Cung thanh, cung trầm giữa hội Lim

Hát quan họ tại nhà nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế. Ảnh: Nguyễn Trường.
Hát quan họ tại nhà nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế. Ảnh: Nguyễn Trường.
TP - Hội Lim giã bạn tối 20/2, tức 13 tháng Giêng.Dẫu còn những cấn cá đâu đó, nhưng với nhiều người, hội Lim đang dần lấy lại được những hình ảnh đẹp của một lễ hội quan trọng bậc nhất Kinh Bắc.

Vẫn nhốn nháo

Đến hội Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), du khách được nghe hát quan họ ở bất kỳ nơi nào. Ngoài sân khấu chính, Ban tổ chức bố trí 6 lán hát quan họ hai bên sườn đồi hướng lên phía chùa Lim. Tuy nhiên, do được bố trí gần nhau nên tiếng loa máy xập xình trong những gian hàng, nên phải tập trung lắm, du khách mới nghe được trọn vẹn một giai điệu. Nếu không lên đồi Lim, du khách có thể nghe hát quan họ trên thuyền trong 9 xóm quanh thị trấn Lim. Và dù đã có lệnh cấm, một vài nơi vẫn có cảnh lấy tiền, cho tiền.

Năm nay, lực lượng công an, dân quân được tăng cường, nên tình hình an ninh, trật tự tương đối tốt. Đôi lúc, một vài dân quân tự vệ, dân phòng lại ghé vào sới vật, nơi hát quan họ nhắc nhở du khách cẩn trọng tài sản của mình. 

Chính hội rơi vào thứ Bảy nên lượng du khách tăng đột biến. Theo ước tính của Ban tổ chức, khoảng 10 vạn khách du lịch đến thưởng thức quan họ trong những ngày diễn ra hội Lim.

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong sáng 20/2, ít nhất có 2 phụ nữ bị cảnh sát dẫn về chốt lập biên bản vì bị bắt tận tay khi đang móc túi. Dù thế, nhiều du khách vẫn phải vừa nghe quan họ, vừa sờ tay vào túi quần, túi áo sợ bị móc tiền, điện thoại. 

Ngoài đường, dù lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự đi tuần thường xuyên nhưng những trò chơi ăn tiền, rút thăm trúng thưởng vẫn diễn ra công khai. Có những người bấm bụng mất cả triệu bạc vì tin vào chiêu “cò mồi” của cửa hàng. Giá giữ xe vẫn luôn được các đẩy lên mức cao ngất ngưởng: 20.000 đồng/xe máy, 100.000 đồng/ô tô.

Trong hội Lim năm nay vẫn còn một số hình ảnh phản cảm. Tình trạng thay quần áo quan họ chụp ảnh ngay trước cổng chùa, du khách mặc váy ngắn đứng trên đồi bấm máy “tự sướng” vẫn diễn ra; rác thải vứt la liệt; nhà vệ sinh trên đồi vẫn tạm bợ…

Ngoài việc phủ sóng wifi toàn lễ hội cho hơn 1.500 người truy cập cùng lúc, cứ mỗi tối, Ban tổ chức lại phun nước ướt mặt đất đồi Lim. “Chúng tôi đã thử mấy ngày, thấy có hiệu quả. Đất không bị lầy mà lại giảm được bụi”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Văn hóa huyện Tiên Du, Phó Ban chỉ đạo tổ chức Hội Lim, cho biết. Tuy nhiên, sáng 20/2, do lượng người đổ về quá đông, đồi Lim lại mịt mù như có sương mù.

Thanh bình canh hát tại gia

Khác hẳn với những ồn ã nơi trung tâm hội Lim, 19 giờ tối ngày 12 tháng Giêng, tại 10 gia đình nghệ nhân của tổng Nội Duệ xưa, những áo the, khăn xếp nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh những khăn mỏ quạ đen mướt. Cụ Nguyễn Thừa Kế (97 tuổi) nhiều năm nay thường xuyên tổ chức những canh hát tại nhà. Cụ Nguyễn Văn Đặng (93 tuổi) hát quan họ, tổ chức hát từ năm 1938 tới nay.

Khách ra, vào nườm nượp, hết lớp này đến lớp khác, nhưng khá trật tự và lịch sự. Nhiều người ngồi cả ngoài sân để nghe như nuốt từng tiếng, từng đoạn nhả chữ của các nghệ nhân đã xấp xỉ trăm tuổi. Bà Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, cũng có mặt trong nhà cụ Kế trong hầu hết thời gian diễn ra canh hát. Hầu như ai đến nghe hát cũng đều nặng lòng với quan họ. Chị Ngô Thị Thanh Hải (Hải Phòng) tâm sự, 23 năm nay, hầu như năm nào chị cũng về nhà cụ Kế để nghe cụ “đổ” những bài quan họ cổ. Chị nói mình rất ấn tượng với hình ảnh các nghệ nhân ngót nghét trăm tuổi ca những điệu quan họ rất khó chứa đầy ý nghĩa và sự chiêm nghiệm. “Có lẽ các cụ sống khỏe đến chừng này tuổi chính là vì tình yêu quan họ, vì những câu quan họ cất lên hằng ngày”, chị Hải nói.

Cung thanh, cung trầm giữa hội Lim ảnh 1 Hát quan họ tại nhà nghệ nhân Bạch Thị Tám. Ảnh: Trường Phong.

Tại nhà liền chị Bạch Thị Tám (xóm Bắc Hợp, thôn Duệ Đông, thị trấn Lim) cũng có khá đông liền anh, liền chị ở thôn Hoài Thị (xã Liên Bão, huyện Tiên Du) có mặt trong đêm 12 tháng Giêng. Đây đã thành thông lệ hằng năm của liền anh, liền chị hai thôn này nên dù bận đến đâu, con trai của bà Tám là anh Bạch Trung Tín vẫn có mặt tại nhà, đón khách, pha trà, quạt nước. Và cứ thế, những câu quan họ cứ quấn quít, vuốt ve nhau cho đến tận nửa đêm. Liền anh trẻ nhất có mặt trong canh hát là anh Nguyễn Quang Trung năm nay 40 tuổi. Anh đã có thể hát được nhiều câu quan họ cổ, quan họ lề lối. Anh Trung tâm sự: “Quan họ cổ không phải cứ thuộc là hát hay được đâu mà người hát phải ngấm được cái chất quan họ, chưa ngấm thì chưa thể hay được. Mỗi canh hát thường phải có đủ các giọng: hừ la, la rằng, đường bạn, kim lan, cây gạo tứ quý… Hát hết lề lối đã mất vài tiếng rồi nên việc người quan họ “chơi” đến 1-2 giờ sáng mới giã bạn là chuyện bình thường”.

Anh Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và dạy nghề thanh niên Hải Phòng, nói: “Cứ sau khi thắp hương ở chùa Lim là mọi người trong đoàn lại kéo về nhà cụ Kế hoặc trước đây là cụ Đối (đã mất) để nghe được vài câu quan họ cổ. Giới trẻ hiện nay, nhiều em hát quan họ rất hay, rất giống quan họ cổ nhưng người nào sành quan họ có thể nhận ra ngay bởi cái độc đáo của quan họ chính là ở cách xử lý để giọng hát “nẩy” được. Cái này các cụ ngày xưa phải luyện nhiều mới có thể hát được như thế. Bây giờ có em hát thanh nhạc rất hay nhưng không thể hát “nẩy” được như thế”. 

Quan họ và tiền

Cái khó bao năm nay với quan họ Bắc Ninh vẫn là giải quyết mối quan hệ giữa quan họ và tiền. Cụm từ “quan họ ngả nón xin tiền” luôn là vấn đề được đặt ra nhức nhối trong các cuộc họp báo về tổ chức các lễ hội của Bắc Ninh. Và năm nào, lãnh đạo chính quyền địa phương cũng đều hứa: sẽ cố gắng kiềm chế, cấm và đến năm 2016 là “nghiêm cấm”. Nhưng chiều 12 tháng Giêng năm nay, những hình ảnh ấy vẫn tái diễn tại hội Lim - lễ hội lớn nhất của những người hát quan họ, những người yêu quan họ. Vì sao thế?

Nhiều cán bộ nói cũng đau lắm khi thấy những nghệ sĩ, liền anh, liền chị mớ ba, mớ bảy với áo tứ thân, với yếm thắm, với áo the, khăn xếp đi nhận từng đồng tiền của du khách. Mà có đáng gì đâu, chắc chẳng đủ tiền mua cau, trầu rồi thuê âm li, loa đài, trang phục, phấn son… Có nghệ nhân nói không muốn tình trạng này xảy ra, nhưng cũng cần phải hiểu cho những người quan họ. Nhiều du khách đứng trên bờ nhưng cứ giơ tiền ra, thậm chí ném tiền lên thuyền thì sao người quan họ lại không chìa nón để lấy, đỡ mất lòng người xem, dù rằng hình ảnh ấy là phản cảm. Rồi nhiều lán hát quan họ những năm trước để những chiếc hòm kiểu như “làm từ thiện”, nhưng thực ra khách chỉ bỏ vào khoảng 5-10 nghìn đồng, không đủ để mua một miếng trầu têm cánh phượng đúng cách của người quan họ.

Còn với người nghe, không lẽ chỉ biết vỗ tay mỗi khi những câu hát quan họ dùng dằng kẻ ở, người về chấm dứt? Có lẽ thật khó để ngoảnh mặt làm ngơ khi chiếc thuyền tre mộc mạc chở cả đoàn quan họ đang nỗ lực hết mình để cống hiến cho khán giả những câu hát quan họ được cất lên từ ngàn đời nay ở đất Kinh Bắc dừng trước mắt du khách. Nghệ sĩ cũng cần được tưởng thưởng xứng đáng để họ có thể tiếp tục cống hiến cho đời, như họa mi hót trong mưa. Và thế, cũng thật dễ hiểu khi có khán giả bỏ ra vài chục nghìn, thậm chí cả trăm nghìn đồng để thưởng cho người hát.

Cân bằng được những mối quan hệ ấy quả thật không dễ chút nào và cũng chính vì thế, cơ quan chức năng cứ cấm, nhưng thực tế vẫn cứ diễn ra, rất khó kiểm soát. Nhưng thiết nghĩ, sao không thể coi quan họ một cách gần gũi với mọi người để những câu hát tiếp tục trường tồn và lan tỏa. Hãy cứ để những liền anh, liền chị như những nghệ sĩ đường phố cống hiến hết mình cho nghệ thuật nhưng cũng không nên “quá đà” mà nhảy đồng hay hát remix giữa hội Lim hoặc trên những chiếc thuyền quan họ. Và khán giả, nếu muốn tặng thưởng cho nghệ sĩ, xin hãy làm một cách lịch sự. Nếu làm được như vậy, chắc cơ quan nhà nước cũng không cần phải ban hành lệnh cấm nữa để rồi phải mải miết kiểm tra, kiểm soát mỗi giờ.              

                Chương Huyền

MỚI - NÓNG