Đặc sắc lễ tục cưới hỏi của người Khơmer

Đặc sắc lễ tục cưới hỏi của người Khơmer
Những ngày hội Văn hoá thể thao dân tộc Khơmer Nam Bộ lần 3 có chương trình sân khấu hoá giới thiệu về tục cưới hỏi của người Khơmer Nam Bộ.

Nhân dịp này, Bộ VHTT và Sở VHTT Trà Vinh đã phối hợp tổ chức Toạ đàm về chuyên đề “Hôn nhân & Gia đình tộc người Khơmer Nam Bộ”. TS Lê Xuân (Bộ VHTT), TS Nguyễn Khắc Cảnh (ĐHQG TP.HCM),Th.S Đặng Thị Kim Oanh (ĐH KHXH&NV)  chủ trì  buổi  toạ đàm.

Nhiều đại diện tham dự là các nhà nghiên cứu về văn hoá Khơmer, các sư sãi chùa Khơmer, các nhà khoa học và quản lý văn hoá các tỉnh thành Nam Bộ đã nêu những ý kiến, tài liệu nghiên cứu về tập tục cưới  gả của người dân tộc Khơmer ở các nơi. Hình thức, nghi lễ cơ bản trong lễ cưới người Khơmer ảnh hưởng sâu đậm Phật giáo Tiểu thừa từ Chùa Khơmer địa phương. Những lễ buộc phải có là: người mai mối (pi-thi che-thâu), Ngày nhập gia (Thngay chôl-rôn), ngày cưới (Thngay si com-not), mở rào, cột chỉ tay (pithi chon-day)…

Gần như lễ cưới nào của Khơmer cũng có, chỉ khác nhau vài chi tiết về trình tự, cách thức không cơ bản. Các lễ cưới đều có sự phán quyết và chỉ dạy của sư cả Chùa Khơmer và bậc trưởng lão. Những phán quyết chỉ dạy đều đề cao nhân cách, phẩm hạnh của cô dâu, trong đó có 10 điều răn rất bổ ích (của bà con Khơmer Sóc Trăng) như : “Không lấy lửa trong nhà mình ra cho người ngoài; Không lấy lửa từ ngoài mang vào trong nhà…” rất dung dị, gần gũi mà sâu sắc vô cùng.

Nhiều đại  biểu  đề nghị Bộ VHTT cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề nghiên cứu, bảo tồn lễ cưới hỏi theo lễ tục Khơmer. Có đại biểu đề cao biểu trưng “Bông Cau” trong lễ cưới dân tộc Khơmer, không giống như “hoa” cưới của nhiều dân tộc anh em khác. Người Khơmer chỉ dành Bông Cau cho ngày cưới, mà không dùng cho bất cứ lễ lộc gì khác. Hoa cau biểu trưng  sự trinh trắng, tín vật của họ tộc và sự thanh khiết, trinh trắng, thuỷ chung của cô gái Khơmer.

MỚI - NÓNG