Đài của riêng họ sao?

TP - Về chương trình của các kênh truyền hình, tôi có câu chuyện thế này. Tôi gặp nhiều nhà Việt Nam học đến Hà Nội công tác. Họ mời tôi đến khách sạn, nơi họ lưu trú. Thật là lạ, các nhà Việt  Nam học từ nhiều nước khác nhau đều nói với tôi một câu giống nhau: “Truyền hình nước bạn chán quá. Các kênh đều tẻ nhạt giống nhau”. Tôi rất ngượng. Có lẽ họ trách vì thấy tôi làm công việc biên kịch, có dính dáng chút ít đến truyền hình. 

1/ Tôi sang nước họ công tác, họ đến khách sạn thăm, có lần một người trước khi ra về, nói: “Lúc rảnh, xem truyền hình nhé. Khác Việt Nam nhiều lắm!”. Tôi xem. Và thấy các kênh khác nhau thật. Nội dung rất phong phú. Tôi cứ ước, bao giờ truyền hình của mình được như họ.

Đài của riêng họ sao? ảnh 1 Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn.

2/ Tôi vừa dạy xong một lớp Biên tập truyền hình (một khóa học 4 năm). Tham khảo nhiều sách nước ngoài, tôi thấy các chuyên gia thường phê phán “nguyên tắc” của truyền hình: Khán giả có thể chấp nhận tất cả. Dựa vào “nguyên tắc” này mà các kênh truyền hình phá vỡ các “nguyên tắc” khác như chèn ép thông tin, không quan tâm đến người xem, đặt lợi nhuận lên trên hết.

Tất cả những điều hay lẽ phải, chúng tôi gắng truyền đạt đến sinh viên. Nhưng tôi biết, ra trường các em rất khó có điều kiện làm nghề hoặc, những kiến thức đúng đắn các em được học, sẽ bị “con quái vật” truyền hình nghiền nát hết. Bởi làm truyền hình chịu rất nhiều áp lực. Trong đó, áp lực lợi nhuận đặt lên hàng đầu. Một nhà nghiên cứu truyền thông tâm sự với tôi: “Lạ thật. Truyền hình là một cơ quan văn hóa nhưng tôi không thể nào tìm thấy chút văn hóa gì trên đó!”.

3/ Trường hợp Trấn Thành. “Không xem thì tắt TV đi!”. Câu này có một người nói trước, lâu rồi. Mà anh này không nói thì nhiều anh khác sẽ nói.  Đó là thái độ ngạo mạn, nhiều người đã phê phán. Đài của họ sao? Chương trình của họ sao? Sao họ dám mắng khán giả như vậy? Đạo đức nghề nghiệp ở đâu? Họ là sản phẩm của ai vậy? vv... Nhiều câu hỏi nhưng có chung một câu trả lời. 

Tôi đọc nhiều bài của các nhà phê bình nước ngoài viết về các danh hài nói chung, hầu như ai cũng nhận xét: rất khó tìm ra những phẩm chất mang tính trí thức trong những diễn viên hài tầm thường. Trở lại nhận xét (1), tôi cảm thấy, không riêng Trấn Thành có lỗi, mà đó là lỗi hệ thống của những người làm công tác quản lý, sản xuất và ê-kíp thực hiện chương trình. Môi trường văn hóa thế nào thì sẽ sinh ra sản phẩm như thế. Chẳng có nước nào như nước mình. Danh hài “chạy rông trên khắp diễn đàn” (Thơ Ý Nhi).

MỚI - NÓNG