếc bàn thật và thế vào đó chiếc bàn “photo”. Nhưng ông đã thất bại. Chiếc bàn là tài sản của khách sạn và không ai có thể lấy nó ra khỏi nơi đó.

Kevin đã không thực hiện được mong muốn của mình. Chiếc bàn đã không về được Việt Nam. Nhưng tấm lòng của ông đối với dân tộc này đã đến được trái tim của nhiều người biết được câu chuyện đó.  Kevin chưa bao giờ nói với tôi về chuyện chiếc bàn đó. Tôi đã nghe câu chuyện qua một người ở Trung tâm William Joiner cùng đi với ông trong những cuộc thương thuyết về chiếc bàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những năm gần đây mỗi lần đến Việt Nam, ông lại dành một ngày rảnh rỗi vào Hà Đông chơi với tôi và những bạn bè văn chương của tôi. Chúng tôi cùng hòa tấu một vài nhạc cụ dân tộc. Ông là người mê thổi sáo.

Đi đâu ông cũng mang theo một cây sáo làm bằng một loại gỗ đen của châu Phi. Ông thích thổi những bài dân ca Việt Nam cũng như ông mê đắm những làn điệu dân ca Ireland, mảnh đất của tổ tiên ông. Chúng tôi chơi nhạc, nghe hát Chèo, xem những con Rối nước, đọc và bàn luận về thơ ca.

Thực sự đã lâu tôi ít còn khái niệm ông là một người Mỹ. Bởi nước Mỹ có thể chẳng quan trọng gì đối với cá nhân tôi. Nhưng một tình bạn như của Kevin thì tôi luôn tìm cách gìn giữ. Mấy năm trước, có một lá thư điện tử của ông làm tôi khi nào nhớ tới đều vô cùng xúc động.

Ông viết: “Chiều qua, tôi và con gái tôi trèo lên một ngọn đồi. Từ đấy, tôi như nhìn thấy mặt bên kia của trái đất và lúc đó tôi nghe tiếng chó sủa ở Hà Đông”. Trong thời gian cùng Thượng nghị sỹ John Kerry đến một số bang vận động tranh cử Tổng thống mấy năm về trước, ông thường xuyên viết thư cho tôi. Ông mong John Kerry trúng cử. John Kerry vừa là một người bạn thân lâu năm của ông vừa là Chủ tịch danh dự Trung tâm Willam Joiner.

Một trong những lá thư gửi cho tôi hồi ấy, ông viết: “Nếu J.Kerry trúng cử sẽ rất có lợi cho Việt Nam”. Tôi nói với ông nếu J.Kerry trúng cử Tổng thống tôi sẽ đề nghị ông ấy chọn Kevin làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Bởi Kevin là người yêu cả hai dân tộc (Mỹ và Việt Nam) một cách chân thành và say đắm và hiểu biết sâu sắc cả hai dân tộc này.

Theo tôi, đấy là một mẫu Đại sứ lý tưởng. Một Đại sứ như thế chính là một Sứ giả của văn hóa và tình yêu. Để cứ cuối tuần, Đại sứ Kevin không cần cắm cờ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trên xe chạy vào Hà Đông để xem tranh, nghe Chèo, đọc thơ và hòa tấu vụng về một bài dân ca Việt Nam nào đó. John Kerry không trúng cử.

Nhưng Kevin Bowen vẫn là một Đại sứ của văn hóa và tình yêu như ông đã từng làm. Những điều Kevin mong mỏi về một quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc Mỹ và Việt Nam và đã làm cho mong mỏi ấy một cách nhẫn nại và không sợ hãi đã và đang trở thành hiện thực.

Đôi lần, tôi gợi ý làm một bộ phim tư liệu về ông khi ông đến Việt Nam. Nhưng lần nào ông cũng từ chối tế nhị. Ông là một người lặng lẽ. Có lúc tôi gọi đùa ông là Một người Mỹ trầm lặng.

Mấy năm trước, một chiến dịch kiện ông và Trung tâm của ông của một số người Việt không thiện chí và còn nhiều thù địch đang sống ở Mỹ. Họ kiện ông đã lấy tiền của Chính phủ Mỹ để cho những trí thức Cộng sản. Đó là vì trong một số năm gần đây, Trung tâm William Joiner nhận được tiền từ Quỹ Rockerfeller cho chương trình nghiên cứu văn hóa Việt Nam trong các cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Khá nhiều các giáo sư, tiến sỹ, nhà văn, các nghệ sỹ trong nước như Hoàng Ngọc Hiến, Huệ Chi, Đỗ Minh Tuấn, Trịnh Cung, Dương Thuấn… đã nhận học bổng này.

Những lúc bị kiện cáo và đe dọa cả tính mệnh, ông càng trầm lặng hơn. Có những buổi sáng ông ngồi im lặng hàng tiếng đồng hồ và trước mặt là những đơn kiện cùng những bài báo đầy kích động. Có tờ báo tiếng Việt ở Mỹ còn in ảnh ông và các nhà văn ở Hà Nội rồi chú thích: Kevin đang làm việc với Cộng sản ở Hà Nội. Nhưng rồi ông lại đứng dậy đầy ý chí để tiếp tục làm tất cả những gì vì tình yêu và lẽ phải cho lợi ích đầy tính nhân văn của cả hai dân tộc.

Kevin là người đầu tiên mở đường cho văn học Việt Nam vào Mỹ. Tiểu thuyết hiện đại Việt Nam đầu tiên được dịch và giới thiệu ở Mỹ là Thời Xa Vắng của Lê Lựu. Nhưng trước đó, ông cùng những đồng nghiệp của mình ở Trung tâm đã âm thầm và miệt mài giới thiệu thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Hồ Chí Minh và rất nhiều những nhà thơ Việt Nam khác đến với công chúng Mỹ bằng mọi cách thức mà Kevin có thể làm được.

Năm 1994, trong chuyến sang Mỹ tham dự Hội thảo văn học, tôi đã được chứng kiến lễ ra mắt tập Thơ Rút Từ Những Tài Liệu bị bắt giữ. Đó là những bài thơ chọn từ những tài liệu của bộ đội, du kích Việt Nam mà Quân đội Mỹ thu được.

Trung tâm William Joiner đã phát hiện có rất nhiều thơ được bộ đội và du kích Việt Nam chép trong sổ tay chiến trường. Họ quyết định chọn, dịch và xuất bản. Đó là tập thơ Việt Nam bán chạy nhất trong các tập thơ Việt Nam xuất bản tại Mỹ từ trước đến nay. Những người làm cuốn sách này muốn cho bạn đọc Mỹ thấy được tâm hồn của những người lính Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc của họ. Đây cũng là một cách lý giải sức mạnh của những người lính Cụ Hồ.

Gần đây, một tuyển thơ Việt Nam đồ sộ do Kevin khởi xướng, cùng dịch và xuất bản ở Mỹ. Tập thơ mang tên Sông Núi. Khi tôi tham gia chuyển ngữ tập thơ này, tôi cũng không biết nên đặt tên tập thơ ấy như thế nào. Vì đây là tập tuyển những bài thơ các nhà thơ Việt Nam viết trong chiến tranh chống Mỹ. Cuối cùng Kevin là người đặt tên tập thơ này.

Ông nói với tôi ông đã đọc bài thơ của Lý Thường Kiệt: Sông núi nước Nam…Ông coi đây là bản tuyên ngôn đầu tiên của người Việt công bố với thế giới về quyền độc lập và tự do của dân tộc họ. Với ý thức đó, tên tập thơ đã ra đời. Mỗi khi thấy tên tập thơ, tôi lại mang một cảm giác ngượng ngùng rằng chính tôi, một người Việt Nam, đã không nghĩ được một cái tên như thế. 

3/2007

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.