Đã chọn đúng 100 bài thơ VN hay nhất thế kỷ XX?

Đã chọn đúng 100 bài thơ VN hay nhất thế kỷ XX?
TP - Cuộc thi bình chọn 100 bài thơ hay nhất ở thế kỷ XX được phát động từ đầu năm 2005 do Trung tâm Văn hóa doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp tổ chức, đã được công bố kết quả vào đêm Thơ Nguyên tiêu 2007 tại Hà Nội.

Là một người yêu thơ, và giảng dạy thơ hơn 40 năm, tôi rất hoan nghênh cuộc bình chọn này và xin có thêm vài thiển ý.

Một là: Việc chỉ chọn 100 bài thơ của cả một thế kỷ là quá ít. Tôi thấy thật tiếc khi nhiều bài thơ hay của các tác giả khác đã được công chúng bấy lâu yêu thích lại vắng mặt.

Ví như Từ ấy của Tố Hữu, Tre Việt Nam của Nguyễn Duy, Quê hương của Đỗ Trung Quân, Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Thời hoa đỏ của Thanh Tùng, Viếng Lăng Bác của Viễn Phương, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân, Ngày và đêm của Bùi Công Minh, Sợi tóc của Phạm Đình Ân…

Tôi có cảm giác có sự bình quân cho một số nhà thơ được chọn, mỗi người một bài, như kiểu chia phần. Bài thơ chắc gì đã tiêu biểu cho phong cách, thi pháp của nhà thơ đó.

Tiêu chí của cuộc thi là lấy số đông yêu thích những bài thơ nhưng số đông ở đây là ai? Không ai phủ nhận số đông, nhưng liệu số đông ấy đã thật tiêu biểu cho những người biết thẩm định thơ hay chưa?

Thơ “hay” khác với thơ “yêu thích”. Có thể một số bài thơ của Bút Tre có nhiều người yêu thích nhưng chưa chắc đã hay? Có những bài thơ Đường hay nhưng chắc gì có nhiều người yêu thích?

Đó là chưa kể một câu hỏi phụ của Ban giám khảo để định giải là “Có bao nhiêu người đồng ý với cách chọn của bạn?”. Giống cuộc đố vui.

Vấn đề là tiêu chí về nội dung, nghệ thuật bình chọn ở đây là gì? Lại cần có một đội ngũ có trình độ phân tích, đánh giá. Còn số đông yêu thích  chỉ là một yếu tố để xem xét.

Không phải lúc nào chân lý cũng thuộc về số đông. Tôi thấy trong số 100 bài mà Ban tổ chức cuộc bình chọn cho là hay nhất ấy, có những bài chỉ ở mức trung bình, và biết đâu nhiều bạn đọc đồng tình với tôi.

Hai là: Tuy việc đã rồi, sách đã in nhưng theo tôi vẫn còn cách bổ sung. Đó là tiếp tục chọn 100 bài thơ hay nữa của tác giả khác, hoặc thay bài thơ hay hơn của tác giả đã được bình chọn… qua sự thẩm định một Hội đồng thơ, mà theo tôi nên giao cho Tiểu ban Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam hoặc một nhà xuất bản.

Cũng có thể chọn tên khoảng vài trăm bài thơ tạm gọi là hay, đăng lên báo để lấy ý kiến bạn đọc, rồi Ban tổ chức sẽ chọn lại. 100 bài thơ chọn lần hai này sẽ in thành tập II (100 bài đã công bố là tập I).

Làm được như vậy sẽ thoả mãn phần nào sự ngưỡng mộ thơ của số đông công chúng yêu thích thơ và sự đánh giá thơ đúng với tiêu chí của nó đối với những người hiểu sâu sắc về thế nào là thơ hay?

Bởi vì như đã trình bày ở trên có thể bài thơ hay được nhiều người yêu thích, song cũng có bài thơ người ta yêu thích nhưng chưa hẳn đã hay.

Qua công bố của nhà thơ Bằng Việt về việc xét trao thưởng cho những bạn có bài dự thi, dự đoán đúng những bài thơ hay, thì không có giải Nhất, Nhì, mà chỉ có duy nhất một giải Ba, một số giải Khuyến khích và Tặng thưởng.

Qua đó cũng thấy rằng thơ là món ăn tinh thần, không phải lúc nào cũng hợp khẩu vị của số đông. Việc làm trên của Ban tổ chức cuộc thi là nhằm tôn vinh thơ Việt Nam, khẳng định truyền thống yêu thơ của dân tộc ta, cần ủng hộ.

Tiếc là các yếu tố thẩm định thơ hay chưa hội đủ, nên chưa đạt được mục đích như mong muốn mà có thể còn phản tác dụng. 

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.