Nghệ sĩ thời “xã hội hóa” - Bài 2:

Cọc đi tìm trâu

Vở kịch “Hamlet” được thực hiện nhờ kinh phí xã hội hóa của Nhà hát Kịch Việt Nam đã gây tiếng vang trong công chúng và giới nghệ thuật.
Vở kịch “Hamlet” được thực hiện nhờ kinh phí xã hội hóa của Nhà hát Kịch Việt Nam đã gây tiếng vang trong công chúng và giới nghệ thuật.
TP - Cơn lốc xã hội hóa không chỉ khiến các nghệ sĩ phải tay năm tay mười, chân ngoài chân trong lăn lộn kiếm sống mà ngay cả lãnh đạo nhà hát cũng phải vò đầu bứt tai vừa nịnh nhân viên vừa săn tài trợ, tìm khán giả.

Nếu như ngày xưa, doanh nghiệp tự tìm đến nhà hát để xin quảng cáo, tài trợ thì ngày nay, nhà hát phải tỏa đi khắp nơi tìm nguồn thu. Từ lãnh đạo đến diễn viên đều được khuyến khích đi tìm nguồn tài trợ (hầu hết đến từ những mối quan hệ cá nhân).

Khóc cười tìm tài trợ

Năm 2015, Nhà hát Cải lương Việt Nam ra mắt “Mai Hắc Đế” và “Vua Phật” - hai vở diễn được dàn dựng từ nguồn tài trợ của ngân hàng BIDV, Cty Hưng Thịnh. Tác phẩm chỉn chu, gây được tiếng vang về giá trị nội dung, nghệ thuật. Nhà hát Kịch Việt Nam cũng thành công trong việc kêu gọi Tập đoàn Hoa Sen thực hiện 10 suất miễn phí vở hài kịch “Bệnh sĩ” tại 7 tỉnh, thành phía Bắc, và gần đây lôi kéo được Tập đoàn Tân Hiệp Phát đưa vở kịch “Hamlet” sang Singapore biểu diễn, tạo được hiệu ứng tốt trong công chúng cũng như cải thiện đời sống nghệ sĩ.

Từ năm 2013, mỗi năm doanh thu của Nhà hát Tuổi Trẻ đạt khoảng 10-12 tỷ đồng, trong đó, riêng tài trợ chiếm hơn 50%. Phần lớn tập trung trong dự án “Chắp cánh niềm tin” do Tập đoàn SHB đầu tư với số tiền 2-4 tỷ đồng/năm cho 100 đêm diễn miễn phí hằng năm phục vụ 50.000-70.000 giáo viên, học sinh, sinh viên… trên cả nước. Gói tài trợ này đến từ mối quan hệ lâu năm của NSƯT Chí Trung, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, với lãnh đạo SHB từ dạo anh làm Chủ tịch Hội Cổ động viên bóng đá T&T.

Tuy nhiên, việc mời được nhà tài trợ vẫn chỉ như đi câu, bởi rất ít doanh nghiệp mặn mà với sân khấu truyền thống. “Một doanh nghiệp tài trợ cho một vở diễn nhưng khi vở diễn được truyền thông thì người ta lại tránh nhắc tên doanh nghiệp đó, thậm chí xóa logo của người ta trên ảnh… Như vậy, họ nản là đúng rồi, chả doanh nghiệp nào chấp nhận cứ áo gấm đi đêm như thế cả. Nên việc mời doanh nghiệp rất khó khăn”, NSND Anh Tú, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, nói.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam từng nhận vố đau từ nhà tài trợ. Trong chương trình Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần thứ nhất năm 2009, hãng Trung Thành cam kết đứng ra lo liệu kinh phí tổ chức chương trình với danh hiệu Nhà tài trợ kim cương. Thế nhưng, sau khi chương trình kết thúc, nhà tài trợ viện cớ khâu quảng cáo tên tuổi Trung Thành trên các phương tiện thông tin không đạt yêu cầu nên không đồng ý trả tiền.

Thách thức từ những tấm vé

Khán giả miền Bắc xưa nay quen với việc bao cấp nghệ thuật, chưa có thói quen rút ví để đi xem kịch. Nay, với sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí mới mẻ, các nhà hát lại càng ý thức được rằng, thay vì ngồi chờ, phải chủ động đi tìm khán giả.

Ở Nhà hát Cải lương Việt Nam, hầu như 3 tháng hè là quãng thời gian “nghỉ phép”. Ít show, ế vé nên nhà hát hầu như chỉ tập trung dựng vở chờ cuối năm đi diễn hoặc ra giêng mùa lễ hội mới “bung lụa”. Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng chung nỗi lo lắng khi nghĩ đến viễn cảnh “sống bằng tiền bán vé”. “Chúng tôi phục vụ thiếu nhi là chủ yếu nên không thể bán vé giá cao. Khán giả trong nước hầu như không quan tâm đến múa rối. Chủ yếu vẫn chỉ là khách du lịch nước ngoài. Vì thế, bảo chúng tôi sống bằng tiền bán vé là rất khó”, bà Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Nhà hát, lo lắng. Hiện nay, nhiều đơn vị nghệ thuật đầu tư thêm loại hình múa rối. Múa rối không còn là sân chơi độc quyền của Nhà hát Múa rối Việt Nam và Nhà hát Múa rối Thăng Long như trước.

Mới đây, Bộ VHTT&DL gửi công văn đến 12 nhà hát nghệ thuật thuộc bộ như Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam… với nội dung các nhà hát này sẽ luân phiên đưa tác phẩm xuất sắc của mình ra sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, cho biết: “Từ trước đến giờ, Nhà hát Tuồng vẫn biểu diễn định kỳ hai buổi thứ Hai và thứ Năm tại Rạp Hồng Hà, nhưng chỉ có khách du lịch nước ngoài xem. Khách trong nước thì mời cũng còn ít khán giả. Vì vậy, khi ra Nhà hát Lớn, cũng khó để bán được vé, bù chi phí”.

Cùng nỗi lo, nhưng NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, vẫn tự tin: “Trước đây, với địa điểm là Nhà hát Kim Mã, chúng tôi cũng từng diễn khi chỉ có 5 khán giả nên dù biết việc bán vé ở Nhà hát Lớn giá sẽ còn cao hơn, khán giả có thể còn ít hơn, nhưng anh em chúng tôi vẫn muốn được thử sức. Có lẽ, cái mà các nhà hát nghệ thuật truyền thống cần làm bây giờ là xây dựng thương hiệu, tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật cho khán giả đã, chứ chưa thể nặng về doanh thu”.

Nhà hát Kịch Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình miễn phí cho sinh viên, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Phương châm của nhà hát là mỗi vở diễn phải được diễn nhiều lần, đến được với nhiều người xem thì mới có đời sống riêng.

Trải qua 30 năm hoạt động, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam đã có trong tay danh sách, số điện thoại, địa chỉ liên lạc của hàng nghìn khán giả. Mỗi lần có chương trình, đội ngũ truyền thông lại gọi điện thông báo, cung cấp thông tin và gửi vé đến tận nhà từng người. Theo lãnh đạo nhà hát, doanh thu năm 2015 là 57 tỷ đồng, trong đó, phần lớn là tiền bán vé.

Buông tay để giữ... chân

Khi đã “tự bơi”, một trong những điều luôn được các nhà hát quan tâm hàng đầu là thu hút người tài. Nếu như ngày xưa, nghệ sĩ có muốn đi “đánh lẻ” ở ngoài cũng phải rón rén lắm thì ngày nay, chính lãnh đạo nhà hát lại cởi mở, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho diễn viên tăng thêm thu nhập, bù đắp cho đồng lương còm cõi. Đổi lại, bất cứ lúc nào nhà hát cần, lúc tập luyện hay lúc có vở mới, các nghệ sĩ lại bỏ hết “sô chậu” để về với sân khấu.

Nhiều nghệ sĩ tuổi đời chưa cao nhưng tuổi diễn đã quá, trong khi sân khấu luôn đòi hỏi phải có những gương mặt mới. Vì thế, tại các đơn vị luôn tồn tại đội ngũ dôi dư. NSƯT Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, trăn trở, xiếc là loại hình nghệ thuật có tuổi nghề ngắn, nếu giữ các nghệ sĩ quá tuổi nghề thì đơn vị không thể trả lương, còn nếu chuyển họ qua làm việc khác thì chưa chắc đáp ứng được công việc. Làm thế nào để vừa tự chủ tài chính, vừa cân bằng được quyền lợi của người lao động nghệ thuật là cả vấn đề nan giải.

“Năm vừa rồi, bên mình cũng có mấy anh em xin nghỉ ra ngoài làm. Tiếc lắm, nhưng không giữ được vì ai cũng có gánh nặng phải lo cho gia đình”, ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, tâm sự. Ông cho biết, nhà hát đang áp dụng mô hình cổ phần hóa từng tác phẩm nghệ thuật. Nhà hát kêu gọi nghệ sĩ cùng đầu tư làm ra sản phẩm; sau khi công diễn, tiền vé thu về sẽ cùng chia. Nhà hát góp “nhà hát”, diễn viên, còn các nghệ sĩ khác góp kịch bản, đạo diễn… Tác phẩm “Nước mắt đàn ông” là kết quả thành công của bước thử nghiệm này. “Hướng đi này giúp nghệ sĩ cảm thấy mình được làm chủ tác phẩm. Nếu bán vé tốt, thu nhập của diễn viên cũng tăng lên. Doanh thu dưới 35 triệu thì cát-xê là 200 nghìn, từ 35-40 triệu thì cát-xê được nhân đôi, trên 50 triệu thì diễn viên sẽ nhận được mỗi đêm 600 nghìn. Hầu như anh em đều rất phấn khởi”, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ chia sẻ.

Ở Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, trong 3 tháng hè thường rất ít show diễn. Ban lãnh đạo quyết định không lấy tiền thưởng của 3 tháng này để bù vào thu nhập cho diễn viên, ca sĩ. “Quá trình tự chủ khó nhất là cởi bỏ được ý thức bao cấp, để anh em xác định không dựa dẫm vào đâu mà phải tự bản thân mình. Vì thế, ngay từ lãnh đạo đã phải làm gương. Nhiều hôm mưa gió, chúng tôi vẫn ra sân khấu nhặt từng cái đinh, cọng rác, việc gì cũng làm cùng mọi người”, NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam (1 trong 2 nhà hát tự chủ 100%), cho biết.

“Năm 2008, nhà hát chúng tôi vẫn còn bao cấp, được cho 11-12 tỷ để hoạt động, nhưng chi tiêu tiết kiệm nên vẫn thừa 1-2 tỷ gửi lại Nhà nước. Đến khi cắt giảm hẳn, tôi càng hô hào anh em phải tiết kiệm. Nhiều lần đi diễn tỉnh, tôi vẫn tự lái xe đưa hàng chục diễn viên đi. Trưởng, phó phòng ở nhà hát đều được chu cấp cho đi học lái xe để tự lái xe đưa đoàn đi, mỗi lần như vậy cũng tiết kiệm được mười mấy triệu đồng. Nhiều người cứ kêu khổ, kêu khó nhưng tôi nghĩ chúng ta hãy cứ là người làm thuê vĩ đại đã, rồi thành quả sẽ đến dần”, lãnh đạo đơn vị nghệ thuật tiên phong trong phong trào xã hội hóa nhà hát chia sẻ quan điểm.

Cọc đi tìm trâu ảnh 1

Bị rẻ rúng, tổn thương

“Mạnh thường quân mấy ai quan tâm đến nghệ thuật truyền thống đâu, vì hiệu ứng quảng cáo không thể bằng các sô ca nhạc thị trường. Tôi biết nhiều anh em ở các nhà hát phải muối mặt tìm đến các doanh nghiệp, gãi đầu gãi tai, xoa rát cả tay để mời mua vé. Doanh nghiệp bắt tay, vỗ vai bảo “thôi, anh cầm vé về, chúng tôi có ít kinh phí gửi biếu nhà hát…”. Cách làm này đã quá cũ và không hiệu quả, chỉ khiến nghệ thuật truyền thống bị tổn thương, rẻ rúng”.

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam

Cọc đi tìm trâu ảnh 2

Cần tiền thật, nhưng…

“Mặc dù cần tiền thật nhưng chúng tôi không chấp nhận đơn vị tài trợ treo logo trên sân khấu, vì khi bước vào xem kịch, phải để khán giả chỉ xem kịch. Chúng tôi chỉ chấp nhận in logo đơn vị tài trợ trên vé, trên tờ rơi, pano, áp phích… Ai cùng quan điểm thì hợp tác. Và không phải sản phẩm nào cũng có thể nhận tài trợ được, có những sản phẩm nhạy cảm như rượu, bia, thậm chí băng vệ sinh phụ nữ chấp nhận chịu chi để tài trợ, nhưng chúng tôi không nhận”.

                 Ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.