Công trình sai phạm ở chùa Hương: Chỉ chỉnh sửa, không phá bỏ?

Một loạt tháp đá, con giống không đúng truyền thống ở công trình sai phạm sẽ phải loại bỏ đầu tiên, trong khi chờ thiết kế chi tiết chỉnh sửa toàn bộ công trình. Ảnh: Toan Toan
Một loạt tháp đá, con giống không đúng truyền thống ở công trình sai phạm sẽ phải loại bỏ đầu tiên, trong khi chờ thiết kế chi tiết chỉnh sửa toàn bộ công trình. Ảnh: Toan Toan
TP - Các nhà khoa học, cơ quan quản lý thêm một lần đề xuất hướng xử lý hai công trình sai phạm ở chùa Hương - gác chuông chùa Thiên Trù và tòa nhà khách được gọi Hương nghiêm Pháp đường.

Tại sao không trảm?

“Tôi là người đầu tiên nói tòa nhà này phải được xử lý như tòa 8B Lê Trực để thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên khi xem xét tổng thể, nhận thức của chúng tôi có thay đổi”, PGS.TS Trần Lâm Biền, ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia nói. Ông dẫn các lí do không phá bỏ hoàn toàn tòa nhà này: Không đứng trước điện mẫu, không che khuất Phật điện, nằm ở phía bên và trên nền tòa nhà cấp bốn cũ. “Chỉ có điều công trình quá lớn, át đi những công trình kiến trúc khác nên phải tách ra”, PGS Biền nói trong buổi thảo luận sáng 15/1 ở Sở VHTT Hà Nội.

PGS.TS Phạm Mai Hùng gọi các sai phạm ở chùa Hương là “mang tính truyền thống, có hệ thống”. Rằng những công trình mới tu bổ, xây sau này trong khu vực Thiên Trù thiếu tầm nhìn. Tổng thể công trình Hương nghiêm Pháp đường theo ông: thô, không sửa được. “Tuy nhiên có lẽ phải tìm hướng cải tạo để thích nghi, bỏ đi cũng xót ruột. Tiền nào cũng là tiền. Dẫu vậy có những thứ bắt buộc phải hạ giải”, ông Hùng phát biểu.

Khẳng định một lần nữa sai phạm của tòa Hương nghiêm Pháp đường, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội giao Ban quản lý Di tích, Danh thắng Hà Nội xem xét và đề xuất xử lý. Sau các cuộc thanh tra và làm việc, BQL tiếp nhận hồ sơ bản vẽ kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật kết cấu và hợp đồng xây dựng tuy nhiên đều không có dấu của cơ quan chức năng.

Cục phó Cục Di sản Văn hóa Trần Đình Thành, nhận định công trình sai phạm này “may mắn không xây dựng ở trục tâm linh. Trục chính vẫn đảm bảo Tam bảo, nhà khách đằng sau, trước có gác chuông, tam quan”. “Tuy nhiên khi chúng tôi lựa chọn một số điểm nhìn từ sân và hồi Tam bảo, thấy rõ ràng công trình hơi to về diện tích xây dựng, lớn về khối tích. Thường kiến trúc Phật giáo ở Việt Nam chia nhỏ khối tích để xây dựng. Hơn nữa, vật liệu, kết cấu, màu sắc của công trình làm tòa nhà to lớn, cứng và quá bề thế trong không gian chùa Hương mềm mại”, ông Thành nói.

Sửa sai

Công trình mà nhà chùa trước nay gọi là Hương nghiêm Pháp đường, nay các nhà khoa học và Sở VHTT Hà Nội đề xuất đổi tên, vì cho rằng tên gọi không đúng bản chất. Đại diện BQL Di tích, Danh thắng Hà Nội cũng đề xuất loạt giải pháp xử lý: Giảm bớt diện tích lát sân bằng gạch đá bóng, bổ sung một số bồn cây. Loại bỏ toàn bộ các con giống không đúng truyền thống, thiết kế điều chỉnh toàn bộ bờ nóc, lan can. Sơn lại toàn bộ công trình thành màu trung tính, để “giảm độ nặng của công trình, không gây tức mắt du khách”.

Theo PGS.TS Trần Lâm Biền, các chi tiết như đầu trụ lan can thuộc kiến trúc đền, cung điện Trung Quốc. Ông đề xuất thay bằng những con trụ để đặt bộ lá sen úp có đường gân. “Tháp 11 tầng dành cho Phật, đặt như thế này hóa ra đặt Phật ở dưới trần gian à. Các vị ăn chơi nhảy múa ở trên, hóa ra đời cao hơn đạo sao”, PGS Biền nói. Ông cũng nói phải bỏ toàn bộ số tháp đá nhỏ trang trí cao 11 tầng, thay bằng các chậu hoa nhỏ. Để giảm bớt quy mô công trình, các nhà khoa học và cơ quan chức năng đề xuất tạo các hàng cây tỏa bóng, tăng diện tích xanh để ngăn cách khu công trình sai phạm này với các kiến trúc của chùa chính.

Một công trình sai phạm khác là gác chuông chùa Thiên Trù. Theo đánh giá của Cục Di sản Văn hóa, sai phạm của công trình này không quá nghiêm trọng, do các cấu kiện khi hạ giải ở tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Tuy thực hiện đúng quy trình về thủ tục xin tu bổ quá trình thi công lại vướng phải vi phạm như không lập hội đồng đánh giá cấu kiện, tự ý sơn công nghiệp các cột gỗ. PGS.TS Biền là một trong những người đưa gác chuông này về chùa Hương để bảo vệ nêu quan điểm: Tu bổ công trình này may mắn giữ được dáng kiến trúc ba tầng, 16 mái, còn các họa tiết chạm khăc đã bị phá bỏ ở lần trùng tu năm 1984.

“Hội đồng nhất trí đề xuất bảo quản toàn bộ các chân tảng cũ để nghiên cứu, trưng bày một phần tại nhà chùa. Các chân tảng mới phải được làm thêm theo dạng cánh sen truyền thống. Đối với các cấu kiện gỗ bị sơn công nghiệp, đề nghị BQL Di tích, danh thắng Hương Sơn và nhà chùa cạo bỏ toàn bộ, trả lại màu gỗ truyền thống”, đại diện phòng Quản lý Di sản của Sở VHTT Hà Nội nói. Các nhà khoa học kiến nghị, tất cả chi tiết chỉnh sửa đều phải có thiết kế, do các kiến trúc sư hiểu biết về đạo Phật thực hiện, đặc biệt phải có sự phê duyệt của cơ quan chức năng.

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trương Minh Tiến nói sẽ báo cáo UBND thành phố Hà Nội, Bộ VHTTDL về phương án xử lý. Ông Tiến đề xuất chia quy trình sửa chữa làm hai giai đoạn. Từ nay đến trước Tết Nguyên đán, Sở đề nghị UBND huyện Mỹ Đức lập ngay hội đồng đánh giá các cấu kiện hạ giải của gác chuông, trả lại màu sơn truyền thống. Với công trình nhà khách, trước mắt khắc phục bằng cách bỏ toàn bộ tháp đá cao 11 tầng, thay bằng các chậu hoa nhỏ, sơn lại bề mặt tòa nhà. Giai đoạn 2, địa phương phải đề xuất phương án thiết kế chỉnh sửa toàn bộ, chi tiết công trình để báo cáo sở, bộ, được đồng ý mới tiến hành thi công.

MỚI - NÓNG