Đằng sau ca khúc “Tổ Quốc gọi tên mình”

Dàn Người đẹp Hoa hậu Việt Nam 2014 cùng Nghệ sĩ ưu tú Tạ Minh Tâm quay MV “Tổ quốc gọi tên mình” trên hòn đảo Đồi Mồi, Phú Quốc. Ảnh: Hồng Vĩnh
Dàn Người đẹp Hoa hậu Việt Nam 2014 cùng Nghệ sĩ ưu tú Tạ Minh Tâm quay MV “Tổ quốc gọi tên mình” trên hòn đảo Đồi Mồi, Phú Quốc. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Có thể nói “Tổ Quốc gọi tên mình” từ khi ra đời (2011) đã thực sự trở thành ca khúc có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất tính tới thời điểm này khi được hàng triệu người biết đến và hàng trăm ca sỹ tên tuổi thể hiện. Người góp phần làm nên ca khúc này là nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn. Hiện anh đang sống ở một vùng biển nghèo Phan Rí - Ninh Thuận. Nhạc sỹ chia sẻ về hoàn cảnh ra đời ca khúc này.

Bước ngoặt

“Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo này. Vùng quê tôi có truyền thống yêu nước và gần như nhà nào cũng có người đi theo Cách Mạng. Nhà tôi có 4 liệt sỹ” - Nhạc sỹ mở lời câu chuyện. Ba mẹ Đinh Trung Cẩn đều tham gia Cách Mạng, trong đó ba từng bị tù giam ở chuồng Cọp (Côn Đảo) 7 năm trời, mẹ cũng nhiều lần bị địch bắt giam, tra tấn dã man. Chính vì những trận đòn của địch mà sau khi đất nước thống nhất không bao lâu, Đinh Trung Cẩn trở thành trẻ mồ côi khi mẹ lâm bệnh mất. Sống với bà ngoại, cậu bé Cẩn có một tuổi thơ đầy gian khó. Hằng ngày, ngoài giờ học cậu chỉ biết làm bạn với những bờ cát khô cằn luôn vắng bóng người.

Nhà không có người theo nghiệp âm nhạc, nhưng Cẩn lại thích chơi nhạc và tự mình tập chơi. Nhờ chỉ dẫn của vài người lớn tuổi, Cẩn đã chơi thành thạo khá nhiều nhạc cụ và được mời tham gia trong ban nhạc của địa phương. Cẩn được tin tưởng, giao cho nhiều công việc văn hoá và thậm chí được giao phụ trách Đài truyền thanh Phan Rí Cửa (Huyện Tuy Phong- Bình Thuận). Nhưng đang ổn định với công việc của một cán bộ Văn hóa và nằm trong quy hoạch cán bộ của địa phương thì đột nhiên Cẩn bỏ tất cả để thi vào Nhạc viện TPHCM. Cẩn bảo: “Tôi yêu âm nhạc, dù tỉnh đồng ý tạo điều kiện cho tôi đi học hàm thụ với kinh phí do Nhà nước lo, nhưng tôi không thích như thế, tôi muốn tự đi bằng chính khả năng của tôi”. 4 năm trời không đồng tiền trợ cấp, vào TPHCM với 2 bàn tay trắng, Đinh Trung Cẩn đã sống cuộc đời sinh viên đúng nghĩa. Vừa đi học, vừa làm thuê làm mướn, chàng trai xứ biển nghèo đã vượt qua thử thánh đó bằng vị trí thủ khoa của khoa Lý luận- Sáng tác- Chỉ huy của Nhạc viện và được giữ lại trường để làm giảng viên. Dường như chưa muốn an phận với nghề thầy giáo, Cẩn quyết định theo hướng khác là tiếp tục học lên cao học. Nhưng số phận đã không chiều theo ý chàng trai trẻ khi Bộ Văn hóa đề nghị tuyển dụng Cẩn làm đạo diễn tổ chức sự kiện. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời bởi nó tạo cơ hội cho Cẩn được làm đúng công việc yêu thích cũng như được đi khắp đất nước.

Đằng sau ca khúc “Tổ Quốc gọi tên mình” ảnh 1

Bản thảo ca khúc phổ thơ “Tổ Quốc gọi tên mình”

Cơ hội đầu tiên đến với Đinh Trung Cẩn là được giao tổ chức Hội nghị Văn hóa các dân tộc và Giao lưu kinh tế năm 2000 tại TPHCM. Cẩn đã cùng ê kíp của mình rong ruổi đi thực tế mấy tháng liền từ Nam ra Bắc, để tìm cho ra nét đặc sắc trong đời sống kinh tế văn hóa từng dân tộc. Theo Cẩn, khó nhất là tìm ra Điểm nhấn - Nét đặc trưng của từng dân tộc thì mới có thể tạo được dấu ấn cho triểm lãm. Hội nghị được người xem đánh giá cao và Cẩn được tin tưởng để trở thành một đạo diễn của nhiều chương trình lớn khác như “Ngày hội văn hóa các dân tộc”. Các chương trình giao lưu Văn hóa cấp Quốc gia và cấp khu vực Asean, Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đặc biệt “Đất nước trọn niềm vui” đêm 30/4/ 2015…

Nhưng dấu ấn in đậm nhất với Đinh Trung Cẩn vẫn là mảng sáng tác. Những ca khúc của Cẩn mang nét riêng, thấm đẫm cảm xúc và mang hơi thở của cuộc sống như “Bên em thành phố biển”, “Biển hát ơn người”… Đặc biệt, Cẩn sáng tác nhiều ca khúc về mẹ, từ “Mẹ tôi” cho đến “Mẹ và Tổ Quốc”. Theo Cẩn, mẹ không chỉ là người mẹ sinh ra mình mà mẹ còn là Tổ Quốc, là quê hương đã bảo bọc, nuôi nấng và cho mình trưởng thành. Và từ tình yêu Mẹ, Cẩn đã trăn trở để rồi cho ra đời ca khúc làm lay động hàng triệu con tim: “Tổ quốc gọi tên mình”.

Cơ duyên

Đinh Trung Cẩn kể: “Vào dịp cuối năm 2011, trước tình hình biển đang dậy sóng, là một người yêu nước, tôi muốn làm một điều gì đó, muốn thể hiện cái gì đó với Tổ Quốc. Rồi trong một lần lang thang lên mạng, tôi bắt gặp bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Bài thơ tuy ngắn nhưng có độ nén rất cao, giàu tính nhạc. Tôi đọc tới đọc lui bài thơ mấy lần và bỗng thấy giai điệu hùng tráng, mạnh mẽ vút lên. Tôi ôm đàn, ngân nga và viết rất nhanh. Cảm xúc đang tuôn trào ra nên tôi viết chỉ chừng 20 phút là xong ca khúc. Nghe lại một lần nữa, tôi thấy đây đúng là điều mà tôi đang tìm kiếm, đang khát khao”.

Đằng sau ca khúc “Tổ Quốc gọi tên mình” ảnh 2

Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn và nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cùng ký vào lá cờ Tổ Quốc

Dù đã rất tự tin ca khúc sẽ thành công nhưng, điều Đinh Trung Cẩn vẫn không ngờ tới là nó lại có sức lan tỏa mạnh mẽ đến thế. Công bố chưa bao lâu, ca khúc đã trở thành một hiện tượng khi nhận được sự đón nhận của hàng triệu người nghe. Hàng trăm ca sỹ đã chọn “Tổ Quốc gọi tên mình” để trình bày, hàng trăm chương trình đã chọn ca khúc để thể hiện. “Tổ Quốc gọi tên mình” đoạt liền 2 giải A của Hội Nhạc sỹ TPHCM và Hội Nhạc sỹ Việt Nam trong cùng một năm và được vinh danh rất nhiều lần trong các liên hoan, trong các chương trình giao lưu trong và ngoài nước. Nhưng điều tự hào nhất với Đinh Trung Cẩn lại không phải ở giải thưởng, không phải ở sự vinh danh mà lại là chỗ đứng của ca khúc trong lòng khán giả. 

Đinh Trung Cẩn kể, điều làm anh hạnh phúc là rất nhiều đêm, có những cuộc gọi chỉ để: “Chúng tôi đang hát Tổ Quốc gọi tên mình đây anh ơi. Sao nghe thiêng liêng, dạt dào đến thế”. Và nhiều lần Cẩn đã khóc khi nghe cuộc gọi từ những chiến sỹ ở Trường Sa. Họ đã hát ca khúc ngay ở tuyến đầu nóng bỏng. “Tổ Quốc gọi tên mình” đã vượt khỏi ranh giới quốc gia để hiện diện, để trở thành niềm tự hào, nỗi khát khao đến cháy bỏng của người Việt trên khắp thế giới.

Đinh Trung Cẩn đã hát “Tổ Quốc gọi tên mình” hàng ngàn lần, khi thì nơi địa đầu Tổ quốc, khi thì ở đất mũi Cà Mau... Lần nào cũng xúc động xao xuyến. Nhạc sỹ nhớ nhất là chuyến về nguồn năm 2014, anh đã ôm đàn hát giữa nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, cùng hàng trăm cựu chiến binh trong đoàn. Cẩn vừa hát vừa khóc, khóc bởi sự hy sinh lớn lao của bao liệt sỹ mà trong đó có cả phần máu thịt của gia đình anh. Khóc bởi trách nhiệm lớn lao mà các liệt sỹ đã trao lại cho những người còn sống. “Mọi người trong đoàn ai cũng khóc, ai cũng hòa mình trong “Tổ Quốc của tôi, Tổ Quốc của tôi. Mấy ngàn năm chưa bao giờ yên nghỉ…”.

Nói về ca khúc này, Đinh Trung Cẩn cho rằng: “Nguyễn Phan Quế Mai là người yêu nước đến cháy bỏng. Bài thơ “Tổ Quốc gọi tên” của cô ấy đã nói lên điều đó. Và chúng tôi cùng đồng điệu trong tình yêu lớn lao, tình yêu Tổ Quốc mình.

Đêm trên biển Phan Rí, Đinh Trung Cẩn lại ôm đàn hát. “Tôi đang nghe Tổ Quốc gọi tên mình bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng sa dội vào ghềnh đá, tiếng Tổ Quốc vọng về từ biển cả...”. Tiếng sóng đang dội về, và phía xa xa, ánh đèn như mắt biển đang thức canh dáng hình Tổ quốc. 

Bản thảo ca khúc “Tổ Quốc gọi tên mình” do Đinh Trung Cẩn soạn phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã được đưa vào bảo tàng Quân đội và ca khúc trên đã được đánh giá là một trong những ca khúc hay về đất nước của những năm đầu Thế kỷ 21.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai tự sự: “Năm 2011, tình hình biển Đông đang căng thẳng, với tư cách là một nhà văn khi đang ở Hà Nội tôi nhận được lời đề nghị viết về chủ quyền biển đảo. Tôi không dám hứa bởi đang bận nhiều công việc. Rồi tôi lên máy bay bay đi Philippines. Máy bay cất cánh. Tôi nghiêng người nhìn qua cửa sổ. Hà Nội trải dài dưới mắt tôi. Tổ Quốc tôi đó, những ngôi nhà nhỏ xinh lấp lánh ánh nắng, những thửa ruộng ngời lên như ngọc, những lùm cây xanh thẳm bình yên đang tỏa bóng xuống dòng sông Hồng uốn quanh một dải lụa mềm. Điều gì sẽ xảy ra nếu sự bình yên ấy bị một thế lực nào giày xéo? Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó cắt rời những tấc biển khỏi tấc đất Việt Nam? Ôi Tổ Quốc, Tổ Quốc! Tôi gọi thầm và chợt tiếng động cơ máy bay như tiếng sóng vọng về…”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.