Chuyện tử tế

Trang Hạ
Trang Hạ
TP - 1. Mới rồi, Trang Hạ lại có dịp tái xuất ồn ào khi bị (hay được?) khui lại câu nói cách đây vài năm: “Đàn ông về nhà chỉ có ăn-tắm-ngủ thì khác gì con lợn”. 

Gạch đá tới tấp ném về phía chị (đương nhiên) nhưng chị thản nhiên phản pháo: Vụ ồn ào này mang lại cho tôi hợp đồng kinh tế lớn. Điều này khiến người ta liên tưởng đến những cô nàng chạy theo trào lưu sexy trong làng giải trí Việt. Sau khi “kiệm vải”, mặc kệ lời khen tiếng chê, họ đều hớn hở mà rằng: Cát-xê của tôi tăng lên nhiều lần. Có lẽ sức nóng của showbiz đã lan sang người cầm bút?

Còn nhớ những phát ngôn “bất hủ” của  Ngọc Trinh khi nói đến vấn đề thiêng liêng: Tình yêu. Cô tưng tửng tuyên bố: “Không tiền cạp đất mà ăn”, “Yêu tôi tốn kém lắm”… Vô hình chung, cô ghi dấu ấn nhờ biến một câu chuyện tử tế (chuyện tình yêu) thành một thứ không tử tế (định giá bằng vật chất). Bàn về đàn ông, cũng là một vấn đề nghiêm túc và tử tế, (ai dám nói một nửa nhân loại này là không nghiêm túc, không tử tế?) nhưng rồi chính nhà văn lại học theo lối nữ hoàng nội y: Biến sự tử tế thành không tử tế (so sánh con người với súc vật), nhằm mục đích thu hút sự chú ý của dư luận và thành quả là sự bội thu  tài chính.

2. Cũng gần đây, giáo sư Vũ Khiêu bỗng dưng trở thành đối tượng bị “ném đá”, khi ông đặt nụ hôn lên má hoa hậu Kỳ Duyên. Dư luận có lẽ đá quá nhạy cảm để quên mất rằng, Kỳ Duyên chỉ đáng tuổi cháu  giáo sư, nụ hôn vào má ấy có đáng để công kích? Thêm nữa Kỳ Duyên, đại diện cho nhan sắc Việt, cho dù giáo sư khả kính trong phút chốc thấy mình trẻ lại, ngưỡng mộ nhan sắc mà đặt nụ hôn vào má, cũng có gì quá? Ai cũng nên yêu, có quyền yêu cái đẹp, chẳng lẽ Vũ Khiêu thì không? Dư luận ở đây vô tình đã biến một hành động đẹp thành ra khó coi, không tử tế đẩy người hôn và được hôn vào chỗ bẽ bàng. Có lẽ sau sự việc này, giáo sư chỉ còn biết ngậm ngùi đọc thơ Nguyễn Du: “Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”.

3.  Người ta bỗng phát hiện ra truyện cổ “Thạch Sanh” dành cho trẻ em có nhiều sạn: ngôn ngữ kể chuyện không những thiếu tính văn học lại còn sặc mùi bạo lực v.v... Thế là báo viết, báo hình ào ào nhảy vô. Tuổi Trẻ online giật tít: Yêu cầu thẩm định truyện Thạch Sanh “cởi truồng”. Giảng viên Đại học Quốc gia Phạm Xuân Thạch chia sẻ cảm nghĩ của mình về cái tít bài báo: “Nhà báo không tìm được cái tít nào tử tế hơn sao? Mọi chuyện tử tế sẽ không còn tử tế nếu tiếp cận một cách không tử tế”.

Hình như sự tử tế và không tử tế trong cuộc sống hôm nay cũng biến hóa mong manh, khôn lường kiểu như phạm trù gợi cảm và phản cảm trong làng giải trí Việt?

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.