Đã xác định được bản gốc của ca khúc 'Con đường xưa em đi'

Đã xác định được bản gốc của ca khúc 'Con đường xưa em đi'
Bản gốc ca khúc Con đường xưa em đi đã được VCPMC lưu giữ và khai thác tác quyền từ năm 2004 đến nay.

Nhạc sĩ Phan Phương, Trưởng Ban hội viên Trung tâm Bảo vệ quyền Tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã cung cấp cho phóng viên hồ sơ và bản gốc ca khúc "Con đường xưa em đi" của nhạc sĩ Châu Kỳ.

Theo đó, bản gốc của ca khúc này có đoạn “Chiến trường anh bước đi” và “Nơi đây phiên gác canh dài”.

Nhạc sĩ Phan Phương cho rằng, ai đó đặt câu hỏi “Chiến trường anh bước đi là chiến trường nào” là không hợp lý. “Sao lại phải hỏi là chiến trường nào? Đây là bản gốc do nhạc sĩ Châu Kỳ cung cấp khi ông làm hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm trong việc khai thác quyền tác giả âm nhạc. Với bản nhạc này, tác giả đã ghi rõ là sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính pháp lý”, nhạc sĩ Phan Phương cho biết.

Hồ sơ hợp đồng giữa nhạc sĩ Châu Kỳ và VCPMC cho thấy, nhạc sĩ Châu Kỳ có khoảng 300 ca khúc. Tất cả đều được ông viết trước năm 1975. Hợp đồng ủy quyền này được thực hiện từ năm 2004. Đến năm 2008, sau khi nhạc sĩ mất, vợ của ông là bà Kha Thị Đàng đã ký lại.

Nhạc sĩ Phan Phương cho rằng, các dị bản của ca khúc "Con đường xưa em đi" có thể là do các ông bầu tự ý sửa để dễ dàng xin cấp phép cho ca sĩ biểu diễn. “Việc sửa lời là sai so với bản gốc và vi phạm bản quyền thì bị cấm là đúng. Hiện nay, không chỉ ca khúc “Con đường xưa em đi” mà nhiều ca khúc khác cũng đang đối diện với tình trạng có nhiều dị bản”.

Theo tài liệu do nhạc sĩ Phan Phương cung cấp, bản gốc ca khúc "Con đường xưa em đi" có giấy phép số 3577 BTT/NBC/PHNT, ngày 1/9/1969. "Nghĩa là ca khúc này được cấp phép từ thời điểm năm 1969", ông nói.

Đã xác định được bản gốc của ca khúc 'Con đường xưa em đi' ảnh 2

Nhạc sĩ Châu Kỳ có khoảng 300 ca khúc được ủy quyền cho VCPMC. Trong đó có những bài nổi tiếng như Con đường xưa em đi, Giọt lệ đài trang, Được tin em, lấy chồng ...

Ngoài ra, 5 tác giả của 5 ca khúc đang bị cấm lưu hành, ngoài nhạc sĩ Châu Kỳ, nhạc sĩ Minh Kỳ đã mất, có 2 tác giả là nhạc sĩ Lam Phương và nhạc sĩ Lê Dinh đều sinh sống ở nước ngoài. Riêng nhạc sĩ Diên An, người được nhầm là tác giả của ca khúc “Đừng gọi anh bằng chú” hiện nay vẫn đang sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, ông xác nhận, mình không phải là tác giả của ca khúc này. Hiện nay, phía VCPMCV vẫn chưa xác nhận được ai là tác giả của ca khúc "Đừng gọi anh bằng chú". 

Chia sẻ với PV, bà Kha Thị Đàng, vợ của cố nhạc sĩ Châu Kỳ cho biết, chính nhạc sĩ là người tự tay sửa những ca từ được cho là nhạy cảm trong ca khúc này.

“Vào khoảng năm 2006-2007, khi anh Kỳ còn sống, chúng tôi nghe nói bài hát bị cấm bởi có hai cụm từ "Chiến trường anh bước đi" và "Nơi đây phiên gác canh dài". Hai cụm từ này đều nói về chiến tranh.

Vậy nên tôi và anh có bàn với nhau, nếu ngành chức năng ngại hai cụm từ đó, thì chúng tôi sẽ sửa "Chiến trường anh bước đi" thành "Lối mòn anh bước đi" và "Nơi đây phiên gác canh dài" sửa thành "Nơi đây thao thức canh dài".

Nhưng chúng tôi chỉ bàn với nhau vậy chứ chưa sửa vào bản nhạc. Vậy nên tôi khẳng định, bản nhạc gốc "Con đường xưa em đi" viết là "Chiến trường anh bước đi" và "Nơi đây phiên gác canh dài".

Có thể anh Kỳ đi gặp bạn có nói về ý định sửa lời bài hát đó. Và có đơn vị nào đó xin cấp phép đã sửa bản nhạc này nhưng không hỏi ý kiến gia đình tôi", vợ cố nhạc sĩ Châu Kỳ cho biết.

Cũng theo bà Kha Thị Đàng, số tiền tác quyền VCPMC trả cho gia đình nhạc sĩ theo từng quý, cao nhất có thời điểm là 40 triệu/quý.

Theo Theo VOV
MỚI - NÓNG