Phương án bảo tồn khu di tích Đàn Xã Tắc:

Đàn Xã Tắc: Sẽ lấp cát bảo quản các hố đã khai quật

Đàn Xã Tắc: Sẽ lấp cát bảo quản các hố đã khai quật
TP - Mới đây, UBND thành phố Hà Nội có văn bản gửi Bộ VH-TT xin ý kiến chỉ đạo về phương án bảo tồn theo đề nghị của Sở VH-TT Hà Nội và Viện Khảo cổ học bằng phương pháp tiến hành lấp cát bảo quản các hố khai quật tại khu di tích Đàn Xã Tắc.
Đàn Xã Tắc: Sẽ lấp cát bảo quản các hố đã khai quật ảnh 1
Một phần di tích Đàn Xã Tắc - Ảnh: T.L

Vậy vì sao cần tiến hành lấp cát để bảo quản di tích và phương pháp này dự định được tiến hành như thế nào?

Trong “Tờ trình phương án bảo tồn các hố khai quật khảo cổ khu vực Đàn Xã Tắc” của Sở VH-TT và Viện Khảo cổ học gửi UBND thành phố Hà Nội, cho biết cuối tháng 2 vừa qua, hai cơ quan này đã thống nhất được các nội dung về phương án bảo tồn các hố khai quật di tích Đàn Xã Tắc.

Về đặc điểm và hiện trạng di tích, Viện Khảo cổ học và Sở VH-TT có chung nhận định rằng, các di tích xuất lộ được xác định là khu vực Đàn Xã Tắc, là di tích khảo cổ nằm dưới lòng đất ở độ sâu khoảng từ 1,0m đến hơn 2,0m, không nằm cùng một địa hình bằng phẳng mà có chỗ cao, chỗ thấp với các độ cao khác nhau.

Hơn nữa, các di tích lại nằm trực tiếp trên đất, không kết khối và không có kết cấu vững chắc, rất mong manh, dễ bị hư hại và thậm chí sẽ bị phá hủy nhanh chóng bởi tác động của môi trường và con người.

Bên cạnh đó, toàn bộ khu di tích này đang để lộ thiên, không có mái che bảo vệ và không có hệ thống tiêu thoát nước. Nếu không sớm có các giải pháp bảo quản cấp thiết và kịp thời đối với khu vực di tích thì các hố khai quật rất dễ bị phá hủy, đặc biệt trong những ngày mưa sắp tới.

Đàn Xã Tắc: Sẽ lấp cát bảo quản các hố đã khai quật ảnh 2

Trên cơ sở nhận định và đánh giá trên, cả hai cơ quan đã đưa ra giải pháp bảo quản là: Dùng cát và giấy chuyên dụng để che phủ lên bề mặt toàn bộ các di tích trong hố khai quật.

Lý giải về việc sử dụng giải pháp này, cơ quan chức năng phân tích rằng, là bởi nó có nhiều ưu điểm đối với các di tích khảo cổ quan trọng, đang cần được bảo vệ, bảo tồn để tiếp tục nghiên cứu và phát huy giá trị lâu dài.

Giúp cho việc bảo quản di tích nằm ổn định dưới lòng đất như giữ được độ ẩm và không bị tác động trực tiếp bởi môi trường và con người.

Việc lấp cát không làm đất bị nứt vỡ khi trời nóng và không để đất tan rã thành bùn khi trời mưa. Khi cát che phủ lên trên bề mặt di tích chính là tạo khối đóng kín di tích, tạo thành khối cách biệt làm cho di tích không bị tác động trực tiếp bởi môi trường và con người.

Đồng thời, cát cũng là loại vật liệu vừa giữ độ ẩm rất tốt lại vừa dễ dàng dỡ bỏ khi cần thiết để tiếp tục nghiên cứu hay bảo tồn di tích. Thêm nữa, biện pháp này tiết kiệm được kinh phí, lại dễ thực hiện, không phức tạp và không đòi hỏi trình độ công nghệ cao.

Giải pháp này đã từng được áp dụng tại nhiều di tích khảo cổ học quốc tế và trong nước.

Sở VH-TT và Viện Khảo cổ học cũng đã đưa ra được phương pháp lấp cát, bao gồm trải qua ba bước. Bước một, dọn vệ sinh bề mặt di tích, kiểm tra và gia cố cẩn thận đối với những phần, khu vực di tích dễ bị sập lún hay xê dịch hoặc bị hư hỏng.

Bước hai, sử dụng giấy chuyên dụng của Nhật Bản hoặc Trung Quốc để bao phủ toàn bộ bề mặt của di tích. Và cuối cùng là phủ cát từng lớp lên bề mặt di tích.

Trên cơ sở đồng thuận về mặt quan điểm, giải pháp và phương pháp bảo tồn khu vực di tích Đàn Xã Tắc, hai bên cũng đã thống nhất về trách nhiệm.

Viện Khảo cổ học có trách nhiệm kiểm tra lại toàn bộ tư liệu, bản vẽ, bản ảnh, nhật ký ghi chép hiện trạng, tọa độ các dấu tích quan trọng và có biên bản xác định hiện trạng di tích đã được hoàn chỉnh;

Cử cán bộ chuyên môn giám sát kỹ thuật trong quá trình lấp cát các hố khai quật theo yêu cầu kỹ thuật; Xác định phạm vi, quy mô bảo tồn di tích trên sơ đồ để Sở VH-TT Hà Nội tổ chức quản lý và bảo vệ.

Sở VHTT Hà Nội có trách nhiệm thực hiện việc lấp cát; Phối hợp với Ban quản lý các dự án trọng điểm và phát triển đô thị thành phố và chính quyền địa phương tổ chức công tác quản lý, bảo vệ sau khi có biên bản bàn giao mặt bằng của Viện Khảo cổ học.

Như vậy, sau một thời gian nghiên cứu, trao đổi các cơ quan chức năng có liên quan đã đề xuất được phương án bảo tồn khu vực di tích Đàn Xã Tắc.

Đàn Xã Tắc: Sẽ lấp cát bảo quản các hố đã khai quật ảnh 3

Nhận được thông tin này, chúng tôi đã có dịp trao đổi với một số chuyên gia bảo tồn di tích thì cũng nhận được sự đồng thuận cao về phương án lấp cát để bảo vệ di tích.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, Tờ trình của thành phố tỏ ra hơi đơn giản vì nó chỉ mới đề cập đến một vế vấn đề là bảo tồn di tích, còn hình thức tôn vinh, lưu niệm khu vực di tích này như thế nào lại để trống.

Họ lập luận, trong hoàn cảnh hiện nay, rất khó làm được bảo tàng ngoài trời, hơn nữa đây lại là nút giao thông trọng điểm bởi vậy lấp cát toàn bộ để bảo tồn và sau này có điều kiện sẽ khai quật trở lại.

“Nhưng, ít ra thành phố cũng nên đề xuất hình thức tôn vinh, lưu niệm di tích bằng cách lập bia chỉ dẫn di tích, còn ở diện tích lấp cát, trên đó đổ nhựa đảm bảo lưu thông thì cũng nên sử dụng màu sắc như ngũ sắc như thế nào để cho những người đi qua nhận biết” - Nhà Sử học Dương Trung Quốc kiến nghị.

Được biết, sau khi xem xét, Bộ VH-TT đã đồng ý về mặt nguyên tắc nhưng cũng lưu ý đến nhiều khía cạnh khác như hình thức lưu niệm đối với khu vực di tích Đàn Xã Tắc như thế nào.

MỚI - NÓNG