Cuộc “hôn phối” của hội họa và nhiếp ảnh

Cuộc “hôn phối” của hội họa và nhiếp ảnh
TPCN - Sinh năm 1942 tuổi Nhâm Ngọ,  ngay từ nhỏ Nguyễn Phép đã yêu thích hội họa. Lớn lên ở Đồng Nai, thi đậu vào Trường Mỹ Nghệ Biên Hòa, một ngôi trường khá danh tiếng thời bây giờ.
Cuộc “hôn phối” của hội họa và nhiếp ảnh ảnh 1
Họa sỹ Nguyễn Phép và những bức tranh ghép ảnh. Ảnh: Nguyễn Duy Nhất

Học vẽ, học gốm mỹ nghệ, điêu khắc, ra trường với tấm bằng hạng ưu. Làm khá nhiều tượng lớn như: Tượng Đức Trần Hưng Đạo, vòng xoay công trường Mê linh, quận 1 (thành phố Hồ Chí Minh).

Tượng Phật chùa Vĩnh Nghiêm.. Vừa gây dựng được chút tiếng tăm trong làng điêu khắc, bỗng dưng ông bỏ nghề thi vào Trường Phú Thọ học kỹ thuật.

Ra trường làm nghề dạy học. Sau năm 1975 ông mở quán bán cà phê, rồi xoay qua mở lò gốm. Năm mươi tuổi quay về với hội họa. Ông tâm sự: “Lúc mới ra trường tôi thấy muốn chuyên tâm sáng tác phải có tiền chứ cứ loay hoay đắp tượng theo ý người khác thì chán lắm. Tôi nghĩ, học bách khoa làm nghề khác kiếm ít tiền để dành, rồi tha hồ sáng tác cho thỏa chí”.

Mười năm qua, ông có gần ngàn phác thảo và thực hiện được vài chục tác phẩm, hai tác phẩm được giải thưởng Đồng Nai và khu vực. Ông dự định sẽ tổ chức cuộc triển lãm hoành tráng trong vài năm tới.

Nhưng kế hoạch sáng tác phải tạm hoãn khi ông gặp lại người bạn cũ. Niềm say mê sáng tác về đề tài trẻ em và căn bệnh nan y của chị Lê Thị Phước làm cho ông xúc động. Người bạn của ông có gần hai mươi năm cầm máy.

Nửa đời người chuyên sáng tác về trẻ em, chị có hàng chục ngàn bức ảnh về trẻ em ở mọi góc độ. Khi phát hiện mang căn bệnh không chữa được chị có ý định làm cuộc triển lãm cuối đời về trẻ em với ước mơ làm sao có thể trưng bày được hàng ngàn “gương mặt thiên thần” mà chị đã ghi lại được, trong những năm tháng lặn lội khắp mọi miền đất nước để đến với trẻ em.

Sau nhiều đêm trăn trở tìm phương án giúp bạn, họa sỹ Nguyễn Phép nảy ra ý thực hiện thể loại “Tranh ghép ảnh”. Chị Phước hưởng ứng ý tưởng của ông.

Hai người hì hục chở gần chục bao tải ảnh từ TPHCM về. Sau khi có những phác thảo, ông cặm cụi cắt rời những tấm ảnh, giữ lại gương mặt, phần rìa thì phân thành từng nhóm màu rồi ghép thành tranh.

Ông dự định sẽ làm 7 bức tranh với diện tích 1,4m x 2,5m và một bức tranh khổng lồ 2,5m x30m thì mới chuyển tải hết hàng ngàn bức ảnh của chị Phước.

Những “nụ cười thánh thiện” trên gương mặt của các em mà nhà nhiếp ảnh Lê Thị Phước kịp ghi lại, đã cuốn hút ông. Gần một năm trời, ông miệt mài làm việc, có hôm thức đến sáng, 7 bức tranh khổ 1,4m x 2,5m ra đời. Những bức tranh có tên: Đu tiên, Mẹ Việt Nam, Đất nước, lòng mẹ... Mỗi bức tranh được ghép bởi 3.000 bức ảnh trẻ em.

Khi chúng tôi đến thăm, ông đang thực hiện bức tranh khổ 2,5m x30m có tên gọi là: “Con rồng, cháu tiên” bức tranh này ông tái hiện lại hai nhân vật thiếu nhi ấn tượng nhất trong lịch sử Việt Nam, đó là: Phù đổng Thiên Vương và Cờ lau tập trận.

Thật kỳ lạ gương mặt Phù đổng Thiên Vương và Đinh Bộ Lĩnh được ghép bởi hàng trăm gương mặt trẻ thơ của hôm nay, sống động và linh hoạt đến lạ thường.

Trân trọng sự sáng tạo miệt mài của ông và của chị Phước, bạn bè đề xuất Đài Truyền hình Việt Nam xác nhận kỷ lục. Có lẽ đây là kỷ lục độc đáo nhất Việt Nam về cuộc “hôn phối” đẹp đẽ giữa tranh và ảnh.

Ông cho biết: “Chúng tôi dự định sẽ tổ chức cuộc triển lãm ở Đầm Sen hoặc Suối Tiên, để người xem có dịp tìm lại tuổi thơ của mình và những nụ cười trẻ thơ trên “ảnh trong tranh”, giúp phần xoa dịu nỗi đau của con người về bệnh tật”.

Những bức tranh độc đáo này sau khi triểm lãm sẽ được bán đấu giá để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam. Ông mong muốn báo chí giúp đỡ ông trong việc này.

MỚI - NÓNG