Cục Nghệ thuật Biểu diễn trả lời về ca khúc xưa: Đã thỏa đáng?

Ông Đào Đăng Hoàn (người đứng) tại họp báo của Bộ VHTTDL. Ảnh: Toan Toan.
Ông Đào Đăng Hoàn (người đứng) tại họp báo của Bộ VHTTDL. Ảnh: Toan Toan.
TP - Vấn đề nóng nhất tại họp báo quý I ở Bộ VHTTDL xoay quanh lệnh tạm dừng lưu hành 5 ca khúc xưa cũng như ồn ào quanh ca khúc Nối vòng tay lớn.

HỎI VÀ ĐÁP HƠI XA NHAU

Gần chục câu hỏi của các báo Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Đời sống& Pháp luật, An ninh Thủ đô, VOV News, Truyền hình Quốc phòng, Thời Nay xoay quanh 5 ca khúc xưa bị cấm lưu hành và mới nhất là bốn ca khúc Trịnh Công Sơn trong đó có Nối vòng tay lớn chưa được cấp phép phổ biến. Việc cấp phép trước 1975 và bài hát ở hải ngoại lâu nay có gì bất cập? Liệu Cục có thể bỏ cơ chế xin-cho trong cấp phép bài hát? Có thể lên một danh mục bài hát bị cấm, bài nào không thì người dân được tự sử dụng? TPHCM từng cấp phép chương trình nhạc Trịnh trong đó có Nối vòng tay lớn, như thế liệu có vi phạm? Trước nay Cục đã bao giờ phát hiện và xử lý bài hát chưa được cấp phép phổ biến Nối vòng tay lớn? Ca khúc này được nhiều địa phương cấp phép trình diễn trong rất nhiều chương trình, vậy sao tới giờ Cục mới đặt vấn đề chưa được cấp phép phổ biến?

Không trả lời cụ thể các câu hỏi, ông Đào Đăng Hoàn, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) đáp: “Chúng tôi có quyết định gửi các Sở VHTT rà soát lại các ca khúc trước 1975. Sở TPHCM gửi danh mục 10 ca khúc tuy nhiên sau khi thẩm định, Cục tạm dừng 5 vì vi phạm bản quyền”.

Ông Hoàn cũng nói việc làm này tuân theo Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả âm nhạc: Thế giới thực hiện 131 năm nay, còn Việt Nam mới thực hiện từ 2004 khi có Luật Sở hữu Trí tuệ. Ông cũng dẫn giải lịch sử đặc thù của Việt Nam trước và sau 1975 cho nên từ năm 1989 Bộ VHTTDL mới bắt đầu cấp phép trở lại các ca khúc trước 1975. “Đến nay có hơn 2.500 ca khúc được cấp phép đăng tải trên trang web, còn nhiều bài không phải không được mà là chưa được cấp phép”, ông Hoàn nói.

Về Nối vòng tay lớn, ông Đào Đăng Hoàn cho rằng chưa có đơn vị nào xin phép cả, còn thực tế nó được hát rất lâu rồi. Như vậy ông Hoàn chưa giải đáp được thắc mắc của Tiền Phong tại sao trước giờ không đề cập chuyện chưa được cấp phép cho tới bây giờ.

Cùng ngày họp báo 12/4, Cục đã cấp phép phổ biến Nối vòng tay lớn theo đề nghị của Trường Đại học Y Dược Huế. Ba ca khúc còn lại (Ca dao mẹ, Huế-Sài Gòn-Hà Nội, Đêm thấy ta là thác đổ) chưa cấp phép vì đơn vị chưa đề nghị.

KHÔNG CÓ CƠ CHẾ XIN-CHO?

Ông Đào Đăng Hoàn phản ứng báo chí: “Ai nói cơ chế xin-cho trong cấp phép, tôi không đồng ý bởi nói như thế nghĩa là Cục rất cửa quyền. Nếu đúng (?) thì chúng tôi cấp phép ngay, bài hát nào có vấn đề thì trong quá trình thẩm định chúng tôi đều phản hồi ngay”, ông Hoàn nói. Về đề xuất liệu Cục có nên lập danh sách ca khúc cấm và ca khúc còn lại được tự do lưu hành, ông Hoàn cho rằng không thể. Bởi “làm sao chúng tôi thu thập được tất cả bài hát cũ của miền Nam. Nghĩa là phải thông qua danh sách xin phép để thẩm định cấp phép”.

Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Thái Bình đề nghị ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục NTBD trả lời thêm. Ông Tuấn nói trong 5 ca khúc tạm dừng lưu hành (tìm thấy bản gốc Con đường xưa em đi, tìm ra tác giả ca khúc Đừng gọi anh bằng chú), Cục sẽ thu thập đầy đủ dữ liệu và báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét cho phép sử dụng tiếp hay không, theo quy định pháp luật. Ông Tuấn nhắc lại: Cục thu hồi quyết định lưu hành 5 ca khúc xưa là thực hiện theo Nghị định 79 và Nghị định 15.

MỚI - NÓNG