Có những thứ bị hủy hoại vĩnh viễn

Có những thứ bị hủy hoại vĩnh viễn
TP - Đem tiệc vào các hang động không chỉ gây ra các tác động về môi trường, nhiều chuyên gia bảo tồn di sản, môi trường và địa chất nhắc đến tác hại to lớn tới vẻ đẹp tự nhiên của di sản, đặc biệt cảnh báo có những thứ bị hủy hoại vĩnh viễn không thể hồi phục.

"Tổ chức tiệc trong hang động với ánh sáng, tiếng ồn tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của hang động. Tổ chức tiệc kiểu gì con người cũng động chạm không ít thì nhiều, từ nền hang, thạch nhũ dẫn đến phá hủy nhiều thành tạo tinh tế trong hang động, làm mất đi vẻ tươi mới, nguyên bản của di sản”, PGS.TS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam nói. Trước đó ý tưởng đưa hòa nhạc vào hang Đầu Gỗ (Hạ Long) 2 triệu năm tuổi cũng bị phản ứng kịch liệt.

Ông Phương nhắc lại sự biến đổi đáng tiếc của hang Hồ Động Tiên, cũng trong quần thể vịnh Hạ Long. “Cách đây 6, 7 năm tôi đến hang này và từng có bài viết ca ngợi về vẻ đẹp tinh tế, mới mẻ nguyên sơ. Khi ấy Ban quản lý vịnh Hạ Long có ý định giữ lại hang làm đối chứng  với những nơi đang khai thác du lịch xem sự khác biệt, cần thiết để điều chỉnh mức độ khai thác. Mỗi  di tích luôn có mức độ chịu tải nhất định đối với du khách. Thực tế hang Hồ Động Tiên tan hoang như cái bếp sau khi nấu ăn xong người ta bỏ đấy, những chén ngọc, thạch nhũ đẹp chẳng còn gì đáng xem. Tất cả những ai từng vào và bây giờ mới tới đều thất vọng về một trong số hang động đẹp nhất của Hạ Long”, ông Phương nói.

TS. Vũ Văn Chinh, Trưởng phòng Kiến tạo, Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói, việc tổ chức các bữa tiệc trong hang động ở Quảng Ninh có thể dẫn đến tác động vào thạch nhũ như xây dựng bệ, bục, san mặt bằng. Như thế kết cấu hang động mất nguyên trạng, mất sự tự nhiên, nguyên sơ. TS Lê Huy Minh, nguyên phó viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho rằng, các bữa tiệc có thể không làm ảnh hưởng đến kết cấu địa chất của hang động ở Hạ Long nhưng chắc chắn sẽ làm các hang động này xấu đi, khó khôi phục nguyên trạng.  Đó là điều đáng tiếc với một di sản thiên nhiên thế giới. TS. Tạ Hòa Phương cũng nhấn mạnh hành động đó là sự “ xâm hại nghiêm trọng, về lâu dài có nhiều thứ sau khi bị phá huỷ không bao giờ tự hồi phục nữa, mãi mãi không bao giờ có lại vẻ đẹp như xưa”. 

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng: “Quan điểm chung không cấm hoạt động kinh tế tại di sản thiên nhiên thế giới nhưng các hoạt động ấy không được ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường di sản. Vịnh Hạ Long hai lần được bình chọn là di sản thiên nhiên thế giới với các tiêu chí bảo tồn cụ thể. Một trong những tiêu chí ấy là hoạt động của con người không được tác động, làm phá vỡ cảnh quan, môi trường, đảm bảo nguyên trạng, nguyên sơ”.

Ông Huỳnh nêu ra một loạt lí do không nên cho phép các công ty du lịch tổ chức tiệc tùng ở Hạ Long: Môi trường trong hang động không đơn giản là nhũ thạch mà còn cỏ cây, nước, hệ sinh thái, thềm đá. Các bữa tiệc ấy sẽ gây ra tiếng ồn ảnh hưởng sinh thái, thải rác ra môi trường mất mỹ quan. Việc kê bàn ghế, đi lại nhiều có thể ảnh hưởng nhất định đến thềm đá, nhũ thạch trong hang động. Ngay việc tham quan hang động cũng cần phải điều tiết, tổ chức tốt để đảm bảo tính nguyên vẹn, nguyên sơ. 

“Không nên khuyến khích hình thức đem tiệc vào hang động. Khai thác du lịch như hiện tại đúng là mang lại nhiều tiền cho những người đứng ra tổ chức, nhưng thế hệ sau chẳng còn gì. Chẳng khác nào hình thức trục lợi, không phải lối khai thác bền vững: Phát triển du lịch bền vững nghĩa là vẫn khai thác nhưng phải gìn giữ cho hế hệ sau được tận hưởng giá trị tốt đẹp hiện tại. Hành động vừa qua cũng đi ngược lại xu hướng chung của thế giới, tôi dám chắc thế giới họ không làm vậy. Hơn nữa, vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới, tuân thủ những quy định đối với vùng nằm trong di sản”, ông Phương nói.

Chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội:

Bộ VH,TT&DL phải vào cuộc!

Chiều 8/9, trao đổi với Tiền Phong xoay quanh việc biến vịnh Hạ Long thành phòng tiệc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình nêu quan điểm, cần phải tôn trọng vịnh Hạ Long như một di sản văn hóa, từ đó phải có một thái độ hành xử đúng mực. “Chúng ta đã có hẳn một Luật Di sản văn hóa nên phải tuân thủ đúng luật. Tôi nghĩ lãnh đạo ở Quảng Ninh phải tuân thủ theo Luật Di sản văn hóa. Điều đó là hết sức quan trọng và cần phải đối xử với di sản một cách hết sức đàng hoàng, vì cái đó không phải chỉ của đời mình mà nó còn của cả tương lai. Chúng ta phải giữ gìn cho lâu dài, vì đó là tài sản vô giá của đất nước”, ông Bình nêu quan điểm, và cho rằng, trước tiên Bộ VH, TT&DL, nơi quản lý trực tiếp phải vào cuộc.  

Luân Dũng

MỚI - NÓNG