Công bố 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo

TPO - Chiều 16/12, Hội nhà báo Việt Nam họp báo công bố 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Theo ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam cho biết, ngày 15/12, Hội nghị lần thứ 5 BCH Hội nhà báo Việt Nam khóa X đã họp và thông qua 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Ngày 16/12, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đã ký quyết định ban hành 10 quy định này, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Trong số 10 quy định này, điều số 5 yêu cầu người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Trao đổi thêm về điều này, ông Hồ Quang Lợi cho rằng, đây là bộ quy định đạo đức nghề nghiệp dựa trên nền tảng rất chung đó là các giá trị đã được xã hội thừa nhận.

"Trong một văn bản dù có chi tiết đến mấy thì cũng không thể nói rõ được tất cả mọi thứ, kể cả văn bản quy phạm pháp luật. Bộ quy tắc này mang tính dẫn dắt, hướng dẫn, nó là lương tâm và trách nhiệm của nhà báo", ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, về tiêu chí chuẩn mực trên mạng xã hội thì "rõ ràng cái gì trong xã hội tất cả đều thừa nhận là đúng hoặc không đúng thì những người làm báo cũng phải nhận thức rõ được điều đó để không những bản thân mình nhận thức mà còn định hướng dư luận xã hội.

"Ví dụ những điều mà đa số trong xã hội thừa nhận mà nhà báo đưa ngược lại là không được. Anh không nói được trên mặt báo mà lên mạng xã hội nói, thậm chí nói bậy bạ là không thể được. Cho nên đòi hỏi nhà báo phải nhất ngôn ở trên mặt báo, trên mạng xã hội, rồi ở cơ quan cũng như ở ngoài xã hội, ở nơi sinh hoạt, phải là một người, là người làm báo. Ở đây đòi hỏi sự nhất quán", ông Lợi nói

10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam:

1, Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

2, Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật bản quyền và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác.

3, Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.

4, Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

5, Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

6, Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật.

7, Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

8, Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại.

9, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

10, Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.