Đặng Thiều Quang và hành trình bóc vỏ chính mình

Đặng Thiều Quang và hành trình bóc vỏ chính mình
TP - Tiểu thuyết Bóng Giai Nhân dày đặc các tình tiết tán tỉnh và giường chiếu. Đặng Thiều Quang ứng xử như thể chuyện giường chiếu là bình thường, và viết ra một cách nhẹ nhàng. Bằng cách ứng xử này, tôi hình dung Đặng Thiều Quang đang bóc vỏ chính mình...
Đặng Thiều Quang và hành trình bóc vỏ chính mình ảnh 1
Đặng Thiều Quang

Văn chương với nhà văn không phải là nơi du ngoạn và thưởng thức của ngon vật lạ. Thực sự đây là một hành trình gian khổ của người viết khám phá thế giới để rồi quay lại khám phá chính bản thân mình. Quá trình này diễn ra liên tục không ngừng nghỉ.

Cách đây chưa lâu, người ta nghĩ văn chương cũng là một công cụ tuyên truyền, giáo dục. Từ đó, tác phẩm văn chương cũng bị áp đặt một cái “chuẩn” mang tính đạo đức. Điều đáng nói ở đây là sự áp đặt đạo đức này cản trở khá nhiều đến nghệ thuật văn chương.

Nhà văn trước tình thế đó, cũng phải cân nhắc khi viết và lối sáng tác ấy đã đẻ ra một thứ văn chương phải đạo, theo cách nói của một nhà phê bình uy tín.

Thế nhưng, gần đây, đã hình thành những khuynh hướng sáng tác mới, lấy cái tôi cá nhân làm trung tâm. Khi đó, nhà văn và các nhân vật của mình bứt dần ra khỏi ảnh hưởng của đám đông. Thậm chí đã có những nhà văn viết với ý thức phá tan sức ép của đồng phục tinh thần.

Tôi nghĩ Đặng Thiều Quang nằm trong số những nhà văn đó.

Bao trùm lên không khí của Bóng Giai Nhân là nỗi ám ảnh của những mối tình, những người đàn bà trong quá khứ với nhân vật chính. Hành trình nhân vật tìm và gặp họ cũng chính là hành trình tìm và gặp lại chính mình.

Câu chuyện phát triển theo một bước ngoặt bất ngờ: Nhân vật chính (Dần) đã nhập vào với người bạn đã chết (Tiểu Đăng) trở thành một nhân vật đa nhân cách và sống một cuộc sống vay mượn. Hoặc, có thể hiểu Dần đã đánh mất mình dần dần để trở thành Tiểu Đăng. Hoặc chính Dần đã biến mất, còn Tiểu Đăng bị bệnh tâm thần luôn nghĩ mình chính là Dần.

Dù sao đi nữa thì cái tình thế đa nhân cách và lẫn lộn ký ức mà Đặng Thiều Quang tạo ra cũng khá ấn tượng, đáng ghi nhận. Nó như một phản đề, khiến độc giả phải đặt ra những câu hỏi phản tỉnh cho mình: Liệu có đúng là chuyện đó đã xảy ra trong đời? Liệu đó có phải là con người mình? vv và vv... những câu hỏi loại này đều là những xung động kích hoạt có ích cho con người tìm hiểu chính mình – thế giới gần nhất nhưng thường bị bỏ quên.

Nhân vật Dần của Đặng Thiều Quang còn là loại nhân vật đánh mất bản thân (vong thân). Anh ta sống lẩn lút giữa cuộc đời và giữa văn chương, với những tác phẩm tiểu thuyết ba xu mà anh ta viết ra hàng đống đến mức không còn nhớ mình viết gì nữa. Riêng với nhân vật này, dường như Đặng Thiều Quang đã tự trào công việc viết văn của mình?

Cuốn tiểu thuyết còn có thêm một phần không tên, trong đó nhà văn Dần đối diện với các nhân vật của mình. Đây là một phần khá thú vị với ngôn ngữ văn phong khác hẳn với phần trước và thậm chí khác hẳn với văn phong nói chung của Đặng Thiều Quang. Cuộc chơi thật - ảo được đẩy thêm một bước mới.

Không chỉ tự vấn về công việc viết văn, Bóng Giai Nhân còn như nơi để tác giả tự vấn về chính mình. Tiểu thuyết này dày đặc các tình tiết tán tỉnh và giường chiếu.

Những câu chuyện tình ái của Dần, của Tiểu Đăng với những cô gái của thời xa xưa, kinh nghiệm nhớ đời của lần chứng kiến cô gái phương Tây tắm tiên, những cuộc tình với những cô gái của ngày hôm nay (cô phục vụ quán ăn có bộ ngực quá cỡ với chiếc áo không cài đủ khuy; V – cô gái còn đang đi học...). Nhưng tác giả không mô tả chỉ để mà mô tả. Tâm lý nhân vật được thể hiện khá tinh tế. Đây là một cuốn tiểu thuyết tràn đầy sex nhưng đẹp.

Tôi tin đằng sau tất cả những trang văn này là cả một tự sự, tự vấn, tự nghiệm của chính tác giả. Dĩ nhiên, đây là một tiểu thuyết hư cấu (fiction) chứ không phải phi hư cấu (non fiction), nhưng trải nghiệm của nhà văn rất sâu. Điều đáng nói là Đặng Thiều Quang đã bình thản viết ra tất cả.

Đặng Thiều Quang và hành trình bóc vỏ chính mình ảnh 2

Trong mỗi nhà văn đều có một khao khát viết ra sự thật, nhưng từ khao khát đến hành động viết là cả một dòng chảy không thiếu thác ghềnh. Người ta đã nói nhiều đến tự do sáng tác, nhưng ít người nhớ rằng, tự do sáng tác đầu tiên là ở tác giả, do tác giả quyết định.

Do nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân đầu tiên là đạo đức (lại đạo đức!), các nhà văn chúng ta rất hay sợ những vấn đề cấm kỵ, như chuyện sex. Khuynh hướng tự kiểm duyệt này dẫn đến tình trạng nhà văn né tránh không nhắc đến, hoặc viết chung chung, thậm chí phóng đại vô lối (cũng là một kiểu né tránh)...

Nhưng Đặng Thiều Quang đã không làm thế. Anh ứng xử như thể chuyện giường chiếu là bình thường, và viết ra một cách nhẹ nhàng. Bằng cách ứng xử này, tôi hình dung Đặng Thiều Quang đang bóc vỏ chính mình, qua cả một chuỗi những truyện ngắn, và những tiểu thuyết anh xuất bản gần đây như Chờ Tuyết Rơi, Đảo Cát Trắng và nay là Bóng Giai Nhân. Và có thể nói, đây là một ứng xử dũng cảm, trong sáng tác.

Tuy nhiên, có một nguy cơ chờ đợi Đặng Thiều Quang phía trước. Đó là khi bóc vỏ chính mình, mài mình ra theo từng trang viết, nhà văn trong anh sẽ mòn dần, nghèo đi.

Ngoài ra, Bóng Giai Nhân và một số tiểu thuyết khác của Đặng Thiều Quang vẫn khiến người ta nghĩ đến một vài bóng hình của những cây bút nổi tiếng thế giới đã được dịch ra Việt ngữ. Đây không phải là vấn đề của một tình tiết hay đoạn văn nào đó, mà tôi xin nhấn mạnh là âm hưởng, ảnh hưởng mờ nào đó.

Đó cũng là điều mà Đặng Thiều Quang cần nỗ lực vượt thoát.

17/8/09

MỚI - NÓNG