Con trai nhà thơ Huy Cận sẽ khởi kiện “Vụ đồi Vọng Cảnh”

Con trai nhà thơ Huy Cận sẽ khởi kiện “Vụ đồi Vọng Cảnh”
"Sức nặng của đơn kiện là dư luận, là hàng triệu người biết quý trọng những giá trị văn hoá của dân tộc, những người biết tôn trọng luật pháp.", họa sĩ Cù Huy Hà Vũ khẳng định.
Con trai nhà thơ Huy Cận sẽ khởi kiện “Vụ đồi Vọng Cảnh” ảnh 1
Họa sĩ, TS Luật Cù Huy Hà Vũ bên Nhà thơ Huy Cận Tết Ất Dậu, năm 2005

Đang dự Đại hội Nhà văn ở hội trường Ba Đình, Hà Nội với tư cách khách mời, chiều 24/4/2005, họa sĩ Cù Huy Hà Vũ, bỏ ngay về ngôi nhà thi sĩ Cù Huy Cận và Xuân Diệu từng sinh sống khi thấy tôi quan tâm đến việc anh chuẩn bị khởi kiện quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho phép một doanh nghiệp nước ngoài xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh. Anh cho biết:

Cha tôi, nhà thơ Cù Huy Cận, khi hay tin Vọng Cảnh bị làm thịt, chỉ thốt lên: “Bậy quá”. Tôi đã hoàn tất và gửi đơn kiện nếu không có cuộc họp mới đây Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (TT-H) làm lại toàn bộ dự án.

Tôi đợi xem lãnh đạo tỉnh làm lại thế nào và nếu họ vẫn quyết định chuyển khách sạn Life Resort từ chỗ này ra chỗ kia của Vọng Cảnh, tôi sẽ đệ đơn kiện lên toà án hành chính tỉnh TTH.

Tại sao anh kiện khi cá nhân anh không có quyền lợi trực tiếp đến Vọng Cảnh?

Vọng Cảnh nằm trong quần thể di sản văn hoá thế giới và đó là tài sản của toàn dân. Theo Luật Di sản văn hoá, mọi công dân Việt Nam đều có quyền và trách nhiệm bảo vệ tài sản đó. Còn cụ thể, tôi kiện vụ Vọng Cảnh nhằm mục đích tối thượng là đảm bảo cho luật pháp Việt Nam phải được tôn trọng.

Đơn kiện của anh (nếu gửi) có nêu phát hiện gì mới về cái gọi là sai phạm của bị đơn không?

Trước hết, đơn kiện của tôi sẽ chỉ rõ những sai trái về mặt pháp luật trong quá trình phê duyệt dự án đầu tư ở đồi Vọng Cảnh. Chỉ riêng việc UBND tỉnh TTH tổ chức cuộc họp và bỏ phiếu thăm dò ý kiến ở HĐND tỉnh ngày 5/4/2005 cũng cho thấy họ đi ngược quy trình hành chính nếu không muốn nói là trái pháp luật.

Theo luật, HĐND có quyền ra nghị quyết ủng hộ hoặc dừng/huỷ dự án khi dự án thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh có vấn đề. Trong phạm vi tỉnh THH, HĐND tỉnh phải là cơ quan quyền lực có tiếng nói cuối cùng quyết định số phận của dự án chứ không thể là nơi để UBND tỉnh đến thăm dò ý kiến, không phải là cơ quan tư vấn khi cần thì “tham khảo”.

Việc cho phép triển khai dự án trước hết thuộc về thẩm quyền của HĐND tỉnh. Chính vì thế người ta đã sai khi ghi vào lá phiếu thăm dò phát cho các đại biểu HĐND tỉnh yêu cầu “để UBND tỉnh báo cáo xin phép Thủ tướng Chính phủ triển khai dự án...”.

Không những thế, họ còn sai trong quan hệ với Bộ Văn hoá & Thông tin. Điều 39.1 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP quy định rất rõ rằng Bộ VH & TT thay mặt Thủ tướng Chính phủ “thanh tra kiểm tra việc chấp hành pháp luật về di sản văn hoá, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về di sản văn hoá”. Việc UBND tỉnh TTH liên tục bỏ qua ý kiến của Bộ VH&TT là trái luật.

Việc UBND tỉnh TTH không cho HĐND tỉnh biết công văn của Sở VH&TT tỉnh, Sở Xây dựng và, nhất là của Bộ VH&TT, cũng như không có phương án thay thế mà đã đề nghị HĐND tỉnh cho ý kiến về dự án là thiếu nghiêm túc, coi thường cơ quan quyền lực cao nhất của địa phương.

Chắc anh cũng phải chứng minh Vọng Cảnh thuộc quần thể di sản văn hoá Huế?

Đấy là một trong hai nội dung chính của đơn kiện. Tôi đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu chứng minh đồi Vọng Cảnh là di tích thuộc khu vực I hẳn hoi và thuộc quần thể di sản văn hoá Huế chứ đừng nói đến chuyện nằm ngoài cả khu vực II cần bảo vệ.

Tại sao anh không chọn con đường khác để đạt được mục đích như kiến nghị theo con đường hành chính chẳng hạn?

Tôi chỉ là một công dân, không có quyền ban hành bất cứ văn bản hành chính nào khả dĩ có tác dụng. Tôi cũng không phải là nhà báo để có thể có bài viết phản ánh quan điểm của mình.

Hơn nữa để luật pháp được tôn trọng và để củng cố Nhà nước pháp quyền còn đang ở giai đoạn đầu, cần phải có biện pháp mạnh trong phạm vi được phép khả dĩ có thể khiến các cơ quan bảo vệ pháp luật phải dứt khoát thái độ.

Anh có “làm động tác” gì để tăng thêm sức nặng của đơn kiện không, có tham khảo ý kiến ai trước khi ra quyết định chưa từng có này ở Việt Nam không?

Tôi không làm bất cứ động tác gì ngoài việc chuẩn bị chứng cứ. Cũng không ai khuyên tôi ngoài bản thân tôi. Sức nặng của đơn kiện là dư luận, là hàng triệu người biết quý trọng những giá trị văn hoá của dân tộc, những người biết tôn trọng luật pháp.

Có ai chia sẻ với anh chưa? Anh có định mời ai bảo vệ cho nguyên đơn không?

Nhiều người gọi điện thoại hoặc trực tiếp gặp và động viên tôi. Riêng TS Luật Trần Đình Triển làm ở Hiệp hội Ngân Hàng nói sẽ sát cánh cùng tôi vụ việc này. Còn bản thân tôi là TS Luật, tôi đủ sức tự bảo vệ trước toà. Song đây là vụ kiện không phải cho quyền lợi cá nhân, tôi sẵn sàng nhận bất cứ sự giúp đỡ nào của đồng nghiệp.

Nếu thua thì sao?

Không bao giờ có chuyện đó. Nhất định tôi sẽ thắng.

Có không chuyện anh lao vào “cuộc chơi” theo phương châm “không thành công cũng thành nhân”?

Huy Cận cha đẻ tôi, Xuân Diệu bác tôi và cũng là cha nuôi tôi. Hai vị ấy đổ bóng vào cuộc đời tôi và các con tôi cũng đủ khiến tôi mát lắm rồi, đủ khiến tôi nổi tiếng lắm rồi. Tôi quyết định can dự vào vụ đồi Vọng Cảnh vì bức xúc trước chuyện nhiều người nói rằng pháp luật của ta nói là một chuyện, TTH làm khác đi cũng chả làm gì được họ.

Vả lại, cha tôi góp phần sản sinh ra văn hoá, bảo vệ văn hoá (người đầu tiên đề xuất UNESCO công nhận di tích Huế là di sản văn hoá thế giới và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hoá thế giới). Nay tôi thấy phải có nghĩa vụ tham gia bảo vệ văn hoá âu cũng để các vị ngậm cười dưới suối vàng.

Chúng tôi đã gặp luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ luật sư Cù Huy Hà Vũ:

Thưa Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, chị có tin tưởng chồng chị thắng kiện?

LS Hà: Tôi hoàn toàn tin tưởng nếu tòa xử đúng luật. Chồng tôi biết rất rõ những việc anh ấy sẽ phải đối mặt.

MỚI - NÓNG