Con ngựa trên bãi biển

Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng
TP - Ông ngồi trên chiếc ghế xếp cũ, đặt trước hiên nhà. Hai bên mép của tấm lót, những sợi ni lon xanh đỏ thòi ra, đứt gãy. Chỗ đặt chân bằng tấm nhựa, có lẽ vốn màu xanh, đã bợt đi, hiện rõ những vết xước ngang dọc. Bên cạnh ghế, họ đặt một chiếc ô màu đen, luôn được mở rộng, không hiểu để làm gì.

Đầu buổi, ông đặt ghế phía bên phải căn nhà. Mỗi lần có nắng chiếu tới, ông lại khẽ nhấc mình lên, dịch chiếc ghế về phía trái, không quên với tay kéo theo chiếc ô. Theo thói quen. Cứ như thế, cho đến chiều muộn thì ông đã dạt hẳn sang phía bên trái căn phòng, nơi có một gốc thông già và một con sóc màu đen leo lên leo xuống thoăn thoắt, cái đuôi nhỏ phơ phất linh hoạt như một ngọn lau trước gió.

Ngay trước thềm nhà là một vạt cỏ xác xơ với cỏ bò liếm, cỏ gừng, cỏ lông heo, dền gai, hoa mõm chó, hoa muống biển…Giáp với bãi cỏ là bãi cát lớn trắng tinh, mịn màng. Và ngoài kia là biển xanh ngắt, ì ầm sóng vỗ, thi thoảng nghe thấy tiếng sóng dập mạnh vào bờ cát và nhìn thấy một đợt sóng lớn tung mình trắng xóa.

Trong một chiều muộn, khi ông đã ở bên góc trái căn phòng, ông nhìn thấy một con ngựa trên bãi biển. Nó từ đâu tới, tới vào lúc nào, ông không biết. Có lẽ khi nó tới, ông đang mải nhìn con sóc đen leo lên leo xuống dọc theo thân cây thông già hay con rắn mối thè chiếc lưỡi đỏ, chạy ào qua đám lá khô, gây nên những tiếng lào xào lạ tai. Chỉ thấy nó đứng đó, đầu cúi xuống mặt cát, vẻ chăm chú. Khoảng cách không xa nhưng ông không thể nhìn thật rõ hình dáng và màu lông của nó. Có lẽ là một con ngựa tía, con ngựa có màu nâu đỏ, ông đoán chừng, không dám đoán chắc. 

Mấy buổi chiều sau, khi đã dịch chiếc ghế sang góc trái căn phòng, ông lại nhìn thấy con ngựa, đầu cúi xuống mặt cát, như đang tìm kiếm vật gì. Mặc dù đã chủ tâm chờ đợi, mắt chăm chăm nhìn ra hướng biển, đúng nơi con ngựa thường đứng, ông vẫn bỏ lỡ giây phút nhìn thấy nó xuất hiện, làm như nó bỗng dưng đội cát mà lên hoặc rẽ sóng mà hiện.

Khi không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi nó đến, ông chuyển sang việc đón đợi lúc nó ra đi. Đặt hai tay lên thành ghế, ngồi thẳng người, ông dán mắt vào cái màn sáng đang ngày một sẫm lại để vào đêm. Con ngựa đứng đó, bình thản, chăm chú nhìn xuống mặt cát. Giữa cảnh trời nước vắng lặng, trông nó đơn độc như thể nó là sinh vật cuối cùng trên cõi này. Ông thì thầm, dù sao thì mày cũng không thể cứ đến là đến, đi là đi mãi được. Thế nào cũng có lúc tao “chộp” được chú mày. Thế nhưng, vừa dứt lời, ông đã chẳng nhìn thấy con ngựa đâu nữa. Bóng tối đổ ụp xuống. Biển chỉ còn là một khối đen sẫm.

***

Cách nay ít lâu, khi ngồi chờ trong một phòng chữa răng, ông lật xem mấy tờ báo người ta đặt trên mặt bàn. Tất cả các tờ báo đều có hình ảnh một quý bà, quý cô nào đó, ăn mặc sang trọng, vòng nhẫn sáng lòa, môi son má phấn rạng rỡ…ở trang bìa. Ông với tay lấy tờ báo khổ nhỏ nằm trong góc xa. Hình như đó là một tờ báo địa phương, không hiểu sao lại lọt tới đây. Có lẽ của một vị khách nào đó bỏ lại sau khi đã xong việc. Ngay trên trang nhất, có một dòng chữ lớn, đậm nét: Biển T B đã sống lại. Hóa ra là bài viết giới thiệu một nơi nghỉ dưỡng ở vùng biển cách thành phố vài trăm cây số. Vùng biển này đẹp, sóng lặng, cát trắng, lâu nay bị quên lãng, giờ đã được một công ty du lịch đầu tư, khai thác. Những ai muốn có một nơi yên tĩnh, xin mời đến. Đại khái là một bài viết quảng cáo, lời lẽ có phần hoa mỹ. Ông đọc rồi quên, như mọi bài báo khác. Thế rồi, đúng cái buổi sáng nhà xuất bản chuyển cho ông mười cuốn sách bản quyền và ba mươi cuốn ông đặt mua thêm, cùng với thông báo sẽ tổ chức một buổi ra mắt sách mi ni, ông chợt nhớ tới nó. Nhận gói sách trên tay người bưu tá, ông đem đặt trên nóc tủ. Bức thư thì bỏ vào ngăn kéo bàn làm việc, đóng sập lại. Rã rời như thể vừa phải làm việc chi nặng nhọc lắm, ông ngồi phịch xuống ghế, ngửa đầu tựa vào lưng ghế, nhắm mắt lại. Ông không nhớ cảm giác buồn bực khi nhìn thấy những cuốn sách vừa xuất bản của mình có từ khi nào, có thể là đã hàng chục năm nay, khi ông bước vào tuổi già. Cảm giác bất lực ngày một tăng lên theo thời gian. Goethe, vào năm 75 tuổi đã nói, một ông già luôn luôn là một vua Lear. Cái ông Goethe vĩ đại, tráng kiện, yêu không biết mệt ấy mà còn thốt lên như vậy đấy…ông thở dài. Ông cần một thay đổi. Ông muốn rời thành phố. Mày mò mãi rồi cũng tìm ra địa chỉ giao dịch của công ty du lịch nọ. Trên chuyến xe rời thành phố chỉ có mươi người, toàn người cao tuổi. Ông tò mò nhìn những người đồng hành. Ngay ghế trước mặt ông là một cặp vợ chồng (ông đoán thế), cặp vợ chồng duy nhất trên xe. Hai người tóc đã bạc. Họ mang theo một chiếc túi du lịch nhỏ đã cũ. Thỉnh thoảng, người chồng ghé sang nói một câu gì đó, người vợ gật gật đầu hoặc thì thầm đáp lại. Không hiểu sao, dù họ có đôi, ông vẫn thấy ở họ có cái gì đó lạc lõng, buồn bã. Những người còn lại, hai người đàn ông, năm người phụ nữ, mỗi người ngồi một dãy ghế, im ắng, đăm chiêu. Chuyến xe luyễnh loãng, xộc xệch, lắc lư trên con đường vắng, hai bên là rừng cây nối theo nhau. Ông ngồi ở dãy ghế sau cùng, chợt hoang mang vì chuyến hành trình lạ lùng, bất giác bíu chặt tay vào thành ghế.

Khu nghỉ dưỡng khá đẹp. Người chủ có vẻ là một người có tầm nhìn và có gu thẩm mỹ. Hàng chục ngôi nhà gỗ, mái lợp ngói đỏ nằm sát bên biển. Mỗi căn nhà có 2 phòng, cửa chính hướng ra biển. Toàn bộ đồ nội thất làm bằng gỗ, được sơn màu nâu sẫm, khay đĩa, ấm chén lấy từ một lò gốm nổi tiếng, tường quét vôi màu vàng nhạt, trang nhã. Có điều, mọi thứ đều đã cũ, đã phai màu.Vì vắng khách nên mọi người được tự do chọn phòng. Cô bé tiếp tân vui ra mặt khi có khách, cười đon đả, trao chìa khóa phòng, con thấy bác quen quen. Ông cười cười, bác là tài tử xi-nê mà. Chắc cháu thấy trên phim. Cô bé đưa lòng bàn tay đập khẽ lên vầng trán trắng trẻo, giọng phấn khích, cháu nhớ ra rồi, bác đóng phim X, phim M, phim K nữa này. Cháu thích nhất bác đóng vai ông chồng trong phim K. Ông chồng theo ai đó, bỏ nhà mà đi. Sau nhiều năm ông trở về, vợ con đã mỗi người mỗi ngả. Ông ấy ngồi xuống thềm nhà, nhặt một chiếc lá rồi nhìn chăm chăm vào nó như đang niệm chú vậy. Cả mẹ cháu và cháu đều khóc khi nhìn thấy vẻ mặt tuyệt vọng của bác. Biết không thể dừng cơn cao hứng của cô bé, ông cắt ngang, có thì giờ thì cháu nên đọc sách nhé. Cô bé đáp, mắt sáng rỡ, nhà cháu có nguyên bộ tiểu thuyết của Quỳnh Dao. Ông khẽ lắc đầu, đừng đọc Quỳnh Dao nhiều quá.

Theo thói quen, ông chọn căn nhà cuối cùng trong dãy nhà, như ông vẫn chọn chiếc ghế sau cùng trên chuyến xe, chỗ ngồi trong cùng của một phòng họp. Căn phòng bên cạnh không có người, cửa đóng, chiếc khóa nhỏ màu xanh lỏng lẻo. Đặt va-li vào ngăn tủ, ông trở ra nhìn biển. Biển xanh biếc, lặng im như một mặt hồ. Cát trắng lóa dưới nắng. Gió nhè nhẹ vi vút qua rặng thông. Ông hít một hơi thật sâu rồi thở ra nhè nhẹ, nghe vị mặn của biển thấm qua da thịt. 

Đúng lúc ấy ông nhìn thấy một vệt đen lướt qua vạt cỏ. Hóa ra là một con sóc nhỏ. Nó leo thoăn thoắt lên cây thông, leo tiếp ra đầu một cành cây chĩa về hướng biển rồi ngoảnh lại nhìn ông, mắt tròn xoe ngạc nhiên. Ông cũng ngạc nhiên không kém. Ông đã thấy nhiều sóc, thậm chí hồi còn nhỏ, cha ông đã đem về cho con trai một con sóc trong chiếc lồng chim rất đẹp nhưng đó là những chú sóc màu nâu sáng. Ông vẫn đinh ninh sóc chỉ có một màu duy nhất ấy. Chưa khi nào ông nhìn thấy một con sóc đen ánh thế kia. Nó thủ thế, leo sang một cành khác xa ông hơn rồi không hiểu vì sao, bất ngờ quay xuống, lướt qua vạt cỏ rồi biến mất. Mọi việc nhanh và bất ngờ khiến ông không kịp có phản ứng. Ông ngồi xuống hiên nhà, thở ra, một đón tiếp không đến nỗi nào.

Vì chân đau, ông chỉ đi dạo trên bãi cát vào lúc sáng sớm. Phần còn lại của ngày, ông ra chỗ mấy chiếc lều lợp lá dừa xinh xắn của nhà nghỉ, để nhìn trời, nhìn nước, nhìn mây. Buổi chiều thì ngồi trên chiếc ghế xếp trước hiên nhà. Bãi biển vắng lặng. Không thấy ai qua lại, không thấy ai đi tắm, không thấy ai ngồi trong lều bên cạnh. Mấy ông bà đi cùng chuyến xe của ông cũng mất dạng. Rốt cuộc, hình như cái vùng biển xinh đẹp này chỉ dành cho ông, con sóc Đen và con ngựa Tía. 

***

Con sóc Đen đã quen với người khách lạ. Nó nhẩn nha đi qua trước mặt ông rồi leo lên leo xuống dọc thân cây thông, đôi khi dừng lại nhìn ông, phe phẩy cái đuôi dài xinh xắn. Ông không nhớ con sóc nâu của ông ăn những thứ gì vì chỉ sau vài ngày nó đã chui ra khỏi lồng rồi biệt tích. Cha ông đi làm ở một vùng quê nào đó đã mang nó về cho con trai. Món quà khiến cậu bé mừng rỡ, quăng hết những thứ đồ chơi khác để sà xuống bên con sóc đang ngơ ngác nhìn mọi người sau những nan tre nhỏ được vót gọt cẩn thận. Cậu bé đem lồng sóc đặt nơi góc nhà, gần ngay đầu giường ngủ. Đêm đầu tiên cậu không ngủ được, chốc chốc lại trở dậy nhìn con sóc. Nó thu mình vào một góc, rồi bất thần chạy qua chạy lại cuống cuồng từ góc này đến góc kia của chiếc lồng. Cậu bé bước khẽ đến bên nó, hé cửa lồng, đặt tay lên sống lưng nó, vuốt vuốt nhè nhẹ lên lớp lông vàng mịn. Nó đứng im, có vẻ ưng thuận. Nhưng cậu bé vừa quay đi, nó lại bắt đầu chạy quanh quẩn trong lồng, mắt dáo dác hoảng sợ. Cậu bảo cha, thả nó ra đi ba, tội nó quá. Người cha bảo, rồi nó sẽ quen thôi. Mình sẽ thuần dưỡng nó.

Nhưng con sóc không chờ đợi được thuần dưỡng, chỉ đến đêm thứ 3 nó đã tìm cách cắn gãy những nan tre rồi biến mất. Cả nhà nháo nhác, chạy lên chạy xuống, lục tung các xó xỉnh nó có thể ẩn nấp nhưng vô hiệu. Cậu bé ngồi bên chiếc lồng trống không, thút thít khóc. Người cha đến đỡ chú dậy, thôi nào, ba sẽ tìm cho con một chú sóc khác đẹp hơn, dạn người hơn. Cậu bé òa lên nức nở, con không cần, con không muốn một con khác, con chỉ lo nó chạy ra đường, bị xe cộ chẹt lên thôi. Ý nghĩ kinh khủng đó khiến cậu phát sốt, phải nghỉ học. Chỉ đến khi người cha đưa cậu đến bên cửa sổ, chỉ cho cậu một cành phượng sà vào sát bên bậu cửa và nói rằng, con sóc đã khéo léo chuyền mình qua cành cây để trở về với rừng của nó, cậu mới nguôi ngoai… Ông nhìn con sóc đen tự do chạy nhảy, chợt thấy mủi lòng, lần đầu tiên hiểu rằng câu nói của người cha có thể chỉ là một lời an ủi. Ông thử để một miếng xoài và vài quả nho sát gốc thông. Con sóc chạy tới, hơi lưỡng lự một chút rồi ngoạm lấy quả nho, leo tuốt lên cành cao. Một lát sau, chắc đã nhấm nháp xong quả nho, nó trở xuống, nhặt lấy mẩu xoài. Rồi ngày nào nó cũng đến để nhận phần của mình.

Con ngựa Tía thì ngày đến ngày không. Mà cũng có thể nó vẫn đến mà ông bỏ lỡ mất khoảnh khắc đó. Nghĩ vậy, vào lúc xế chiều, khi đã dịch chiếc ghế về phía bên phải của căn phòng, ông cứ chăm chăm nhìn ra phía biển, quyết không rời mắt khỏi khoảng cát trắng mà nó thường bất thần xuất hiện. Nhưng những lần xuất hiện của nó thưa dần, rồi nó biến mất khỏi vùng biển trước mặt, như chưa hề có một con ngựa cúi mình trên mặt cát, lặng im như pho tượng giữa khoảng không trời và biển... Ông không hiểu vì sao sự biến mất của nó lại khiến ông cảm thấy bất an, bối rối và bắt đầu những ý nghĩ lộn xộn, vì sao mình ra đi, tại sao mình chọn nơi này, mình chờ đợi điều gì, liệu đã nên trở về chăng…

***

Ông quyết định rời khu điều dưỡng. Đúng vào buổi chiều ông định làm thủ tục để ra về, ông nghe thấy có tiếng người ở gian bên cạnh. Ngoảnh sang, ông thấy cô nhân viên nhà nghỉ mặc áo đồng phục màu xanh da trời đang trao chìa khóa phòng cho một chàng trai cao ráo, trắng trẻo, vai khoác chiếc ba-lô màu xám sẫm. Ông cảm thấy vui, cậu mới tới? Chàng trai mỉm cười, chào bác, cháu đến làm láng giềng của bác đây. Ông định nói tôi sắp ra về nhưng một ý nghĩ chợt vụt qua đầu, ông vội nói, mừng láng giềng.

Ông nghĩ cậu ta sẽ nhào ra biển như mọi người trẻ nhưng cậu lại ra chiếc ghế ngoài hiên và ngồi xuống, sát bên ông. Cậu không tắm biển ư. Ông hỏi. Cháu không có thời gian. Tôi tưởng cậu đi nghỉ. Không ạ, cháu có việc ở đây. Nghe nói chủ khu này kinh doanh không hiệu quả, muốn nhượng lại nên sếp cử cháu ra thăm thú cảnh quan thôi. Cháu ngồi một lát là phải chạy lo việc rồi. Ông ướm lời, tôi nhờ cậu một chút được không. Chàng trai cười, mấy chút cũng được ạ. Mà việc có quan trọng không hả bác. Quan trọng, ông đáp. Ông chỉ tay về phía biển, cậu nhìn xem có thấy một con ngựa không nhé. Tôi nghĩ mắt tôi kém quá rồi.

Chàng trai đưa tay ngang mày, nheo mắt nhìn ra khoảng trống, có gì đâu bác. Ngựa của bác hả, nó đi lạc sao. Ông thở dài, không. Chỉ là mấy hôm trước thấy, mấy hôm nay không thấy nên lo lo thế thôi. Chàng trai ngáp, trời ơi, sao bác lại lo chuyện tào lao vậy. Thấy mình lỡ lời, hắn vội nói thêm, ngựa không ăn cát, không uống nước biển, nó đến đây làm gì hả bác. Ông ậm ừ, cậu nói phải, cậu nói phải, tự nhiên mắt như nhòe đi. 

Ông lảng chuyện, thế cậu có thấy cô tiếp tân tre trẻ ngoài quầy không. Chàng trai quay hẳn sang ông, cô ấy thì cháu thấy, cô ấy xinh bác nhỉ. Cháu của bác à. Để cháu đi gọi cho. Ông đưa tay ngăn lại, không, cháu chắt gì đâu. Hôm mới tới, tôi chót lời, nhận xằng mình là tài tử điện ảnh. Phải nói lại, không phải tội chết. Chàng trai la lên, ấy, không, không cần đâu ạ. Bác cứ để cô ấy vui vì đã gặp một tài tử. Ở đây buồn như chấu cắn ấy, một chút vui cũng quý mà bác. Ông lại ậm ừ, cậu nói cũng phải. Nhưng mà tôi cứ áy náy vì cái sự đùa cợt không phải lối của mình. Bác ơi, chàng trai ngả người trên ghế, đan hai bàn tay làm gối, đùa thì làm gì có phải với không phải hả bác. Cháu mà có tí tửu thì cháu bán luôn cả trời đất thiên địa, cháu nhận mình là vua luôn. Dứt lời, cậu đứng bật dậy, cháu phải đi đây. 

Chàng trai chạy ào đi. Ông nhỏm người, gọi với theo, này cậu. Nhưng cậu chàng đã khuất dạng sau rặng thông trải dài ven biển. Câu nói hồn nhiên của chàng trai giống như một cái gạch chéo tàn nhẫn lên tri cảm của ông. Ông bối rối nên gọi vậy thôi. Nếu cậu ta quay lại, không chắc ông đã có thể nói thêm điều gì. Ông cảm thấy mệt, xoay mình qua bên phải, quay lưng lại cửa phòng của chàng trai rồi ngủ thiếp đi trên chiếc ghế xếp. Lần đầu tiên trong các buổi chiều, ông không chờ đợi con ngựa. Trong một lúc nào đó ông như nghe thấy tiếng thì thầm nho nhỏ, tiếng cười rúc rích của một cô gái ngay bên cạnh mình nhưng ông không trở dậy. Ừ, mấy người hãy dùng cho hết tuổi trẻ của mình đi, ông nghĩ lơ mơ rồi lại rơi vào giấc ngủ mê mệt lúc chạng vạng. Ông mơ thấy một cơn mưa ào ào đổ xuống, che lấp hết trời biển và giữa cơn mưa tầm tã, chàng trai dắt con ngựa tía bước dọc theo bờ cát, trên lưng ngựa, cô bé tiếp tân đội một chiếc mũ rộng vành màu trắng, nghiêng người nói điều gì đó, mái tóc dài đổ xuống bên vai. Lạ thay, trong cơn mưa tầm tã mà họ vẫn khô ráo, rạng rỡ, xinh đẹp như được phép màu che chắn, chở che. Ông xuống bậc thềm để đi về phía họ nhưng ông bước hụt chân. Ông nghe một luồng giá lạnh chạy suốt dọc sống lưng, rồi choàng tỉnh.

Mà mưa thật. Một cơn mưa trái mùa vừa dứt.

Khi thức dậy, hai chân ông tê buốt vì thấm nước. Ông xoay mình ngồi lên. Lại nghe thấy tiếng thì thầm, tiếng cười rúc rích vọng ra từ phòng bên. Rồi bất chợt một vật gì đó đổ rầm xuống sàn nhà và tiếng cười lanh lảnh của cô gái trẻ. Ông mỉm cười, cúi xuống tìm đôi dép rồi bước về phòng. Mãi lúc này ông mới biết cả khu nghỉ dưỡng mất điện. Gian phòng tối om om. Ông dò dẫm trong bóng tối, tìm chiếc bật lửa và gói thuốc Con mèo. Ai cũng biết hút thuốc là có hại nhưng chẳng mấy người bỏ được nó. Ông cũng dợm bỏ mấy lần rồi lại thôi. Nghe đâu bỏ thuốc đột ngột cũng hại không kém, vả lại, cũng chả nên lo lắng quá mọi sự ở đời.

Ông vừa chạm tay vào chiếc bật lửa thì nghe thấy tiếng kêu thất thanh của một người phụ nữ, cháy, cháy, cháy nhà kho. Rồi tiếng mở cửa đánh rầm một tiếng ở phòng bên cạnh, tiếng chân chạy ngang qua phòng ông. Có ai đó nói, mưa mà cháy cái gì. Ai đó bảo, chập điện. Ai đó vặc lại, mất điện, lấy đâu ra mà chập…Ờ, mà có khi vì chập rồi mới mất …Ờ, mà cái kho có lớn không, có cái gì trong đó… Chịu, có trời biết. Cứ tới đó đã... Cả khu nghỉ dưỡng như vừa choàng tỉnh sau giấc ngủ dài. 

Ông mở cửa nhưng không chạy theo đám đông. Ông e ngại đám đông. Vả chăng, một kẻ già cả, vụng về như ông, chỉ làm vướng chân người khác. Ông ngồi xuống chiếc ghế xếp, nhìn ra biển. Chờ đợi, giật mình khi nghe thấy tiếng chân, tiếng trò chuyện náo nhiệt của đám người đang ào ào trở về. Cô bé tiếp tân ngồi bệt xuống bên chiếc ghế của ông như một đứa con vẫn ngồi bên chân cha mình trước hiên nhà. Cô xòe tay, huơ huơ trong bóng tối, chẳng có gì hết. Ông hơi cúi xuống, không mất đồ đạc à. Cô bé cười, không có chập điện. Không có cháy. Vậy chứ ai báo cháy. Cháu không biết. Chẳng ai biết cả. Nghe kêu cháy, thế là chạy, chạy như điên, cháu mất cả dép. Đến nơi thấy nhà kho đóng cửa im ỉm, chẳng lửa, chẳng khói, người nọ nhìn người kia ngơ ngác rồi…lũ lượt chạy về nhà. Ông bật cười, cứ như bị ám vậy. Cô bé cười theo, giọng lanh lảnh, mà có khi bị sao đó thật đấy bác. Giờ mà tim cháu còn đập như gõ trống đây này. Ông đùa, có khi tim cháu đập vì một lý do khác cũng nên.

Bác nói đúng đấy ạ. Chàng trai từ đâu đó chạy ào về, ngồi xuống bên cô gái, góp chuyện. Cháu còn nán lại để xem người quản lý kiểm kho. Người ta nghĩ có một âm mưu nào đó trong việc báo cháy. Ngoài thủ kho còn 5 người nữa, đủ ban đủ bệ. Mỗi người một cuốn sổ, một cây bút, một cái đèn pin, ghi ghi chép chép, vẻ rất nghiêm trọng. Năm người cùng ngẩng phắt lên như bị điện giật khi người thủ kho giơ tay chỉ vào một thùng các-ton, ú ớ kêu lên, cái này ở đâu ra vậy. Thế là tất cả nhào tới, rồi bất ngờ lùi lại, chạy ra khỏi kho. Một ông to béo ra lệnh, đem ngay ra ngoài. Tay thủ kho run rẩy bưng cái thùng lạ ra sân, thận trọng đặt xuống đất... Ông to béo lại ra lệnh, mở ra. Người thủ kho dùng một con dao nhỏ rọc theo mép thùng, bỏ lớp vải trên cùng đi và nhấc ra một bộ yên cương còn mới. Tất cả ồ lên, cái gì vậy. Mọi việc diễn ra trong ánh đèn pin mà cháu còn nhìn thấy vẻ xanh xám trên mặt họ. Ông quản lý bảo ông ấy kiểm kho ngày một mà hôm nay mới nhìn thấy cái thùng ấy. Cô gái so vai ngồi nép vào chàng trai, xuýt xoa, ghê nhỉ. Ông nhìn mặt biển đen thẳm, tưởng nhìn thấy một ngọn sóng trắng đang tung mình lên, khẽ nói, tôi đã bảo mà, không rõ là nói với chàng trai hay chỉ nói cho mình nghe.

***

Hai hôm sau ông về thành phố.

Khi ra sảnh trước, ông nhìn thấy một người phụ nữ đứng tuổi ngồi trong quầy Tiếp tân, chào bác, bác nghỉ ngơi có tốt không ạ. Ông đáp, cám ơn chị, tốt lắm. Rồi đưa mắt nhìn quanh, cái cô bé xinh xinh ấy đâu rồi. Tôi có câu chuyện muốn nói với nó. Người phụ nữ lắc lắc mái tóc ngắn, đi rồi. Lúc nào thì nó về ạ, ông hỏi. Đi luôn rồi. Chẳng phép chẳng tắc gì hết. Đi đâu từ đêm qua, cháu ra quầy chỉ thấy mảnh giấy nhỏ chặn dưới cái gạt tàn, để lại vài dòng chào mọi người. Con bé này cái gì cũng vội vội vàng vàng, như bị ma đuổi vậy. Ông cười, hung hắng ho, châm thuốc rồi ra ngồi nơi góc phòng đợi xe. 

Chuyến xe về thành phố chỉ có một mình ông nên trống vắng, luyễnh loãng hơn cả lần đi. Ông vẫn ngồi ở cuối xe, hỏi vọng lên, thế mấy ông bà đi cùng chuyến với tôi không trở về ư. Người lái xe quay lại, vẻ như ngạc nhiên, họ đâu có đi nghỉ như bác. Thế họ ra đây làm gì, ông hỏi. Người lái xe hươ hươ bàn tay trái, cháu cũng không thật rõ. Hình như là đi vãn cảnh chùa. Ở đây có nhiều chùa, chùa nào cũng thiêng nên các cụ ở thành phố cứ lũ lượt rủ nhau đi hành hương. Im lặng một lúc, cậu ta thở dài, không biết các cụ còn cầu xin điều gì nữa. Ông không đáp, đưa mắt nhìn những rặng cây ven đường đã lác đác có lá vàng, làm sao biết người khác cầu xin điều gì.

Lái xe có lẽ là người hay chuyện. Thấy ông im lặng, hắn hắng giọng, các nhà văn là cứ trầm ngâm thế hả bác. Ông giật mình, cậu bảo sao. Hắn cười to, rung rung đôi vai vạm vỡ, cháu biết bác là ai mà. Cháu có trí nhớ tốt lắm, đường lắt léo đến mấy, chỉ đi một lần là thuộc nằm lòng. Người nào cháu nhác thấy là nhớ như in trong óc. Bác vừa bước lên xe là cháu nhận ra ngay. Ông hồ nghi, thế cậu gặp tôi ở đâu vậy. Gặp thì chưa có dịp nhưng cháu thấy bác trên TV, nhân ngày hội ngày lễ gí đó, cháu không nhớ rõ. Mấy người khác thao thao bất tuyệt, bác thì ngồi lùi phía sau, chỉ nói vài câu gì đó, cháu cũng quên rồi. Ông cười, chuyện tào lao, cậu nhớ làm gì. Thế cậu có đọc sách không. Hắn hào hứng, ôi trời, cháu mê đọc sách lắm. Hắn chỉ tay vào mấy cuốn sách xếp trong ngăn tủ nhỏ, sát cạnh tay lái. Ông vịn vào hai hàng ghế, lên tận nơi để nhìn. Đó là những cuốn sách trinh thám cũ, có lẽ đã được đọc đi đọc lại nhiều lần, mép sách đã quăn queo, gáy đã sờn của Agatha Christie, Conan Doyle…Ông đùa , sao cậu lại đi lái xe. Cậu phải làm nghề thám tử mới phải. Cậu ta quay lại, ông thoáng thấy vẻ tư lự trong đôi mắt sắc sảo, có mấy ai chọn được nghề mình yêu thích đâu bác. Số phận cả thôi. Cháu đi lính về thì nhiều tuổi rồi, phải có cái nghề để kiếm tiền nuôi vợ nuôi con. Đó là nghĩa vụ, nghĩa vụ trước, mọi cái khác tính sau. Những khi rảnh rỗi, cháu mặc cho đầu óc lang thang. Những lúc như vậy tha hồ mà mơ màng, tha hồ mà vẽ vời, chẳng phiền ai mà cũng chẳng ai đụng đến được. Có hôm cháu ở ngoài biển đến tối khuya.. Ông nghe thấy tim mình nhói lên, thế có bao giờ cậu nhìn thấy một con ngựa trên bãi biển không. Ngay chỗ nhà nghỉ ấy. Hắn im lặng hồi lâu, mắt nhìn thẳng phía trước. Con đường hoang vắng, trải dài như vô tận. Nghĩ hắn có thể cho câu hỏi của mình là vơ vẩn, ông vội nói thêm, tôi hỏi cho vui thôi, không có chi quan trọng. Hắn quay lại, cháu đang cố nhớ nhưng quả thực chưa khi nào thấy ngựa ở đó. Bác nhìn xem, đường sá bây giờ trải nhựa phẳng lì, hẻm nhỏ cũng đổ bê tông, dân toàn đi xe đạp, xe máy, lại không có trường đua, không có rạp xiếc, lấy đâu ra ngựa. Chắc bác nhầm thôi. Ông cười, chắc tôi nhầm. Tôi hay nhầm lắm. Hắn cũng cười, ai mà chẳng nhầm hả bác. Nhưng hôm nay cháu chắc chắn mình đã gặp một nhà văn. Ông có ý mời hắn ghé chơi nhà, hôm nay cậu ở lại chứ. Hắn đáp, giọng dứt khoát, không, cháu chỉ qua chợ mua vài thứ cho vợ rồi về luôn. Ở thành phố buồn lắm.

***

Ông vừa bước từng bước một lên cầu thang vừa lẩm nhẩm, cô gái, chàng trai, đám cháy, cậu lái xe, con sóc đen, con ngựa….Ở thành phố buồn lắm.

SG 11/2014
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.